Phát huy vai trò công tác hòa giải ở cơ sở
20:12', 3/2/ 2013 (GMT+7)

Thời gian qua, nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ chức, hội, đoàn thể, đồng thời áp dụng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những bước chuyển biến đáng kể. Trong năm 2012, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận trên 2.500 vụ việc và tổ chức hòa giải thành trên 80% số vụ việc, góp phần giữ ổn định trật tự xã hội các địa phương.

Thông thường, khi tiến hành hòa giải một vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng, các thành viên của tổ hòa giải (gồm trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên, người có uy tín trong khu dân cư, chức sắc tôn giáo…) sẽ nhiều lần gặp gỡ các bên để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng, tham khảo ý kiến mọi người để xây dựng phương án hòa giải. Hòa giải xong, tổ vẫn theo dõi, nắm tình hình, kịp thời xử lý triệt để, không để mâu thuẫn tái phát trở lại.

 

Tổ hòa giải Hội Phụ nữ xã Ân Hữu (Hoài Ân) đang tham gia hòa giải một trường hợp mâu thuẫn trong sinh hoạt ở khu dân cư.

Thấu tình, đạt lý

Như, để hòa giải vụ mâu thuẫn gia đình nghiêm trọng khiến nàng dâu bị mẹ chồng “từ” gần một năm trời của gia đình chị H.T.P. (thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), tổ hòa giải thôn đã tìm đến nhà mẹ chồng của chị P. để tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi nghe mẹ chồng chị P. kể lại nguồn cơn của sự mâu thuẫn, các thành viên trong tổ đã mềm mỏng thuyết phục: “Dù sao thì con dâu bác cũng còn trẻ, có những suy nghĩ chưa tới, nên có những hành động chưa phải”. “Tui thương con, thương cháu, lo cho nó từng chút một, nhưng nó “mất dạy”, tui từ cho xong” – mẹ chồng chị P. nói. “Biết là không thể tha thứ cho việc đốt quần áo của mẹ chồng, nhưng mà, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại, bác à”… Cứ thế, cuộc nói chuyện chuyển từ “không thể tha thứ” sang sự giận dỗi của người lớn tuổi, rồi xuôi dần.

Và tổ hòa giải lại tiếp tục gặp chị P. để phân tích cái sai của chị. Chị P. cũng đã nhận ra lỗi của mình, nhưng vì ngại va chạm và cũng sợ mẹ chồng không tha thứ nên không mở lời xin lỗi mẹ trước. Sau khi hai bên nghe tổ hòa giải giải thích cặn kẽ, thấu tình, đạt lý, cuối cùng mọi việc cũng ổn thỏa, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận trở lại.

Hoặc như trường hợp của bà Đinh Thị X. (thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh) bị ông Nguyễn V. làm đơn khiếu kiện rằng bà X. đã làm hàng rào lấn sang đất nhà mình 0,5 m đất. Lá đơn đã làm cho tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ tưởng chừng không thể hàn gắn được. Tuy nhiên, sau khi được Hội đồng hòa giải xã đến xác minh thực trạng thửa đất, đồng thời vận động để các bên ngồi lại nói chuyện với nhau thì những khúc mắc giữa ông V. và bà X. được giải tỏa.

Góp phần ổn định trật tự xã hội

Thời gian qua, công tác phối hợp hòa giải các vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được thực hiện khá hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2012, huyện Hoài Nhơn đã tham gia hòa giải thành 121/155 vụ (78%); Vĩnh Thạnh 36/42 (85%) vụ; TP Quy Nhơn 159/211 vụ (75%); Hoài Ân 299/352 vụ (85%), chủ yếu là gia đình bất hòa, tranh chấp đất đai…

Đến nay, toàn tỉnh có 1.158 tổ hòa giải với trên 8.200 hòa giải viên. Trong năm 2012, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 2.517 vụ việc, đã tổ chức hòa giải thành 2.024 vụ việc (đạt 80,4%).

Ông Hồ Văn Nên, Hội Luật gia huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ kinh nghiệm: “Ngoài việc lắng nghe, phân tích cho hai bên hiểu vấn đề, chúng tôi phối hợp với người lớn tuổi, người đứng đầu dòng tộc để vận động các cá nhân tuân thủ pháp luật”. Còn với bà Trần Thị Bích Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, người có gần chục năm làm công tác hòa giải, thì “bí quyết” là: “Tôi luôn giữ cho mình cái nhìn công tâm, không xem trọng hay xem nhẹ bên nào, luôn khách quan chỉ ra cái đúng, cái sai của hai bên. Có như vậy, họ mới “tâm phục, khẩu phục”, chịu nghe phân giải. Để làm được điều này, phải tập cho mình tính, kiên nhẫn và mềm mỏng; đồng thời tạo cho mọi người sự tin tưởng, để họ có thể giãi bày nỗi niềm”.

Thực tế cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ ổn định trật tự xã hội, tạo đà cho phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ được dàn xếp, can thiệp kịp thời, từ đó giải tỏa được những bức xúc, giữ được tình làng, nghĩa xóm và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, nhận xét: “Điểm nổi bật đáng chú ý trong công tác hòa giải năm qua là nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, phức tạp đã được hòa giải êm thấm, từ đó góp phần làm giảm áp lực cho các cơ quan luật pháp tuyến trên, giảm bớt khiếu kiện, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật. Công tác hòa giải còn có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ gìn trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, củng cố tình đoàn kết trong nhân dân”.

  • NHẬT LINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dọa đốt nhà cha vợ  (03/02/2013)
Xử lý hành chính các đối tượng vi phạm  (02/02/2013)
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị phạt 12 tháng tù  (02/02/2013)
Quần chúng bắt trộm  (01/02/2013)
Theo chân anh ruột vào tù  (01/02/2013)
Phát hiện khẩu súng thần công thứ 9 trên đầm Thị Nại  (01/02/2013)
Triệt phá băng trộm đêm  (31/01/2013)
Một đối tượng trộm cắp xe máy ra đầu thú  (31/01/2013)
Đạn cối dưới lòng biển  (31/01/2013)
Trục xuất đối tượng Nguyễn Quốc Quân ra khỏi Việt Nam  (31/01/2013)
Đình chỉ ngay phương tiện chở quá lượng khách  (31/01/2013)
Mất trộm giữa ban ngày  (30/01/2013)
Con hư, mẹ tự tử  (30/01/2013)
Bắt kẻ bất nhẫn   (30/01/2013)
Vừa ra tù đã đi trộm  (30/01/2013)