Người Bana vẫn có tục bỏ mả. Vậy mà trước mắt tôi, làng ma của người Bana ở làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), lại là một nghĩa địa, có cổng, có mộ xây như những làng người Kinh… Chỉ là một chuyển động trông đơn giản nhưng đó là chuyển động của tập quán, phong tục. Một phần văn hóa, tư duy của người Bana đã chuyển động theo.
|
Cổng nghĩa địa làng Hà Ri được dân làng góp công sức xây dựng năm 2004.
|
1. Bok Đinh Krăng, thường gọi là Bá Thạch, nay đã yếu. Vóc dáng ông xưa mạnh mẽ như một sợi dây rừng, giờ phải nằm xẹp một góc nhà. Vậy mà nghe nói đến chuyện cái nghĩa địa làng, mắt ông như sáng hẳn. Ông từ từ ngồi dậy, rồi từ tốn kể: "Tui cũng có cái may mắn là được đi đó đi đây nhiều. Thấy người ta cũng ông bà, mình cũng ông bà mà sao người ta làm nghĩa địa, xây mồ mả cho ông bà đàng hoàng, hàng năm con cháu lại đi giẫy mộ, thắp hương. Tui tự hỏi, tại sao người Bana mình không làm nghĩa địa và xây mồ mả cho ông bà đàng hoàng. Văn minh hơn mà cũng vệ sinh hơn mà".
Nghĩ là làm. Nhưng mình làm thì dễ, chứ khó nhất vẫn là vận động để người làng làm theo. Trước tiên là vận động ngay trong chi bộ làng. Mới đầu, nghe ông nói cái mong muốn ấy, có người gạt phắt đi. "Xưa nay người Bana mình làm gì có nghĩa địa. Bỏ mả là phong tục truyền thống từ bao đời nay. Ông bà mình xưa nay vẫn thế, mình làm khác sao nên? Giàng không ưng đâu, Bá Thạch à!" - Là người ta nói cái lý của họ như vậy. Nhưng rồi mình thuyết phục - "Ờ, phong tục thì cũng do ông bà mình đặt ra. Tục bỏ mả xưa là truyền thống, xưa nó đúng vì người Bana mình luân canh trên những cánh rừng. Bây giờ, mình đã định cư ở làng mới. Cái làng mới, cái rẫy, cái vườn cũng mới, nhiều cái cũ đã tự nhiên mất đi thì người chết chôn trong nghĩa địa cũng vậy thôi, nó cũng là cái mới hợp lý. Khi được nhiều người chấp nhận, nó sẽ thành một tập quán mới chứ sao".
2. Bá Thạch dứt mạch chuyện với tôi nghe gọn gàng - "chứ sao!". Nhưng để thuyết phục được người làng, ông đứng ra làm đầu tiên. Ông xây ngôi mộ cho cha mẹ mình, cha mẹ vợ trước. Người làng không thấy có chuyện gì lạ xảy ra, dần làm theo. Và qua những đảng viên, nếp nghĩ mới dần thấm vào từng người dân trong làng. Năm 1995, điều khoản "Mồ mả ông bà phải được chăm nom" đã được ghi vào hương ước của làng. Đến giờ thì ngay những người bảo thủ nhất khi đó cũng đã xây mộ cho ông bà mình.
|
Đinh Panh bên ngôi mộ của ông nội. |
"Ngày đầu tiên bác trai vận động làm, bác có cản gì không?". Đang lui cui rót nước, nghe tôi hỏi, mí Thạch vui vẻ: "Ông già đó, tui biết tính rồi, đã quyết là làm à! Mà cản chi. Tui tin ổng chớ. Ổng có làm gì thì cũng là vì bà con, vì dân làng mình hết".
Nghĩa địa làng Hà Ri nay đã xây dựng cổng ngõ đường hoàng, cũng là bà con góp công sức để dựng nên vào năm 2004. Vào bên trong, những ngôi mộ được xây với kiểu cách khác nhau. Có mộ ốp gạch men rất đẹp, có mộ lại được trang trí bằng những hoa văn truyền thống của người Bana. Bá Thạch cho biết, nghĩa địa làng Hà Ri nay đã có 80 ngôi mộ. Trong đó, một số mộ do gia đình chưa có điều kiện xây cất thì cũng đặt bia ghi tên tuổi đường hoàng. "Họ hứa là đến thu hoạch vụ điều sắp tới xong họ sẽ xây"- mí Thạch tiết lộ.
3. Điều thú vị khác là nếu trước đây, người Bana có phong tục bỏ mả, thì nay thay cho tục xưa, ngày 30 Tết hàng năm, người làng lại cùng nhau lên nghĩa địa giẫy, dọn sạch xung quanh các ngôi mộ, mang theo bánh tráng, hoa quả để thắp hương, cúng kiếng. "Ngày đó nghĩa địa đông lắm"- giá Tri cho biết. Chồng giá Tri mất từ 16 năm nay, nhưng năm 2004, giá mới xây mộ trong nghĩa địa làng. "Hồi ấy, xây mộ cho bác trai, bác có sợ không?"- tôi hỏi. Giá Tri cười: "Nếu chỉ một mình mình thì cũng sợ đấy, nhưng đây là cả làng cùng làm nên tui cũng đâu có sợ". Rồi giá cho biết thêm: "Hồi xưa, trong khu làng ma, củi nhiều lắm nhưng không ai dám vào nhặt nữa chứ nói gì đến viếng mộ". Gặp cậu bé Đinh Panh. Panh dẫn tôi đến trước ngôi mộ của ông nội. Ngôi mộ khá khang trang, do chú của Panh xây nên. Tết nào, gia đình em cũng lên đây thắp hương cho ông bà- Panh nói.
Bá Thạch nói: "Nhận thức của bà con đã chuyển rồi. Nghĩa địa thì tuy mới xây được cổng, nhưng nay mai sẽ xây thêm tường bao nữa, dọn lại cây cối xung quanh, thì sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nhưng ước mong của tui và dân làng là xây dựng nên một nghĩa địa theo kiểu mới. Dưới đất ông bà nằm, còn xung quanh các ngôi mộ sẽ trồng thêm cây điều để tạo bóng mát. Không chỉ là ước mong nữa đâu, điều này đã đưa vào kế hoạch năm 2008 của Hà Ri đấy!".
Trước khi chào từ biệt, Bá Thạch cứ nhắc đi nhắc lại: "Khi nào nghĩa địa kiểu mới hoàn thành, chú nhớ quay lại nhé! Sẽ đẹp đấy!". Rồi ông cười, nụ cười mãn nguyện của người khi nhìn lại những mong ước của mình nay đã thành hiện thực.
|