Án quá hạn luật định: Do đâu?
20:51', 23/2/ 2013 (GMT+7)

Theo TAND tỉnh, hiện nay việc giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại vẫn còn tình trạng quá hạn theo luật định. Kết quả công tác xét xử năm 2012 của ngành TAND tỉnh cho thấy tỉ lệ án quá hạn luật định trong năm chiếm tỉ lệ 0,7% (42 vụ/5.332 vụ đã giải quyết). Còn theo thống kê của TAND tối cao, năm 2012 Bình Định là một trong những tỉnh thành có tỉ lệ án tồn, án quá hạn cao.

Từ khách quan...

Ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Hầu hết án quá hạn đều là án dân sự. Án dân sự rất phức tạp, nhất là những vụ án liên quan đến nhà đất có quá nhiều mối quan hệ, lâu đời. Thậm chí có vụ án đòi chia tài sản nhưng đương sự cũng không rõ nguồn gốc đất đai vì đã trải qua hàng thế kỷ”.

 

TAND tỉnh cần tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra để uốn nắn kịp thời các thiếu sót của tòa án cấp dưới nhằm hạn chế tình trạng án quá hạn.

- Trong ảnh: Một phiên tòa xử ly hôn có yếu tố nước ngoài do TAND tỉnh xử. Ảnh: THU HÀ

Ngoài ra, theo ông Thái, án quá hạn còn có các nguyên nhân khách quan khác. Chẳng hạn, khi xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết, tòa cũng gặp khó khăn vì chậm nhận được phản hồi từ các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan. Nhiều trường hợp dù tòa có văn bản đề nghị, nhắc việc nhiều lần nhưng cũng không nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc đương sự cung cấp chứng cứ không đầy đủ, hoặc không tuân theo giấy triệu tập của tòa. Riêng với các vụ án có yếu tố nước ngoài, việc thực hiện ủy thác tư pháp còn khó khăn, chậm có kết quả, nhất là đối với những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp như Mỹ, Canada, trong khi đó đương sự của vụ án ở Mỹ lại chiếm số lượng tương đối lớn.

Tại Hội nghị tổng kết ngành TAND tỉnh năm 2012, Chánh án TAND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Hoàng cũng cho biết, phần lớn án quá hạn ở địa phương liên quan đến đất đai. Một trong những nguyên nhân của việc này là do chính quyền địa phương cũng như cơ quan tham mưu còn chậm phối hợp với TAND huyện giải quyết những vấn đề liên quan.

Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, kiểm sát viên Phòng Kiểm sát điều tra xét xử án dân sự, Viện KSND tỉnh, cũng nhận xét thêm: “Ở một số tòa địa phương có lượng án nhiều thì một thẩm phán có thể phải xử 10-20 vụ/tháng, trong khi quy định bình quân của ngành thì chỉ là 8,6 vụ/tháng. Việc một thẩm phán cùng một lúc thụ lý nhiều vụ án thì đôi khi không thể tránh khỏi việc để án quá hạn luật định”.

... đến chủ quan

Tuy nhiên, ngoài yếu tố khách quan, việc để án quá hạn còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía thẩm phán. Phó Chánh án Đặng Thành Thái phân tích thêm: “Trong 1 nhiệm kỳ 5 năm, tỉ lệ án bị hủy, sửa của thẩm phán không được phép quá tỉ lệ 1,16%, nghĩa là giải quyết 86 vụ án thì chỉ cho phép có một vụ bị hủy, sửa. Các thẩm phán có tỉ lệ án bị hủy, sửa cao sẽ không được đề nghị bổ nhiệm lại hoặc chậm bổ nhiệm. Hiện tại, TAND tỉnh cũng có 2 thẩm phán bị chậm bổ nhiệm vì lý do này. Do vậy, khi thụ lý, giải quyết các vụ án khó đã từng bị hủy đi hủy lại nhiều lần, thẩm phán lại quá “thận trọng”, chấp nhận thà để án quá hạn luật định còn hơn để án bị hủy, sửa. Thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, tránh né án khó hoặc “xúi” đương sự làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán”. Trong khi đó, một số lãnh đạo TAND huyện còn thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cũng như chưa có các biện pháp thiết thực nhằm hạn chế tình trạng án quá luật định.

Tại cuộc họp tổng kết ngành TAND tỉnh năm 2012 vào đầu tháng 2.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cũng đã yêu cầu ngành tòa án tích cực chủ động giải quyết các loại vụ án dân sự nói chung, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị tòa án cấp trên huỷ, cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; khắc phục tình trạng án quá hạn luật định. Bên cạnh đó, TAND tỉnh cần tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra để uốn nắn kịp thời các thiếu sót của tòa án cấp dưới.

Ông Đặng Thành Thái cũng cho biết thêm: “Khoảng giữa tháng 3.2013, TAND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm toàn ngành nhằm khắc phục tình trạng án quá luật định, án bị hủy, sửa. Qua đó, chúng tôi sẽ đôn đốc các thẩm phán khắc phục khó khăn, tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải quyết án trong thời gian sớm nhất. Đối với tòa địa phương để xảy ra tình trạng này nhiều, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp để chấn chỉnh, tìm giải pháp để hạn chế”.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần xử lý nghiêm việc có hơi men vẫn tham gia giao thông  (23/02/2013)
Án kinh doanh thương mại, hành chính tăng nhiều hơn trước  (22/02/2013)
Bắt thêm 2 đối tượng đánh chết người  (21/02/2013)
Đêm cuối năm bắt đối tượng truy nã  (21/02/2013)
Nhanh chóng làm rõ vụ trộm xe mô tô  (21/02/2013)
Sẽ phân hạng, gắn “sao” cho xe khách để giảm TNGT  (21/02/2013)
Khởi tố bị can 2 vụ chống người thi hành công vụ  (21/02/2013)
Cháy nhà, thiệt hại trên 500 triệu đồng  (21/02/2013)
Cần giải pháp xử lý triệt để  (20/02/2013)
Trà trộn vào phòng khám để trộm cắp   (20/02/2013)
Đập trụ bê tông lấy sắt bán phế liệu  (20/02/2013)
Bị ong đốt chết  (20/02/2013)
Một ngày bắt 3 đối tượng truy nã  (20/02/2013)
Hà Nội thí điểm “phạt nguội” vi phạm giao thông  (20/02/2013)
Mất lái, ô tô đâm 3 xe rồi lao vào nhà dân  (19/02/2013)