Theo tinh thần Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, không phải bất cứ người nào “phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng”, hoặc bị cáo “phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội” đều phải bị tạm giam. Điều luật còn quy định thêm một điều kiện khác là “có thể được áp dụng…”.
Có thể nói, quy định về các căn cứ để tiến hành bắt tạm giam là khá chặt chẽ, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, coi trọng nội dung từ “có thể”. Tuy nhiên, khi quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, vì nhiều lý do khác nhau, một số chủ thể tiến hành tố tụng cố tình “quên” quy định “có thể” nên việc áp dụng biện pháp này trong thực tế còn tùy thuộc vào ý thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng.
Chính quy định “có căn cứ cho rằng…” này đã dẫn đến không ít trường hợp lạm dụng việc tạm giam đến mức khó có thể chấp nhận được. Bởi vì việc xác định bị can có thể bỏ trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử hay có khả năng phạm tội mới lại tùy thuộc vào sự đánh giá chủ quan của những cơ quan tiến hành tố tụng. Vì không có gì xác định rõ ràng khi nào nghi can có thể tiếp tục phạm tội hoặc trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, nên để “chắc ăn”; thuận lợi cho việc hỏi cung, tống đạt các quyết định hoặc vì những lý do nào đó mà người có thẩm quyền sẵn sàng bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Ở một địa phương trong tỉnh, tòa án ra quyết định bắt một số bị cáo để tạm giam, sau đó trả tự do một cách khó hiểu, một thời gian sau xử án treo, đã tạo ra dư luận không tốt. Đáng chú ý là các đối tượng nêu trên có nơi cư trú rõ ràng, không có biểu hiện trốn tránh, cản trở công tác điều tra, truy tố hoặc phạm tội mới (công an và viện kiểm sát cho tại ngoại).
“Có những trường hợp, đáng ra bị cáo chỉ phải bị phạt 3 tháng tù giam, nhưng vì trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra đã “nhỡ” giam 3 tháng, viện kiểm sát và tòa án, mỗi cơ quan cũng “nhỡ” giam 1 tháng thì tất yếu người đó sẽ bị tòa án phạt giam ít nhất từ 5 tháng tù trở lên” |
Điều đáng nói thêm là một số trường hợp, rõ ràng không thỏa mãn các điều kiện để bắt, tạm giam như: phạm tội ít nghiêm trọng; quả tang; phạm tội do lỗi vô ý; không có căn cứ cho rằng bị cáo trốn tránh hoặc cản trở, được cơ quan điều tra và viện kiểm sát cho tại ngoại trong quá trình làm án, nhưng tòa án vẫn bắt tạm giam.
Ngoài ra, hệ lụy của việc lạm dụng bắt tạm giam là vô hình chung chúng ta đã biến nhà tạm giữ công an huyện thành trại tạm giam. Số lượng người bị tạm giữ lẽ ra phải nhiều hơn số người bị tạm giam, nhưng ở đây tỉ lệ lại ngược lại; trong khi đó quy cách buồng tạm giữ quy định phải khác buồng tạm giam.
Hơn thế nữa, hệ lụy do việc lạm dụng bắt tạm giam đã khiến nhiều trường hợp bị xử phạt nặng không đúng quy định. Có những trường hợp, đáng ra bị cáo chỉ phải bị phạt 3 tháng tù giam, nhưng vì trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra đã “nhỡ” giam 3 tháng, viện kiểm sát và tòa án, mỗi cơ quan cũng “nhỡ” giam 1 tháng thì tất yếu người đó sẽ bị tòa án phạt giam ít nhất từ 5 tháng tù trở lên.
Có lẽ, đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Đề nghị các cơ quan chức năng ở tỉnh và huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế định về tạm giam, trong trường hợp cần thiết phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là đối với các trường hợp bắt tạm giam không có căn cứ, đảm bảo pháp luật phải được thực thi nghiêm túc, góp phần vào việc tăng cường pháp chế XHCN.
|