CHƯƠNG XV
16:34', 21/4/ 2006 (GMT+7)

TỪ KHI MỜI ĐƯỢC CƯ SĨ PHÙNG TÁ THANG VỀ triều làm thày dạy học thay cho quan sư phó, nhà vua lấy làm mãn nguyện. Những điều tiên sinh giảng giải rất hợp ý nhà vua. Trần Cảnh là người tôn sư trọng đạo. Nhà vua khẩn khoản mời tiên sinh vào ở ngay trong nội điện, để tiện việc học hành, và cũng là để được đàm đạo nhiều hơn.

Tiên sinh lấy cớ rằng ông không quen ở nơi đô hội. Ông chỉ muốn sống một mình cho tĩnh lặng, vừa tiện việc đọc sách và viết sách. Bởi thế nhà vua đã thu xếp để tiên sinh ở điện Cao Minh gần cửa Đại Hưng. Tuy vậy, tiên sinh cũng khéo léo từ chối và xin được ở chùa Thắng Nghiêm, đối diện với cửa Đại Hưng ở phía ngoài hoàng thành. Nhà vua vui vẻ chấp nhận, vì có đôi lần qua lại Thắng Nghiêm, ngài tỏ lòng mến mộ cảnh chùa u nhã, lại được vị thiền sư trụ trì là người đạo cao, đức trọng. Hằng ngày, tiên sinh thường đến giảng kinh sách cho nhà vua tại điện Nhật Minh. Xong ông lại lui về trụ tại chùa Thắng Nghiêm. Nhà vua đã dựng cho tiên sinh một mái thảo đường ngay dưới gốc cây bồ đề sum sê, soi bóng xuống hồ bán nguyệt, và kế cận với vườn hoa rợp bóng các loài mẫu đơn trắng, đỏ, vàng xen với ngâu, ngọc bút, bạch trà, ngọc lan… bốn mùa tỏa hương thơm ngào ngạt.

Một hôm bất chợt Thái tôn vi hành tới thăm Phùng tiên sinh. Nhà vua cải dạng như một nho sinh, có tiểu đồng đi theo, quẩy hai chiếc tay nải nhẹ tênh. Qua tam quan, tiểu đồng dẫn nhà vua theo con đường quanh co trong vườn chùa. Khen thay chỉ có một vuông đất không rộng lắm, mỗi bề bất quá hơn một ngàn bước chân, mà nhà chùa sắp xếp cây cối, nhà cửa, đường đi lối lại cứ như là đường vào cõi thượng giới. Đây là rừng đại ngàn với những cây muỗm cổ thụ, thân cao vút, gốc xù xì, cành lá vươn dài, tán khép dầy. Loáng thoáng có những giọt nắng xuyến qua kẽ lá, trải lốm đốm trên nền cỏ đã ngả sang màu lục nhạt, nom như những bộ da của đám hươu sao trên thung Yên Tử. Kia là một dải suối, chảy róc rách qua những khe đá nằm lăn lóc trong lòng suối. Con suối nông choèn, nước chỉ ngập tới mắt cá chân cũng được bắc qua một cây cầu gỗ làm theo kiểu thượng gia hạ kiều(1), hai bên lan can con tiện. Lác đác còn có những lầu lục giác, bát giác ẩn dấu trong bóng cây. Nơi là đình Nghinh phong(2), nơi là lầu Tịch huyên(3). Qua suối lại đến khu vườn dược. Tại đây hàng trăm loài cây thuốc được đưa về trồng thành rừng.Loáng thoáng mộtvài chú tiểu đang lom khom đào, hái. Vẳng đâu đây một tiếng gà gáy của chú chim cu cườm. Con đường dẫn tới vườn hoa, vòng ra hồ bán nguyệt. Tại đây nhà vua đã nhìn rõ toàn cảnh ngôi thảo đường dưới gốc cây bồ đề. Ba gian nhà nhỏ, cửa mở toang. Tiên sinh đang rạp mình trên tờ giấy điều trải rộng với cây bút lông lớn trong tay. Vừa lúc tiên sinh phẩy nét bút cuối cùng, ngẩng đầu lên đã thấy nhà vua đang chăm chú nhìn mình. Tiên sinh vội đứng dậy vái nhà vua hai vái. Nhà vua cũng vái lại đáp lễ. Nhà vua đưa mắt nhìn nơi ăn ở của sư phụ. Gian giữa chỉ trải một chiếc chiếu rộng. Nhìn sang gian bên tả, thấy chiếc nệm cỏ đặt trên tấm chiếu cói. Gian bên hữu, vài kệ sách kê sát tường. Một chiếc bàn cuốn thư, một chiếc ghế triện. Trên bàn vài thứ đồ văn phòng tứ bảo.

Thấy cảnh sinh hoạt sơ sài như một đạo sĩ, nhà vua trạnh lòng hỏi:

- Bẩm sư phụ, quan thiên phủ(4) đã cho người đưa các thứ lại đây hầu sư phụ chưa?

Phùng tiên sinh ngẩng đầu nhìn nhà vua. Chiếc khăn nhiễu nâu hơi trùm búi tóc tuột ra một vòng, khẽ đung đưa. Tiên sinh nhẹ vén hai tay áo thụng rồi vuốt chòm râu bạc mỉm cười.

- Đội ơn bệ hạ. Quan thiên phủ có đến gặp bần đạo, nhưng bần đạo với ngài thuyền sư đây vốn là chỗ bằng hữu, nên mọi thứ đã có nhà chùa chu cấp. Ngay thuyền sư đạo hữu cũng nài nỉ bần đạo ở nhà phương trượng, nhưng bần đạo vốn quen cảnh lâm tuyền đạm bạc.

Nhà vua tự nghĩ: “Có nhẽ tiên sinh không muốn phiền đến ta. Đây là cái ơn tri ngộ, biết đến bao giờ mới đền đáp được”. Lúc này nhà vua mới chú ý tới đôi liễn tiên sinh vừa viết xong.

Thấy nhà vua liếc nhìn, tiên sinh vội đem treo lên vách.

Nhìn hai bức liễn viết theo lối thảo tự, nhà vua xem như xem tranh chứ không đọc. Nét chữ bay bướm, một cách tài tình. Chỗ đậm, chỗ nhạt, khoảng sáng, khoảng tối nom thật thanh nhã, sâu lắng, ẩn giấu một triết lý cao siêu như tư chất của tiên sinh vậy. Nom những bức liên của tiên sinh, khiến Thái tôn liên tưởng đến những bức sơn thuỷ hoạ của Vương Duy(5) treo trong điện Thiên An.

Thái tôn đã cố gắng đoán mà không đoán ra một chữ nào, bèn kính cẩn hỏi tiên sinh:

- Xin sư phụ đọc giùm cho, tiểu sinh quả là có mắt như đui.

Phùng tiên sinh liền cất cao giọng đọc:

PHẬT - NHO - LÃO TAM GIA NHẤT TRÙ

QUÂN SƯ PHỤ NÃI NGŨ LUÂN CHI YẾU(6)

Đọc xong, tiên sinh bèn giảng giải:

- Tâu bệ hạ, đấy là chữ của thầy tôi dùng trong bài văn sách, khoa thi tam giáo năm Hội phong thứ sáu(7)

- Thưa sư phụ, Thái tôn nói - Cứ theo như ý trong đôi liễn này, có nghĩa là tam giáo đồng nguyên?

Ngẫm ngợi một lát, Phùng tiên sinh đáp:

- Tâu bệ hạ, sự không phải vậy, nhưng lý là vậy đó.

Thái tôn lắc đầu:

- Thưa sư phụ, tiểu sinh không hiểu.

Phùng tiên sinh đem ra một be rượu kim cúc. Ông rót vào chén sành Bát Tràng men ngọc, dâng vua.

Thái tôn chắp hai tay vái, chối từ. Nhà vua vẫn có ý chờ tiên sinh chỉ giáo.

Phùng tiên sinh sửa lại khăn áo, đốt lò trầm, rồi thong thả nói:

- Tâu bệ hạ, ba đạo Nho, Lão, Phật là do ba nhà chủ trương. Tông chỉ của mỗi đạo cũng khác nhau về căn bản. Sự là như vậy, nên không thể nói ba đạo cùng một nguồn gốc. Đời nhà Đường, đạo Phật du nhập từ Tây Trúc sang Trung Hoa, đã bị nhà nước Trung Hoa chèn ép. Các giáo phái bài xích, phản bác nhau mạnh mẽ. Sự tranh chấp quyết liệt đôi phen đã đổ máu. Có người đã đứng ra hoá giải, cũng nói là “tam giáo đồng nguyên”(8). Vì sự không phải là đồng nguyên, nên cuộc hoá giải không thành. Tranh chấp kéo dài tới cả trăm năm, rồi ba đạo đó mới tìm được chỗ đứng trong nhau, sống hoà thuận được với nhau.

Nhưng ở ta thì khác, các đạo Nho, Lão của Trung Hoa tràn sang ta. Các cụ ta lý hội ngay được sự tinh tuý của hai đạo lớn đó. Tiếp đến khi đạo Phật từ Tây Trúc tràn sang. Rồi sau nữa đạo Phật cũng qua đường Trung Quốc tràn vào. Các cụ ta đều nhiếp thống được cái tinh tuý của tam giáo. Thành thử ở ta không có sự chèn ép giữa các tông giáo. Đến đời nhà Lý, từ Lý Thái tổ đã lấy đạo Phật làm Quốc giáo. Song không vì đưa đạo Phật lên vị trí siêu việt mà có sự bài xích Nho, Lão.

Nhà vua nghe Phùng tiên sinh giảng giải thật là chăm chú. Đôi mắt nhà vua nhìn vào miệng Phùng tiên sinh - nơi phát ra những lời nói vừa mộc mạc vừa cao siêu, khiến nhà vua như uống lấy từng lời.

Nhấp một ngụm rượu, tiên sinh lại nói:

- Về sự là như vậy. Song về lý thì cả ba tôn giáo đều có chỗ nhất quán, nghĩa là vừa siêu nhiên, vừa hiện thực. Nho, Lão, Phật đều không phải là những hệ thống đóng mà là dòng nước luôn luôn lưu thoát. Ở nước ta, các bậc minh quân thường kiêm dùng cả ba đạo, gồm cả xuất lẫn nhập, cả siêu nhiên lẫn hiện thực, lấy cái nọ chế thắng cái kia cho thêm phong phú tinh thần về đường khai phóng. Bởi thế, việc kén hiền tài cũng xuất phát từ tam giáo. Ví như đã trúng cách khoa minh kinh bác học rồi, lại phải trúng cách khoa tam giáo nữa mới được bổ dụng.

- Tâu bệ hạ, vậy là các cụ ta, đã tạo ra được một đạo mới thấm nhuần ý nghĩa nhân văn siêu việt của tam giáo, trở thành nền đạo thống của quốc gia. Cái lý về tam giáo đồng nguyên chính là ở đấy.

Thái tôn cuối đầu suy tư. Nom dáng vẻ nhà vua đã vượt ra khỏi tầm vóc của một thiếu niên. Phùng tiên sinh ngừng lời lâu rồi, nhà vua vẫn còn miên man với những ý nghĩ về dân, về đạo. Chợt Thái tôn ngẩng nhìn Phùng tiên sinh, nhà vua có cảm giác như là thầy đã biết cả gan ruột mình rồi.

Lúng túng vua nói:

- Sư phụ, những điều thầy nói vừa cao minh, vừa uẩn ảo, khiến tiểu sinh thấy băn khoăn khó nghĩ quá.

- Tâu bệ hạ, chẳng hay có điều gì làm bệ hạ phiền lòng? Bần đạo tuổi cao, tránh sao khỏi, sự khiếm khuyết, mong bệ hạ đại xá.

- Ồ không! Thưa sư phụ, những điều mà sư phụ thường giảng giải cho tiểu sinh sâu rộng quá, nó hàm chứa cả nhân, cả nghĩa, cả đạo nữa. Tiểu sinh tự thẹn vì mình ở ngôi cao mà chưa làm được điều gì ích dân lợi nước.  Tự thẹn còn vì tiểu sinh được người họ Lý nhường ngôi. Mà rường mối cương thường lại cũng chính do các triều vua Lý đặt nền móng cả. Làm được như nhà Lý đối với dân, đối với đạo ở các thời thịnh đã khó. Vượt được nhà Lý về mọi mặt là muôn khó. Thưa sư phụ, gần đây thái sư thống quốc đã cho san định bộ bình luật, tiểu sinh đã chấp thuận bố cáo cho thần dân đều biết mà thi hành. Nhưng trong lòng vẫn còn áy náy.

- Bệ hạ áy náy điều gì? - Phùng tiên sinh nhẹ hỏi như là một sự khuyến nhượng, khiến nhà vua phấn chấn hẳn lên, ngài nói:

- Thưa sư phụ, điều tiểu sinh thấy chưa được yên ổn trong lòng, ấy là hình luật xem ra có bề hà khắc.

 Phùng tiên sinh lấy làm cảm kích thiện tâm của đức vua. Ông không khỏi sung sướng vì đã dậy cho hoàng thượng nhuần thấm được cái đạo nhân nghĩa ở đời. Tự dưng nước mắt ông nhểu ra.

- Tâu bệ hạ, bần đạo đã có đọc qua bộ hình thư đó. Bần đạo cũng có cái cảm nhận như bệ hạ. Song le, mấy chục năm nay kỷ cương nát mục, luân thường đảo lộn, dưới trên lẫn lộn, ác  thiện khó phân. Nhà Trần ta mới được thiên hạ, nhẽ ra phải làm trước hết là các việc thiện đức. Khốn nỗi xã hội rối như một mớ bòng bong, thế thì làm sao thi hành được cái đạo của nhà vua. Cho nên phải dựa vào hành pháp để khôi phục đạo thống, lập lại kỷ cương, rồi sau đó mới có thể làm sang việc khác. Bộ hình thư đó lúc này là cần thiết. Nhưng khi dân đã đi vào kỷ cương lễ luật rồi, hình pháp phải khoan giảm.

Thái tôn nhích lại gần Phùng tiên sinh hỏi:

- Thưa sư phụ, khi đã ổn cố được kỷ cương rồi thì phải làm gì?

Tiên sinh cười, vui vẻ đáp:

- Ổn cố được kỷ cương đâu phải chuyện một sớm một chiều làm được. Việc này cực kỳ hệ trọng, vì nó xây dựng rường mối cho một triều đại. Việc hình luật muốn có thành tựu là phải nghiêm. Trước hết đối với những người làm ra luật pháp, những người cầm cân nảy mực trong bộ máy quốc gia, không được phép vi phạm. Có thế dân mới tin. Dân tin từ  các điều nhỏ nhặt thì nhà vua mới làm được các điều to lớn khác.

- Tâu bệ hạ, việc này bần đạo nhớ có lần thầy Tử Cống hỏi đức Khổng Tử: “Việc chính nên như thế nào?”.

Đức Khổng tử đáp:

- Đủ ăn, đủ binh, dân tin mình.

Tử Cống lại hỏi:

- Bất đắc dĩ phải bỏ một trong ba điều ấy thì bỏ điều nào trước?

Không ngần ngại nghĩ suy, đức thánh liền nói:

- Bỏ việc binh.

Lại hỏi:

- Còn hai điều ấy, bất dắc dĩ phải bỏ đi một điều nữa, nên bỏ điều nào trước?

Khổng Tử đáp:

- Bỏ ăn. Bỏ ăn thì chết. Nhưng xưa nay người ta vẫn chết. Còn như dân không tin thì hỏng. Hỏng hết. Sụp đổ hết.

Phùng tiên sinh thủng thẳng nói rành rõ từng lời. Nhà vua cứ há mồm ra nghe. Đức vua đã nhích sát tới mép chiếc bàn chân qùi. Tức là hai thầy trò ngồi cách nhau chỉ còn một khoảng bằng cái mặt bàn, ước đôï hai gang tay.

Tiên sinh biết người học trò của mình có được cái tâm hiếu thiện. Ông thầm nghĩ: “Thật phúc cho nhà Trần, phúc cho trăm họ”. Ông tự hứa với mình, chừng nào còn có cơ may được hầu giảng đức vua, sẽ bằng mọi cách, giúp cho nhà vua hiểu thấu được điều nhân nghĩa, nhẽ trị loạn ở đời. Phải làm cho nhà vua biết kính cẩn và thận trọng, phải nắm được các điều mấu chốt của tam giáo. Biết yêu điều thiện, ghét điều ác. Chớ có ghét cái dân yêu mà yêu cái dân ghét, thì cơ đồ trường cửu bất quá không hơn chiếc bong bóng dưới giọt tranh.

Tiên sinh chợt nhớ, chưa nói điều vua hỏi: “Ổn cố được kỷ cương rồi thì phải làm gì?”. Nhìn vào khuôn mặt thơ ngây rất đỗi đáng mến của nhà vua, Phùng tiên sinh nói:

- Trở về cái chuyện hình luật. Tâu bệ hạ, khi đã ổn cố được kỷ cương rồi, tức là dân tin theo hình pháp. Trong xã hội không còn trộm cướp. Nhà nhà đủ ăn, đủ mặc. Cha con, chồng vợ hiếu thuận thì phải khoan nới hình luật. Các việc tiếp theo là khai phóng dân trí. Muốn khai phóng dân trí thì phải mở mang việc học. Phải trọng kẻ sĩ, chuộng người tài đức. Vì một nước trị hay loạn, thịnh hay suy là cốt ở nhóm người này. Đây chính là bộ phận thiểu số dẫn lối đưa đường cho toàn xã hội. Cho nên không thể không chăm lo quý trọng họ, để họ giúp rập trong việc đưa toàn xã hội phát triển lên về mọi mặt. Như mở trường học, truyền bá trí thức, giáo hoá nhân luân. Phát triển nghề nông. Mở mang nghề công. Trau dồi nghề thương. Trong một xã hội, ai ai cũng lo làm việc. Nhà nhà đầy đủ ắt sẽ đua nhau làm điều thiện. Vậy lại phải giáo hoá cho dân ghét điều ác hiểm, gian trá, dối lừa, trộm cắp, ắt dân không bao giờ làm điều gian ác nữa. Dân ghét điều ác, điều xấu không làm, hơn là dân sợ hình pháp mà không làm điều xấu, điều ác. Như thế thì dân trở nên thuần phác, giàu có, nước của bệ hạ không muốn phú cường cũng không được.

Thái tôn hết đỗi vui mừng. Bởi mỗi lời nói của sư phụ như ngọn đuốc tuệ soi vào cõi vô minh, khiến nhà vua cảm thấy mình được sáng hoá, được gia tăng sức mạnh để tiến sâu vào đường đạo.

Thái tôn lại hỏi:

- Trình sư phụ, nếu dân trí được khai phóng rồi thì còn phải làm gì nữa?

Phùng tiên sinh suy ngẫm giây lâu rồi đáp:

- Tâu bệ hạ, khi các việc lớn về dân trí, dân sinh đã xây đắp được rồi, lại phải nghĩ đến dân tâm. Tức là hướng tâm thức chúng dân đi vào con đường đạo. Xin bệ hạ cứ suy xét từ nay cho tới lúc viên mãn cuộc đời, nếu không có một đấng cao minh nào đó để tôn thờ và cũng là để nương tựa thân tâm, không phải là mối lo lớn cho bách tính sao? Xin bệ hạ hãy ghi nhớ nằm lòng, rồi di truyền lại cho cháu con đời đời, đừng có bao giờ nghe lời xúc xiểm của những người thiển cận mà tước bỏ phần tâm linh của nhân chúng. Lý Cao tôn đã dại dột nghe lời Đàm Dĩ Mộng(9) thu độ điệp(10), bắt tăng ni hoàn tục, phá bỏ chùa chiền, khiến nhân tâm con người trở nên bơ vơ, náo loạn. Phá chùa, đuổi tăng, nhưng nhà vua lại không ngừng xây cất lầu son, gác tía, cung điện nguy nga, ăn chơi xa xỉ, mặc chúng dân lầm than đói khổ.

Xã hội rối loạn bắt đầu từ sự sa đoạ lương tri, tâm linh đoạ lạc.

Từ đấy nhà Lý, bắt đầu từ Lý Cao tôn, và kết thúc ở Lý Huệ tôn. Hai cha con ông này đã chôn cất trọn vẹn sự nghiệp hơn hai trăm năm huy hoàng của cả dòng họ.

Phùng tiên sinh ngừng lời, khiến Thái Tôn ngỡ ngàng, vì nhà vua đang chăm chú lắng nghe. Thái tôn khiêm nhường hỏi tiên sinh:

- Thưa sư phụ, có một điều tiểu sinh chưa rõ lắm, nếu các điều như tiên sinh dậy đã được hoàn tất, thì ngôi quân trưởng như tiểu sinh còn phải làm những gì nữa để dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc.

Nghe nhà vua hỏi, trong lòng tiên sinh loé lên một niềm vua lớn. Tiên sinh ao ước, nếu như vào tuổi trưởng thành, khi đã nắm trọn quyền lực trong tay, mà nhà vua vẫn còn muốn hỏi han những người am tường thế sự, những người có thiện tâm với dân, với nước. Ôi nếu được như vậy thì Thái tôn sẽ là ông vua mở nghiệp sáng giá. Mặc dù sự lên ngôi của nhà vua, ngay cả công việc điều hành triều chính, lèo lái con thuyền quốc gia đều do tay Trần thủ độ sắp đặt. Sợ rằng nhà vua không chịu tu chính nhân cách, trau dồi đạo học, để trở thành một người mẫn tuệ, thiện đức mà chỉ ham mải cung nữ, mê say các lạc thú trần gian thì sớm muộn cũng trở nên một bạo chúa. Mấy chục năm qua, chỉ vì bậc quân trưởng ngu tối. Xiết bao người chết oan khuất vì đói rét, bất công. Đi về nẻo nào cũng thấy xác người. Tai chất đầy tiếng rủa nguyền hờn oán của đám lê dân. Chính vì thế mà tiên sinh không tiếc sức mình để huấn hỗ cho đức vua trở thành đấng minh quân, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà. Nghĩ vậy tiên sinh bèn nói:

- Tâu bệ hạ, thật là phúc cho trăm họ, khi người quân trưởng có bổn tâm chí thiện. Nay bệ hạ nắm giữ ngôi trời, mà lúc nào cũng lo đến làm lợi cho dân, ắt là dân được nhờ. Thế là nhà vua đã thể theo mệnh trời. Nhưng mệnh trời không nhất định. Thiện thì được. Không thiện thì mất. Như nhà Lê mất về tay nhà Lý. Nhà Lý mất về tay nhà Trần. Chẳng qua là các triều đại về sau không giữ được đức thiện, làm trái lòng dân, nghịch mệnh trời. Vì sao vậy? Vì rằng Vua thay Trời trị dân, thì Vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy. Thế nhưng Trời lại chiều Dân. Cho nên Vua làm điều gì trái lòng Dân, tức là trái mệnh Trời. Bởi thế đức Vua tuy được quyền thay Trời, nhưng phải chịu trách nhiệm về mọi mặt đối với Dân. Dân tuy chịu quyền cai quản của Vua, nhưng vẫn có quyền bắt Vua phải theo điều thiện mà làm. Thành thử muốn biết lòng Trời thì hãy xem lòng Dân. Trời với Dân làm một thì trên dưới giao hoà được với nhau. Cứ theo cái lý ấy, thì người làm vua, phải theo lòng dân mà tề chỉnh sự chính trị của mình.

Phùng tiên sinh ngừng lời. Thái tôn vẫn chăm chú lắng nghe với niềm thành kính xúc động. Tiên sinh lại nói:

- Tâu bệ hạ, những điều bần đạo tâu trình bệ hạ, phần theo chữ nghĩa của thánh hiền, phần theo sự thành tựu của các đời trước đã làm, xin bệ hạ lưu tâm.

 Thái tôn cúi đầu vái tiên sinh hai vái.

 

1. Loại cầu có mái che.

2. Nghinh phong: Đón gió - nơi ngồi nghỉ mát.

3. Tịch huyên: Tĩnh lặng, không có tiếng ồn ào - thường là nơi đọc sách hoặc gẩy đàn.

4. Chức quan trông coi về các kho tàng trong cung vua.

5. Vương Duy (698-759) một thi hoạ nổi tiếng danh đời Đường. Ông được coi là người đã sáng lập ra phái Nam thuỷ hoạ.

6. Có nghĩa là: Phật - Nho - Lão tuy ba nhà nhưng chung một bếp. Vua - Cha - Thầy là cái lõi của năm luân.

7. Thầy học của Phùng Tá Thang là Đỗ Đô, đỗ Minh Kinh bác học xong lại đỗ ưu khi vào thi tam giáo năm Hội phong thứ sáu, tức năm Đinh Sửu (1097) triều Lý Nhân tôn. Đỗ Đô là người sáng lập giáo phái Hoàng Giang, tiền thân của phái Trúc Lâm sau này. Ông sống trên một trăm tuổi, trải 5 triều vua.

8. Tam giáo đồng nguyên: chữ Hán có nghĩa là: Ba đạo cùng một nguồn gốc. Liễu Tôn Nguyên đời Đường đã đứng ra giải thích việc này. Đương thời không chấp nhận.

9. Đàm Dĩ Mộng làm tới chức Thái phó triều Lý Cao tông. Ông cho việc làm rối loạn xã hội, kinh tế khó khăn là do nhiều người đi tu quá. Chủ trương bắt tới quá nửa số sư sãi phải hoàn tục.

10. Độ điệp: một loại giấy chứng chỉ của chính quyền cấp cho người tu hành. Ai có độ điệp mới được miễn sưu dịch.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CHƯƠNG XIV   (18/04/2006)
CHƯƠNG XIII   (17/04/2006)
CHƯƠNG XII   (11/04/2006)
CHƯƠNG XI   (09/04/2006)
CHƯƠNG X  (05/04/2006)
CHƯƠNG IX   (30/03/2006)
CHƯƠNG VIII   (28/03/2006)
CHƯƠNG VII   (23/03/2006)
CHƯƠNG VI   (20/03/2006)
CHƯƠNG V   (16/03/2006)
CHƯƠNG IV   (15/03/2006)
CHƯƠNG III   (08/03/2006)
Chương II   (06/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình   (03/03/2006)
Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải   (03/03/2006)