KHI ĐÃ SANG TỚI BÊN KIA BẾN ĐÒ SÔNG CÁI, đi chừng độ nửa trống canh nữa về hướng bắc, Thái tôn mới bảo mọi người dừng lại. Nhà vua nói:
- Ta muốn làm một chuyến vi hành, để nghe ngóng trong dân, xem các chính sách của triều đình có gì thuận, nghịch với lòng dân. Nhưng nếu đi cả đoàn cả lũ thế này, khó mà che giấu được tai mắt người dân. Vậy các ngươi trong đám nội nhân hãy quay về triều. Chỉ có Trần Thiêm, Trần Khuê Kình đi theo ta. Nói xong nhà vua bèn khoác lên mình chiếc áo thường dân. Mọi người ai cũng khóc lóc đòi theo, nhưng vua không cho.
Tính ra, vua tôi khởi hành ở Thăng Long từ giờ hợi, lúc này đã cuối giờ tí. Gà trong các xóm đã gáy ran. Vua tôi chia tay bịn rịn. Khi đoàn người trở lại Thăng Long đã đi xa chừng non một đặm, nhà vua ghìm cương ngựa lại, nói với Thiêm, Kình:
- Quay về hướng đông. Ta muốn lên Yên Tử.
Trần Thiêm kính cẩn nói:
- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ muốn vi hành, không đâu bằng vùng xứ Bắc này: dân đông, nho sĩ nhiều, lại là đất cũ quê hương nhà Lý. Luyến nhớ vua cũ, hoặc nhuần thấm ơn mưa móc vua mới, chỉ qua bọn nho sĩ và lớp cùng đinh là biết hết, bệ hạ còn phải ra vùng Yên Tử hiu quạnh làm chi cho nhọc sức.
Trần Khuê Kình cũng mạnh dạn khuyên can:
- Tâu hoàng thượng, anh Thiêm nói đúng đấy. Bệ hạ đến cái vùng lam sơn chướng khí, suốt ngày không một bóng người ấy làm gì. Muốn đi về Yên Tử sao khi đêm, bệ hạ không đi thẳng hướng đông có tiện không, lại còn ngược bắc làm gì?
Thái tôn băn khoăn một thoáng, nói:
- Hai người cùng là bạn ta. Trần Thiêm tuy hơn tuổi, nhưng lại cùng được bổ với ta từ năm Ất dậu (1225) dưới thời Chiêu Hoàng. Đã bao năm cùng ta gắn bó. Còn Trần Khuê Kình với ta cũng là bạn cũ, ta chẳng giấu diếm các khanh làm gì. Ta muốn lên vùng Yên Tử tìm đường giải thoát. Ta ngán cảnh tù túng ở Thăng Long lắm rồi.
Trần Khuê Kình lại nói:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ ở ngôi quân trưởng, không thể chỉ làm theo ý thích riêng mình mà bỏ mặc muôn dân.
Thái tôn lưỡng lự nhìn hai người bạn đồng hành, lại nhìn trời, giây lâu nhà vua nói:
- Cứ dùng dằng mãi, ta e trời sáng mất. Ta còn phải ngược lên bắc, rồi mới rẽ sang đông, là cốt đánh lạc hướng thái sư. Ta biết thái sư không có bụng bỏ ta, thế nào người cũng dò tìm. Ta hỏi thực hai khanh, lúc này không phải là nghĩa vua tôi, mà là tình bè bạn, nếu hai khanh thuận lòng đi với ta, thì cùng đi. Nếu không thuận, hai khanh cứ trở về triều, ta không trách oán. Bởi mỗi người có một chí hướng riêng, ta không ép. Nhưng nếu trở về triều, xin hai khanh liệu lời mà nói, đừng để lộ tung tích của ta. Nói xong, Thái tôn thúc ngựa đi vượt lên.
Thiêm, Kình hai người cùng nói:
- Chúng thần xin đi theo hầu bệ hạ. Hai người, một vượt lên, một lùi lại để Thái tôn đi giữa.
Nhà vua như sợ trời sáng mà chưa xa kinh thành là mấy, nên thỉnh thoảng lại giục Khuê Kình ở phía trước.
- Khanh ráng cho ngựa đi mau hơn.
Đường hẹp, ngựa chỉ đi hàng một, nên vua tôi không trò chuyện được với nhau. Tâm trạng nhà vua thật đau buồn. Các việc xẩy ra trong hoàng gia do sự áp đặt của ông chú, bà cô, khiến cho nhà vua bất bình. Thái tôn buồn nhất là những người trong cuộc, không một ai được lợi lộc hoặc thích thú gì về chuyện này. Nhà vua lo nhất vẫn là ông anh cả. Trần Liễu dám làm càn lắm. Từ trước, Liễu đã hục hặc chuyện ngôi thứ rồi. Nay thái sư làm nhục cả một lũ mấy anh em chị em. Liễu sẽ nhân cơ hội này mà dấy lên. Vậy là chính thái sư gieo mầm loạn. Càng nghĩ, Trần Cảnh càng uất ức về ông chú. Tuy vậy, không thể không phục ông ta là một cáo già. Lừa cho Liễu lên biên ải, ông ta bẻ hết nanh vuốt Liễu, chỉ thoáng trong phút chốc. Nếu Liễu có chống lại ông ta, cũng chỉ là chuyện đem trứng chọi với đá. Mất mạng như chơi. Chính ta lo cho tính mạng của huynh trưởng. Nhà vua lại nghĩ, nếu như sự táo tợn của Liễu mà thành đạt. Người đầu tiên Liễu giết, hẳn là thái sư. Sau đó, Liễu sẽ khử ta để lên ngôi hoàng đế mà từ lâu anh ấy trông đợi.
Miên man, nhà vua lại nghĩ đến điều Khuê Kình khuyên giải, và cũng hàm ý trách móc: “Người ở ngôi quân trưởng không thể chỉ làm theo ý thích riêng mình mà bỏ mặc muôn dân”. Nhà vua lại tự biện minh: “Dù Khuê Kình có trách ta, ta cũng đành chịu. Sự thật ta có được làm theo ý muốn được đâu”. Đúng như Chiêu Thánh đã nói toạc vào mặt ta: “Bệ hạ chỉ là một thằng hình nộm”. Từ mấy năm nay, khi đã ý thức được về các điều thiện, ác cũng như sứ mệnh của kẻ cầm quyền; ta ấp ủ sẽ làm các việc có lợi cho dân, cho nước. Nhất là từ khi được cư sĩ Phùng Tá Thang, chỉ bảo cho các điều trọng yếu của tam giáo. Hoặc những bậc học giả, có thiện tâm với dân với nước, như quan thừa chỉ khuyên nhủ ta những việc cần làm, những điều cần tránh, khiến lòng ta lúc nào cũng hồi hộp, lo sợ, như người mặc áo cỏ khô ngồi trước lửa. Có phải đâu ta không biết nghĩ đến bách tính. Không thương họ sao được. Bởi nếu không có dân thì cũng chẳng có vua. Nghĩ cho cùng, ta chịu ơn họ mới đúng, chớ đâu có chuyện họ phải ơn ta. Từ miếng cơm ta ăn, tấm áo ta mặc, chiếc xe chiếc kiệu ta đi, nhất nhất đều do những người dân lam lũ khốn khó làm ra, thế mà mỗi lần ta tha bớt tô thuế, giảm nhẹ hình án là muôn dân gióng trống mở cờ, vào hội ăn mừng, để tỏ lộ ơn mưa móc đã nhuần thấm tới xóm thôn. Ta biết, ta chỉ dối lừa họ thôi, cái đám dân đen khốn khó ấy. Ta cho họ, cái mà ta không mất. Ấy vậy mà họ vẫn cứ hớn hở mừng vui, tung hô vạn tuế.
Vua tôi cứ mải miết đi, trời sáng lúc nào không hay. Chợt trông thấy núi Phả Lại ở phía trước, Khuê Kình bèn quay lại nói với nhà vua:
- Tâu bệ hạ, sắp tới bến đò rồi. Người ngựa đều mệt. Gần đây có một quán hàng. Xin bệ hạ tạm dừng để cho ngựa uống nước, ăn cỏ.
Thái tôn nhìn quanh quất rồi gật đầu. Nhà vua nom kỹ vào đáy mắt hai người đồng hành, xem họ có còn muốn đi với mình nữa không. Giây lát ngập ngừng, Thái tôn nói:
- Ở những nơi hàng quán hoặc đò giang sông nước, các ngươi chớ có gọi ta là hoàng thượng hay bệ hạ gì hết. Cứ gọi ta là “anh Hai”. Còn ta sẽ gọi các ngươi như tên thường ngày.
Vua tôi lại tiếp tục đi. Khuê Kình là một võ tướng, nên càng đi càng thấy khoẻ. Chỉ thương con ngựa khát nước. Chốc chốc nó lại quệt cái mõm vào những cành lá đẫm sương bên đường, rồi lấy hơi hít hà qua hai cánh mũi phập phồng. Nhà vua tuy không mệt, nhưng nom vẻ mặt hơi bơ phờ, vì những suy nghĩ lo lắng. Duy chỉ có Trần Thiêm không tỏ lộ một nét vui buồn hay mệt mỏi nào trên khoé mắt, gương mặt. Thiêm là một người thâm trầm, biết nén giấu đi những tình cảm thật của mình. Thiêm là cháu gọi Trần Thủ Độ bằng bác. Cùng được thăng bổ với Trần Cảnh một ngày, dưới thời Lý Chiêu Hoàng. Ngày ấy Thiêm được giữ chức chi hậu cục, còn Trần Cảnh được sung chức chánh thủ. Kể về vai vế họ hàng, Thiêm phải gọi Cảnh bằng anh. Trần Khuê Kình cũng là chỗ bà con nội tộc. Khuê Kình vừa là bạn, vừa là em họ Thái tôn.
Vừa tới quán, Khuê kình săm săm dẫn ngựa vào trước, lên tiếng:
- Bớ chủ quán!
- Dạ! - Có tiếng đáp khàn khàn từ trong quán vọng ra.
Khuê Kình nói tiếp:
- Chủ quán cho gia nhân đưa ngựa vào tầu. Nhớ phải lau sạch mồ hôi trước khi cho ngựa ăn uống.
Chủ quán gọi mấy đứa nhỏ đi làm các việc khách sai bảo. Một thoáng sau, ông mới ló ra ngoài đón khách. Ông cúi chào khách rồi dẫn vào một căn buồng phía sau.
Đúng lúc ấy, một toán ăn uống no say, người nào người ấy mặt đỏ phừng phừng, đầu thắt một rẻo khăn tang màu vàng sẫm, kéo nhau ra khỏi quán. Lúc này, vua tôi Thái tôn mới kịp nhận ra, cả ông chủ quán cũng thắt khăn tang. Rồi lại có những người mới vào quán, cũng thắt một kiểu khăn tang như vậy. Trong bụng ai cũng ngờ rằng chủ quán đang có đại tang. Nhưng trong nhà không có mùi hương khói. Không thấy tiếng khóc. Vua tôi Thái tôn nhìn nhau, ngầm như muốn hỏi nhau: “Thế nghĩa là làm sao? Có nên nghỉ lại đây không?”
Chủ quán là người tinh đời. Các ánh mắt của khách nhìn nhau ngần ngại, cũng đã lọt vào mắt ông ta. Chủ quán làm như không biết gì, cứ lặng lẽ pha trà. Mùi sen ướp trà, toả hương thơm ngào ngạt, khiến cho vua tôi Thái tôn cánh mũi phập phồng. Suốt đêm đi mệt, nay được chén trà nóng thơm ngon, thật không còn ai muốn ước ao gì hơn.
Chủ quán rót trà ra chiếc chén tống, rồi chuyên ra bốn chén quân. Ông vừa nâng một chén trà, vừa nói:
“Tam nhân đồng hành, tất hữu…1 Ông dừng lại trước Thái tôn và kính cẩn đưa mời.
Tiếp đó ông đưa cả đĩa mời Khuê Kình và Trần Thiêm.
Thấy sự lạ, Thái tôn bèn hỏi:
- Này ông chủ quán. Ba anh em ta cùng đi. Ta là người ít tuổi nhất. Tại sao ông lại đưa mời ta trước. Chả hóa ra ông coi thường bọn ta sao?
- Thưa ông khách trẻ, chủ quán ôn tồn đáp - Đúng ông là người ít tuổi nhất trong số ba ông, nhưng ông lại là người chủ sự. Ông bé, nhưng bé hạt tiêu đấy ạ.
Cả ba vị khách cùng cất tiếng cười vui. Rồi Khuê Kình lên tiếng:
- Đúng thế! Ông chủ quán tinh thật. Với chúng tôi, ông ấy là anh, con ông bác.
Chủ quán bèn vuốt râu. Ông lão có chòm râu dài rậm với khuôn mặt hồng hào, trán cao, mắt sáng, nom có vẻ là một người trượng phu lắm. Chủ quán lại nói:
- Xin ba ông hiểu cho. Tôi làm nghề bán quán. Nếu không phân biệt được người sang kẻ hèn, người ngay kẻ gian thì làm sao mà sống được ở cái đất nghịch này. Nói ba ông bỏ lỗi, ngay cả đến đức vua có cải dạng vi hành qua đây cũng không che được mắt tôi. Vừa nói ông ta vừa chú mục nhìn vào Trần Cảnh.
Ba ông khách lại nhìn nhau mỉm cười. Trà được ba tuần, ai nấy mới thấy bụng mình réo sôi ùng ục. Cùng lúc, mùi thơm xào nấu từ bếp bay lên, khiến mọi người cánh mũi đều nở ra. Trần Thiêm bèn hỏi:
- Ông chủ quán đã có gì cho khách ăn chưa đấy?
Đáp:
- Xin thư cho một chút, chúng tôi sẽ dâng thức ăn vừa ý các ngài.
Mấy đứa nhỏ soạn mâm bát. Chủ quán bê ra một vò rượu thuốc. Ông vừa mở nắp vò, mùi thơm xộc ngay vào mũi khách. Chủ quán rót rượu ra bốn chiếc bát chiết yêu. Ông bê mời từng người, bắt đầu từ Thái tôn, Khuê Kình, Trần Thiêm, và ông tự dành cho mình một bát. Đứng hẳn ra một góc nhà, ông nói:
- Xin được phép mời ba vị khách quý. Trước xin các vị cùng gia chủ tôi, chúc cho linh hồn một lão bà ở thôn chúng tôi đây, mới qua đời. Cụ hưởng phúc trần gian đúng một trăm năm.
Chủ quán nói tới đây, thầy trò Thái tôn đưa mắt nhìn nhau, như đã hiểu vì sao mọi người đều chít khăn tang. Chủ quán lại nói:
- Gia chủ tôi cũng có lời chúc mừng, cuộc vi hành của đức ông đây được mạn nguyện. Nói xong, chủ quán cúi rạp trước Thái tôn.
Thái tôn đưa mắt cho Khuê Kình, Trần Thiêm, nhà vua lên tiếng:
- Cám ơn ông chủ quán hiếu khách. Anh em chúng tôi xin chúc cho linh hồn lão bà siêu thoát. Chúc cho ngôi nhà của ông lúc nào cũng đông khách. Xin nói để ông chủ quán biết, anh em chúng tôi chỉ là thường dân thôi, chớ có cao sang vọng tộc gì mà ông gọi tôi là “đức ông”.
Trần Thiêm:
- Xin cho hỏi thêm. Lão bà được dân làng quí trọng hay lắm con nhiều cháu, mà tôi thấy người người đều để tang.
Chủ quán vuốt râu cười ha hả:
- Trong hai điều quý ông hỏi, đều có cả. Số là như thế này. Cách đây năm mươi năm. Nhân có một bà goá năm mươi tuổi, nuôi ba đứa con côi. Chẳng may bà bị ốm liệt giường. Người con cả phụng dưỡng lâu ngày không chịu nổi. Bèn bỏ mặc không thuốc thang săn sóc gì cả. Bà lão chửi mắng thậm tệ. Ông ta bèn cãi lại nặng lời. Rồi làm một túp lều ngay cạnh cánh rừng phía chân núi kia kìa. Chủ quán chỉ về ngọn núi trước mặt. Xong ông ta khiêng bà mẹ, đặt lên chiếc chõng trong túp lều ấy. Dân chúng biết được, đem trình xã trưởng. Xã trưởng bắt người con cả phải đưa mẹ về phụng dưỡng, rồi sửa lễ tạ trời đất, thần linh, xin lỗi với dân làng. Vì anh ta đã chà đạp lên đạo lý xã hội, nêu gương xấu trong làng. Người con cả không chịu. Làng đuổi đi. Dân làng tình nguyện sẽ thay người con nuôi bà cho đến mãn cuộc đời. Lúc bà chết, làng sẽ làm ma lớn cho bà, cả làng sẽ để tang bà, cúng giỗ bà. Đúng như vậy, năm mươi năm qua làng tôi đã để ra năm sào ruộng. Chia ra mỗi nhà cấy một sào luân chuyển nhau, nhưng phải chăm bón cho thật tốt. Được bao nhiêu thóc đem đến tận nhà cho bà chi dùng quanh năm. Những người con thứ không phải nuôi bà. Người con cả vài năm sau hối hận quay về, nhưng dân làng không tha thứ. Từ đấy, biệt vô âm tín, không biết ông ta lưu lạc phương nào. Ngừng một lát, chủ quán lại tiếp - Mất một người, nhưng làng tôi gìn giữ được thuần phong mỹ tục. Suốt năm chục năm qua, trong làng tôi không hề có chuyện con cháu dám cãi lại ông bà, cha mẹ, hoặc lơ là phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
Nghe xong, Thái tôn ngậm ngùi bảo Trần Thiêm đưa cho hai nén vàng. Nhà vua gọi chủ quán đến, nói:
- Anh em chúng tôi nhân qua đây, được nghe kể câu chuyện về làng ông, thật là cảm kích. Để tỏ lòng hiếu kính một mỹ tục mà dân làng đã cố công gìn giữ. Chúng tôi xin góp hai nén vàng, nhờ ông chuyển cho ông xã trưởng, nói rằng đây là lễ viếng của khách qua đường. Xin dân làng cầu siêu cho lão bà trong kỳ bách nhật.
( Sau khi trở lại nắm quyền bính trong triều, Thái tôn có nhớ lại việc này và truy phong cho lão bà hai chữ: “Tiết hạnh”. Ban cho cả làng đó một cái tên gọi là “Hiếu Thôn”, và bốn chữ “Thiện tục khả phúng”2. Nhà vua cũng cho làng này trích ra năm mẫu công điền gọi là “Hiếu điền”, dùng vào việc nuôi nấng những người già cả không nơi nương tựa ).
Cầm hai nén vàng trong tay, chủ quán lặng người đi vì cảm kích tấm lòng hiếu thiện của khách.
Cơm nước xong xuôi, vua tôi lại lên đường. Mặc dù Trần Thiêm nài ép, chủ quán nhất định không chịu nhận một đồng một chữ nào tiền cơm, rượu phục dịch.
Ra đường, vua tôi bàn mãi chuyện vừa xảy ra ở trong quán. Nhà vua nói:
- Ta chưa từng được nghe, chứ chưa nói được thấy ở đâu đó lại có được một phong tục đẹp đến thế. Ngay cả đời Nghiêu - Thuấn cũng không thấy nói đến. Ta nghĩ, nội trong làng đó phải có người hiền mới gây nổi phong tục đẹp. Lát sau nhà vua lại nói thêm:
- Chuyện xẩy ra ở làng này, vào cuối đời Lý Anh tông. Chao ôi, nhà Lý đã tạo ra không biết cơ man nào là cốt cách sâu xa, đẹp đẽ cho nền văn hiến nước nhà.
Mọi người vui câu chuyện, chả mấy chốc đã tới bến đò Đại Than. Bầu trời chói sáng. Mặt trời đã lên cao quá ngọn tre.
Cái nắng đầu hạ tuy chưa nồng, nhưng cũng đủ làm cho khách đường xa phải vã mồ hôi. Mượn cớ trời nắng, và cũng để cho khách qua đường khỏi chú mục vào mình, khi xuống đò, nhà vua lấy vạt áo che đầu, trùm gần kín hết khuôn mặt. Từ đây, đường bằng phẳng rộng rãi, nhiều người qua lại, nhà vua liền bảo Khuê Kình:
- Ta muốn đi xuyên rừng, để tránh tai mắt lính viễn thám của triều đình.
Thân vệ tướng quân dừng lại xem xét địa thế. Trời trong vắt. Nhìn lên Yên Tử rõ mồn một. Lút một màu xanh. Chỉ trên chóp đỉnh có một ít mây mù. Khuê Kình rẽ cương ngựa ngoắt sang phía bìa rừng. Vua tôi vạch lá tìm đường, trèo non lội suối thật là cực nhọc. Mãi khi mặt trời gác núi, vẫn còn quanh quẩn trong chốn rừng sâu. May thay ở đâu đó có tiếng chuông chùa vang vọng. Lần theo tiếng chuông, thầy trò tìm được đến chùa. Hỏi ra mới biết đây là chùa Giác Hạnh. Trụ trì ngôi chùa này là thuyền sư Giác Hải. Vua tôi tới chùa giữa lúc thuyền sư đang tụng niệm. May được mấy người nhà chùa sửa soạn cho bữa cơm chay. Đi đường mỏi mệt, lại được cảnh chùa thanh tĩnh, u trầm, mọi người ăn uống thật là ngon miệng.
Trong khi uống nước chờ đợi để được tiếp kiến thuyền sư, Trần Thiêm liền hỏi Thái tôn:
- Tâu bệ hạ.
Thái tôn bèn “suỵt”:
- Ta đã bảo gọi ta là “anh Hai”.
Trần Thiêm lại nói:
- Tâu “anh Hai”.
Cả ba vừa chợt hiểu, cùng cười khúc khích. Sợ tiếng cười loang ra, ai nấy bưng miệng mà cười. Khi tiếng cười đã im bặt, chỉ còn tiếng mõ, tiếng chuông đều đều từ phía chùa trên vọng lại, Trần Thiêm khẽ hỏi:
- Hôm qua Người nói: “Lên Yên Tử tìm đường giải thoát”. Nếu vậy thì “bệ hạ” (lại bệ hạ) chỉ giải thoát được bản thân thôi. Còn hàng triệu con dân trong nước, ai giải thoát cho họ?. Đúng như anh Khuê Kình nói: “Bậc quân trưởng không thể chỉ làm theo ý thích riêng mình mà bỏ mặc muôn dân”. Đêm nay thư thả xin bệ hạ nghĩ lại.
Thái tôn nhìn quanh quẩn trong ngôi nhà phương trượng, thấy không có gì đáng nghi ngại liền nói:
- Ta biết, việc giải thoát không phải chỉ lên Yên Tử mới làm được. Phàm con người nếu đã biết minh tâm, kiến tính thì ở đâu cũng có thể tự giải thoát được mình. Giải thoát, nghĩa là mình phải thoát được ra khỏi nanh vuốt của những tên giặc vô hình, nó ẩn náu trong nơi sâu kín nhất của con người mình, đó là dục vọng.
Dừng lại giây lát, nhà vua nói:
- Ta chưa làm được gì đáng kể cho đám lê dân, mà lẽ ra phải làm nhiều hơn thế. Nhưng các khanh thử nghĩ xem, ở lại Thăng Long, ta sẽ làm được gì? Ta đi, là cốt để không vướng vào vòng tội lỗi mà thái sư áp đặt. Việc xảy ra ở kinh thành bấy lâu nay, chắc các ngươi đều biết cả? Ta không muốn dân nước nhìn ta như nhìn một kẻ vô luân. Thái tôn buồn bã thở dài. Một lát lâu sau, nhà vua mới lại nói:
- Qua đám tang sáng nay, ta thấy hổ thẹn biết chừng nào.
Trần Khuê Kình vội an ủi:
- Bệ hạ suy xét sâu xa quá, rồi cứ vận vào mình để chuốc lấy sự phiền não làm gì.
- Chuyện đời đâu phải thế, Khuê Kình cứ ngẫm mà xem. Một đứa võ phu trót lỡ lầm ruồng rẫy người đã sinh hạ ra nó. Dân làng đuổi đi. Nhưng cả làng lại nuôi dưỡng lão bà như nuôi dưỡng mẹ mình suốt năm chục năm trời. Chỉ qua một việc đó, dân làng đã biến cải được phong tục. Kẻ bất hiếu, bất mục kia, nếu không có người ngăn lại, tấm gương xấu đó chỉ được treo ở trong nhà nó. Bất quá, trong làng có kẻ nọ, kẻ kia nhiễm cái thói ô trọc của nó mà thôi. Chớ một vị quốc vương mà làm điều xấu, ta không biết sự thể rồi sẽ dẫn tới đâu. Các ngươi khuyên ta trở về, là việc của các ngươi. Ta ra đi là việc của ta. Bởi ta không muốn trở thành một hoàng đế vô sỉ đầu tiên của Đại Việt. Mong các ngươi thấu hiểu cho ta.
Chợt tiếng mõ, tiếng chuông trên chùa im bặt, rồi có tiếng chân người bước về phía nhà phương trượng. Thuyền sư ló vào:
- A di đà Phật. Các vị khách ở đâu ghé cửa Tam bảo?
- A di đà Phật! Bạch thuyền sư, chúng tôi nhỡ độ đường, xin vào nương cửa Tam bảo qua đêm. Trần Thiêm lễ phép nói.
Thuyền sư hỏi:
- Có phải các tráng sĩ đi tìm thầy học võ hay đi tỉ thí ở đâu về qua đây?
- Bạch thuyền sư, Khuê Kình nói - chúng tôi quê tại vùng An Bang. Ông anh tôi đây, Khuê Kình chỉ vào Trần Cảnh - đang học tại Quốc học viện trên Thăng Long. Chẳng may bác gái tôi bị bệnh nặng, khó qua khỏi. Anh em chúng tôi vội lên kinh đón anh ấy về. Đường xa, lại không quen thung thổ, nên càng khó đi. Thành thử trời ập tối lúc nào cũng không hay. May quá, nếu không có tiếng chuông chùa ở đây, thì anh em chúng tôi khó mà ra được khỏi rừng. Chúng tôi cứ men theo tiếng chuông mà đi. Cứ như là có người dẫn lối chỉ đường. Ơn nhờ Phật tổ, anh em chúng tôi đã tới được chùa.
Nhà sư nhìn mãi người nói là đang theo học ở Quốc học viện. Đúng là một người tao nhã. Nhưng không phải chỉ là một nho sinh. Cứ như con mắt của thuyền sư thì người này có phong độ thánh thần, uy nghi như một vị hoàng đế. Nhẩm tính tuổi Trần Cảnh từ dạo lên ngôi, có dễ cũng ngang với tuổi tráng sĩ này. Tuy vậy, thuyền sư lại gạt đi ngay. Vì không có lẽ nào nhà vua lại ra đi mạo hiểm như thế. Dù có đi vi hành, cũng chỉ vào lúc ban ngày, ở đâu đó quanh kinh thành. Đã lâu, Giác Hải thuyền sư không về Thăng Long, nên cũng không am tường các việc đã xảy ra ở đế đô, nên chẳng có gì làm thuyền sư phải nghi hoặc. Song thuyền sư nghĩ tới một điều khác. Chậm rãi, Giác Hải thuyền sư bèn hỏi:
- A di đà Phật, xin các tráng sĩ cho bần tăng rõ một việc, không phải kẻ tu hành này tò mò mà chuyện cả nước đang để tâm tới.
Nghe thuyền sư nói tới đây, cả ba cùng giật mình. Vì ai cũng nghĩ rằng nhà sư đã biết việc xảy ra mới đây trong điện Thiên An. Thái tôn vội lên tiếng:
- Bạch thuyền sư, chẳng hay có điều gì cả nước đang để tâm tới mà nhà chùa muốn hỏi. Nếu bọn tiểu sinh được biết, thật không dám giấu giếm.
- A di đà Phật! - Giác Hải thuyền sư chậm rãi nói. - Bần tăng cứ mạo muội cho rằng các tráng sĩ là người của triều đình, vừa đi viễn thám vùng biên ải về. Bần tăng chỉ muốn biết hiện tình người Tống, người Thát như thế nào. Ta lo phòng bị giữ nhà ra sao, liệu có chắc không?
Nhà vua lấy làm cảm kích, ngay đến kẻ đã xuất gia vẫn còn quan tâm đến vận nước. Hoàng thượng đã toan phủ phục trước cửa Tam bảo, trước vị đại thuyền sư đây mà sám hối, vì đã để xảy ra các việc lộn xộn trong hoàng gia. Ngay cả việc tự ý bỏ triều đình ra đi, nhà vua cũng tự thấy: “tình thì thuận, mà lý thật chẳng thông”. Nhà vua nén giấu một tiếng thở dài và tự nhủ: “cách xử thế của ta, vẫn còn điều gì xem như là bất ổn”. Chợt nhớ vẫn chưa trả lời cho thuyền sư, nhà vua liền đáp:
- Bạch thuyền sư, theo như chỗ bọn tiểu sinh được biết, hiện thời người Tống suy yếu lắm. Cái chính vẫn là lòng dân Trung Hoa nản quá rồi. Bởi từ khi triều đình chuyển về phương nam, họ khuấy lên cả một trào lưu hưởng lạc bằng đủ các thứ nghệ thuật. Từ triết lý, thi văn, hội hoạ, đồ gốm, sứ, đến các thú tiêu dao sơn thuỷ và các thứ sa đọa khác, mà bỏ mặc đất nước cứ rơi dần vào tay bọn Thát – đát tàn bạo.
- A di đà Phật! Vậy là thiên triều có nguy cơ bị diệt vong? - Thuyền sư hỏi.
- Bạch thuyền sư, cái cớ bị diệt vong của nhà Tống đã sờ sờ ra đó. Có điều là nước Trung Hoa văn hiến vào bậc nhất thiên hạ này, hẳn không thể nào mất được. Vả lại người dân Trung Hoa dễ gì quỳ gối trước ngoại bang. Suy như dân Đại Việt ta thì đủ rõ.
Nghe khách dẫn dụ, nhà sư gật gù tán thưởng.
Giác Hải thuyền sư lại hỏi:
- Cứ như ý các tráng sĩ, họa nhà Tống không đáng ngại. Nhưng họa Thát-đát thì sao? Liệu mình có giữ nổi nhà không?
Thấy lão hoà thượng cứ chú mục mãi vào bọn xâm lăng, không kìm lòng được, thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình bèn lên tiếng:
- Bạch hòa thượng. Nước là của dân. Nếu dân quyết giữ thì không giặc nào vào được. Hoà thượng thử nghĩ xem, dăm ba đạo quân với vài chục viên tướng của triều đình, thử hỏi cầm chân giặc dữ được mấy nả? Hòa thượng ở sát nơi thôn ấp, cứ nghe lòng dân thì đoán ra vận nước. Nhân đây xin hoà thượng chỉ cho bọn tiểu sinh được biết. Nhà Trần mở nghiệp, kể đã ngoại mười năm, chẳng biết lòng dân đã hướng về chưa, hay vẫn còn nhớ vua cũ.
Thấy tráng sĩ ăn nói gẫy gọn, rõ ra con nhà võ, mà lại có cốt cách của đám nho sinh. Giác Hải thuyền sư đem lòng yêu mến cả ba người. Nhà sư bèn nói:
- Tráng sĩ quả là người thông tuệ. Đúng như tráng sĩ nói: “Cứ xem lòng dân thì đoán ra vận nước”. Bần tăng xin nói thêm một điều người xưa đã nói: “Vua lấy dân làm trời. Dân lấy miếng ăn làm trời”. Dăm bảy năm nay, bần tăng đi lại nơi thôn âùp, không thấy cảnh ăn mày ăn xin. Cũng chẳng làm gì có người chết đói, chết rét nơi đầu đường xó chợ. Vậy là dân đã tìm thấy Trời của họ rồi. Ai tìm giúp họ? Nhà Trần. Chính nhà Trần mở nghiệp bằng cách dẹp yên nội loạn. Khuyến nông. Tha bớt tô thuế. Giảm nhẹ lao dịch. Lại lo việc đắp đêâ chống lụt, giữ nước từ đầu nguồn tới biển, ấy là việc khiến người dân không thể không nhớ đến, không thể không biết ơn triều đình. Vậy thời người ta còn hoài hơi đâu mà nghĩ về cái thời đói khổ, loạn lạc làm gì. Nhưng bần tăng lại nghĩ, thời nào người dân chẳng phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được miếng ăn. Sự cực nhọc, người dân đâu có sợ. Họ sợ nhất là đã cực nhọc rồi, lại còn không có gì để ăn nữa. Đến nước ấy, dẫu vua chứ trời họ cũng quật đổ. Lại xét cho cùng, việc tha bớt tô thuế cho dân, triều đình có mất gì. Ngay cả việc thu tô thuế ở mức vừa phải, người dân còn chấp nhận được. Nhà nước cũng vì đó mà giàu thêm. Nhưng nếu quá mức, tức là sự cướp bóc đê mạt. Do đó người dân chán nản không muốn làm ăn nữa. Nhà nước lấy gì mà thu? Các bậc chăn dân phải biết: Của cải không nằm trong kho nhà nước, thì nằm trong các nhà dân. Dân giàu nước mạnh, nước mạnh, đi đâu mà thiệt. Ngay cả việc đắp đê, là việc to lớn chưa từng thấy trong lịch sử khuyến nông của Đại Việt, thì cũng người dân nai lưng ra làm, chứ triều đình nào làm, vua chúa nào làm? Có dễ chú cháu ông Trần Thủ Độ đi đắp đê chắc? Thuyền sư có vẻ đắc ý, ông cười ha hả. Lại hỏi:
- Bần tăng nói thế có đúng không, các tráng sĩ? Suy cho cùng vẫn là chính sách. Chính sách của triều đình thương dân thì dân tin; miệt dân thì dân ghét. Hiện thời theo thiển ý của bần tăng, không có một kẻ ngu khờ nào lại còn hướng về cái ông vua điên của nhà Lý, đã biến cả dân tộc thành một đám ma đói, một lũ ăn mày!
Cuộc đàm đạo giữa chủ khách đang say thì nghe thấy ba tiếng chuông, ấy là chú tiểu nhắc hòa thượng đã đến buổi tọa thiền. Nhà sư đi rồi, vua tôi lăn ra ngủ để sớm hôm sau có sức tiếp tục cuộc hành trình.
1. Lời nói của Mạnh Tử: Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên. Nghĩa là: ba người cùng đi, tất có một người có thể làm thầy ta.
2. Thiên tục khả phúng nghĩa là: tục tốt đáng khen
|