Chữ "đức" ở nhà thương Quy Nhơn
22:36', 17/1/ 2006 (GMT+7)

Người dân, nhất là dân ở khu vực ven đầm Thị Nại, ở phường Hải Cảng (Quy Nhơn) vẫn quen gọi Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP Quy Nhơn là nhà thương như cách gọi cách đây gần 30 năm. Không phải tự dưng mà dân lại giữ cách gọi xưa cũ nhưng hồn hậu này.

* Cây y đức nở hoa

Một ca phẫu thuật tại BVĐK TP Quy Nhơn.

Khi nghĩ đến chuyện "nằm viện" nhiều người thường nghĩ ngay đến cảnh nhếch nhác của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Ngoài nỗi đau đáu về tính mạng, sức khỏe người bệnh, người nhà bệnh nhân còn phải đối mặt với sự tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức. Và hiếm khi họ không nghĩ đến những phiền hà theo chân họ từ khi nhập viện.

Đã hơn 15 năm qua, BVĐK TP Quy Nhơn luôn tăng cường nhận thức của CBCC về y đức; xem y đức là bổn phận của mỗi người trong đơn vị và nó luôn được thử thách rèn luyện trong công tác. Lãnh đạo bệnh viện thường xuyên quan tâm việc nâng cao chất lượng đời sống về vật chất và tinh thần đối với nhân viên, tạo điều kiện để cây y đức nở hoa. Mặt khác, những thông báo công khai về chế độ tài chính, quyền và nghĩa vụ của bệnh nhân cũng được bệnh viện thông báo công khai rộng rãi. Cách làm này tạo điều kiện để bệnh nhân tham gia giám sát việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp của nhân viên trong bệnh viện.

* Hãnh diện khi được dân khen

BVĐK TP Quy Nhơn thu hút khá nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Hiện nay trung bình mỗi ngày có từ 500 đến 550 người đến đây khám, điều trị bệnh. Dù quy mô chỉ ở mức 250 giường bệnh nhưng hàng ngày BV lại tiếp nhận từ 300 đến 320 bệnh nhân nằm điều trị. Uy tín điều trị của BVĐK TP Quy Nhơn tăng lên khiến nhiều bệnh nhân từ các huyện và cả ở tỉnh bạn cũng đến đây để điều trị. Bà Hoàng Thị Loan ở khóm 2, An Phú, An Khê, Gia Lai- bệnh nhân đã điều trị bệnh về phổi tại Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK TP Quy Nhơn, khi xuất viện đã xúc động nói: "Tôi đã điều trị ở đây hơn 10 ngày, những ngày đầu rất nặng, thường xuyên gây phiền phức cho các y, bác sĩ trực ca đêm, nhưng họ vẫn nhiệt tình, rất hiền, không la mắng bệnh nhân. Tôi chọn nhà thương Quy Nhơn để trị bệnh vì sau một lần chăm sóc con dâu sinh ở đây tôi thấy họ thông cảm và yêu thương bệnh nhân".

 

            Chăm sóc bệnh nhân ở phòng Hồi sức cấp cứu.

 

Khoa Sản của các bệnh viện là khoa thường bị mang tiếng là "làm khó", hạch sách... Nhưng tại BVĐK TP Quy Nhơn, khoa Sản là một trong những khoa mà khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được nghe nhiều bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân nói về họ với nhiều tình cảm thương mến nhất. Hộ lý Trần Thị Thu Nguyệt tự hào tâm sự: "Chúng tôi rất thấm thía những gì mà phụ nữ phải trải qua khi vượt cạn. Lương của hộ lý rất thấp, nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi có thể làm những điều trái với nhiệm vụ và đạo đức. Và thật ra chuyện phục vụ tận tình như bà con đã nói đã là truyền thống của khoa rồi. Phải nói là chúng tôi rất hãnh diện khi được bà con khen ngợi".

* Giữ gìn tiếng thơm

Bà Huỳnh Thị Hội (62 tuổi, ở Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn), vợ của ông Phan Nhu, bệnh nhân mổ nội soi u xơ tiền liệt tuyến: "Tôi thấy rất lo lắng khi đưa chồng tôi vào chữa bệnh ở đây, nhưng trước khi thực hiện ca mổ cho chồng tôi, các y, bác sĩ đã rất ân cần, động viên và chỉ dẫn mọi sự chuẩn bị một cách chu đáo nên ở bên ngoài tôi cũng an tâm. Sau khi mổ, chồng tôi được đưa về chăm sóc ở phòng hồi sức - điều dưỡng, thái độ của người thầy thuốc ở đây rất hòa nhã, chu đáo. Tôi rất an tâm!".

Bác sĩ Đỗ Kiến Thức - Phụ trách khoa Ngoại của Bệnh viện cho rằng: "Xét về y đức của một thầy thuốc phải đánh giá một cách toàn diện, nhưng tiêu chí đầu tiên là phải chữa lành bệnh cho người ta. Muốn vậy, thầy thuốc phải có trách nhiệm học tập để nâng cao trình độ. Càng yêu thương người bệnh bao nhiêu chúng tôi lại càng nỗ lực học tập bấy nhiêu. Học tập tốt cũng được xem là một tiêu chí nâng cao y đức". Cùng chung ý nghĩ này, bác sĩ Bùi Thị Phương Anh - Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu cho biết: "Điều đau khổ nhất của thầy thuốc là không cứu được người bệnh vì thiếu phương tiện, hoặc hạn chế nghiệp vụ. Vì thế, những năm gần đây BVĐK TP Quy Nhơn đã tích cực tiếp cận công nghệ y khoa tiên tiến. Hiện tại BV đã có nhiều thiết bị hiện đại như: siêu âm màu, máy chạy thận nhân tạo, y học hạt nhân, phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, máy thở monitoring... mà ngay cả một số bệnh viện tỉnh hiện cũng chưa có được".

Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn cho biết: "Chúng tôi đã có một đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và coi đó là tài sản quý của cơ quan. Nhưng tài sản quý nhất mà toàn thể cán bộ, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện nỗ lực hết sức để gìn giữ là tiếng thơm của nhà thương Quy Nhơn như bà con đã gọi".

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã xuất khẩu lao động  (17/01/2006)
Phẩm vật mới của thời buổi toàn cầu hóa  (17/01/2006)
Mùa Xuân theo các anh về  (17/01/2006)
Có một "thương hiệu" mang tên báo Bình Định  (17/01/2006)
Những bí ẩn về lăng mộ Vua Quang Trung sắp được giải mã ?  (17/01/2006)
Lắng nghe bạn đọc, chia sẻ với bạn đọc  (17/01/2006)
Trinh sát phá án ngoại truyện  (17/01/2006)
Xuân về trên bán đảo  (17/01/2006)
10 sự kiện nổi bật của Bình Định trong năm 2005  (17/01/2006)
10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2005  (17/01/2006)
World Cup 2006: Khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược  (17/01/2006)
VĐV Lê Minh Tùng kể chuyện đi SEA Games  (17/01/2006)
Lưỡng thủ toàn năng Châu Thị Ngọc Giao  (17/01/2006)
Thể thao Bình Định năm 2005: Thành công trên nhiều phương diện  (17/01/2006)
Câu lạc bộ Xuân Bính Tuất  (17/01/2006)