Tôi vẫn không thể quên những lời người mẹ trẻ thảng thốt gọi con trong khi chờ Hội đồng xét xử nghị án: “Tí ơi, người ta nói con sẽ ở với ba. Bây giờ phải làm sao hả con. Ai sẽ chở con đi học, dạy con học chữ, mấy tháng nữa con vào học rồi”. Nước mắt mẹ hòa lẫn với nước mắt của đứa con trai 6 tuổi. Thằng Tí em, mới 3 tuổi, thấy mẹ và anh hai khóc cũng khóc theo dẫu chẳng hiểu việc gì. Hai người đàn ông có quyền lợi có liên quan đến vụ án ly hôn của đôi vợ chồng trẻ ấy, cũng không khỏi cám cảnh: “Người ngoài như chúng tôi cũng thấy nẫu cả ruột ”.
|
Ở một phiên tòa xử ly hôn.
|
Vợ chồng họ ở độ tuổi khoảng 30. Gần chục năm sống với nhau, họ ra tòa ly hôn vì lý do không hợp tính tình. Ở phiên tòa phúc thẩm, người vợ vẫn đề nghị được quyền nuôi cả hai đứa con, song người chồng không chịu. Anh ta đòi quyền được nuôi đứa con trai đầu.
Trong thời gian Hội đồng xét xử vào nghị án, người chồng bỏ ra phía hành lang ngồi, không thèm ngó ngàng gì đến hai đứa con đang ôm mẹ ngồi khóc trong khán phòng. “Chị khẩn khoản đề nghị nuôi cả hai con, lại không nhận cấp dưỡng, sao anh không để vợ nuôi luôn cho tiện. Bị xa mẹ thế này, liệu cháu có bị ảnh hưởng tâm lý khi chuẩn bị vào lớp 1 không?”- tôi hỏi. Người chồng lạnh lùng: “Không phải là con của tôi thì tôi chấp nhận, còn cốt nhục của tôi thì tôi có quyền nuôi nó. Nó cũng là con của tôi mà”.
Chuyện này đâu đó vẫn xảy ra trong các phiên tòa xử ly hôn...
Một hội thẩm nhân dân thường tham gia xét xử các vụ án hôn nhân gia đình cho biết, ngoài tranh chấp về tài sản thì tranh chấp về quyền được nuôi con cũng thường xảy ra trong các vụ án ly hôn. Thậm chí, có trường hợp tổng động viên mọi “nguồn lực”, mọi mối quan hệ quyết giành cho được quyền nuôi con. Có người tranh chấp quyền được nuôi con vì thực sự thương yêu con, nghĩ rằng mình có điều kiện thuận lợi hơn, nuôi con tốt hơn người kia; song cũng không ngoại trừ trường hợp tranh cho bõ ghét.
Nhưng đáng lên án hơn là, một số trường hợp sau khi đã giành được quyền nuôi con đã cố tình cách ly tình cảm cha - con, mẹ - con, ngăn cản không cho con được gặp mặt “người xưa” chỉ vì muốn họ phải đau khổ. Thậm chí, còn cố tình “nhồi nhét” vào đầu óc non trẻ của đứa con rằng bố, mẹ chúng là người chẳng ra gì. Để rồi, khi lớn lên đứa trẻ ấy mang một nỗi oán hận về người đã sinh thành ra mình.
Tôi chợt nhớ đến một phiên tòa xử ly hôn khác. Gia đình của người chồng cũ ra sức dè bỉu, xoi mói cô con dâu cũ: “Thứ mẹ gì cả đời không thăm con lấy một lần”. Song thực chất, họ đã luôn luôn tìm cách ngăn cản không cho người mẹ được phép gặp hay tiếp cận với đứa con mình đã rứt ruột đẻ ra. Tôi tự hỏi, được ông bà nội và cha nuôi dạy trong bầu không khí thù nghịch như vậy, liệu mai này đứa trẻ ấy có biết mẹ nó thực chất là người như thế nào không? Rằng có thể mẹ không xấu như những gì mà người lớn hay kể?
Đôi khi, trẻ con khổ vì người lớn là vậy.
|