Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Bình Định đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng giúp các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã vùng cao phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2005 là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi vượt bậc.
|
Có đường giao thông thuận lợi, việc lưu thông hàng hóa nhanh và dễ dàng hơn, giá trị nông sản nhờ đó cũng cao hơn.
|
* Cho "cây cần câu"
Riêng trong năm 2005, từ nguồn vốn Chương trình 135, Bình Định đã đầu tư xây dựng 65 công trình điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… cho các xã miền núi vùng cao… Các chính sách như: hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cước, trợ giá, hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi, các lĩnh vực về y tế, giáo dục cũng đã được triển khai mạnh mẽ ở các xã thuộc diện khó khăn trên địa bàn. Các cấp các ngành, đặc biệt là ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi được triển khai có hiệu quả, từng bước nhân rộng, theo cách "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn cho bà con lựa chọn cây trồng-vật nuôi phù hợp.
Bình Định có gần 30.000 đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’re, Chăm… chủ yếu sống ở 3 huyện miền núi là An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2005, bình quân mỗi năm tỉ lệ đói nghèo của các xã vùng cao ở các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão giảm trên 2%. |
Cùng với điện - đường - thủy lợi, nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật theo cách cầm tay chỉ việc của tỉnh cũng đã bắt đầu làm thay đổi cơ bản tư duy sản xuất của bà con nông dân. Ngày càng có nhiều thêm những nông dân vùng cao biết đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Ở Vĩnh Thạnh đồng bào đã biết đào ao nuôi cá nước ngọt, mạnh dạn nuôi dê, cừu - những vật nuôi còn lạ lẫm với họ; ở An Lão bà con quen dần với việc canh tác cây mì cao sản, biết sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; đồng bào ở Vân Canh không chỉ nhiệt tình ủng hộ chương trình nước sinh hoạt mà còn bắt đầu có tiếng là những người trồng mía giỏi…
* Mời nhà báo lên ăn Tết với làng!
Trò chuyện với chúng tôi về sự đổi thay của quê hương mình, ánh mắt của Bá Thạch, người dân ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh sáng lấp lánh niềm vui: "Làng mình là làng khá từ lâu chứ! Nhưng bây giờ thì khá hung nữa rồi. Đã có đường bê tông, có nhà văn hóa, có chỗ cho lũ trẻ vui chơi… Bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã xây dựng được nhà ngói, mua sắm được xe máy, ti vi. Không ai phải lo thiếu cái ăn, cái mặc".
Niềm vui của Bá Thạch cũng là niềm vui của người dân ở nhiều bản làng dân tộc ít người ở Bình Định. Có thể nói chính sách "cây cần câu và con cá" đã phát huy tác dụng rất rõ ràng. Có đường giao thông thuận lợi, việc lưu thông hàng hóa nhanh và dễ dàng hơn, giá trị sản phẩm cao hơn. Tiếp đó là mạng lưới điện cũng lần lượt về đến những bản làng heo hút nhất (đã có 70% số hộ khu vực vùng cao được sử dụng điện). Các công trình cung cấp nước thủy lợi và nước sinh hoạt cũng góp phần tích cực làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng dân cư này.
Đến nay, đã có 10/28 xã đặc biệt khó khăn ở Bình Định được đề nghị rút khỏi diện 135: Hoài Sơn (Hoài Nhơn); Ân Tường Đông, Ân Hữu, Ân Nghĩa (Hoài Ân); An Trung (An Lão); Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh); Canh Hiệp (Vân Canh); Cát Hải (Phù Cát); Mỹ Đức (Phù Mỹ). |
Sau khi xây dựng được những hạt nhân - điển hình nông dân sản xuất giỏi, chính quyền và các đoàn thể vận động đông đảo bà con học tập làm theo. Nếu ở Vĩnh Thạnh có các hộ Đinh Zol, Bá Nhơn, Bá Kiêu, Đinh Văn Lanh… có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, thì ở Vân Canh có các hộ Đinh Văn Tân, Đinh Văn Trung, Tô Văn Cán; ở An Lão có các hộ Đinh Văn Vớ, Đinh Văn Chê, Đinh Văn Oai, Đinh Văn Bê… cũng có thu nhập chẳng kém. Ông Đinh Văn Vớ ở thôn 3, xã An Trung cho biết: "Ở làng mình, họp làng bây giờ ai cũng thích nói chuyện làm giàu. Mình có 20 sào lúa, 1,5 ha mì xen dứa, 100 trụ tiêu, trong chuồng 6 con trâu, 1 con heo nái, 6 con heo thịt… thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Ở trong làng thì ưng cái bụng rồi, nhưng về tỉnh nghe báo cáo thấy có nhiều người giỏi hơn mình lắm, vẫn muốn làm nhiều nữa đấy. Tết nay, làng mình có lúa mới, rượu ngon, mời nhà báo lên ăn Tết với làng cho vui nhé!".
Kinh tế dần phát triển, việc học hành, chăm sóc sức khỏe cũng đã được người dân vùng cao chú trọng. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm, số học sinh đến trường ngày càng nhiều hơn. Nhiều thôn làng đã xuất hiện những cử nhân về các lĩnh vực kinh tế, giáo dục… đang cùng với bà con dân làng chung sức xây dựng quê hương.
Sự chuyển mình hôm nay là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân các xã vùng cao, sự chuyển mình đó tạo tiền đề cho vùng cao Bình Định phát triển đi lên vững chắc.
Canh Hiệp - xã 5 không thành xã 5 có
|
Anh Đặng Văn Thái ở thôn 4, xã Canh Hiệp (Vân Canh) nhờ biết kết hợp tốt giữa trồng trọt và chăn nuôi mỗi năm có thu nhập trên 50 triệu đồng. |
Trước đây, xã Canh Hiệp (Vân Canh) mang tiếng là xã "5 không": không có đường ô tô, không điện, không chợ búa, không hệ thống thủy lợi, không công trình nước sạch. Mức sống hết sức thấp. Ông Đinh Văn Tiết - Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho biết: "Được đầu tư xây dựng đường giao thông; hệ thống cung cấp điện, nước sạch đến tận xóm, làng, bà con ở đây nay ai cũng tính đến chuyện làm giàu chứ không còn lo thiếu cái ăn như những năm trước". Đầu tiên là 2 km đường bê tông xi măng ở làng Hiệp Hưng và làng Suối Đá. Tiếp đó là dự án khai hoang hơn 20 ha đất sản xuất ở làng Canh Giao, xây dựng mới tràn giữ nước Suối Khúc ở làng Hiệp Hưng, đập dâng nước tự chảy làng Canh Giao, công trình điện ở thôn 4… Tất cả những công trình này đều đã phát huy hiệu quả tích cực. |
Ân Hữu - then chốt là đường giao thông
|
Anh Trần Tình, ở thôn Hà Đông, xã Ân Hữu (Hoài Ân) nhờ phát triển chăn nuôi heo mỗi năm có thu nhập trên 150 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Văn Ngọt, Bí thư Đảng ủy xã Ân Hữu (Hoài Ân) cho biết: "Nghĩ tới việc xóa đói giảm nghèo là phải nghĩ tới chuyện giao thông". Bằng các nguồn vốn từ Chương trình 135 và đóng góp của dân, Ân Hữu đã đầu tư trên 15 tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt ưu tiên cho việc làm đường bê tông giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, Ân Hữu đã có 21,5 km đường GTNT được đúc bê tông". Có đường xong, mạng lưới điện, trường học, trạm y tế và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cũng được xã quan tâm đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Hệ quả là các mô hình kinh tế VAC, vườn rừng, trang trại, gia trại chăn nuôi… xuất hiện ngày càng nhiều.
Trên địa bàn xã Ân Hữu đã có 8 trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi với mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng và con số này đang tiếp tục được nhân rộng. |
Cát Hải thoát nghèo
Ông Đặng Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Cát Hải (Phù Cát), cho biết: "Nhờ tận dụng tốt ngoại lực kết hợp với việc phát huy nội lực, nên xã Cát Hải đã thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi trồng các loại cây con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Điểm nổi bật của địa phương này là đã nâng diện tích cây trồng cạn hiệu quả kinh tế cao như bắp lai, hành, đậu phụng… lên tới 500 ha. Trong số này có tới 76 ha cho thu nhập từ 60-90 triệu đồng/ha/năm". Việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân thu nhập trên 1 ha canh tác của xã Cát Hải đã đạt trên 25 triệu đồng, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2000; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2005, toàn xã còn 13% hộ nghèo, giảm hơn một nửa so với năm 2001. | |