Hàng lưu niệm thủ công cho du khách:
Rất cần những vòng tay hợp tác
15:55', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Những chuyển động tuy không ồn ào nhưng có giá trị lớn và quyết liệt của những dự án đầu tư kinh doanh du lịch khiến một phân khúc thị trường cung cấp sản phẩm phục vụ ngành kinh doanh này tăng tốc đột biến trong khoảng hơn một năm gần đây. Đó là ngành sản xuất hàng lưu niệm thủ công…

* Nhiệt huyết và ý tưởng

Anh Nguyễn Văn Long sáng tạo nhiều mẫu mã riêng, khơi nguồn ý tưởng từ những hình ảnh quen thuộc trên quê hương.

Trước đây tại các điểm du lịch, thắng cảnh như: Bãi Trứng, Quy Hòa (TP Quy Nhơn), Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô (Tây Sơn)… hoặc các cửa hàng bán hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ (TCMN) ở Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong… (TP Quy Nhơn) đa số các mặt hàng đều nhập từ các tỉnh khác về. Các khách sạn lớn trong tỉnh như Cosevco, Hải Âu, Quy Nhơn… đều có bày bán hàng TCMN, một số được sản xuất tại Bình Định nhưng khách du lịch có thể mua chúng ở bất cứ đâu, chúng không mang nét đặc trưng của Bình Định.

Anh Nguyễn Văn Long (TP Quy Nhơn) đã tạo nên Cơ sở sản xuất hàng TCMN Quà Quê chỉ vì lòng tự ái này. Không đi theo các khuôn mẫu có sẵn, anh sáng tạo những mẫu mã riêng và chỉ sản xuất thủ công với đôi tay. Anh khơi nguồn ý tưởng của mình từ hình ảnh của cuộc sống. Khi bắt gặp ngôi nhà mái ngói cổ, chiếc khung dệt cổ, hình ảnh chú ngựa kéo xe, con trâu nghỉ trưa, tát nước giữa đồng… là lập tức anh ghi ảnh. Bươn chải khắp ngóc ngách của mọi vùng thôn dã trong tỉnh, anh lẳng lặng ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê hương sau đó phân loại và hệ thống lại để làm nguyên liệu sáng tạo, làm chất xúc tác cho ý tưởng sản phẩm.

Say mê và bén duyên với nghề không kém anh Long là chị Lê Thị Khánh Diệu (TP Quy Nhơn). Chị học nghề làm các sản phẩm bằng giấy ở TP. Hồ Chí Minh nhưng do cảm nhận các sản phẩm ở đây thường rập khuôn, dễ tạo cảm giác đó là sản phẩm sản xuất hàng loạt nên bèn tìm lối đi riêng. Chị Diệu muốn tạo cho các sản phẩm bằng giấy của mình có bản sắc, thổi vào đó cái hồn thật sự. Nét khác có thể sẽ rất ít nhưng chúng là độc bản chứ không là những chú cừu Dolly y boong nhau. Và rồi từ cái góc nhỏ chưa đầy 6m2, nhiều ý tưởng sáng tạo mới như giỏ 999 bông hồng, búp bê cô gái Việt Nam với những tà áo dài đủ mốt, chiếc túi bằng hột cườm hình con mèo… đã ra đời.

* Ngưỡng cửa của sự thành công?

Nguồn nguyên liệu tạo ra hàng trăm mẫu mã hàng lưu niệm của anh Long khá quen thuộc: tre, nứa, mảnh sành, sứ, lá cọ, lá dừa… Ngay cả những miếng gỗ, gốc cây, cành cây tự nhiên được mọi người vứt bỏ, anh nhặt nhạnh đem về thổi vào đó những ý tưởng.

Yêu cầu đầu tiên để sản phẩm hàng lưu niệm thu hút được khách hàng là nó phải gây được ấn tượng, phải khiến người mua ghi nhớ về nơi chốn mình qua. Sản phẩm tốt là sản phẩm vừa đẹp, xinh xắn, lạ, khiến người mua phải săm soi, chiêm ngưỡng. Cuối cùng mới đến tính tiện ích. Sản phẩm của anh Long không sợ bị đụng hàng trước tiên là vì thứ nguyên liệu không giống ai của anh, thứ đến nó thường mang lại cảm giác bất ngờ, ví dụ một chiếc đèn ngủ được tạo hình như một cây rơm xinh xinh nép bên mái nhà tranh nhỏ… Ưu điểm này khiến hàng lưu niệm của anh tiêu thụ trơn tru trên kênh sản phẩm thủ công giàu tính sáng tạo của riêng nó.

Mẫu mã có tác động khá lớn đến sự thành công của sản phẩm. Anh Phạm Văn Điều (chủ cơ sở TCMN ở làng nghề Nhơn Hậu - An Nhơn) cho biết: "Trong vài năm trở lại đây mẫu mã mặt hàng TCMN đã được chúng tôi nhân lên gấp 3 lần. Trước đây chỉ có khoảng 30 mẫu nhưng nay thì có đến hàng trăm mẫu khác nhau và được xuất sang các nước Lào, Trung Quốc… Nhưng như thế cũng chưa đủ".

* Còn thiếu sự phối hợp

Những người như chị Diệu, anh Long dần dần đã nhiều thêm. Sở dĩ còn ít người biết đến những sản phẩm dạng này là vì do khó khăn nhiều người chưa thể gắn lên sản phẩm mình nhãn hiệu hàng hóa. Những món hàng lưu niệm của Bình Định tuy đã có nhiều đột phá, sáng tạo so với trước nhưng nếu so sánh với nhu cầu và sự phát triển của thị trường thì thật chẳng bõ bèn gì. Cái khó đầu tiên mà nhiều cơ sở, cá nhân thường nhắc đến là chi phí quảng cáo, mở rộng quy mô sản xuất. Đã qua rồi cái thời hữu xạ tự nhiên hương. Không chỉ thiếu vốn để đầu tư cho quảng cáo mà họ còn cần được hỗ trợ để việc quảng bá sản phẩm của mình có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Ngành du lịch sẽ khó làm hài lòng du khách nếu thiếu những sản phẩm lưu niệm như kể trên. Thậm chí cả ngành văn hóa cũng sẽ bị thiệt thòi khi không thiết lập được dấu nối giữa mình với những người như anh Long, chị Diệu. Thật vậy, khi có ý định mở rộng quy mô kinh doanh các mặt hàng TCMN ở tại Bảo tàng Quang Trung, ông Trần Đình Ký - Giám đốc Bảo tàng Quang Trung đã lặn lội đi tìm hàng ở… các tỉnh lân cận. Thật đáng tiếc.

Du lịch Bình Định đang trên đà phát triển, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ thì mặt hàng lưu niệm cũng là một yếu tố không nhỏ.

  • Hải Yến

Giữ hồn cho nghề khảm

Khoảng năm 1980, nghề khảm xà cừ ở Cẩm Văn (Nhơn Hưng) rơi vào tình cảnh mai một, đầu ra khó khăn, nhiều nghệ nhân bỏ nghề. Riêng anh Trần Văn Hồng - chủ cơ sở khảm xà cừ Hồng Hà ở Cẩm Văn tin: giữ được nghề, nghề sẽ không phụ.

Anh Trần Văn Hồng đang hoàn thành tác phẩm.

Anh Hồng nhớ lại: "Tôi bước vào nghề năm 17 tuổi. Bài học đầu tiên tôi học được ở cha tôi là: Làm nghề này đòi hỏi phải khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và đam mê nghệ thuật chạm khắc, còn không thì dễ thất bại, bỏ nghề". Cùng với việc học nghề, anh đọc nhiều sách về lịch sử, văn hóa, nên nảy ra ý tưởng đưa các hoa văn cổ, thắng cảnh vào tác phẩm. Từ đôi bàn tay khéo léo và lòng yêu nghề, anh đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo bằng xà cừ trên những đồ thờ cúng, tủ, bàn và các vật trang trí bằng nguyên liệu gỗ.

Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, mối tiêu thụ hàng cứ rơi rụng dần. Anh phải gởi hàng vào TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Hàng có người mua, nhưng tính ra lại lỗ tiền công. Lỗ nhưng anh vẫn vui vì đã tìm được thị trường lớn. Từng bước một đi lên, nay ở Cẩm Văn đã có 4 cơ sở khảm xà cừ, với hơn 50 lao động, thu nhập bình quân 50.000 đồng/người/ngày. Riêng cơ sở của anh Hồng có hơn 20 lao động. Sản phẩm xà cừ ở Cẩm Văn ngày càng tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và được nhiều Việt kiều đặt làm theo dạng hàng "xách tay"… Một kênh tiêu thụ mới đã bắt đầu hình thành.

  • Ngọc Thái

Làm mới nghề tiện gỗ mỹ nghệ

Một góc cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Phạm Văn Điều.

Sau khi tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở tỉnh Hà Tây, anh Phạm Văn Điều - nghệ nhân trẻ của làng tiện gỗ Nhơn Hậu (An Nhơn) quyết định: thuê thợ từ đây về dạy nghề ở quê mình. Tay nghề được nâng lên cùng với hàng loạt sản phẩm mới khiến hàng của cơ sở Phạm Văn Điều tiêu thụ mạnh thông qua các kênh phân phối là hệ thống bán hàng lưu niệm, các đại lý đồ mỹ nghệ và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Khách hàng phần lớn là người Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông…

Không chỉ truyền nghề cho người nhà, anh Điều luôn rộng cửa đón nhận thợ trẻ học nghề. Đến nay, cả làng có 50 hộ theo nghề tiện gỗ, thu hút trên 500 lao động, người có thu nhập thấp cũng được 500.000 đồng/người/tháng, riêng lao động có tay nghề cao đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.

  • Nhơn Thiện

Nghề đúc đồng - con hơn cha…

Sản xuất đồ đồng ở cụm CN Gò Đá Trắng - An Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Năm 1989, khi tròn 14 tuổi, anh Đỗ Văn Tuấn - chủ cơ sở đúc đồng Đức Tuấn, hậu duệ thứ tư của dòng họ Đỗ - một dòng họ có truyền thống đúc đồng ở Kim Châu (TT Bình Định) - được cha truyền nghề. Năm 1996, anh mở lò đúc riêng. Trước đây sản phẩm chủ yếu chỉ tiêu thụ loanh quanh trong huyện và nhiều lắm là thêm vài huyện trong tỉnh. Nhu cầu bão hòa dần, sản phẩm tiêu thụ chậm. Anh Tuấn phát hiện lâu nay chỉ lo làm mà bỏ lơ khâu tiêu thụ. Muốn bán được hàng, trước tiên phải làm lại khâu chào hàng. Nghĩ là làm, anh khăn gói mang sản phẩm ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh để giới thiệu. Tận mắt chứng kiến những sản phẩm bằng đồng được đúc khá tinh xảo, có tính mỹ thuật cao, giá thành hợp lý, nhiều cửa hàng thủ công mỹ nghệ đã gật đầu, OK!

Năm 1999, Đỗ Văn Tuấn bắt đầu tiến vào lĩnh vực mới - làm đồ giả cổ. Tác phẩm được anh thổi hồn theo cảm xúc riêng, giàu tính ngẫu hứng và độc bản. Tác phẩm đẹp nên có giá đã đành, biết tính tình của anh nên người mua hàng rất yên tâm - đã xác nhận là độc bản thì chắc chắn anh không bao giờ làm cái thứ hai. Bởi vậy, hàng của anh rất được giá. Hiện nay, cơ sở đúc đồng Đức Tuấn có hơn 20 lao động, hàng ngày có nhiều khách hàng ở các nơi đến tham quan, đặt hàng. Nhiều nghệ nhân trong làng nghề cũng đang có ý định mở lại lò đúc để làm vệ tinh cho anh.

  • Ngọc Thái

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gầy thương hiệu cho chả cá Quy Nhơn  (18/01/2006)
Khi nhà xe đua nhau sắm... "máy bay"  (18/01/2006)
Những người giữ điện thờ Vua  (18/01/2006)
Bánh tráng  (18/01/2006)
Hành trình cổ vật  (18/01/2006)
Từ những làn khói sạch  (18/01/2006)
Bánh đậu xanh Tam Quan  (18/01/2006)
Người Minh Hương ở Bình Định  (18/01/2006)
Cõi khác của người Bana  (18/01/2006)
Hương Tết giữa đồng  (18/01/2006)
Trò chuyện với người khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng  (18/01/2006)
Người Bình Định… đương thời  (18/01/2006)
Ban mai yên tĩnh  (18/01/2006)
Gặp lại Đỗ  (18/01/2006)
Thơ Xuân  (18/01/2006)