CHƯƠNG IV
16:2', 15/3/ 2006 (GMT+7)

VÀO MỘT BUỔI SỚM THÁNG CHẠP, THĂNG Long còn uể oải như người ốm lâu ngày chưa hồi sức, lại bị dìm trong bể mù dày đặc, khiến nó có bộ mặt hư ảo. Trần Thủ Độ xúng xính trong bộ áo thụng ngồi trước nhà bái đường trong dinh phủ của ông, chờ Hoàng tiên sinh thức giấc. Thủ Độ là một quan võ. Uy ông trùm lên cả triều đình. Nhưng ông là người biết giữ lễ với kẻ sĩ. Khó khăn lắm ông mới mời được Hoàng tiên sinh về làm môn khách nhà ông. Ông trọng tiên sinh như một bậc quốc sĩ, bậc thầy, một vị quân sư tin cậy.

Tiên sinh không phải là người xuất thân từ khoa bảng. Nhưng sức học của ông đến các bậc tôn trưởng, bậc tăng thống cũng phải ngưỡng mộ. Sinh ra và lớn lên vào thời buổi nhố nhăng, ông quyết giữ mình, giữ đạo cho trong sạch. Thương dân, ông đã đôi lần dâng sớ hạch tội bọn dối vua hại nước, và cả kế sách chấn hưng quốc gia dân tộc, nhưng không được nhà vua đáp ứng. Cao tôn vô đạo, ngày càng dấn sâu vào các thú vui đọa lạc. Cuộc sống của nhà vua cực kỳ xa phí. Trong khi liền mấy năm mất mùa, dân đói chết ngợp đường, nhưng mức thuế, sưu không hề khoan giảm. Giận bởi bậc quân trưởng ngu dốt, tham bẩn, và cũng biết vận số nhà Lý đã hết, ông lên núi dựng lều đọc sách. Sống chung lẫn với lâm tuyền, thảo mộc và muông thú, ông thấy yên tâm hơn là sống giữa cái xã hội nhầy nhụa với bầy thú đội lớp người.

Bữa nọ, Trần Thủ Độ cải dạng làm một người đi hái thuốc, đột ngột ra mắt ông. Sau một hồi quanh co về những phương thuốc trường sinh, và những kiến thức kém cỏi về Đạo đức kinh của Lão Tử, mà ông không mấy hiểu biết. Hoàng tiên sinh nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ hỏi:

- Có phải ông đang có một âm mưu lớn? Ông đang cần một vị quân sư?

Trần Thủ Độ lặng lẽ sụp lễ tiên sinh hai lễ, thú nhận:

- Quả là tiên sinh có con mắt xét đời của các bậc thánh. Từ ngày lệnh huynh tôi: Thái úy phụ chính Trần Tự Khánh mất đi, nhà vua liền đặt trọng trách đó lên vai tôi. Tự thấy bất tài, kém đức mà ngồi trên thiên hạ có khác nào ngồi trên tổ kiến lửa. Sớm tối chưa biết ra sao. Mà trong nước giặc giã, trộm cướp, đói kém làm cho người dân trăm bề điêu háo, không biết làm thế nào để ổn cố được tình hình. Phạm vào chốn rừng sâu, làm kinh động đến cuộc sống yên bình của tiên sinh, kẻ phàm tục này vô cùng đắc tội. Xin tiên sinh rộng lòng tha thứ. Mà nếu tiên sinh không chê kẻ này là hèn kém, bỉ lậu xin tiên sinh xuống núi giúp đời, trị nước, chỉ bảo cho lũ chúng tôi thấy đường sáng, bỏ đường tối.

Khách vừa dứt lời, chủ cười khanh khách mà rằng:

- Thì ra núi thái sơn ở trước mặt mà tôi không biết. Ông chính là quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ? Chắc quan ông đang đi tìm một cao sĩ nào lạc bước tới chốn lều tranh của kẻ tiều phu này, dám xin quan ông tha tội.

Lời qua tiếng lại, chủ khách đều tỏ ra khiêm nhường.

Trần Thủ Độ hết lòng cung kính, nài gạn mãi, Hoàng tiên sinh mới chịu nói:

- Tôi trộm được ít kiến thức của thiên hạ, sao dám lạm dụng vào việc lớn quốc gia. Vả lại trước quan ông, Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn cũng có qua đây mời gọi. (Nghe nói cả Thượng và Nộn tới cầu trước mình, Trần Thủ Độ hơi biến sắc mặt). Tiên sinh lại chậm rãi tiếp lời: - Cũng may các ông ấy đã sớm nhận ra tôi là kẻ bất tài, yếm thế nên bỏ đi ngay. Gia dĩ tôi đã tự hẹn với mình, thà cùng mục nát với cỏ cây còn hơn là thờ một đức vua điên. Huệ tôn vô học, lại mất trí từ năm hăm ba tuổi tới nay, vì thế ngài đã biến cả quốc gia này thành một lũ ăn mày, một lũ ma đói, nay mai hẳn Đại Việt ta sẽ trở thành một quốc gia điên. Ha ha ha…!

Cuộc hội kiến lần đầu giữa Trần Thủ Độ với Hoàng tiên sinh không dẫn đến một kết cục nào. Nhưng tiên sinh cũng chỉ dẫn cho quan điện tiền vài đối sách, mà Trần Thủ Độ cho là những lời chỉ giáo sâu sắc. Ông vẫn giữ tấm lòng ái mộ tiên sinh, và đi lại tới non nửa năm trời, tiên sinh mới chịu xuống núi về làm môn khách của họ Trần. Tiên sinh khảng khái từ chối mọi chức tước của triều đình mà Trần Thủ Độ có đôi lần ngỏ ý.

Trần Thủ Độ, từ khi được Hoàng tiên sinh như hổ mọc thêm cánh, nên càng kính trọng tiên sinh và thờ ông như một bậc thầy. Thường thì tiên sinh nghiên cứu về y lý, dược lý. Có khi tiên sinh đi chữa bệnh, hái thuốc dăm ba ngày với một tên tiểu đồng. Các công việc mà Trần Thủ Độ nhờ ông giúp chỉ là những việc gay cấn ở trong triều, ngoài các trấn, lỵ, sở và vùng biên ải. Khi không quyết được, hoặc đã quyết như thế nào, ông điều hỏi ý tiên sinh.

Sương mù nhạt dần rồi loãng ra, đã trông rõ cả hàng cột và mái ngói dãy xuyên đường. Trong nhà, tiên sinh vẫn còn ngon giấc. Cả tiểu đồng cũng chưa dậy quạt lò pha trà sớm cho tiên sinh. Chừng sốt ruột, Trần Thủ Độ dấn thêm vài bước nữa vào phía nhà hậu đường. Ngay trước cửa ra vào, đôi câu đối giấy mà tiên sinh treo còn khi ở lều tranh, nay được treo vào hai cột bức bàn của gian giữa. Quan điện tiền đã đôi ba lần ngỏ ý xin tiên sinh cho khảm đôi câu đối ấy, đều bị từ chối. Tiên sinh nói:

- Tôi như cánh chim  trời, nay đây mai đó, không thích tính chuyện lâu bền. Vả lại cứ để thế cho tiện. Lỡ khi tôi không còn ưa nữa, lật mặt sau viết được đôi khác, thích hơn, lại đỡ tốn phí.

Trần Thủ Độ lẩm nhẩm đọc một vế:

CHU ĐẠI NHO MỖI TẦM KHỔNG, NHAN LẠC XỨ

Và vế bên kia:

ĐÀO XỬ SĨ TẠI VỊ HY - HOÀNG THƯỢNG NHÂN (1)

Thật ra thì quan điện tiền không hiểu nghĩa câu đối này. Nhưng ông cảm nhận được nó là một biểu hiện cao thượng, nếu không nói là khinh bạc của bậc cư sĩ (2).

Mãi tới lúc trời sáng rõ, Trần Thủ Độ mới nhận ra nơi cửa ngách đã mở. Ở đây có lối thông ra vườn thuốc. Đúng lúc có tiếng thầy trò Hoàng tiên sinh í ới phía ngoài vườn. Quan điện tiền vừa định đi ra lối vườn thuốc, đã thấy tiên sinh đi về phía cầu ao, ngài còn ngoái lại dặn tiểu đồng: “Con nhớ múc nước tới rửa hết sương cho mấy luống tam thất”.

Rửa chân tay xong, ông vào nhà thay áo, rồi ra mở cửa chính. Chợt trông thấy Trần Thủ Độ ngồi chờ trên kỷ phía nhà bái đường, ông giật mình lên tiếng:

- Chẳng hay có điều gì mà quan ông ghé chơi sớm thế?

Tiến lại phía nhà hậu đường, Thủ Độ nghiêng mình xá Hoàng tiên sinh rồi hai người cùng vào nhà. Hoàng tiên sinh vừa gọi tiểu đồng pha trà vừa nói:

- Có mấy luống tam thất, tôi đã dặn thằng nhỏ từ mấy bữa trước trời sắp có sương muối, phải che chắn. Nó che sơ sài quá. Đêm qua sương xuống nặng. Sớm nay thầy trò phải che lại, rồi tưới để rửa lá, không thì hỏng hết.

- Thưa tiên sinh, chẳng hay loài thuốc này công dụng thế nào mà tiên sinh phải nhọc sức làm vậy?

- Đây là một loại thuốc cực quí. Tôi trồng thử không chắc đã được. Loài cây này khó tính lắm. Nó ưa ẩm thoáng nhưng phải râm mát. Vả lại cũng lâu được thu hoạch lắm.

- Liệu có tới một vài năm không, thưa tiên sinh?

- Một vài năm là thế nào. Bảy năm đấy, quan ông ạ. Tam thất, tức là tam chi thất diệp. Nghĩa là mỗi cây đều có ba nhánh. Mỗi nhánh một năm rụng một lá. Bảy lần rụng lá được một lứa.

- Kỳ công quá, thưa tiên sinh. Vậy chứ ở nước ta vùng nào sản được loại cây này?

- Nhiều nhất vẫn là vùng Quảng Nguyên. Trước đây khi còn ở trong rừng, tôi đã trồng thử. Củ cũng to, đanh. Phẩm lượng tốt không kém tam thất Quảng Nguyên. Dạ tốt hơn của Trung Quốc nhiều chứ ạ. Chỉ tiếc rằng người mình không chịu trồng.

Thấy nói bảy năm mới thu hoạch một lứa, Trần Thủ Độ đã khấp khởi mừng thầm. Vậy là ít nhất tiên sinh cũng dừng chân tại soái phủ của ông qua một vụ tam thất. Và như vậy, ông sẽ cậy nhờ nơi tiên sinh biết bao công việc. Ông biết, kẻ sĩ không gì có thể kìm giữ họ được. Uy vũ ư, không bao giờ khuất phục nổi họ. Danh vọng, phú quí chăng, họ coi không bằng chiếc dép cỏ. Điều bọn người này khả dĩ chấp nhận, ấy là lòng chân thực và sự tôn kính đối với họ. Trần Thủ Độ rất biết chỗ mạnh yếu của kẻ sĩ, cũng như ông biết khá rõ sự lố bịch của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Cho nên mối quan hệ của ông với Hoàng tiên sinh, là mối quan hệ trong sáng như một tòa lâu đài dựng thuần bằng kính. Phải giữ gìn cẩn trọng lắm mới được, nếu không sẽ tan vỡ như chơi. Mà những mảnh kính khi vỡ không phải không gây chết người.

Ông đến gặp tiên sinh hôm nay không có chuyện gì gấp gáp. Nhưng thật khó nói. Vì đã hai mươi tháng chạp rồi, ông muốn biện một cái lễ để đưa về gia hương của tiên sinh, gọi là chút ơn tri ngộ.

Cầm chén nước nóng trong tay, do đích thân Hoàng tiên sinh đưa mời, Trần Thủ Độ thoáng thấy mùi thơm của kim cúc vương trong hương trà. Ông từ tốn hụm từng hụm nhỏ, trong chiếc chén vốn đã nhỏ như cái hạt mít. Ngay cả việc nhỏ ấy, ông cũng phải tự kiềm chế để tiên sinh khỏi phật ý. Xuất thân từ nghề chài lưới, sông nước, quen ăn sóng nói gió thô cằn. Học hành ít. Vốn liếng chữ nghĩa không đủ để được bài văn khấn. Nay lại nghiễm nhiên giữ chức quan đầu triều, Trần Thủ Độ biết mình chỉ có sở trường cầm quân đánh dẹp, còn mưu lược trị nước, sai khiến thiên hạ, thu phục kẻ sĩ ông lại rất lơ mơ, giống như một kẻ mù lòa nghênh ngang đi giữa chợ. Vừa toan cất tiếng nói với tiên sinh một điều gì đấy, quan điện tiền chợt dừng cặp mắt của mình nơi đôi liễn viết chữ rất chân phương, treo trên cột áp tường ngay phía sau chiếc tủ chè. Quan ông lẩm nhẩm đọc từng chữ:

TRI TÚC TÂM THƯỜNG LẠC

VÔ CẦU TỰ PHẨM CAO(3)

Trần Thủ Độ hiểu được nội dung của các chữ trên. Ông có cảm giác như mỗi chữ kia đều là một cái khóa, khóa miệng ông lại. Nhưng con người quyết đoán của ông, không dễ chùn bước. Ông nói liền một thôi, Hoàng tiên sinh cười đáp lễ:

- Quan ông chu đáo quá, tôi vốn quen sống trong thanh bạch. Vả lại hai thân tôi đều khuất núi. Nội tướng tôi cũng là người cần kiệm lại giữ nếp nhà, nên tư biện cũng sơ sài, không dám phiền đến quan ông.

Trần Thủ Độ cứ gặng đi gặng lại mãi, cuối cùng Hoàng tiên sinh miễn cưỡng chấp thuận, nhưng ông đòi xem những thứ mà quan điện tiền có nhã ý biếu tặng ông, nhân sắp đón tân niên. Trần Thủ Độ bèn mời tiên sinh sang “Cung Thủy tĩnh”, nơi chỉ dành riêng cho ông nghỉ ngơi, sau những giờ phút làm việc căng thẳng ở triều đình. Trước cửa cung đã chực sẵn năm cỗ xe song mã và một tốp lính áp tải.

Trần Thủ Độ mở những vuông nhiều điều phủ kín các mâm lễ. Thoạt đầu là mâm bánh dầy, bánh cốm. Mâm thứ hai gồm có năm tấm vóc, năm tấm gấm. Mâm thứ ba có năm tấm vải, năm tấn lụa sồi. Mâm thứ tư, chất đầy tiền đồng. Mâm thứ năm gồm một trăm đĩnh bạc, hai chục nén vàng.

Sau khi xem xong lễ vật, Hoàng tiên sinh không hề lộ nét vui buồn trên sắc mặt. Ông quay lại vái Trần Thủ Độ hai vái, gọi là đáp lễ. Trần Thủ Độ toan cho gia nhân bê ra xe, chở đi. Nhưng tiên sinh đã kịp ngăn lại.

- Quan ông đối với tôi thật là ưu hậu. Một kẻ sĩ như tôi, không bằng cấp, không chức tước, mà được một người thay mặt triều đình cư xử như một bậc quốc sĩ. Tôi dù có lấy da ngựa bọc thây, cũng không trả được cái ơn tri ngộ này. Lễ vật, coi như tôi đã nhận đủ, chỉ xin gửi lại quan ông số tiền cùng vàng bạc kia vào kho của nhà nước, để chi dùng các việc khác. Tôi biết, của cải đây là của riêng quan ông, nhưng tôi muốn được góp phần mình vào công quỹ quốc gia, trong lúc ngân khố nhà nước đang cạn kiệt. Cả cái mâm gấm vóc kia, cũng xin gởi lại quan ông. Không, tôi không dám chê gấm vóc. Ở đời có ai không thích ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng như người xưa đã dạy: “Y phục xứng kỳ đức”. Có nghĩa rằng quần áo phải tương xứng với đức độ mà con người đó có được. Quan ông đừng ép tôi phải nhận, cái thứ mà tôi cũng như gia nhân tôi không có quyền được hưởng. Tôi hiểu, luật pháp đều do nơi tay quan ông quyết định. Nhưng nên nhớ rằng, ta còn đang sống dưới triều đại nhà Lý, phải tuân theo luật pháp nhà Lý. Từ năm Canh thìn (1040), Lý Thái tôn đã ban hành luật: các quan từ ngũ phẩm trở lên mới được mặc gấm, còn vóc từ tứ phẩm trở lên mới được mặc. Lại cái màu tía kia, phải là các bậc từ tước hầu trở lên mới được mặc.

Nhìn gương mặt Trần Thủ Độ đanh lại, rõ ràng trong bụng ông ta đang suy nghĩ một điều gì gay cấn. Tiên sinh lựa lời nói thêm:

- Trong buổi nhiễu nhương giao thời này, luật pháp cần phải nghiêm từ người đứng đầu nhà nước trở đi, ngõ hầu mới khôi phục lại được kỷ cương, lễ luật.

Đành phải nhượng bộ tiên sinh, nhưng Trần Thủ Độ hậm hực cho rằng “bọn sĩ phu thuần là một lũ ngốc, đói rách mặc kệ, cứ khư khư giữ lấy cái thứ đạo lý ương gàn”.

Dường như nhìn thấu cả gan ruột Trần Thủ Độ, một con người độc đoán đến tàn bạo mà phải nhất nhất nhượng bộ, Hoàng tiên sinh ôn tồn nói:

- Nếu sớm nay, quan ông không có việc gì cần kíp lắm, tôi muốn được hầu chuyện. Cũng là dịp ta gặp nhau cuối năm, trước khi tôi về cúng gia tiên.

Một cơ may nằm ngoài ý muốn của Trần Thủ Độ, vì chính ông cũng đang có đôi điều muốn bày tỏ với tiên sinh. Tuy hai người cùng ở trong một dinh phủ, nhưng không lẽ chốc chốc lại gặp nhau, lại hỏi han bộc bạch. Tiên sinh vừa là người cao tuổi, học rộng, lại nhất định không chịu nhận một chức tước gì của triều đình, làm sao có thể sai khiến được. Cho nên tiên sinh chỉ ưng thuận làm môn khách chứ không làm chính khách. Đã gọi là khách thì khi ở khi đi, lấy gì ràng buộc được người ta?

 

 

(1) Đại ý cao sĩ tự ví mình như bậc đại nho đời nhà Chu đi tìm Khổng Tử, Nhan Uyên lạc tới xứ này. Lại ví mình như Đào Tiềm đời Tấn từ quan đi ở ẩn và tự coi mình như người của thời Phục Hy, Hoàng Đế.

(2) Cư sĩ: người có học thức không ra làm quan.

(3) Tự lấy làm đầy đủ thì trong lòng được yên vui.

Không cầu cạnh ai điều gì, tự nhiên phẩm giá mình đã là cao trọng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CHƯƠNG III   (08/03/2006)
Chương II   (06/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình   (03/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (03/03/2006)