Bình Định có gần một triệu rưỡi dân, chọn ra cho được những gương mặt tiêu biểu để "gặp gỡ đầu tuần" mà không sợ người khác "tị" quả là điều cực khó. Ấy vậy mà các đồng nghiệp ở Báo Bình Định đã chọn được ba chục người thật sự ấn tượng với bạn đọc để in thành tập sách, ấy là điều đáng được đưa vào... giáo trình làm báo vậy.
1. Tôi hỏi một "đại sư báo" cùng cơ quan: "Anh ngại nhất khi phải phụ trách mảng nào trong một tờ báo?". Ông ấy nói cái rẹt mà không cần suy nghĩ: "Chuyên mục!". Vì sao phải ngại chuyên mục? Những người "cầm càng" cho mỗi tờ báo đều có cách trả lời riêng, song chắc chắn họ sẽ gặp nhau ở điểm này: Dễ bị đuối sức. Lúc ấy, để khỏi lỗi hẹn với bạn đọc, người phụ trách chuyên mục buộc phải "lấp lỗ trống" bằng những bài viết kém chất lượng. Ở những tờ báo lớn, mỗi ngày có một núi thông tin đến với mình, có hàng trăm phóng viên và cộng tác viên ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trên cả nước sẵn sàng chi viện cho chuyên mục, ấy thế mà có lúc vẫn hụt hơi nói gì tờ báo tỉnh như Báo Bình Định. Chuyện thường gặp trong việc thực hiện chuyên mục là hiện tượng "đầu voi đuôi chuột". Dăm bảy số đầu, do được tích lũy và chuẩn bị kỹ nên có nhiều bài viết rất hấp dẫn, càng về sau càng teo lại. Ở Báo Lao Động thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều bạn đọc rất thích cái ô vàng vàng với mục "Tản mạn" do tác giả Kỳ Lâm phụ trách. Sau khi nhà báo Kỳ Lâm bị tai nạn qua đời, báo lại tăng từ 2 kỳ lên 7 kỳ/tuần, cái ô vàng vàng ấy cũng… tản mạn luôn. Có những số báo, chẳng thấy cái ô vàng vàng ấy nằm ở đâu nữa.
Tôi phải dài dòng một chút về chuyện "chuyên mục" để thấy rằng, Báo Bình Định đã "nuôi" được một góc báo có tên: "Gặp gỡ đầu tuần", "Bút ký - phóng sự - nhân vật" ấy khá lâu, là một nỗ lực lớn của những người làm báo của tờ báo này. Nuôi một cách kỹ càng chứ không nuôi theo kiểu cầm xác gia cầm mùa dịch cúm H5N1. Bằng chứng là cả ba chục cuộc gặp gỡ với ba mươi gương mặt ở Bình Định được các tác giả dựng lên bằng các phong cách khác nhau nhưng đều đem đến cho bạn đọc một cái nhìn tương đối toàn diện về những con người của đất Bình Định hôm nay. Có những khuôn mặt tôi đã từng gặp, từng thân quen và yêu mến nhưng cũng có những người tôi chưa gặp bao giờ. Nhưng tất cả họ đều lung linh, "cựa quậy" dưới những câu chữ của người viết. Viết dạng "gặp gỡ" thuộc diện khó xơi nhất trong các thể loại báo viết. Nếu không có nghề, nói thẳng ra là không có vốn "chữ" và sự từng trải, cuộc "gặp gỡ" sẽ nhạt nhẽo vô cùng.
2. Người Bình Định hôm nay có bác Võ Sĩ Thừa suốt đời tâm huyết với nghề, với tuồng Bình Định vừa quá cố. Nói đến tuồng là ông như người "lên đồng". Tiếng tăm của ông "lừng lẫy bốn phương trời". Và người Bình Định hôm nay cũng có những nhân vật như bác Lê Sĩ Nguyên suốt đời lặng lẽ trong một "góc khuất" nhưng làm một việc vô cùng lớn lao mà không phải người Bình Định nào cũng làm được: Dạy chữ miễn phí cho học trò nghèo. Bình Định có anh tiến sĩ "ngang ngang", cầm dao mổ thật giỏi, cũng làm thơ và thuộc thơ thật nhiều như Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Tỵ; lại có anh chàng mặt non choẹt có tên Nguyễn Chí Nghĩa, "bợ" một lúc hai học bổng của nước Nhật, thông làu hai- ba ngoại ngữ nhưng lại rất muốn nấu món… bún giò mà người Quy Nhơn quê anh vẫn thường ăn mỗi sáng để đãi bạn bè ở Anh quốc! Việc chọn nhân vật để "gặp gỡ" là do chủ ý của nhà báo, nhưng cái mà chuyên mục mang lại cho bạn đọc, làm cho họ nhớ lâu, không phải vì nhân vật ấy nổi tiếng qua chức vụ hay nghề nghiệp, hoặc bằng cấp, mà là công việc hàng ngày của họ. Đó là những công việc phi thường có, khác thường có, bình thường cũng có nhưng ý nghĩa từ công việc của họ thì thật lớn lao. Và hữu ích. Người Bình Định đã và sẽ làm những việc hữu ích như thế.
3. Có người hỏi tôi: "Không lẽ Bình Định có ba chục người ấy thôi sao?". Một câu hỏi khó, xin nhường cho các đồng nghiệp ở Báo Bình Định. Vâng, Bình Định không thể chỉ có từng ấy người tiêu biểu để "gặp gỡ" mỗi tuần. Tôi được biết, Bình Định còn có nhiều hơn thế, cũng đã được "gặp gỡ" rồi, song cách đưa vào sách là do người chọn. Không sao. Cái mà người đọc vừa thấy thừa, lại vừa thấy thiêu thiếu trong những lần "gặp gỡ" rồi chọn vào sách là chỗ: những người làm văn nghệ thì nhiều mà những người thầy giáo lại quá ít. Và "thiếu" hơn nữa là không thấy có cuộc gặp gỡ nào với những người lãnh đạo để nghe họ nói về "người Bình Định". Tại sao không?
Trong các lần tiếp xúc, tôi thường nghe các anh lãnh đạo tỉnh hay nói câu này: "Bình Định mình thế này, Bình Định mình thế kia", dù tôi không phải là người Bình Định. Tôi không phải "mình" với các anh ấy, song tôi hiểu, trong tiếng "mình" ấy là có sự thu nạp, có sự cởi lòng, có sự tụ hội và dang tay ra đón. Bình Định đã và sẽ có những con người biết khởi xướng, biết dấy lên, biết cầm ngọn cờ để đi tới đích. Một cuộc gặp gỡ với những nhân vật như thế sẽ làm cho chuyên mục hoặc cuốn sách đa chiều hơn. Dĩ nhiên, người phỏng vấn và người được phỏng vấn đều phải từng trải, phải có "nghề", kẻo dễ bị rơi vào lối mòn là "lấy lòng lãnh đạo".
Người Bình Định hôm nay đang đi trong tiếng vọng của quá khứ hào hùng, song họ có cách bước của riêng mình. Hy vọng các đồng nghiệp ở Báo Bình Định sẽ tìm được thêm những gương mặt ấy để những ai quan tâm đến Tây Sơn hôm qua và Nhơn Hội hôm nay sẽ có một cái nhìn đầy đủ về người Bình Định.
|