Từ những làn khói sạch
13:58', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Lò đốt rác y tế (BDF-LDR 30) ra đời là kết quả của hơn 15 tháng làm việc miệt mài của tập thể cán bộ và công nhân Xưởng Cơ điện (Công ty Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định - BIDIPHAR). Và một lần nữa nhiều đại gia của ngành dược - trang thiết bị y tế phải ngả mũ kính chào những bộ não của BIDIPHAR.

 

Nhóm thiết kế không chỉ điều chỉnh thiết bị để đốt hết chất hữu cơ, mà còn tính toán thiết kế để gom và buộc khói phải đi theo một lộ trình nhất định.

 

* 15 tháng cho những làn khói sạch

Anh Lê Thanh Nam - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Nhu cầu lò đốt rác y tế rất cao, nhưng hàng ngoại đắt tiền, loại hàng sản xuất trong nước đang chào bán rẻ hơn một chút nhưng kềnh càng, khó vận hành, bảo trì. Chúng tôi tìm hiểu rất nhiều loại lò đốt đã được sản xuất trong nước và nước ngoài, đưa ra tất cả mọi ý kiến để tìm ra những phương pháp tối ưu nhất… Nhưng khi bắt tay vào chế tạo thử thì khó khăn mới thật sự bắt đầu...".

Lò đốt đầu tiên được hoàn thành với đúng như thiết kế. Nhưng khi đem ra đốt thử, khói thoát ra sau quá trình đốt rất đen chứng tỏ chất thải hữu cơ còn đọng rất nhiều. Nguyên nhân là do chất liệu của một số linh kiện trong hai buồng đốt không chịu được nhiệt độ cao, làm quá trình đốt không đạt hiệu suất thiết kế. Nhóm thiết kế không chỉ điều chỉnh thiết bị để đốt hết chất hữu cơ, mà còn tính toán thiết kế để gom và buộc khói phải đi theo một lộ trình nhất định, thậm chí phải tính toán chi tiết thời gian di chuyển của khói trong hệ thống.

Chị Phạm Thị Minh Lượng - Trưởng nhóm nghiên cứu kể: "Dù đã tính toán kỹ nhưng khi tăng nhiệt cao, điện trở bị đứt ngay, phải tính toán nhiều lần, chúng tôi mới tìm được một loại điện trở thích hợp. Phần gốm sứ cũng vậy nhưng khó khăn hơn nhiều". Tưởng chừng như bế tắc thì may mắn đã đến, chị Lượng đã tìm thấy "nó" tại một hội chợ triển lãm nhân một chuyến đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh: đó là một loại sứ của Đà Lạt. Khâu khó khăn nhất đã được giải quyết, lò đốt hoàn thành. Chỉ với những chi tiết nhỏ như vậy, nhưng để khắc phục những nhược điểm nhỏ, nhóm nghiên cứu đã phải đốt thử nghiệm không dưới 20 lần.

Khi thiết bị được đem đốt thử nghiệm, một làn khói mỏng bốc lên: không màu, không mùi thì cả nhóm hít hà một cách dễ chịu. Có lẽ chưa bao giờ những sợi khói... rác lại dễ thương đến vậy trong mắt họ, dù là khói của lò đốt rác y tế. Khói sạch.

* Nhỏ, gọn, rẻ, đẹp

Công sức hơn 15 tháng miệt mài đã hiển hiện. Niềm vui được nhân lên khi thiết bị này được sự tán thưởng của nhiều người nhất là những đồng nghiệp trong ngành y tế. Đôi lúc, những khó khăn trong quá trình nghiên cứu cũng mang lại những niềm vui bất ngờ. Lò đốt hoàn thành, phải mang đi kiểm nghiệm để có căn cứ khoa học. Mọi thông số đều đạt, nhưng thông số quan trọng nhất về chất Dioxin thì không kiểm định được vì trong nước, chưa có một trung tâm kiểm định nào thực hiện chức năng này. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan như vậy, nhóm nghiên cứu nghe được tin một trung tâm kiểm nghiệm trong thành phố Hồ Chí Minh vừa mới "khai trương" thiết bị có chức năng này. Đến đặt vấn đề kiểm định thì họ cho biết BDF-LDR 30 là "khách hàng" đầu tiên của họ. Sau 3 ngày 3 đêm đốt thử nghiệm kết quả cuối cùng là thông số Dioxin trong quá trình đốt thấp hơn nhiều so với quy định. Đây mới là lúc cả nhóm thật sự vỡ òa ra niềm hạnh phúc với cảm giác chạm đích.

Sắp tới, chiếc lò đốt BDF-LDR 30 đầu tiên sẽ được xuất xưởng "đến" BVĐK khu vực Bồng Sơn. Nhóm nghiên cứu hy vọng, quá trình thiết bị vận hành trong thực tiễn sẽ giúp họ tìm thấy thêm những nhược điểm và khắc phục. Chị Minh Lượng tâm sự: "Trong suốt quá trình tìm tòi và nghiên cứu, chúng tôi tranh thủ mọi thời gian rảnh, kể cả chủ nhật. Ngay lúc này, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tính toán, dự đoán trước những sai sót của thiết bị có thể xảy ra để chủ động tìm hướng khắc phục".

Thiết bị hoàn chỉnh đã thỏa mãn các yêu cầu: nhỏ, gọn, rẻ, đẹp. Cho đến thời điểm này, nếu so sánh với những thiết bị có tính năng tương tự đang vận hành, đang chào bán, chưa loại lò đốt nào vừa đạt hiệu quả kinh tế cao như BDF-LDR 30. Thiết bị này không chỉ giải quyết được những khó khăn, bức xúc từ rất lâu của ngành về việc xử lý rác thải rắn mà còn thỏa mãn một cách dễ dàng những yêu cầu về bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình vận hành.

BIDIPHAR tô thêm một dấu son lên thương hiệu của mình. Người Bình Định lại có thêm một ví dụ về khả năng sáng tạo của mình.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh đậu xanh Tam Quan  (18/01/2006)
Người Minh Hương ở Bình Định  (18/01/2006)
Cõi khác của người Bana  (18/01/2006)
Hương Tết giữa đồng  (18/01/2006)
Trò chuyện với người khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng  (18/01/2006)
Người Bình Định… đương thời  (18/01/2006)
Ban mai yên tĩnh  (18/01/2006)
Gặp lại Đỗ  (18/01/2006)
Thơ Xuân  (18/01/2006)
Câu đối  (18/01/2006)
Ngày mới ở làng cũ  (18/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (18/01/2006)
Cần có chiến lược đào tạo và phát huy sức mạnh nhân lực  (17/01/2006)
Tạp bút: Nhớ cây đòn gánh  (17/01/2006)
Quả ngọt miền Nam trên đất Vân Canh  (18/01/2006)