Năm Tuất kể chuyện những ông vua tuổi Tuất
Khá nhiều danh nhân nước Việt là người sinh vào các năm Tuất. Không biết có phải vì chó là loài vật đầu tiên về sống chung với người, gần gũi với người nhất hay không mà khả năng của những người tuổi Tuất có biên độ khá rộng. Đó có thể là một ông vua nhưng cũng có thể là một thi sĩ, văn sĩ... Hoặc có tất cả trong một con người. Và tin hay không thì tùy bạn, nhưng quả tình người tuổi Tuất thường khá quyết đoán và phần nào đó tính khí hơi... gàn.
Nổi tiếng anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam có lẽ là LÊ THÁNH TÔNG (tuổi Nhâm Tuất, 1442-1497). Ngài tên thật Lê Tư Thành, là vua thứ tư nhà Hậu Lê. Lên ngôi năm 1460, vua giỏi việc trị nước, xây dựng cơ chế tuyển dụng nhân tài, nghiêm khắc trong việc tu thân, đặc biệt quan tâm đến xây dựng pháp luật (luật Hồng Đức là một trong những bộ luật hoàn hảo của thời phong kiến ở nước ta). Vua giỏi trị nước nhưng cũng thông cả văn chương, lập ra Tao Đàn nhị thập bát tú để xướng họa. Tác phẩm còn lưu lại có: Thiên nam dư hạ tập, Lê Thánh Tông thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca...
Cũng tuổi Tuất, cũng giỏi làm vua, sự nghiệp cũng hiển hách không kém Lê Thánh Tông là THÁI TỔ LÝ CÔNG UẨN (tuổi Giáp Tuất, 974-1028). Vua khai sáng nhà Lý lên ngôi khi tuổi còn rất trẻ - 35 tuổi (1009), khi ấy đương là Điện tiền chỉ huy sứ (tương đương với chức Tư lệnh Quân khu Thủ đô bây giờ). Chỉ sau 1 năm lên ngôi, với tầm nhìn của mình, vua đã cho dời đô về Thăng Long. Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của ngài không chỉ là một trong những áng văn chương trác tuyệt mà còn thể hiện tầm nhìn siêu việt của một ông vua văn võ song toàn. Vua coi việc triều chính trong 19 năm, mất ngày 3-3 Mậu Thìn (1028) miếu hiệu Thuận Thiên.
Thuộc dòng thân vương, tuy không làm vua nhưng ông lại được người Việt tôn lên tới hàng thánh, đến đây thì hẳn bạn đã biết đó chính là Đức Thánh Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tuổi Bính Tuất, 1226-1300). Ngài là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông. Cha ông thuộc ngành trưởng, có mâu thuẫn lớn với ngành thứ... Xung đột ấy về sau được hòa giải nhưng trước khi qua đời, vẫn chưa hết nguôi ngoai, An Sinh Vương dặn con báo thù. Thế nhưng Hưng Đạo Đại Vương đã gác lại chuyện ân oán gia đình để lo giúp nước, giúp vua chú, và cả các vua em. Không chỉ gác lại lời căn dặn của cha, mà còn cấm các con không được thực hiện di ngôn của ông nội, vĩnh viễn không được nhắc đến nợ nhà. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông tới 3 lần. Tác phẩm của ông để lại cho đời sau không nhiều đáng kể nhất là: Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư. Nhưng nổi tiếng nhất chính là Hịch tướng sĩ.
Trên đây là những danh nhân - vua tuổi Tuất thứ thiệt, những danh nhân dưới đây tuy không là vua hiểu theo nghĩa thông thường nhưng trên địa hạt mà họ lập danh, xét về một góc độ nào đó, họ cũng được người đời tôn là "vua".
Đầu tiên là Uy viễn tướng công NGUYỄN CÔNG TRỨ (tuổi Mậu Tuất, 1778-1858). Ông là danh sĩ dưới triều vua Tự Đức, quê ở Hà Tĩnh. Năm 1819 đỗ Giải nguyên. Trong nghiệp quan chức của mình, có lúc ông được thăng đến cấp đại thần nhưng cũng có lúc bị vua giáng xuống tới cấp... lính trơn, mà lại là loại lính hạng bét, đồn trú tuốt ở vùng biên ải. Tất tật cũng chỉ vì cái tật gàn bướng. Không phải một lần mà nhiều lần ông bị vua biếm như thế, nên có lẽ ông đáng được xếp vào hàng vua lên bờ xuống ruộng. Giỏi làm quan, dẹp được nhiều cuộc nổi loạn, có công cùng dân khẩn hoang lập ấp, Nguyễn Công Trứ quả là ông quan giỏi làm. Thế nhưng trong chuyện ăn chơi ông cũng nổi tiếng không kém với nhiều giai thoại phong lưu khoái hoạt nên ông cũng xứng danh là quan ăn chơi.
Tài hoa không kém Nguyễn Công Trứ là mấy, cũng nổi tiếng là phong lưu, trong hàng hậu sinh tuổi Tuất đứng hàng đầu phải kể đến NGUYỄN TUÂN (tuổi Canh Tuất, 1910-1987). Là nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, Nguyễn Tuân từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Thư ký Hội Văn nghệ VN, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN; được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu, giải thưởng cao quý. Nhưng Nguyễn Tuân không là một ông quan văn chương. Cụ Nguyễn là cách mà văn giới Việt Nam thường gọi nhà văn Nguyễn Tuân một cách thân mật. Nói đến ký - tùy bút của văn học Việt Nam hiện đại không thể nào không nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân, người viết ký - tùy bút hay nhất! Cụ Nguyễn có nhiều bài viết từ những năm xưa, nay đọc lại vẫn thấy từng câu từng chữ còn tươi roi rói. Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. Ông xứng đáng được coi là một nghệ sĩ lớn. Có gọi ông là vua ký - tùy bút thì cũng chẳng có ai phản đối.
Hai ông vua vừa kể người thọ tới 80, người kém cũng đến 77. Xem ra các cụ cũng biết cách ăn chơi, nhỉ !
Nhiều người say
Cô vợ đi chơi Tết về, hớn hở khoe chồng:
- Anh à, hôm nay rất nhiều người khen em xinh và tươi trẻ hẳn ra đấy!
- Ôi dào, Tết nào mà chẳng có nhiều người say.
Chó ngủ say
Đêm mùng Một Tết, vợ gọi chồng:
- Dậy, dậy đi mình... Hình như có trộm vào nhà ta. Ô kìa, dậy đi mình!
- Nhưng anh dậy thì làm được gì bây giờ, em xùy chó đi vậy! - Anh chồng lầm bầm.
- Ôi giời, thì anh dậy là để đánh thức nó ấy chứ.
Một ít
- Này bà chủ ! Món rựa mận này hình như có ít thịt chó quá đấy.
- Thú thật với anh, dạo này thịt chó đắt quá nên tôi phải pha thêm ít thịt lợn vào.
- Một ít là bao nhiêu đấy?
- Nửa nọ nửa kia. Một con chó trộn thêm một con lợn.
Lý do không gả
Trong tiệc tất niên cơ quan, một bác già nói với một chàng trai:
- Này anh, giờ thì anh đã biết vì sao tôi không đồng ý gả con gái tôi cho anh chưa?
- Thưa bác, chưa ạ. Vì sao ạ?
- Vì anh hay uống rượu.
- Ô hay! Thì chính bác cũng rất hay rượu chè đấy thôi...
- Ấy đấy, cái chính là ở đấy. Thế đã bao giờ anh mời tôi lấy một chén chưa?
Nếu không biết vâng lời
Minh kể lại câu chuyện gà con và cáo vừa học ở trường cho bố mẹ nghe.
Bố nói:
- Con đã thấy chưa, nếu chú gà con biết vâng lời mẹ, không bỏ đi chơi xa thì đâu bị con cáo ăn thịt.
- Vâng, nhưng nếu nó nghe lời mẹ ở nhà thì tới Tết, chúng ta cũng làm thịt nó thôi.
|