Gặp lại Đỗ
14:48', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Tôi biết anh cũng giống như khá nhiều người khác biết anh, tức là từ bài thơ Bài học đầu tiên nổi tiếng mà sau này nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc và đặt tên là Quê hương. Khoảng năm 1990, Đỗ Trung Quân lên giao lưu với chúng tôi. Ngay tại cái hội trường của ký túc xá cũ kỹ, quanh năm vừa ẩm mốc, vừa bụi mù... Nhưng nhà thơ và sinh viên đều chẳng chú ý đến chuyện ấy. Giao lưu với thi sĩ nổi tiếng nhưng lạ một nỗi anh lại rất ít nói về thơ. Anh kể về cái đẹp của Đà Lạt, về chính cái ký túc xá của chúng tôi, về những cái đẹp thường xuyên ở quanh ta chỉ cần dừng lại một chút thôi, đừng vội vã là sẽ nhận ra. Cái đẹp bất chợt xuất hiện như một tình cờ là thế...

Một gương mặt đầy góc cạnh nhưng điềm đạm. Khá đa tài và có vẻ vụng về. Nhưng là sự vụng về đầy lôi cuốn (thú thật là tôi không bất ngờ lắm khi thấy anh xuất hiện trong vai trò MC). Đỗ (như anh ký bút danh hoặc như một số người vẫn gọi) y boong như hình dung của nhiều thiếu nữ về thi sĩ.

Bẵng đi một dạo, tôi lại có dịp gặp anh khi Báo Tuổi Trẻ tổ chức gặp mặt nhân sinh nhật lần thứ 20 của báo (1995). Đỗ viết văn, vẽ minh họa, thỉnh thoảng vẽ hí họa và cố nhiên là làm thơ. Thơ anh dạo ấy có vẻ bớt dần sự ngọt ngào như cái cách chúng tôi vẫn nói với nhau "ngọt như thơ tình trong ngăn cặp". Anh vẫn vậy. Dường như gương mặt lơ ngơ của anh đã dừng lại trong thời gian. Một nỗi buồn về cây ngọc lan vừa bị đốn mất. Nỗi day dứt của một gã khờ khi bị một người con gái từ chối và tự dưng bỗng hỏi liệu lòng tin có cần chứng minh thư... Đỗ viết - thơ hay văn, hoặc vẽ đều giữ nguyên nét duyên dáng của mình.

Mới đây, bảng xếp hạng của FAHASA công bố, tạp bút.đỗ.trung.quân đứng hàng thứ tư trong danh mục sách bán chạy. Sách trình bày đơn giản. Những nốt điểm xuyết xinh xắn và lạ lẫm khiến tập sách mỏng trở nên đầy đặn, đằm tay. Tôi có cảm giác gặp lại Đỗ. Những chấm nhỏ. Những chấm nhỏ tạp bút khiến ta có lúc mỉm cười thú vị, có lúc bần thần mà tự vấn... Và anh vẫn thế, đọng lại trong thời gian. Dù chỉ qua một góc nhìn tạp bút.

Thì đây, mời bạn cùng tôi nhấm nhá một chấm nhỏ trong tập sách này.

  • Học Phong

 

Tương.tư.hoa.gạo.quê.nhà

1.

Thú thật tôi chưa xem Mê Thảo - Thời vang bóng. Ngày chiếu ra mắt tôi không về kịp thành phố. Nghe bảo phim hay lắm, có người bảo "chưa hay!". Thôi, không xem thì chớ lạm bàn. Nhưng ngồi giở xem những hình chụp từng cảnh của phim, tôi bỗng thấy mình dừng lại ở hình ảnh một cây hoa gạo đỏ rừng rực. Có gì mà phải tần ngần trước màu hoa gạo đỏ ấy?

2.

Trước đây có quen một cô gái đẹp, cô bảo "tên em là hoa gạo" đấy! Mộc Miên tức là hoa gạo. Tôi chẳng thích cái tên nghe rất hay nhưng chẳng gợi lên điều gì trong tâm thức như cái tên hoa gạo dân dã, nhà quê, bèn cười và ghẹo "giá mà em tên Gạo anh thích hơn...". Tôi ở Sài Gòn từ thuở sinh ra chỉ thấy phượng vĩ, ít thấy hoa gạo dù ngày xưa chỗ cái xóm đạo tôi ở cũng có hai cây đứng lẻ loi bên cạnh ngôi nhà thờ gỗ đơn sơ. Hoa gạo đỏ bầm, rụng xuống chân người mà bị giẫm nát thấy chân mình như có máu. Xóm đạo thời xưa còn thưa thớt người, chuông nhà thờ mỗi sớm, mỗi chiều nghe buồn lắm - rồi nghe mãi cũng quen.

Những cô gái xóm đạo thường mặc áo dài màu sậm, những đôi mắt đen to, cổ trắng ngần quấn một chuỗi tràng hạt đi lễ sớm chiều. Màu đen của những chiếc áo dài màu xóm đạo và màu đỏ của hoa gạo mỗi mùa là hai ấn tượng về màu sắc có sớm nhất trong trí nhớ của một thiếu niên có vẻ ngoài hiếu động như tôi. Lần tặng hoa đầu tiên trong đời bên hông ngôi nhà thờ gỗ có tượng Chúa xòe tay thật hiu quạnh trên cao, cũng là nhặt đại một bông hoa gạo rụng chưa bị ai giẫm lên cho cô bé gần nhà "tặng mày nè Lý"!". Cô bé trề môi "thứ này tao không thèm, mày không biết tìm thứ khác à!". Kẻ tặng hoa như mẹ vẫn bảo "chưa ráo máu đầu", ném bông hoa gạo xuống đất và giẫm lên. Chân đỏ lòm.

Mối tình ngớ ngẩn, quê mùa đi qua nhanh chóng. Nhưng cô bé có chiếc thánh giá trên cổ trắng nay ở chân trời nào?

3.

Mẹ tôi bảo - người miền Bắc rời quê nhà đi đâu cũng hay mang theo cách sống, cách sinh hoạt, thậm chí cả khung cảnh làng quê mình đi cùng. Mẹ vẫn kể về hoa xoan, hoa gạo. Thằng con nghe mãi thành ra cũng ngỡ mình khi chưa sinh ra đã thấy hoa gạo, hoa xoan, hoa lý, hoa mận dù nó lớn lên ở Sài Gòn, cái xóm đạo toàn người xứ Bắc. Lạ không?

4.

Hàng chục cái Tết đi qua chỉ thấy hoa mai, hoa đào đỏ thắm Hà Nội. Tết chẳng thấy ai nói đến cái thứ hoa nhà quê mà hình như cũng không nở vào cuối năm bao giờ. Cho đến một ngày thấy một cô áo đỏ đi qua đường để nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Duy:

Tương tư hoa gạo quê nhà

Tự dưng áo đỏ làm ta giật mình.

Đường phố Sài Gòn cuối năm tràn ngập sắc màu, hoa Tết, áo người... Cái màu áo đỏ ấy thường làm liên tưởng đến hoa đào. Nguyễn Duy bỗng đâm ngang hoa gạo. Cái tâm thức của một người quê mùa, rơm rạ. Mà ai không có chút sen bùn rơm rạ trong tận sâu thẳm tâm hồn mình, nếu là người Việt.

Mới hiểu vì sao mình cũng đã tần ngần trước hình ảnh một cây hoa gạo đang mùa rất đỏ.

Cây gạo Mê Thảo - Nó có lẽ đã mọc từ ngàn năm trong tâm thức ta rồi. Chắc là thế.

  • Đỗ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Xuân  (18/01/2006)
Câu đối  (18/01/2006)
Ngày mới ở làng cũ  (18/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (18/01/2006)
Cần có chiến lược đào tạo và phát huy sức mạnh nhân lực  (17/01/2006)
Tạp bút: Nhớ cây đòn gánh  (17/01/2006)
Quả ngọt miền Nam trên đất Vân Canh  (18/01/2006)
Tản mạn: Nhịn thuốc mua trâu  (17/01/2006)
Chữ "đức" ở nhà thương Quy Nhơn  (17/01/2006)
Xã xuất khẩu lao động  (17/01/2006)
Phẩm vật mới của thời buổi toàn cầu hóa  (17/01/2006)
Mùa Xuân theo các anh về  (17/01/2006)
Có một "thương hiệu" mang tên báo Bình Định  (17/01/2006)
Những bí ẩn về lăng mộ Vua Quang Trung sắp được giải mã ?  (17/01/2006)
Lắng nghe bạn đọc, chia sẻ với bạn đọc  (17/01/2006)