Việc Chiêu Hoàng, Trần Cảnh quyến luyến nhau không qua mắt được Trần Thủ Độ và bà thái hậu Trần Thị Dung, mà còn không qua được mắt đám nội nhân. Vì thế tiếng tăm bay đi khắp kinh thành. Chuyện đến tai một số vị đại thần. Nhiều bậc lão thần đã xì xào bàn tán. Ngay chuyện ấy cũng đã đến tai Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ mừng vì cháu ông được vua nhỏ mến yêu. Nhưng lo, nếu có người đàn hặc giữa chốn triều chính, không phải không có tội. Mà tội khi quân, tội quân thần điên đảo vẫn được xếp hàng đầu trong tội ngũ nghịch. Quan tri thành nội ngoại chư quân sự bèn thỉnh quan anh là thái uý phụ quốc, và bà chị là thái hậu tới cung Thuỷ Tịnh để hội kiến.
Hai anh em ruột cũng là hai bên cha mẹ của đôi trẻ đều vui mừng vì anh em chúng quí mến nhau. Tính con trẻ, ưa có bầu có bạn, đó là lẽ thường. Nhưng đây lại là nghĩa vua tôi mới khó xử.
Theo Trần Thủ Độ “Việc này cực kỳ hệ trọng. Trong lúc thế sự phiền hà, kỷ cương chao đảo, người cầm quyền phải giữ nghiêm phép nước. Coi chừng có kẻ cáo giác thì chết cả họ chứ không phải chuyện chơi”.
Bà thái hậu còn chưa hết xúc động sau buổi lễ tế cáo trong điện chí kính, nay lại đến việc này. Ruột bà rối như một búi tơ giũ rối. Bà ân hận vì gần trọn một năm, bà bỏ mặc Huệ tôn cho Trần Thủ Độ chăm sóc. Tin ở quan điện tiền nói về sức khoẻ, tật bệnh và thuốc thang chạy chữa cho nhà vua, nên bà chỉ chú trọng công việc trong hoàng gia. Ai ngờ, thời gian đã dày xéo lên đức vua, với bao nỗi xót đau còn hằn ghi nơi khuôn mặt ngài. Bà biết đức vua căm giận bà ghê gớm. Vốn là một người nông nổi yếu đuối, mà đức vua đã găm sâu sự hờn oán như vậy, chắc là người bị đoạ đầy cực nhọc lắm. Hẳn là trong thời gian ấy, nhà vua vẫn tỉnh táo, chứ không phải là chứng điên lại kịch phát như Trần Thủ Độ đã dối bà. Cứ nom cái mắt nhà vua với cách khu xử, đủ biết là hành động của người trí chứ không phải của kẻ khờ. Tiếc thay, ta đã quá tin Thủ Độ, bỏ mặc đức vua đằng đẵng gần một năm ròng. Nhớ những ngày còn long đong, mấy anh em Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, Trần Thừa xông pha đánh dẹp, tranh giành với các thế lực khác, lắm phen điêu đứng, không nơi tá túc. Cũng không được nhà vua coi cánh họ Trần như một lực lượng cần vương. Thậm chí còn bị thái hậu coi như một lũ giặc cỏ. Ngay bà, đã được nhà vua đưa về ở trong nội điện, thái hậu vẫn nghi ngờ muốn giết. Nhiều phen thái hậu sai bỏ thuốc độc vào thức ăn. Nhà vua phải chia sẻ bữa ăn của mình. Đúng là cơm chan nước mắt. Ngày đêm bồn chồn lo lắng. Nếu không có nhà vua đứng ra che chắn, đùm bọc, thì tính mệnh cũng khó toàn, nói chi đến ngày nay. Cả mấy anh em họ Trần cũng thế, nếu không có ta sớm khuya bầy tỏ, sao nhà vua có thể tin dùng và trao quyền bính. Bữa trước, nhà vua nguyền rủa ta. Sự thật quả là như vậy. Nhưng ta vì vô tình làm các việc đó. Phần bởi vì thương tôn tộc. Phần nghe lời chỉ dẫn của các bậc cha anh. Chao ôi, ai ngờ các việc ta làm đó, lại là làm hại cơ nghiệp nhà Lý. Mà rồi chẳng biết họ Trần có nên cơm cháo gì không. Phận ta từ nay, chồng còn cũng coi như thân goá. Nhà vua đã xuất gia, với lòng căm giận ta và phe cánh nhà ta, chẳng bao giờ còn đoái tưởng nữa. Ta biết trông cậy vào ai. Cưỡng lại anh em nhà mình ư? Không được. Các con ta còn quá nhỏ. Ngôi quân trưởng giữ hờ, nếu không có người phụ chính cứng cỏi, mẹ con ta mất mạng như chơi. Ôi, nếu như ta cứ yên phận là một cô gái quê thì đâu đến nông nỗi! Đời thật đắng cay, trớ trêu. Ta thiết gì ngôi cao lộc trọng mà tranh giành. Con ta bắt buộc ở ngôi, ngày đêm khóc lóc, nó cứ đùn đẩy mãi cho con Thuận Thiên mà không được…
Sực nhớ đến lời khuyến cáo của Trần Thủ Độ, bà thái hậu liền hỏi:
- Nguy cấp lắm sao? Chỉ có hai đứa trẻ là anh em họ chơi thân với nhau, cũng làm cho cả triều đình xôn xao sợ hãi. Cả ông nữa, ông thống soái. Bà thái hậu nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ với giọng giễu cợt gặng hỏi:
- Ông cũng lo lắng lắm sao? Rồi bà nhìn về phía Trần Thừa: - Còn anh cả, ý anh thế nào? Cùng lắm thì cho chúng nó lấy nhau. Nhẽ đời phải thế thì ta cứ thế mà làm. Tôi không thấy có gì đáng phải hãi sợ trong câu chuyện này.
Nói rồi bà thở nhẹ, như vừa trút đi một gánh nặng. Bà mở vuông khăn, lấy ra một khẩu trầu.
Quan phụ quốc thái uý Trần Thừa với vẻ băn khoăn nhìn em gái, nói:
- Việc tầy trời mà cô nói cứ như trò chơi con trẻ. Phép nước chứ đâu phải chuyện chơi. Ý chú Thủ Độ thế nào. Tôi chắc chú đã có kế sách rồi. Ít lâu nay tôi thấy trong công việc, chú sáng ra nhiều lắm. Chú sai khiến cắt đặt mọi điều đều khuôn theo ý chú, cơ mưu như thần. Nghiệp họ Trần dấy lên tự đây chăng?
Trần Thủ Độ không phải không lo phòng bị. Mối lo lớn nhất trong lúc này là các đại thần chống lại ông. Tối kỵ là việc để cho họ, dù công khai hay ngấm ngầm liên kết được với Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng. Nhưng khi chợt thấy thái độ coi thường của bà thái hậu với câu nói khùng: “Cùng lắm thì cho chúng nó lấy nhau”, tự nhiên trong đầu ông nảy ra một kế. Lại tiếp đến ý của ông anh: “Việc tày trời mà cô nói cứ như trò chơi con trẻ”. Trần Thủ Độ như vồ lấy cái ý nhát sợ ấy của ông anh. Thế là xong. Tương kế tựu kế. Ông nghĩ: “Xưa nay, mọi việc thế gian đều như trò chơi con trẻ. Cái khéo là ở sự bầy đặt cuộc chơi”. Kế sách coi như đã quyết ở trong đầu. Nhưng ông vẫn còn băn khoăn, nếu như có Hoàng tiên sinh ở nhà để vấn kế thì yên tâm biết mấy. Phải gấp gấp ra tay. Không thể nấn ná đợi chờ. Thời cơ mấy khi tạo được. Ý đã quyết, Trần Thủ Độ liền nói thẳng với ông anh, bà chị về mọi nhẽ tồn vong, rồi ông chốt câu chuyện lại: “Nếu anh cả và chị tin tôi. Nội trong ba ngày nữa mọi việc sẽ xong. Kẻ nào chống lại, tôi diệt. Tôi cũng nói trước, việc này thành, tức là trời đem nghiệp lớn quốc gia trao vào tay họ Trần ta. Chẳng may việc bại, thì chết cả họ, đừng có oán tôi. Nhớ rằng các việc tôi làm đều không phải để cho tôi”.
|