Trong tâm khảm của người Kiên Mỹ (Tây Sơn) hình ảnh đẹp đẽ về Tây Sơn tam kiệt - những người con yêu dấu vẫn được giữ gìn và truyền lưu bất chấp sự hà khắc của những kẻ trả thù, của những biến thiên lịch sử, và cả của thời gian. Lửa trong tim những người giữ điện thờ Vua đã được tiếp nối mãi đến thế hệ hôm nay và cả mai sau.
|
Cây me bên điện thờ Tây Sơn tam kiệt.
|
Cụ Trần Cự năm nay đã 87 tuổi, mà trông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như người ngoài 60. Lúc chúng tôi đến, cụ vẫn đang lui cui làm cỏ ở vườn rau. Thấy chúng tôi trầm trồ, cụ cười: "Tui được vầy cũng là nhờ phước các ngài đấy". Cụ Cự bắt đầu tham gia đội tế lễ ở điện thờ Tây Sơn tam kiệt rồi sau đó làm chánh bái gần 30 năm. Cụ kể: "Tận mắt chứng kiến thì gia đình tôi đã ba đời làm chánh bái điện thờ rồi. Không thể gọi là nghiệp, mà chính là phước đấy cậu ạ".
* Lập điện thờ Vua
Sau một thời gian cư trú bên quê vợ là làng Phú Lạc, ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn, chuyển sang định cư ở làng Kiên Mỹ thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Dời nhà sang Kiên Mỹ, ông bà Hồ Phi Phúc đã tích cực khai hoang nên chẳng bao lâu đã có được số ruộng đất 3 mẫu 2 sào. Trên mảnh đất ấy, ông bà lại dựng lên một ngôi nhà khang trang. Tuổi thơ của anh em Tây Sơn đã trải qua và sự nghiệp của anh em Tây Sơn cũng bắt đầu từ đây. Truyền thuyết là vậy và dấu tích còn đến nay là cây me, giếng nước nay vẫn còn trong khuôn viên điện thờ. Và đây là một câu chuyện dài.
* Lời "mật cáo" và bí mật của làng
Cụ Cự nhớ lại: "Tôi vẫn cứ lưu giữ mãi trong tâm trí mình hình ảnh ngôi đình ấy. Đình quay mặt về hướng nam, ngoài cùng là cổng xây bằng đá ong và vôi vữa, tiếp theo là bình phong, hai bên có hai cột trụ, nhà chính là tiền đường và hậu tẩm, khung gỗ lợp theo lối lá mái. Hồi nhỏ, tôi vẫn tha thẩn theo cha ra ngoài đình, chao ôi là những cái cột đình to một người ôm không xuể. Chẳng thế mà có câu: Hạc chợ Đình cột đình Kiên Mỹ (chợ Đình ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hòa). Năm 1947, sau khi có chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình Kiên Mỹ bị phá, tôi cứ tiếc mãi".
Hàng năm, cứ vào dịp lễ thường tân (15 tháng 11 âm lịch), người làng Kiên Mỹ lại âm thầm cúng giỗ cho ba ngài nhưng ngoài thì nói thác đi là cúng cơm mới. Lễ cúng chỉ có hương hoa và chỉ đọc mật cáo chứ không có văn tế. "Mỗi khi người phụng tế này sắp nghỉ, người làng chọn ra người phụng tế khác và lời mật cáo được truyền miệng lại. Còn cỗ cúng thì lấy tiền đấu giá từ số ruộng của đình. Để che mắt vua quan triều Nguyễn, dân làng khai là đình thờ thành hoàng và xin sắc nhà Nguyễn, sắc phong thì để ở nhà phía Tây nhưng trên thực tế thờ thành hoàng lại ở miếu Vĩnh An, gần vị trí cầu Vôi thuộc xóm Chợ hiện nay và hàng năm tổ chức cúng vào tháng ba. Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa cũng hợp pháp hóa bằng hình thức mặc niệm nhân ngày cúng mừng xuân đầu năm. Mười hai năm một lần lại tổ chức thêm hát bội, rôm rả lắm".
Dù âm thầm nhưng việc thờ phụng ấy hẳn nhiên khó qua mắt được quan lại địa phương, song họ cũng không dám động đến oai linh của ba ngài. Chuyện rằng, mùa xuân năm 1928 khi từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhà thơ Tản Đà có ghé Bình Khê tìm xem di tích nhà Tây Sơn. Lúc Tản Đà đến đình làng Kiên Mỹ xin vào làm lễ, lý trưởng làng đã không mở cửa đình. Tiên sinh phải đốt hương làm lễ trước hiên. Sau đó, tri huyện Bình Khê còn bắt tiên sinh về tỉnh và Tổng đốc Bình Định đã buộc Tản Đà phải về Hà Nội tức khắc.
|
Hàng tháng, cứ ngày rằm và mồng một, cụ Trần Cự vẫn đều đặn lên điện thờ thắp hương.
|
Sau khi phải phá đình đi, dân làng lại cùng góp tiền lập một miếu nhỏ dưới gốc me để tiếp tục thờ cúng ba ngài và lại âm thầm gom góp bạc tiền để dựng lại. Mãi đến năm 1958, người dân mới xây dựng lại ngôi miếu khang trang hơn. Và lúc này họ đã quyết định lấy tên chính danh là Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và đến năm 1960 thì hoàn thành.
Điện Tây Sơn xây dựng sau này tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng vốn là nền chợ Kiên Mỹ cũ có tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung lồng kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là bàn thờ các tướng Tây Sơn phụ theo.
* Những người giữ điện hôm nay
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chính quyền cách mạng đã đặt ngay vấn đề tôn tạo điện thờ. Năm 1979, Bảo tàng Quang Trung đã được xây dựng, trong khuôn viên công trình mới gồm cả bảo tàng, Điện thờ, cùng với hai gốc cây me cũ và giếng nước. Đến năm 1998, công trình lại được trùng tu, điện thờ được xây dựng lại với quy mô hoành tráng, tổng diện tích gấp ba lần điện thờ cũ. Việc giữ gìn di sản Tây Sơn có sự góp công của các thế hệ cán bộ Bảo tàng Quang Trung.
Sau khi giành được thắng lợi, nhà Nguyễn đã thi hành chính sách trả thù tàn bạo. Những dấu tích ghi danh dòng họ những người anh hùng trên đất Kiên Mỹ bị san bằng, cả ngôi từ đường cũng bị nhà Nguyễn phá hủy. Nhưng trong tâm khảm của người Kiên Mỹ hình ảnh đẹp đẽ về những người con yêu dấu vẫn được giữ gìn và truyền lưu. Ngay trên nền nhà đó, năm Minh Mạng thứ 3 (1823) dân làng đã dựng lên một ngôi đình, gọi là đình Kiên Mỹ để bí mật thờ Ba ngài Tây Sơn. |
Ông Trần Đình Ký - Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, là một trong những người nặng lòng với "kho báu" Tây Sơn. Mắt ông sáng hẳn lên, giọng nói sôi nổi khi bộc bạch về những dự định ấp ủ để làm dày thêm những hiện vật Tây Sơn. Ông Ký tâm sự: "Trước lúc xây dựng bảo tàng này, hiện vật của nhà Tây Sơn tìm thấy được còn mỏng lắm. Có ý kiến cho rằng, chưa đủ số lượng hiện vật theo quy định của ngành bảo tàng thì chưa nên xây. Nhưng chúng tôi lại nghĩ là nếu chờ cho đến lúc đầy đủ tất cả thì biết đến lúc nào đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc được chiêm ngưỡng vốn quý văn hóa của một thời oanh liệt. Sau khi Bảo tàng hoàn thành, hành trình sưu tầm hiện vật vẫn cứ tiếp tục mãi đến bây giờ...".
Trong những người có bề dày năm tháng gắn bó với Bảo tàng Quang Trung, với cây me cũ, bến trầu xưa, thì chị Nguyễn Thị Thuận hiện là người giữ kỷ lục. Chẳng là từ 6, 7 tuổi, cô bé Thuận đã lắng lòng mình cùng với tiếng trống của những ngày lễ ở đình Kiên Mỹ, nơi thờ Tây Sơn tam kiệt. Chẳng là cụ Nguyễn Đào, ba chị, từng là người phụ trách nhạc lễ của điện thờ. Và ngay từ những ngày đầu thành lập Bảo tàng, chị đã góp mặt và tham gia biểu diễn trống trận Tây Sơn. Chị Thuận tâm sự: "Cũng có những lúc khó khăn, có lúc, người ta mời đi nơi này nơi khác làm việc, có thể là sẽ sung sướng hơn, nhưng cứ nhớ lại lời cha dặn: con phải giữ được truyền thống này, mà mình không thể dứt. Rồi gắn bó, rồi trụ lại với nghề cho đến tận bây giờ".
Những người như ông Ký, chị Thuận hay cô bé Hoàng Mai lớp sau này đang tiếp tục giữ cho ngôi điện thờ thiêng của dân tộc. Còn cụ Cự thì nói: "Tui vốn không theo tôn giáo nào, cả đời chỉ thờ ông bà và thắp hương cho ba vị anh hùng. Bây giờ thì nghỉ hẳn việc tham gia ban tế, nhưng ngày rằm, mồng một vẫn ra thắp nhang đều. Mỗi khi có việc, Bảo tàng mời lại sẵn sàng. Con cái nay đã lớn, được học hành và có việc làm ổn định cả, tui nay chỉ ao ước sống được đến khi Bảo tàng hoàn thành việc mở rộng, được nâng cấp lên thành Bảo tàng quốc gia xem chút cho sướng lúc ấy có nhắm mắt cũng thỏa lòng".
|