Tổ tiên, ông bà của người Ba na sống ở xã Cát Lâm, Cát Sơn của huyện Phù Cát đã từ rất lâu rồi. Hồi ấy, người Ba na có 5 làng gọi là Trà Hương, Trá Dí, Tằng Hắng, Cà Dá và Đập Mới. Mấy chục năm trước, để đi theo cách mạng, đánh Mỹ ngụy, cả làng rồng rắn kéo nhau vượt qua dãy Vóc Cá, đi mãi, đi mãi... qua nhiều núi, nhiều suối đến tận chân núi bên kia. Hòa bình đã hơn 30 năm rồi, người Ba na vẫn không nguôi nhớ quê hương...
|
Xóm mới Trà Hương.
|
1. Năm 2000, bốn anh em ông Trần Văn Dũng (48 tuổi) đưa vợ, con, cháu chắt theo bà con băng đường mòn qua nhiều núi, nhiều suối… từ làng M3 trở về làng cũ ở Đại Khoan (Cát Lâm - Phù Cát) lập lại làng. Ngày mới về, bà con Ba na dựng chòi ở một chòm gần nhau dưới chân hồ thủy lợi Suối Tre sống trong cái khổ, cái vất vả tứ bề. Nhưng rồi, họ đã nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của người dân thôn Đại Khoan. Ông Dũng nói: "Hỏi ra đều là họ hàng, anh em nên bà con rất thương, cho làm công ruộng để đong lại từng lon gạo nấu cháo, rồi còn bày cho cách làm ăn...". Bà con Ba na cũng đã cùng nhau dựng lại nhà rông để họp làng trong những dịp hội hè.
Cuộc sống mới thật sự bừng sáng vào cái ngày người Trà Hương ở Cát Lâm và Đập Mới ở Cát Sơn được cấp hộ khẩu và chính thức trở thành những công dân của huyện Phù Cát. Ông Phan Chí Thành, 79 tuổi, già làng ở Trà Hương lâng lâng cảm giác vui sướng: "Từ nay, người làng mình đã có quyền công dân ngay trên chỗ ông bà mình từng khai phá".
2. Năm 2004, các gia đình đã được xã chia đất ở, mỗi hộ được 25m "mặt tiền" còn chiều sâu thì… "vít số". Bằng nguồn vốn của Chương trình 134 và vốn hỗ trợ của Chi cục di dân và phát triển kinh tế mới, 9 hộ đã được hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà mới. Hôm chúng tôi đến làng, bà con đã lên rẫy từ sáng sớm. Trong làng chỉ còn vài phụ nữ và trẻ em. Chị Đinh Thị Ngớt, 28 tuổi, đang giặt giũ ở giếng ngước thật nhanh lên nhìn chúng tôi rồi tiếp tục cúi xuống bên mớ quần áo hỗn độn. "Trước đây, người trong làng phải ra suối đào giếng lấy nước mạch về dùng. Bây giờ nhà nước đã làm cho dân 2 cái giếng nên không phải đi lấy nước xa nữa!". Để giúp dân có đất sản xuất, xã Cát Lâm đã cấp cho mỗi nhân khẩu 600m2 đất ruộng, sản xuất 3 vụ/năm. Huyện cũng đã cấp thêm cho mỗi hộ 3 triệu đồng để đầu tư cho sản xuất. Ngoài ra, bà con còn khai hoang đất ở các triền núi làm rẫy. Mỗi hộ có khoảng 4 sào (2.000m2) trồng điều, chuối, bắp, đu đủ…
|
Cùng vui bên ché rượu cần của đồng bào dân tộc Ba na. Ảnh: T.X.C
|
Được hỏi về cuộc sống mới ở xứ cát, anh Đinh Mơ Ranh, 29 tuổi, vừa ở ruộng về, cho biết: "Ởû chỗ nào cũng phải chăm chỉ làm mới có ăn. Bà con xuống đây được nhà nước quan tâm, đã cho đất làm ruộng, còn làm nhà xây cho nên đời sống đã khá hơn trước rồi!".
3. Chờ đến 11 giờ trưa, ông Dũng- nghe bà con nói sáng nay đi họp thôn- mới quay trở về làng. Tiếng xe máy nổ giòn ngay từ đầu con suối Cát làm vỡ òa cái không gian quá đỗi yên bình ở đây. Ngày mới về, trong 9 hộ gia đình người Ba na đầu tiên tìm về cội nguồn thì đã có đến 8 hộ rơi vào diện nghèo. Vậy mà bây giờ, tôi đếm ít nhất đã có 4 hộ có xe máy dựng trong nhà. Ghé vào nhà anh Trần Văn Miên- một căn nhà có nền lát đá hoa trắng vân xanh trông thật hiện đại và sáng sủa, anh Miên cho biết: "Tôi vừa xuống giống 3 sào lúa, còn lại 3 sào vụ sau sẽ tiếp tục làm. Như vậy, khoảng tháng 3 năm sau là người Ba na đã có lúa trong nhà rồi, sẽ không phải chạy lo gạo từng bữa nữa…"- Anh Miên vừa nói vừa với tay lên đầu chiếc tủ gương mới sắm lấy một xấp giấy đã cuộn tròn: "Cán bộ trên tỉnh, trên huyện lên tập huấn cho bà con cách trồng đào, trồng lúa nước, trồng cây ngắn ngày… còn cấp cho bà con mấy cái giấy này để về coi mà làm theo…" - anh Miên mở cho tôi xem mấy tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của ngành nông nghiệp. Ông Dũng về, thông báo một tin vui: "Thôn họp triển khai chuyện giao rừng cho dân giữ. 4 hộ người Ba na, mỗi hộ được nhận 25 ha rừng để giữ, không cho người đến chặt cây, đốt rẫy. Nhà nước sẽ trả cho mỗi hộ 1,2 triệu đồng/năm…".
Những ánh mắt người Ba na xứ cát chợt mở to. Những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió bỗng sáng ngời. Lại thêm một cơ hội cho người dân bắt đầu cuộc sống mới.
4. Đêm 30 Tết năm ngoái, 9 hộ gia đình, 33 nhân khẩu người Ba na ở Cát Lâm đã tập trung về nhà rông uống rượu ghè, đánh cồng chiêng và nhảy múa cho đến gần sáng. Sáng mồng một, bà con đến nhà nhau thăm hỏi, chúc nhau làm ăn phát triển, lúa, bắp đầy nhà; bò, heo đầy chuồng.
Năm nay, đời sống bà con có khá hơn. Lúa, bắp đã đầy vựa, củ mì cũng đã vào ghè để cho những men rượu cần sóng sánh, những buồng chuối mập căng chỉ còn chờ xuống chợ... Già Thành phấn khởi nói: "Làm ăn khấm khá, bà con mình sẽ góp công, góp của làm lại cái nhà rông này để con cháu tổ chức sinh hoạt, hội họp cho đoàn kết, cuộc sống ngày càng vui vẻ, thoải mái hơn…".
|