Trong các loại cướp, cướp giật là khó phản ứng nhất vì trong tích tắc chúng ta đã thấy kẻ xấu cao chạy xa bay.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giới thiệu đoạn phim với chủ đề đối phó cướp giật dành cho mọi người.
Để ba lô, túi xách không trở thành “món mồi ngon”
Trong đoạn phim (http://youtu.be/3k-lCnivDa8), thạc sĩ Hiếu không chỉ khéo léo lồng tải, đưa ra những hình ảnh, diễn biến của khá nhiều vụ việc cướp giật trong thời gian vừa qua tại TP.HCM và trên cả nước mà còn dựng lại những tình huống điển hình của những loại hình cướp giật hiện nay, từ giật giỏ xách, ba lô, dây chuyền, trang sức trên người, điện thoại…
Giỏ xách là món mồi ngon ưa thích của cướp giật. Để phòng tránh bị giật, theo thạc sĩ Hiếu, khi đang đi bộ, chúng ta nên đeo giỏ xách chéo vai và hướng vào phía trong, đồng thời đi sâu vào trong lề, tay giữ chặt giỏ, mắt thỉnh thoảng quan sát từ xa để phát hiện những kẻ tình nghi. Thường thì cướp giật đủ mọi loại đối tượng, nhưng đa số là nam thanh niên hoặc trung niên, hay nhìn dáo dác, hay bám đuôi theo dõi hoặc lượn lờ gần mình. Khi đó, cần tạt vào nhà dân hay hàng quán bên đường ngay lập tức, đợi kẻ tình nghi đi khuất rồi mới tiếp tục ra đường.
Để phòng tránh bị giật giỏ xách khi đang đi xe, tốt nhất cất giỏ xách vào cốp xe, hoặc không thì quấn chặt quai nhiều vòng vào cổ xe và lấy áo khoác đậy lại, không nên đeo trên vai dù là đeo xéo vai vì rất dễ bị cắt hoặc khi bị giật nạn nhân sẽ bị kéo lê trên đường.
Đối với ba lô, thạc sĩ Hiếu cho rằng, nếu để ba lô trước bửng xe chẳng khác nào mời gọi bọn cướp đến lấy. Chính vì thế, để phòng tránh bị giật ba lô, thạc sĩ Hiếu lưu ý với người xem, cũng chính là kinh nghiệm của người đi đường: “Muốn giật ba lô thì cướp sẽ phải nắm vào quai. Do đó ta tìm cách giấu quai đi. Để lưng ba lô hướng về phía trước, đồng thời giấu quai mang vào khuất bên trong. Còn quai phía trên nên đậy lại bằng một chiếc áo mưa đã xếp vuông vức. Hai chân chặn hai bên. Ngoài ra, khi dừng đèn đỏ ở ngã tư đường, nên quan sát hai bên trước khi bỏ chân xuống. Bên nào có đối tượng ít tình nghi hơn - cặp vợ chồng lớn tuổi, xe có trẻ em… - thì chống chân phía bên ấy. Chân bên còn lại chắn giữ ba lô. Nếu ba lô nhẹ nên đeo ba lô phía trước ngực nhưng cũng cần để đồ đạc quý giá vào trong cốp đề phòng trường hợp bị cắt quai. Ngày nay, đồ để vào cốp thì xe vẫn có thể bị cướp. Nhưng nguy cơ bị cướp xe ít hơn hẳn bị cướp giật nên ta nên chọn phương án ít nguy cơ hơn.
An toàn cho trang sức, điện thoại
Đối với nhiều người thường đeo trang sức, thạc sĩ lưu ý cần phải an toàn, không nên phô diễn tài sản ngoài đường phố. Phương án tốt nhất là ta nên cất nữ trang vào cốp xe. Nếu không, nên gài nút cổ, che kín vòng vàng nhẫn kim cương bằng bao tay và áo khoác. Khi không thấy tài sản, tên cướp ít chọn chúng ta làm đối tượng hơn.
Ngoài ra, tật nghe điện thoại khi tham gia lưu thông chính là tật cố hữu của nhiều người. Không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn làm mồi ngon cho cướp giật. Vì thế, không nên nghe điện thoại ngoài đường. Nhưng nếu chuyện khẩn cấp phải trả lời điện thoại thì nên ghé sát vào lề chỗ có cột điện hay gốc cây làm chướng ngại vật. Điện thoại hướng vào phía bên trong, cả bàn tay ôm gọn điện thoại không để chìa ra, mắt quan sát cảnh giác xung quanh. Thấy kẻ tình nghi lập tức dừng điện thoại ôm vào ngực hoặc bỏ vào túi áo túi quần ngay, có gì xin lỗi phía bên người đối thoại sau vì đã gián đoạn.
Với những cách đề phòng, những lưu ý như vậy, trong suốt tuần qua, đoạn phim đã thu hút hàng chục ngàn lượt truy cập và bình luận. Tất cả ý kiến đều cho rằng đối phó cướp giật thật sự có ý nghĩa, đặc biệt khi thời điểm cận tết. Trên các mạng xã hội, đoạn phim cũng được cư dân mạng chia sẻ cho nhau khá nhiều.
Phản ứng theo hướng hành động
Trò chuyện với Thanh Niên, thạc sĩ Hiếu cũng chia sẻ nhiều cách phản ứng khi vừa bị cướp giật. “Thường thì nạn nhân hay mất bình tĩnh nên hay ú ớ không biết làm gì. Một số khác bình tĩnh hơn thì kịp tri hô. Tuy nhiên, đừng bao giờ tri hô những câu chung chung đại loại như “Bớ người ta!” vì người khác không biết mình tri hô chuyện gì. Cũng không nên chỉ hô đơn giản “Cướp! Cướp” vì đa số người nghe sẽ… né đường vì ai cũng sợ. Nên hô những câu mang tính hành động như “Cướp! Chặn đường hắn lại!” hay “Cướp! Bắt hắn lại”. Khi đó, người đi đường sẽ có xu hướng phản ứng theo nội dung hành động bạn tri hô hơn.
Đặc biệt, nếu tay lái vững, đường có nhiều người, nên vừa tri hô thật to vừa bóp còi inh ỏi làm náo loạn đường phố. Đó là cách “bắn tín hiệu cảnh báo từ xa”, may ra dân phòng tuần tra hay một số người nghĩa hiệp phía trước sẽ dùng chướng ngại vật cản xe tên cướp hoặc truy đuổi lấy lại tài sản giúp bạn.
Thạc sĩ Hiếu lưu ý thêm, cướp lúc nào cũng cần tiền chứ không chỉ tết, vì vậy chúng ta cần phải đề phòng quanh năm. Đôi khi chỉ cần năm phút hay một phút sơ hở là những “đứa con cưng” như điện thoại hay giỏ xách có thể bị cướp đi một cách ngọt ngào, thậm chí còn bị tai nạn giao thông làm ảnh hưởng đến tính mạng. Một khi xã hội vẫn còn cướp giật phổ biến thì nên nhớ rằng: cảnh giác không bao giờ thừa. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng: “Không có "công thức thoát hiểm" nào hiệu quả 100%. Cách ứng phó tốt nhất là hãy đề phòng cảnh giác. Càng ít sơ hở, chúng ta càng đỡ”.
. Theo TNO
|