Bình Định - Quy Nhơn là một trong những cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài cho địa phương và cho đất nước. Tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng. Và điều cần tiên lượng là phải có chiến lược đào tạo và phát huy sức mạnh nguồn nhân lực. Có thể nói, nhiệm vụ huy động nhân lực, đào tạo nhân tài đang có tầm quan trọng hàng đầu. Xin được góp mấy ý như sau:
* Nguồn lực để đào tạo nhân tài nằm trong toàn dân
Nhân tài, hiền tài - là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nhân tài, hiền tài nhiều. Nguyên khí suy thì nhân tài hiếm, hiền tài càng không có. Ngày nay đất nước được độc lập tự do, nhân tài có quyền làm chủ, nhân tài có điều kiện nở rộ, nếu được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng.
Nhân tài ở xã hội phong kiến, thực dân nửa phong kiến chủ yếu chỉ thuộc về một vài địa phương, mấy chục dòng họ, gia đình sản sinh ra nhiều nhân tài. Ngày nay, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa số công nông đã trở thành trí thức. Các gia đình trí thức có nguồn gốc từ phong kiến, tư sản đã hòa cùng nhân dân lao động thành một khối nên nguồn nhân lực để đào tạo nhân tài có thể lấy từ toàn dân, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, địa phương, khu vực, thành thị, nông thôn, trong nước hay Việt kiều. Ngay trong việc chi kinh phí cho hàng trăm sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh ra học nước ngoài, ngày nay Đảng và Nhà nước cũng lựa chọn về đức và tài là chính, lý lịch chỉ là để tham khảo.
|
Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Tỵ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định - Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống (người đầu tiên bên phải) đang kiểm tra, theo dõi bệnh nhân. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Việt Nam hiếm có nhân tài về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, Bình Định lại càng hiếm, vì thế nên lưu ý hướng nghiệp để xã hội, nhất là lớp thanh niên đầu tư vào lĩnh vực này để nhanh chóng phụng sự quê hương, phục vụ những mục tiêu phát triển kinh tế mà địa phương đã công bố. Nhưng trong thời đại mới ngành nào cũng cần có nhiều nhân tài, kể cả văn nghệ sĩ nghiệp dư, nhà tạo mẫu thời trang, chủ trang trại, doanh nhân công, thương, du lịch dịch vụ… Người có đức có tài dù là đảng viên, hay chưa là đảng viên đều được coi trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng.
* Nhà nước và nhân dân cùng đào tạo nhân tài
Xưa kia Nhà nước coi trọng đào tạo nhân tài qua khoa cử nhưng không bỏ qua việc thu nhận nhân tài qua việc tuyển cử, cầu hiền, sử dụng những hiền tài tự ứng cử. Ta đã từng có nhiều nhân tài do tự rèn luyện mà thành. Về quân sự như Phạm Ngũ Lão, về văn học như Đoàn Nhữ Hài (nhờ tài văn chương, không qua khoa cử mà được tuyển dụng), Phan Huy Chú (chỉ đỗ tú tài thôi mà trở thành nhà bác học)... Ngày nay truyền thống này được tích cực phát huy, với tinh thần ham học, ham làm, với các phong trào khuyến học khuyến tài, tự học, tự rèn, tự do sáng tạo.
Tỉnh lỵ của Bình Định có tên là Quy Nhơn, nghĩa là hội tụ, quy tụ con người. Đất mà người có thể về là đất lành. Người (Nhơn) khi đã thành địa danh hẳn không phải là người thường, mà là người tài. Một tỉnh ở miền Trung còn nhiều khó khăn mà tự phấn đấu để xây dựng một KKT lớn, có cảng lớn tầm quốc gia chứng tỏ truyền thống này đã được truyền lưu, phát huy tốt. Gần đây người tài Bình Định xuất hiện khá nhiều. Các phương tiện truyền thông đã nêu gương những nông dân Bình Định tự chế ra máy tuốt lúa, tách hạt đậu phụng được thị trường ưa chuộng… Những nhân tài nơi thôn dã này là rất đáng trân trọng và tỉnh cũng nên giúp đỡ họ nhiều hơn. Những trở ngại có tính đặc trưng ở thôn, xã thường mỗi nơi lại mỗi khác; chính những nhà phát minh này sẽ giải quyết trở ngại đó.
Trong thế kỷ trước, du học nước ngoài được đặt trong kế hoạch Nhà nước, nay thì có thể: Nhà nước du học, người người du học. Miễn sao có nhân tài của gia đình, dòng họ và cho đất nước. Sự nghiệp đào tạo nhân tài đang được thực thi theo tinh thần: "Tất cả là do dân, của dân, vì dân" như Đảng và Hồ Chủ tịch đã nói. Vấn đề này Bình Định chưa nổi trội lắm.
* Cần tìm được sự hỗ trợ của ngoại lực
Trong thời đại toàn cầu hóa, ta rất cần những nhân tài mang tầm vóc quốc tế. Ngày nay, thanh niên có thể du học trên khắp năm châu bốn biển. Không chỉ Nhà nước trung ương cấp kinh phí mà một số tỉnh, thành cũng tự xuất kinh phí cho đào tạo nhân tài.
Giáo sư Văn Tạo tên thật là Nguyễn Xuân Đào, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1926. Ông từng là Chánh Văn phòng Ban Văn - Sử - Địa (1956-1959), Chủ nhiệm Nhà xuất bản Sử học (1959-1960), Phó Viện trưởng (1972-1980), rồi Viện trưởng (1980-1989) Viện Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (1977-1989). Năm 2000, Giáo sư Văn Tạo được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. |
Tôi tin, tỉnh Bình Định không thiếu tiền để giúp (cho, cho vay, cho mượn...) người tài đi học. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là làm sao tuyển chọn được người tài, xác định đâu là nơi sẽ đến du học, cho họ đi học xong lập tức phải tính ngay chuyện sẽ dùng họ vào việc gì. Với mức độ tăng trưởng như hiện nay, Bình Định - Quy Nhơn là vùng đất chứa đựng nhiều cơ hội. Đã có hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đăng ký về đây kinh doanh, chắc chắn họ sẽ cần nhiều người tài, nhiều lao động lành nghề. Vì thế cũng nên kết hợp với họ trong việc đào tạo nhân tài theo hướng đôi bên cùng có lợi. Trước đây tỉnh đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo công nhân (chịu một phần kinh phí, bố trí trường, giáo viên đào tạo...). Nay với tầm làm ăn lớn hơn nên có chính sách đặc biệt phát hiện người tài ngay từ khi còn ở trường phổ thông, thông qua nhà trường và gia đình giúp nhân tài định hướng phát triển, vấn đề này có thể hoạch định trong khung thời gian vừa ở tầm gần đôi ba năm, vừa nên có chiến lược dài hạn trong 10 - 20 năm.
UBND tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn đã có chủ trương đào tạo, phát triển, thu hút nhân tài. Chủ trương này cũng nên được cập nhật thường xuyên. Cơ hội ở vùng đất này là rất nhiều.
|