Người Minh Hương ở Bình Định
13:49', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, làn sóng di cư của người Trung Hoa sang Việt Nam khá ồ ạt bởi hai lý do: tỵ nạn chính trị và buôn bán. Họ được các chúa Nguyễn khuyến khích, ưu đãi... và đã trở thành một bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Một số người Hoa đến lập các Minh Hương phố buôn bán nhộn nhịp ở Bình Định và có nhiều đóng góp đáng kể.

 

Miếu Bà Chúa Thai Sinh - Bảo Sản của người Minh Hương ở xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, hiện nay vẫn duy trì lễ hội.

 

1. Mỗi khi ở Trung Quốc thay đổi triều đại thì một số quan, binh và cả thảo dân trung thành với triều đại cũ lại rời bỏ tổ quốc tìm nơi lập nghiệp, nhiều người đã chọn Việt Nam. Đợt di cư lớn nhất của người Trung Hoa sang lập nghiệp ở Việt Nam là năm Kỷ Mùi (1679), đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Khi ấy Tổng binh Dương Ngạn Địch và Tổng binh Trần Thắng Tài, tướng cũ nhà Minh không hàng phục nhà Thanh, đã đem cả quan quân và gia quyến hơn 3.000 người lên thuyền sang nước ta xin nhập cư vùng Đồng Phố (Đồng Nai).

Ở Bình Định vào khoảng năm 1610 thuyền buôn người Hoa đã vào cửa Thị Nại theo sông Côn ngược lên vạn Gò Bồi lập phố buôn bán. Phố cảng Nước Mặn đã hình thành, nhanh chóng phát triển và chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ thương mại Đàng Trong cũng như trên nhiều hải đồ hàng hải quốc tế lúc ấy. Cùng với Nước Mặn nhiều phố mới của người Hoa lần lượt mọc lên ở một số địa phương khác trong tỉnh. Họ vào cửa Đề Gi (Phù Cát) lập Trà Quang phố, vào cửa Kim Bồng (Bồng Sơn) lập Hòa Quang phố... Cũng thời kỳ đó, còn có những nhóm vài ba chục hoặc một vài trăm người đến buôn bán làm ăn rải rác khắp trong tỉnh, ở lại lập nghiệp, sinh con đẻ cháu và lập thành những làng Minh Hương. Minh Hương phố ở Bình Định được hình thành tương đối sớm, chỉ sau Hội An (Quảng Nam) và cùng thời với Thanh Hà (Huế).

Minh Hương nghĩa là làng của người Minh. Người Hoa sang Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, họ tự xưng mình là thần dân của nhà Minh chứ không phải là thần dân của nhà Thanh. Riêng những người Hoa đến Việt Nam lập nghiệp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì xưng là Hoa kiều chứ không gọi là Minh Hương bởi vì họ giữ quốc tịch Trung Hoa. Và có lẽ lúc này chuyện nhà Thanh hay nhà Minh cũng đã nhạt dần trong tâm thức của họ. Mối bận tâm của người Hoa bây giờ là định cư, giữ quan hệ tốt với người Việt, buôn bán và làm sao có nhiều lời lãi.

2. Để tiện việc quản lý những công dân mới này, Chúa Nguyễn đã cho lập làng của người Minh Hương, lập bộ hộ tịch riêng của người Hoa và người lai Hoa - Việt. Từ đó, làng người Hoa được chính thức thừa nhận, gọi tắt là làng Minh Hương hoặc Minh Hương xã. Bình Định lúc bấy giờ có Minh Hương xã Nước Mặn phố (ngày nay thuộc xã Phước Quang - Tuy Phước), Minh Hương xã Trà Quang phố (thị trấn Phù Mỹ), Minh Hương xã Hòa Quang phố (Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn) và Minh Hương xã An Thái phố (Nhơn Phúc - An Nhơn).

Đến đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1698), làng người Việt được gọi là thôn, làng của người Minh Hương gọi là trang, trưởng làng Minh Hương gọi là Trang trưởng (tương đương lý trưởng của người Việt). Vài ba trang lập thành một thuộc, người đứng đầu thuộc là thuộc trưởng (tương đương chánh tổng).

Do vậy, Minh Hương xã Nước Mặn phố có tên làng gọi là Minh Hương xã Vĩnh An trang, Minh Hương xã An Thái phố có tên làng là Minh Hương xã An Hòa trang, Minh Hương xã Trà Quang phố có tên làng là Minh Hương xã Trà Quang trang và Minh Hương xã Hòa Quang phố có tên làng là Minh Hương xã Hòa Quang trang. Đầu thế kỷ XIX có một bộ phận người Hoa đến An Thái lập nghiệp cũng được nhà Nguyễn cho lập làng có tên gọi là: Minh Hương xã Tân thuộc Xuân Quang trang (để phân biệt với nhóm người lập nghiệp trước là cựu thuộc). Ngoài ra, người Minh Hương còn ở định cư rải rác ở: Phú Phong, Vĩnh Thạnh, An Khê (nay thuộc tỉnh Gia Lai)...

 

Phố cổ Hội An - phố Minh Hương đầu tiên và sầm uất nhất Đàng Trong (thế kỷ XVII - XVIII).

Người Việt rất ngại tiếng ngụ cư (ở nhờ), lại càng ngại tiếng ngụ canh (nhờ nơi làm việc). Khác với người Việt, người Minh Hương không ngại chuyện ngụ canh, ngụ cư. Dân của làng Minh Hương An Hòa (Nhơn Phúc) có thể làm ăn sinh sống có nhà cửa ruộng vườn ở An Khê hoặc ở Quy Nhơn và được đối xử công bằng. Đa phần người Hoa đến Việt Nam làm nghề buôn bán, bốc thuốc bắc, làm một số nghề thủ công... Họ nhanh giàu và cung nạp các thứ thuế rất nặng. Bù lại họ được miễn thuế thân, miễn trừ quân dịch, sưu dịch, tạp dịch. Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), thuế, lệ của người Minh Hương mới giống với người Việt. Tuy nhiên, việc thu thuế thân và cấp bài chỉ (biên nhận) vẫn do Trang trưởng thu hồi nộp cho phủ vì huyện không quản lý người Minh Hương. Về sau những người Hoa sang làm ăn buôn bán thông thường (không có tư tưởng phản Thanh) không nhập tịch các làng Minh Hương mà do các Bang trưởng quản lý theo cơ chế "Ngũ bang" gồm: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và Hẹ (quy chế này được được ban hành từ đầu triều Gia Long - 1802).

3. Đặc điểm của người Minh Hương là ở đâu có làng Minh Hương ở đó đều có Miếu Ông, Miếu Bà mà người dân quen gọi là "chùa" Ông, "chùa" Bà mặc dù ngay trước cửa "chùa" nào cũng có tấm biển rất lớn sơn son thếp vàng đề: Quan Thánh Đế Miếu hoặc Thiên Hậu Miếu có nơi còn gọi là Thiên Hậu Cung. Ngoài việc thờ Thiên hậu thánh mẫu, người Minh Hương còn có miếu thờ Bà Chúa Thai Sinh - Bảo Sản, những người đàn bà hiếm muộn thường đến đây cầu nguyện về đường con cái hoặc được sanh đẻ mẹ tròn con vuông. Ngoài "chùa" Ông, "chùa" Bà, ở một số làng Minh Hương còn xây "chùa" Ngũ Bang như ở An Thái, Tam Quan.

Bên cạnh việc giúp Chúa Nguyễn khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi về phương Nam, người Minh Hương cũng đã góp phần tạo ra một diện mạo mới ở một số vùng nông thôn miền Trung vào thế kỷ XVIII, XIX. Các Minh Hương phố tạo ra các trung tâm kinh tế của một vùng thường dựa trên ven các dòng sông để tiện việc giao thông lúc bấy giờ. Tuy nhiên khi giao thông đường bộ ngày càng phát triển thì vai trò và chức năng của Minh Hương phố cũng ngày càng yếu dần, một số người Minh Hương lại đi tìm các trung tâm kinh tế khác để tiếp tục phát triển thương nghiệp.

Người Minh Hương, Minh Hương phố, Minh Hương trang... như những dòng sông nhỏ dần dần đã hòa nhập vào biển lớn cộng đồng các dân tộc anh em một nhà. Ở Bình Định cộng đồng Minh Hương  cũng có nhiều đóng góp nhất định, nhất là vào hệ thống thương nghiệp, phát triển đô thị, thể dục thể thao... Người Minh Hương ở Bình Định thật sự trở thành một bộ phận của gia đình Việt Nam.

  • Nguyễn Thanh Quang

 

Cảng thị Nước Mặn

Thương nhân ở cảng thị Nước Mặn có cả người Việt và người Minh Hương. Nhưng nhờ năng động và đã có truyền thống giỏi mua bán, người Hoa chi phối đời sống thương mại ở đây mạnh hơn người Việt. Nước Mặn trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu ở Đàng Trong trong suốt giai đoạn từ thế kỷ XVII - XVIII trước tiên là nhờ những thương nhân này.

Những mặt hàng được trao đổi nhiều nhất ở Nước Mặn là: trầm,  nước mắm, vây cá, tôm khô, sáp ong, gỗ. .. Ngoài ra còn nhiều nghề thủ công khác cũng làm tăng sự phồn vinh của cảng thị Nước Mặn như làm thuốc bắc, giấy, pháo. Cảng thị Nước Mặn từng xuất hiện có trong hải đồ quốc tế của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Sau hàng trăm năm hưng thịnh, sự bồi đắp của phù sa khiến tàu thuyền ngược dòng sông Côn lên cảng thị ngày càng khó, hệ quả là luồng mậu dịch chuyển dần đi nơi khác. Nước Mặn suy tàn dần.

Nơi ngày xưa là trung tâm cảng thị Nước Mặn nay chỉ là một làng quê yên tĩnh thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Để tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền đã khai phá ra vùng đất này, người dân địa phương tổ chức lễ hội "Đô thị Nước Mặn"vào các ngày mùng 1, 2 và mùng 3 tháng 2 âm lịch hàng năm. Tại lễ hội, ngoài những trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đập ấm, đua thuyền, hát tuồng... tùy năm, Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức thêm các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền.

. Đ.A

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cõi khác của người Bana  (18/01/2006)
Hương Tết giữa đồng  (18/01/2006)
Trò chuyện với người khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng  (18/01/2006)
Người Bình Định… đương thời  (18/01/2006)
Ban mai yên tĩnh  (18/01/2006)
Gặp lại Đỗ  (18/01/2006)
Thơ Xuân  (18/01/2006)
Câu đối  (18/01/2006)
Ngày mới ở làng cũ  (18/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (18/01/2006)
Cần có chiến lược đào tạo và phát huy sức mạnh nhân lực  (17/01/2006)
Tạp bút: Nhớ cây đòn gánh  (17/01/2006)
Quả ngọt miền Nam trên đất Vân Canh  (18/01/2006)
Tản mạn: Nhịn thuốc mua trâu  (17/01/2006)
Chữ "đức" ở nhà thương Quy Nhơn  (17/01/2006)