CHƯƠNG VI
16:35', 20/3/ 2006 (GMT+7)

ĐỂ HƯNG THỊNH TRIỀU ĐẠI MỚI CỦA LÝ CHIÊU Hoàng, một bà vua tám tuổi, quan phụ quốc thái úy(1) Trần Thừa bèn hoạch định một số chính sách. Trước hết, lấy danh nghĩa của đấng quân vương, xuống chiếu chọn con em của quan viên trong ngoài, sung vào các sắc dịch ở nội cung. Tức là các chức như chi hậu(2), nội nhân(3), thị nội(4). Mở đầu cho công cuộc cải cách này, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ được thăng làm tri thành nội cung chư quân sự. Nghĩa là trước kia, quan ông chỉ thống lĩnh quân cấm vệ trong kinh thành, nay thâu tóm hết thảy cả quân tứ sương và quân các lộ, các đạo, các trấn trong toàn quốc. Và các người cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú, bác như Trần Bất Cập được bổ làm cận thị thực lục cục chi hậu(5). Trần Thiêm làm chi hậu cục(6). Trần Cảnh (con nhỏ của thái uý Trần Thừa mới tám tuổi) cũng được bổ làm chánh thủ(7).

Từ ngày Trần Cảnh vào cung, nhà vua có bạn, cảm thấy đỡ buồn hơn. Trần Cảnh cũng bằng tuổi với vua. Cảnh có dáng người phổng phao. Mặt mũi khôi ngô. Đôi mắt sáng như sao. Da trắng hồng, cặp môi đỏ mọng như môi Phật. Cảnh tính nết thuần hậu, ít nói. Tư chất thông tuệ, nhân cách đàng hoàng. Thường chơi với đám trẻ con các nhà dân dã. Chơi trò gì Cảnh cũng chóng bắt chước được chúng, rồi chẳng mấy chốc lại vượt lên bọn chúng. Khi thắng, Cảnh bắt chúng vòng tay làm kiệu rước. Một hôm Chiêu Hoàng đi qua, thấy thế thích lắm, sà vào chơi. Đám trẻ có đứa biết Chiêu Hoàng là vua. Chúng hét lên: “Vua đấy! - Vua đấy!”. Lũ trẻ sợ quá, chạy tán loạn. Chỉ còn trơ lại Trần Cảnh đứng một mình. Chiêu Hoàng bèn nắm lấy chéo áo Trần Cảnh:

- Tại sao thấy ta, chúng nó bỏ chạy?

- Tâu, bệ hạ là vua. Chúng nó sợ.

- Ta có làm gì đâu mà chúng nó sợ?

- Phép nước là thế. Dân chúng không được nhìn mặt thiên tử, nói gì chơi.

- Thế sao ngươi không chạy, ngươi không sợ ta chứ gì?

- Tâu, thần còn chạy đi đâu được nữa. Ngày nào bệ hạ cũng bắt vào chầu. Bây giờ lại đang nắm áo.

Chiêu Hoàng lại túm chặt vạt áo Trần Cảnh hơn nữa lôi xềnh xệch vào tận phía trong tiện điện(8). Nhà vua vừa buông áo Trần Cảnh, liền chạy vòng về phía sau bức bình phong lấy ra một chiếc hộp. Chiêu Hoàng mở hộp tung lên một nắm que chuyền bằng ngà, và hòn cái bọc gấm có nhồi bông, độn sỏi. Nhà vua ra hiệu cho Trần Cảnh ngồi xuống cạnh mình, mặt tươi hớn hở hỏi:

- Chơi nhá. Ngươi có biết chơi không?

Cảnh lắc đầu. Và nói lí nhí trong cổ họng:

- Trò chơi con gái.

- Sao, ngươi không biết chơi à? Ta dạy. Người xuống. Trông đây này.

Chiêu Hoàng thoăn thoắt rải que, tung hòn cái, đánh một mạch từ bàn một đến bàn ba mới hỏng. Chợt dừng, thấy Trần Cảnh lơ đãng nhìn ra ngoài sân. Nữ chúa bực lắm, hỏi:

- Vậy chớ ngươi biết chơi những trò gì?

- Tâu bệ hạ, thần biết đánh đáo, đá cầu, đi kheo, kéo co, bơi trải, chèo thuyền, đánh cờ, chơi ô ăn quan… Nhiều  trò chơi lắm. Nhưng phải ở ngoài hoàng thành mới có người biết chơi.

- Vậy chớ có trò gì chơi một mình được, ngươi chơi thử, ta coi.

- Dạ, tâu bệ hạ, chỉ có chèo thuyền, đi kheo thì chơi một mình được. Nhưng phải ở ngoài sông, hồ hoặc bãi cát cơ.

- Còn trò gì khác nữa, ngươi chơi một mình được?

Ngẫm nghĩ một lát, bỗng mặt Trần Cảnh bừng sáng lên như chợt nhớ ra. Cảnh thưa:

- Tâu bệ hạ, thần có thể đá cầu một mình được.

- Vậy ngươi đá cầu, ta coi.

Lần trong túi có đồng tiền đồng, lại có cả mảnh giấy bản, tập viết bẩn quá. Cảnh xé đi, tiện tay đút luôn vào túi. Trần Cảnh hý hoáy gói một lát được quả cầu be bé, xinh xinh. Cảnh bèn đá với cả hai bàn chân, nom dẻo quẹo. Hai bàn chân cứ nhịp nhàng đưa lên đặt xuống. Quả cầu cứ nảy lên theo nhịp đá của chân, nom nó như mọc lên từ giữa hai bàn chân của Trần Cảnh. Chiêu Hoàng thích quá reo to:

- Ôi, giỏi quá! Ngươi giỏi quá!

Trần Cảnh giật mình ngoái nhìn Chiêu Hoàng, quả cầu rơi nhẹ xuống thềm nhà. Chiêu Hoàng nhặt quả cầu lên xem, rồi đá thử. Nữ chúa vừa buông quả cầu ra khỏi tay, chưa kịp giơ chân lên, nó đã rơi xuống đất. Làm lại tới cả chục lần, lần nào cũng dúi dụi suýt ngã, không sao bắt chước Trần Cảnh để chân có thể đón được cầu.

Thấy nữ chúa chơi với Trần Cảnh, đám nội nhân không dám vào, chỉ đứng từ xa ngó lại. Nhờ có những trò chơi đó mà Chiêu Hoàng đâm quyến luyến Trần Cảnh. Chiêu Hoàng tính tinh nghịch, có khi Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu cho nữ chúa rửa tay. Với các nội nhân khác, nữ chúa rửa tay mà không thèm nhìn mặt. Nhưng với Trần Cảnh thì Chiêu Hoàng vừa rửa tay vừa trêu chọc. Hai tay nữ chúa cứ ngâm chìm vào chậu, có khi còn ấn xuống, làm Trần Cảnh phải đỏ mặt tía tai, gắng gượng lắm mới giữ cho chậu nước khỏi đổ vào người Chiêu Hoàng. Có khi Chiêu Hoàng còn té cả nước vào mặt quan chánh thủ. Trần Cảnh vẫn cứ ngậm tăm không dám nói năng gì. Được thể, Chiêu Hoàng càng trêu. Có lần Cảnh bê khăn trầu, Chiêu Hoàng lấy cả khăn ném cho Cảnh. Cảnh sợ quá bèn lạy: “Bệ hạ tha tội cho thần”. Chiêu Hoàng cười sằng sặc: “Tha tội cho ngươi!”.

Ở mãi trong chốn cung cấm tẻ buồn, nay được Trần Cảnh chầu hầu, cũng như là chuyện có bầu có bạn. Vì thế Chiêu Hoàng cũng bớt được cái tính cáu gắt, đăm chiêu. Nhưng Cảnh chỉ hầu cận ban ngày. Tối đến không có người chơi, nữ chúa lại càng buồn. Thuận Thiên lớn tuổi hơn, lại ham mải các việc dung công ngôn hạnh, nên không còn hợp với Chiêu Hoàng nữa. Bởi vậy, có khi tối đêm còn cho gọi Trần Cảnh vào hầu. Trần Cảnh tuy gần gũi đức vua, song vẫn còn bẽn lẽn lắm, thường bị đức vua bắt nạt. Có lần đi chơi đêm, Cảnh giả vờ trốn đứng vào bóng tối, Chiêu Hoàng tìm được, nắm lấy tóc Cảnh kéo ra chỗ sáng. Trần Cảnh đứng ngoài sáng, Chiêu Hoàng lại giẫm vào bóng Cảnh. Cứ chơi mãi cái trò ấy có khi tới khuya, nội nhân phải ra mời tới hai ba lần, nữ chúa mới chịu về nghỉ.

Đôi trẻ quyến luyến nhau như thế, không qua được mắt bà thái hậu Trần Thị Dung, và đức ông Trần Thủ Độ .

 

1.Thái uý: Chức quan trong hàng tam công - quan lớn nhất trong triều: Thái uý - Tư Đồ - Tư Không. Trước nhà Tống thường gọi: Thái sư, thái bảo. Sau này nhà Lê gọi: Thiếu sư - Thiếu phó - Thiếu bảo. Đại khái đều rập theo nhà Tống hoặc nhà Minh.

2. Chi hậu: chức quan hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh và dẫn người vào, ra.

3. Nội nhân: chức quan để sai bảo ở trong cung.

4. Thị nội: chức quan chầu hầu trong cung.

5. Cận thị thự lục cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của Cận thị thự là giữ việc hầu gần bên vua.

6. Chi hậu cục: Cục phụ trách truyền lệnh và dẫn người ra, vào cung vua.

7. Chánh thủ: chức quan hầu cận để sai bảo.

8. Tiện điện: nhà riêng để nghỉ ngơi của vua.

 

 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CHƯƠNG V   (16/03/2006)
CHƯƠNG IV   (15/03/2006)
CHƯƠNG III   (08/03/2006)
Chương II   (06/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình   (03/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (03/03/2006)