THẤM THOẮT CHIÊU HOÀNG NHƯỜNG NGÔI cho chồng đã được năm năm. Trần Cảnh tỏ ra là người khoan nhân, khiến Chiêu Thánh cảm thấy vui vầy, vì có được người bầu bạn. Nhưng càng ngày Trần Cảnh càng ham mải học hành, thành thử ít có dịp gần gũi nhau cùng chơi một trò chơi như ngày còn bé. Cũng là sự học, song mỗi người theo một thầy. Mỗi người học theo một lối. Chiêu Thánh tuy có học cả thi, thư, lễ, nhạc, nhưng chủ yếu là để bồi đắp cho dung, công, ngôn, hạnh. Còn Trần cảnh lại học khác. Cảnh cũng học tứ thư(1) , ngũ kinh(2), lại tham bác cả lục thao(3), tam lược(4). Thành thử cái học của Cảnh vừa sâu, vừa rộng. Vì Cảnh đang ở ngôi quân trưởng, ngồi trên cả kẻ sĩ và tứ dân, không thể không thông hiểu mọi điều, mọi nhẽ.
Quan sư phó là người thấm nhuần lời dặn của thống quốc thái sư Trần Thủ Độ. Nên ông nhồi nhét cho đức vua nhỏ cái học theo lối hình danh(5) của phái Pháp gia(6). Trần Cảnh là người có cái tâm đôn hậu, nên thường không nhập được lắm với những điều khắc bạc mà quan sư phó hầu giảng. Có lần đức vua đã hỏi thầy học của mình:
“Tự mình tu đức để giáo hoá dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật”.
- Câu đó là ở đâu?
Quan sư phó vòng tay đáp:
- Tâu bệ hạ, lời đó được chép trong Kinh thi. Sách do đức Khổng phu tử soạn.
Nhà vua vẫn điềm tĩnh hỏi:
- Tại sao ông không dạy ta những điều đó?
Quan sư phó sợ hãi thưa:
- Tâu bệ hạ, là vì nước nhà mới trải qua cơn suy loạn kéo dài. Cương thường đảo lộn. Rường mối nát mục. Dân nhờn luật pháp. Nếu bản triều ta không nghiêm pháp luật, thì khó có thể lập lại được kỷ cương.
Nhà vua nghiêm sắc mặt, nhìn thẳng vào cái mũi khoằm của quan sư phó mà phán rằng:
- Ta biết những điều ông dạy ta, đều có ở trong sách. Nhưng trong sách còn có cả các điều khác nữa, sao ta không nghe ông nói.
Ta chưa nghe ông nói: “Phải lo cho dân cái gì”. Mà chỉ thấy ông nói: “Phải trị dân như thế nào”? Mấy bữa trước đọc sách thầy Mạnh(7), ta còn nhớ lời ngài dậy: “Dân vi quý xã tắc thứ chi, quân vi khinh”(8) thế là nghĩa làm sao?
Quan sư phó bằm mặt sợ hãi. Có ngờ đâu một cậu bé mới mười hai, mười ba tuổi mà đã thông tuệ khác đời. Ông tự nghĩ: Ta lĩnh lời uỷ thác của thái sư thống quốc: “Không được đem cái nhân của đàn bà để giáo hoá đức vua. Nếu biến đức vua thành một người uỷ mị yếu đuối là mang trong tội”. Thành thử vừa hầu giảng đức vua, ông vừa lo sợ. Trong việc này, phận sự của ông, phải làm đẹp lòng cả hai người. Nhưng không thể xem mãi đức vua như một đứa trẻ được. Non một năm gần đây ngài đã ý thức được ngôi vị của mình. Ngài hỏi han kỹ lưỡng những việc lớn quốc gia, có quan hệ đến sự bình trị ở đời. Lại bữa nay, nhà vua dồn ta tới mức như ngài không chịu nổi cái học hình danh. Ngài có cái tâm thật tốt. Mặc cho ông chú muốn uốn vót thành một thứ gai nhọn sắc. Mới hay cha sinh con, trời sinh tính!
“Thế nghĩa là làm sao?” Câu hỏi như một chiếc roi gai quất vào giữa mặt, khiến quan sư phó thấy đau lòng. Ông lúng túng giãi bày:
- Tâu bệ hạ, ý thầy Mạnh nói ở đây, không có nghĩa là coi thường thứ bậc của ngôi quân trưởng, mà thầy muốn nhấn: “Phải lấy dân làm gốc. Vì không có dân thì không có nước. Nước đã không có thì đấng quân trưởng lấy ai mà chăn dắt, mà cai trị”.
- Tiếc thay ông đã không truyền giảng cho ta các điều hay lẽ dở một cách đầy đủ! Nói xong, nhà vua đứng dậy.
Đêm ấy trong nội tẩm, Trần Cảnh cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Chiêu Thánh lặng lẽ đặt tay lên ngực chồng. Trần Cảnh vẫn lặng thinh. Không gian yên tĩnh tới mức hai người nghe rõ được cả hơi thở của nhau. Một lúc lâu sau, Chiêu Thánh mới thỏ thẻ hỏi chồng:
- Bữa nay thị triều có điều gì làm nhà vua buồn vậy? Vừa hỏi, Chiêu Thánh vừa xoa bàn tay mềm mại của mình lên ngực chồng.
Được vuốt ve, Trần Cảnh thấy lòng dịu lại, nắm lấy bàn tay hoàng hậu, nói vừa đủ cho hai người nghe:
- Ta bực vì ông sư phó dạy ta không đến nơi đến chốn. Ông ta thiên về cái học hình danh, khiến tâm con người trở nên ác độc. Ta cứ băn khoăn mãi về những điều ông ta rao giảng bấy lâu nay. Mãi cho tới khi ta tìm sách đọc, mới vỡ lẽ.
Hoàng hậu Chiêu Thánh đang ở tuổi mười ba. Cái tuổi dậy thì của con gái. Một vài tháng nay, hậu lớn vổng lên. Cặp má lúc nào cũng ửng hồng. Môi tươi như thoa son. Bộ ngực có đôi bầu vú nở căng như đội áo lên. Tính tình thay đổi bất thường. Có lúc nói cười hồn hậu. Có lúc lại buồn rũ rượi. Đầu óc lắm lúc cứ rối tung lên. Vừa chợt nghĩ ra điều gì, lại quên ngay mất việc đang làm dở. Hậu bắt đầu thích ngắm mình trong gương. Thích chăm sóc đến áo quần và trang điểm. Hậu cũng có những đòi hỏi khác thường. Hậu muốn được nhà vua săn sóc, muốn được vuốt ve âu yếm.
Tất cả những sự thay đổi của Chiêu Thánh, dường như Trần Cảnh không để ý tới. Ngoại trừ những việc buồng the kín đáo mà nàng hay khêu gợi khi đêm về. Lúc đầu chỉ làm cho Trần Cảnh thấy buồn cười. Sau lại thấy vui vui. Hai người thích được gần nhau luôn để được đầu gối tay ấp. Để được thủ thỉ chuyện trò. Và đúng là chỉ đêm xuống đôi lứa mới được sống với nhau bằng tình cảm thật. Bởi lẽ ban ngày, người thì đóng vai đạo mạo của một vị quân trưởng, người phải tỏ ra là bậc mẫu nghi thiên hạ, trong khi họ còn là những thiếu niên, họ cũng cần chơi bời, đùa nghịch như bọn trẻ bằng lứa.
Cùng với thời gian, cả hai đều dần dần ý thức được vai trò của mình. Chiêu Thánh chẳng hạn, hậu không còn bằng lòng với việc sắp xếp bọn nữ tì hầu hạ trong cung cấm theo ý của mẹ đẻ nữa. Chiêu Thánh đuổi bớt những đứa hầu cận trái ý mình, và lựa những đứa biết chiều theo sở thích của hậu. Cả Trần Cảnh cũng thế. Trần Cảnh càng ngày càng ham mải kiếm tìm sách đọc. Cũng như xem xét kỹ càng phép trị nước của các đời. Nhiều khi Cảnh đem các suy nghĩ thâu tóm được trong sách về nói chuyện với thượng hoàng. Trần Thừa không phải là người học hành giỏi giang gì, ông không lý giải được cho con về những điều cao rộng mà các bậc thánh hiền đã lưu lại. Ông bèn gặp Trần Thủ Độ. Anh em đàm đạo thật là cởi mở.
Thượng hoàng Trần Thừa nói:
- Chẳng giấu gì chú, ít lâu nay Cảnh nó thường hỏi tôi các điều về công việc của triều đình.
Trần Thủ Độ mỉm cười, đáp:
- Vậy là đáng mừng có gì bác phải băn khoăn. Ta chỉ mong sao cháu chóng trưởng thành, tự nó điều hành các công việc triều chính. Tôi với bác, làm sao cáng đáng được mãi các công việc lớn quốc gia. Đại loại cháu nó thường hỏi bác về cái gì?
Thượng hoàng Trần Thừa vui vẻ nói luôn:
- Chẳng hạn như hôm trước, chú bảo tôi cho ngự sử đài bố cáo cho đầu mục các châu, quận, lộ, phủ phải làm sổ hộ khẩu, phân rõ độ tuổi, chia ra thứ bậc từ tiểu hoàng nam đến long lão(9) để tiện dụng cho việc binh, phòng khi có hoạ biến. Nó hỏi tôi: “Như thế có phiền cho dân không?” Lại cái hôm tết đoan ngọ, triều đình cử hành lễ điếu Khuất Nguyên cùng các người hiền đời trước, nó cũng hỏi: : “Lệ này này có từ bao giờ? Tại sao chỉ điếu những người hiền của Trung Hoa? Đại Việt ta qua các đời không có ai là người hiền chăng?”. Đấy, chú xem, những điều như thế, trước đây nó có biết gì đâu mà hỏi. Bây giờ không những hỏi, mà còn tranh biện cả với tôi.
Trần Thủ Độ lấy làm đắc ý lắm, ông nói:
- Thế thì đại phúc cho nhà Trần ta đấy, bác ạ. Tôi chỉ sợ nó khù khờ, bảo sao nghe vậy, thì lúc anh em mình khuất nẻo rồi, ai là người giúp nó lèo lái con thuyền quốc gia. Thằng bé được cái tâm thiện. Biết thế, tôi đã căn dặn kỹ càng viên sư phó dạy cháu trở thành người cứng rắn. Nghe đâu nó vừa quở ông ta. Có nhẽ phải chọn thầy khác cho cháu thôi, bác ạ.
- Chú định nhắm ai? Phải tìm cho cháu một ông thầy thật thông hiểu cả tam giáo(10), chú ạ. Dạo này, nó hay hỏi tôi về Đạo giáo lắm. Mình ngần này tuổi đầu, chữ nghĩa kém cỏi, chẳng biết đầu đuôi thế nào mà chỉ dẫn cho nó.
- Tôi định mời cư sĩ Phùng Tá Thang, ý bác thế nào? Ông này là cha đẻ của Phùng Tá Chu, người Long Hưng(11) học thức hơn đời, thông hiểu cả tam giáo, cửu lưu(12). Ông là một người tích thiện. Gặp những năm đói kém mất mùa, thường xuất của nhà ra chẩn cấp cho người nghèo. Khắp mấy châu quận, dân chúng đều mến mộ công đức ông ta. Ông ta là học trò yêu của Đỗ Đô(13) chủ suý phái thiền Hoàng Giang. Tôi đồ rằng Trần Cảnh sẽ hợp với tiên sinh.
Trần Thừa gật gù:
- Nếu chú thấy được, chú cứ làm. Mọi việc tôi đều trông cậy nơi chú.
1. Bốn bộ sách cơ bản của Đạo nho: Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học.
2. Ngũ kinh: Thực ra là lục kinh tức sáu bộ sách kinh điển của Đạo nho do Khổng Tử soạn: Dịch - Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Xuân Thu. Kinh Nhạc bị đốt trong thời Tần Thuỷ hoàng, sau chỉ còn lại năm kinh.
3. Lục thao: Sách của Thái Công soạn gồm có: Văn thao, Vũ thao, Long thao, Hổ thao, Báo thao, Khuyển thao.
4. Tam lược: Sách về binh pháp do Hoàng Thạch Công soạn.
5. Hình danh: một nhánh của học phái Pháp gia.
6. Pháp gia: Một học phái chủ trương trị nước thuần tuý trên cơ sở luật pháp nghiệt ngã.
7. Ám chỉ Mạnh Tử, một người có công chấn hưng đạo Nho sau gần 200 năm Khổng Tử mất.
8. Có nghĩa: Dân là quý, thứ đến đất nước, vua là bình thường, ý nói phải lấy dân làm gốc.
9. Lệ nhà Trần kê khai hộ khẩu con trai lớn trên 18 tuổi gọi là đại hoàng nam, dưới tuổi đó gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già hơn gọi là long lão.
10. Ba đạo lớn: Nho - Lão - Phật.
11. Phùng Tá Thang gốc người Lý Nhân (Nam Hà ngày nay) sau dời sang làng Mỹ Xá (nay thuộc huyện Hưng Hà - Thái Bình).
12. Chín học phái thời Xuân Thu - Chiến Quốc: Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia, Nông Gia.
13. Đỗ Đô quê ở làng Lạng (huyện Vũ Thư, Thái Bình ngày nay). Đỗ ưu khoa Minh kinh bác sĩ, Nguyên phong năm thứ sáu (1097) đời Lý Nhân tông. Sau lại đỗ ưu khoa thi tam giáo. Ông không ra làm quan mà về lập ra Hoàng Giang phái. Nội dung lớn mà ông lý giải là “Tam giáo đồng nguyên”. Hoàng Giang được coi là tiền thân của phái Trúc Lâm sau này.
|