Hành trình cổ vật
14:18', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Những cổ vật có giá trị ở Bình Định, từ chiếc hũ gốm Chăm giá vài chục ngàn đồng, đến những pho tượng trị giá cả ngàn USD âm thầm ra đi theo chân những người mua bán cổ vật...

* Từ những truyền tụng

Sinh thời, cụ Vương Hồng Sển, một nhà sưu tập cổ vật hàng thượng thặng từng mơ ước một lần đến Bình Định để tìm mua cổ vật ở các ngôi nhà xưa. Rồi thỉnh thoảng, lại rộ lên thông tin về huyện này, xã nọ trong tỉnh phát hiện thấy cổ vật. Điều đó chứng tỏ trên bản đồ cổ vật ở nước ta, Bình Định cũng vào hàng có "số má" hẳn hoi.

Phù điêu nữ thần Mahasamadhi - cổ vật nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã được tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Mới đây, trong 59 trống đồng phát hiện tại 17 tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam thì riêng Bình Định hiện đã phát hiện thấy 18 cái. Mặt khác, Bình Định từng là một trong những kinh đô của Vương quốc Chămpa, nên lượng hiện vật Chăm các loại từ đá, đất nung, vàng, gốm phát hiện tại đây là rất lớn.

Chẳng hạn, chỉ riêng tại phế tích tháp Mẫm (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn), đầu thế kỷ XX, Hội Nghiên cứu Đông Dương khai quật và chở đi rất nhiều hiện vật quý như tượng tròn, phù điêu, bệ thờ... số còn lại vương vãi và nằm trong lòng đất. Tháp Mẫm nhờ vậy được định danh cho cả một phong cách nghệ thuật Chăm. Hay như chiếc bàn tự xoay, phần nhiều cũng là phát xuất từ Bình Định. Có lần, chúng tôi tận mắt chứng kiến, trong khi các nhà khảo cổ học đang khai quật một lò gốm sứ cổ ở Tây Sơn, mừng "húm" vì phát hiện được phần trên của một chiếc hộp bạch định thì một người sưu tập nọ, chỉ sau khoảng 30 phút đi lùng, đã quay lại tặng luôn cho nhà khảo cổ nọ chiếc hộp bạch định khác còn nguyên vẹn mà anh ta vừa mua được từ một người mua bán cổ vật trong vùng với giá chỉ hơn… trăm ngàn bạc.

* Đến những đợt sóng ngầm

Theo một người chơi cổ vật thì số người thực sự có ý thức sưu tập ở Bình Định quá hiếm, số người mua bán vào loại "đại gia" chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng số "chân rết" thì dễ phải đến vài chục người. Trên thực tế, đây là lực lượng nhanh nhạy nhất dò tìm cổ vật. Họ tự bỏ tiền ra mua rồi sẽ bán lại cho những chủ lớn. Hấp dẫn vậy nên những người mua bán cổ vật từ thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng vẫn chọn Bình Định là một điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình thu gom.

Cổ vật từ các gia đình có đồ xưa đội nón ra đi khi mà người sở hữu thời nay không còn mấy am hiểu giá trị của chúng. Cổ vật từ đất vô tình phát hiện hay được đào lên bởi những tay thợ rà chuyên nghiệp. Cứ thế, từ chiếc hũ gốm giá vài chục ngàn đến những pho tượng bằng vàng giá hàng trăm ngàn USD vẫn âm thầm đội nón ra đi, may mắn thì được gia nhập vào sưu tập của những người có tấm lòng trân quý, còn không thì ra nước ngoài.

Tại nhà một người thu mua cổ vật, chúng tôi từng gặp một tốp người từ tận Lâm Đồng xuống tìm mua đồ sứ. Họ cho biết sẽ còn lên tận Tây Nguyên mua chiêng, vá uống rượu và ché rượu cần. Nghe họ nói mà tôi chợt nhớ, gần đây, tại các huyện miền núi Bình Định rộ lên chuyện thợ rà đào trộm mộ các gia đình để tìm các vật tùy táng, nhất là đồ đồng. "Cứ sáng là tụi nó kéo nhau đi thành từng tốp"- Bá Thạch, người làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) cho chúng tôi biết vậy.

Những năm trước, giới thợ rà còn đông, tập trung quanh các khu vực có tháp Chăm, thì nay số này có phần ít hẳn đi. Họ chuyển hướng quan tâm đặc biệt đến những gia đình sở hữu nhiều đồ xưa. Khi cụ T., một người chơi đồ cổ ở thị trấn Bình Định qua đời, thì nhiều tay buôn cổ vật tìm đến gạ mua và nay bộ sưu tập của cụ chắt chiu cả đời chẳng còn được mấy.

Cổ vật ngày thêm thưa vắng. "Nhiều thứ trước có thể mua cả mớ như hộp phấn bạch định, tiền Quang Trung thông bảo… thì nay đâm ra thành của hiếm"- Đ., một người buôn bán cổ vật nói. Còn S. cũng là một tay mua bán cổ vật, nguyên là một tay thợ rà, cho biết: "Vùng bờ biển Phù Mỹ hay Phù Cát thường tìm thấy đồ. Bọn tui đã cày xới nhiều. Lượng cổ vật xưa 100 thì nay chỉ còn cỡ một, hai chứ mấy nên bây giờ chủ yếu thu gom các nơi. Chỉ riêng một xã thuộc huyện Phù Mỹ cũng từng có cả một nhóm hơn chục người, chuyên dùng xe máy đến tận Phú Yên, Quảng Ngãi, An Khê để mua".

* Đường nào để cổ vật đến... bảo tàng

Có lần, nói đến chuyện kinh phí sưu tầm cổ vật, ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tâm sự: "Bảo tàng hàng năm được cấp từ 30 đến 50 triệu đồng để thu mua hiện vật, 100 đến 150 triệu đồng hoạt động nghiệp vụ thì chỉ có thể mua đồ hư, đồ bể. Rất nhiều hiện vật quý chúng tôi không thể mua được".

Trước khi viết bài này, ghé ngang nhà một tay mua bán cổ vật nọ, chúng tôi tình cờ chụp được một chiếc thạp đồng. Anh ta cho biết: "Tôi mới mua lại của một người địa phương này hôm qua đấy". Cần nói là trong sưu tập đồ đồng Đông Sơn của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, thạp đồng vẫn là của hiếm. Biết vậy nên tôi dọ: "Sao anh không nhượng lại cho Bảo tàng". Anh ta lắc đầu: "Nhượng lại cho Bảo tàng thì giấy tờ rắc rối lắm, mà tiền thì chẳng biết bao giờ mới nhận được. Mà cầm chắc sẽ lỗ!".

Chiếc thạp đồng này gần như không có cơ hội được gia nhập vào bộ sưu tập của các Bảo tàng do Nhà nước quản lý.

Trước đây, có lần, S. mua một tượng bạc cổ chỉ 9 triệu đồng nhưng đang phân kim thì bị bắt. Hỏi tại sao không bán cổ vật mà bán kim loại quý, S. lý giải: cổ vật không biết có giá đến đâu nhưng đã là kim loại quý thì chắc chắn có giá. Hơn nữa, mua bán cổ vật mới bị các cơ quan chức năng sờ gáy, chứ khi đã phân kim thì không ngại gì nữa. Còn Đ. có lần đào được 3 chum tiền cổ, nặng tới cả tạ. Đến khi Bảo tàng thưởng công người phát hiện, tính ra chỉ có giá chừng 20.000 đồng/ký, ngang giá thu mua… phế liệu. Tương tự vậy, ông Nguyễn Bông (phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn), một thợ lặn sắt, tình cờ trục được một chiếc súng thần công, thuê xe chở xuống Bảo tàng thì được thưởng hơn triệu bạc. Ông Bông lắc đầu ngao ngán: "Tính ra tôi "lõm" mất cả tiền thuê xe chở đi, thua cả bán phế liệu".

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chính những người chuyên mua bán, sưu tầm cổ vật đều là những người có kinh nghiệm định giá và chịu khó mày mò sục sạo, kiếm tìm cổ vật. Không ít cổ vật quý mà các bảo tàng hiện có cũng nhờ được họ phát hiện đầu tiên. Tuy nhiên, theo Luật Di sản văn hóa, việc khen thưởng cho những người thu giữ, giao nộp cổ vật tùy theo giá trị của cổ vật nhưng không quá 300 triệu đồng. Còn ở Bình Định, con số này mới dừng ở mức lẻ tẻ, cao thì được triệu bạc, mà thấp thì như đã kể ở trên. Điều này, khiến nhiều cá nhân và đơn vị thu giữ được cổ vật "toan tính" có nên bàn giao cổ vật lại để chịu lỗ nặng hay không.

Chưa có thị trường buôn bán cổ vật công khai, nên cơ quan quản lý cũng không thể nắm được thực trạng lưu thông và nguồn gốc cổ vật. Ngay TS Phạm Quốc Quân (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) cũng từng khẳng định: "Do không có thị trường hợp pháp nên việc sưu tập của các Bảo tàng bị hạn chế. Chưa có thị trường đấu giá nên thời gian chờ đợi quyết định của hội đồng thẩm định là thời gian "chết" đối với các Bảo tàng".

Luật Di sản văn hóa đã cho phép kinh doanh buôn bán cổ vật và có những quy định khá chi tiết về chuẩn mực của một cửa hàng cổ vật. Song hiện nay các địa phương chưa thực hiện, theo đó không quản lý được thị trường này. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc việc hình thành một thị trường cổ vật theo đúng nghĩa ở Việt Nam. Có vậy, mới góp phần lưu giữ lại cổ vật - những di vật mang theo lịch sử và văn hóa của dân tộc.

  • Lê Viết Thọ

Bình gốm Hizen (Nhật Bản, thế kỷ XVII), một trong những hiện vật quý hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

Hizen là tên một dòng gốm nổi tiếng của Nhật Bản, có lẽ đã theo chân những thương nhân Nhật Bản để có mặt ở Bình Định. Một số mảnh của dòng gốm này còn được tìm thấy ở chùa Bà (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Trước đây, có người nhầm lẫn những mảnh gốm này là gốm Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam nghiên cứu thì mới phát hiện đây chính là gốm Hizen nổi tiếng. Nhưng trước đó, chiếc bình gốm này đã nằm trong vòng tay trân quý của các nhà sưu tập tư nhân. Và chiếc bình gốm trên cũng là do một nhà sưu tập tư nhân ở An Nhơn nhượng lại cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ những làn khói sạch  (18/01/2006)
Bánh đậu xanh Tam Quan  (18/01/2006)
Người Minh Hương ở Bình Định  (18/01/2006)
Cõi khác của người Bana  (18/01/2006)
Hương Tết giữa đồng  (18/01/2006)
Trò chuyện với người khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng  (18/01/2006)
Người Bình Định… đương thời  (18/01/2006)
Ban mai yên tĩnh  (18/01/2006)
Gặp lại Đỗ  (18/01/2006)
Thơ Xuân  (18/01/2006)
Câu đối  (18/01/2006)
Ngày mới ở làng cũ  (18/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (18/01/2006)
Cần có chiến lược đào tạo và phát huy sức mạnh nhân lực  (17/01/2006)
Tạp bút: Nhớ cây đòn gánh  (17/01/2006)