Thế giới kết thúc năm 2005 với nhiều sự kiện "khó quên": Khủng bố lan rộng sang nhiều nước, thiên tai làm hàng chục ngàn người thiệt mạng, dịch cúm gia cầm lan nhanh từ Á sang Âu... Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2005 do Báo Bình Định bình chọn.
1. Khủng bố lan rộng sang nhiều nước
Các loạt nổ lớn tại thủ đô London của Anh (7-7), đảo du lịch Bali của Indonesia (tối 1-10), thủ đô Dhaka và các thành phố khác của Bangladesh và thủ đô New Delhi của Ấn Độ, đã làm hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Ngoài ra, đại sứ quán của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và phương Tây liên tục bị đe dọa khủng bố với các bức thư nặc danh hoặc các kiện hàng bí ẩn.
2. Nhiều thiên tai và thảm họa khốc liệt
Trận động đất kinh hoàng tại khu vực Nam Á ngày 8-10 đã làm gần 74.000 người thiệt mạng, đẩy hàng triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất và đang phải đối mặt với cái giá rét gây chết người của mùa đông. Bên cạnh đó là các thảm họa thiên tai khác như: 2 cơn bão Wilma và Katrina ở Đại Tây Dương đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng và 1 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư...
|
Động đất tàn phá tại khu vực Kashmir. Ảnh: AFP
|
2005 cũng là năm "vận đen" của hàng không thế giới với hơn 400 người thiệt mạng; trong đó nổi bật nhất là tháng 8 với 5 vụ tai nạn lớn, làm gần 325 người thiệt mạng. Ngoài ra, các vụ tai nạn tàu hỏa cũng không kém khốc liệt với hơn 350 người chết. Đặc biệt, các vụ tai nạn hầm mỏ tại Trung Quốc gia tăng đáng kể so với năm ngoái, với số tử vong hơn 3.620 người.
3. Dịch cúm gia cầm H5N1
Dịch cúm gia cầm bùng phát tại châu Á và đang lan mạnh sang châu Âu, Mỹ và Phi. Tuy số người thiệt mạng không nhiều, nhưng lo ngại lớn nhất hiện nay là việc vi rút H5N1 sẽ biến đổi và có khả năng lây từ người sang người. WHO đang ra sức kêu gọi các nước tìm mọi cách ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh này.
4. Bế tắc an ninh và chính trị tại Iraq
Những tưởng sau các cuộc bầu cử và khi có hiến pháp mới, tình hình bạo lực tại Iraq sẽ lắng dịu. Nhưng thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Các vụ đánh bom khủng bố và bắt cóc con tin đang gia tăng và ở quy mô ác liệt hơn. Mâu thuẫn sắc tộc giữa các tộc người Shi’ite, Kurd và Sunni luôn căng thẳng. Trong khi đó, lực lượng liên quân tham chiến tại Iraq đã giảm đáng kể từ 300.000 người từ 38 nước còn 24.000 của 27 nước, và sẽ còn tiếp tục giảm. Mỹ đang phải đối mặt với áp lực rút quân về nước khi số lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq đã vượt hơn 2.000 người.
Ngoài ra, phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein kéo dài từ năm 2004 đến nay liên tục bị hoãn lại vì lý do an ninh. Thẩm phán và luật sư của phiên tòa bị bắt cóc, ám sát và thường xuyên bị dọa giết.
5. Giá dầu mỏ và giá vàng thế giới liên tục biến động
Trong suốt năm 2005, giá dầu mỏ liên tục đạt các mức kỷ lục và tạo nhiều cơn sốt về giá, với hơn 70 USD/thùng vào tháng 8. Vấn đề sản lượng dầu cũng là đề tài nóng với nhiều đề nghị tăng sản lượng để giải quyết tình trạng khủng hoảng năng lượng ở một số nơi. Ngoài giá dầu, giá vàng thế giới cũng liên tục tăng cao, có lúc đến mức 540 USD/ounce. Việc này đã nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích thị trường, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế thế giới và vượt qua cả quy luật vốn có từ trước đến nay là USD tăng thì vàng giảm và ngược lại. Giá dầu mỏ và giá vàng tăng cao đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế và tài chính thế giới.
6. Vụ xì căng đan nhà tù bí mật của CIA tại châu Âu
Tờ Washington Post của Mỹ ngày 2-11 đã tiết lộ một thông tin gây sốc là CIA có hệ thống nhà tù bí mật giam giữ những nghi phạm khủng bố al Qaeda tại Đông Âu và một số nước khác. EU ngay lập tức phản đối việc này và cho rằng nếu có thật thì Mỹ đã vi phạm các quy định về quyền con người. Hiện EU đang tiến hành các cuộc điều tra về việc này và cảnh báo sẽ cắt quyền bầu cử với bất cứ nước nào chứa chấp các nhà tù của CIA. Vụ việc đã khiến quan hệ giữa EU và Mỹ rất căng thẳng.
7. Trung Quốc lần thứ hai phóng thành công tàu vũ trụ có người lái
Vào lúc 8 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 12-10, Trung Quốc đã phóng thành công tàu Thần Châu VI, thực hiện chuyến thám hiểm vũ trụ có người lái thứ hai và trở thành quốc gia thứ ba đưa người vào vũ trụ, sau Nga và Mỹ.
|
Hai phi hành gia Phí Tuấn Long (trái) và Nhiếp Hải Thắng trước giờ tàu Thần Châu VI cất cánh. Ảnh: Xinhua
|
8. Israel rút quân khỏi Dải Gaza
Ngày 14-8 là ngày đầu tiên Israel chính thức triển khai kế hoạch rút khỏi dải Gaza. Ngoài ra, 20 khu định cư Do Thái tại Gaza và 4 khu tại Bờ Tây cũng được dỡ bỏ. Việc này đã mở đường cho việc ký kết hiệp định chính thức về mở cửa trở lại các cửa khẩu trên dải Gaza giữa Israel và Palestine.
9. Hiến pháp EU thất bại
Dự thảo Hiến pháp EU đã bị giáng đòn chí mạng sau khi bị thất bại tại Hà Lan và Pháp. Vụ việc đã cản trở tiến trình nhất thể hóa châu Âu và làm đảo lộn một số thị trường tài chính và tương lai của EU đe dọa có nguy cơ tan rã.
|
Những người Hà Lan phản đối hiến pháp ăn mừng kết quả. Ảnh: BBC
|
10. Bạo loạn tại Pháp và Úc
Lần đầu tiên các khu vực ngoại ô bình yên của thủ đô Paris (Pháp) xảy ra bạo loạn và đã nhanh chóng lan rộng sang nhiều tỉnh, thành - có lúc tưởng như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Gần 10.000 xe hơi bị đốt cháy và hơn 3.000 người bị bắt giữ sau đó. Nguyên nhân của sự việc này bắt đầu từ sự kiện 2 thiếu niên gốc Phi bị thiệt mạng vì điện giật khi chạy trốn sự truy đuổi của cảnh sát. Đáng lo ngại hơn là tình hình này có xu hướng lây lan sang một số nước lân cận trong khu vực. Tuy đã bị dập tắt, song các vụ bạo loạn đã gióng hồi chuông cảnh báo về chính sách tạo sự hội nhập cho người di dân tại các nước châu Âu.
Đến cuối năm, bạo động sắc tộc mang nguồn gốc tôn giáo lại bùng phát tại Sydney, Úc. Hàng ngàn cảnh sát được huy động tuần tra suốt ngày đêm. Chính phủ phải nhóm họp khẩn cấp để thông qua luật nới rộng quyền hạn cho cảnh sát và đề ra một số biện pháp nhằm chống bạo động lan rộng.
|