Đón Xuân Bính Tuất năm nay, ngư dân Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) có thêm niềm vui được mùa cá ngừ đại dương (CNĐD). Để có được mùa vui, nhiều ngư dân ở đây đã thế chấp cả cơ nghiệp vay tiền ngân hàng, đầu tư sắm tàu lớn, trang thiết bị hiện đại, để tìm luồng cá mới.
|
Những ngày cuối năm, cảng cá Tam Quan vẫn nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền.
|
Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu câu CNĐD mạnh nhất tỉnh, với đội tàu đánh bắt CNĐD gần 300 chiếc, công suất từ 90 CV trở lên, được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, như máy tầm ngư, máy định vị, máy đàm thoại tầm xa, la bàn, hệ thống kéo cá dính câu bằng dây cáp… Anh Nguyễn Tấn Bình - một ngư dân kỳ cựu ở Tam Quan Bắc, cho biết: Nghề câu CNĐD xuất hiện ở Tam Quan Bắc vào năm 1993, ban đầu chỉ một vài tàu kết hợp với nghề lưới chuồn lộng. Tuy dễ gặp bất trắc, nhưng vì lợi nhuận cao, mỗi lần trúng thì thu lãi mát mặt, nên ngày càng có nhiều ngư dân theo nghề này. Ngư trường và mùa vụ khai thác ngày càng được mở rộng, từ chỗ chỉ khai thác ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, nay vươn đến vùng khơi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với thời gian của một đợt câu kéo dài từ 20-30 ngày cho mỗi chuyến…
Nghề câu CNĐD phát triển, đã góp phần làm cho cuộc sống của người dân Tam Quan Bắc từng bước thay da đổi thịt. Chúng tôi đã cảm nhận được sự giàu có và sung túc của làng biển này qua ánh mắt, nụ cười chứa chan niềm hạnh phúc của những ngư dân; qua những con đường bê tông, đường nhựa phẳng lì chạy luồn giữa những tòa nhà cao tầng hướng mặt về phía biển… Tỉ phú Nguyễn Khá - ngư dân cao tuổi ở thôn Thiện Chánh 1 - người đã chứng kiến mọi đổi thay của làng quê mình - kể lại quá trình làm giàu của ngư dân ở đây như đọc lại biên niên sử của làng chài trong suốt 10 năm qua. Ông tâm sự: "Cách đây chừng 10 năm, Tam Quan Bắc còn chưa được như bây giờ. Tất cả sự đổi thay là từ sau những chuyến "trúng mánh" CNĐD của ngư dân". Ông định lượng sự giàu có của làng chài Tam Quan Bắc, khi kể ra hàng loạt những bạn thuyền tỉ phú, sở hữu nhiều tàu thuyền có công suất trên 100 CV. Đó là các ông: Phan Ngọc Dũng, Huỳnh Văn Long, La Phải… mỗi người sở hữu từ 2-3 tàu cá, mỗi tàu trị giá gần cả tỉ đồng.
|
Chuyển cá ngừ đại dương từ tàu thuyền lên bờ. |
Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc - cho biết: Nhờ nghề câu CNĐD phát triển, mấy năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân Tam Quan Bắc đã khởi sắc rõ nét. Giá CNĐD hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg. Mỗi tàu ra khơi câu được chừng ba - bốn chục con là coi như "trúng mánh". Năm nay, ngư dân Tam Quan Bắc được mùa CNĐD, sản lượng cá khai thác đạt hơn 1.800 tấn, tổng doanh thu khoảng 126 tỉ đồng, nên địa phương ngày càng xuất hiện nhiều tỉ phú.
Những ngày cuối năm, cảng cá Tam Quan vẫn nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền. Đi dọc cảng cá, chúng tôi bắt gặp hàng chục tàu đầy ắp cá vừa trở về từ khơi xa. Anh Nguyễn Tấn Bình - chủ một tàu câu CNĐD vừa trở về sau chuyến đi kéo dài 20 ngày, đã "bỏ túi" hơn 80 triệu đồng. Anh gấp gáp bán cho xong cá, lo việc hậu cần để lại ra khơi. Anh cho biết chuyến đi vừa rồi "trúng quả đậm" nên cần phải chạy đua với thời gian. Vào thời buổi biển no, thời gian quý hơn vàng, nên không ít lần ngư dân phải đón Tết ngoài khơi. Mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng có chừng 50% ngư dân ở Tam Quan Bắc ăn Tết trên biển. Anh Nguyễn Văn Dinh - một bạn thuyền ở Tam Quan Bắc - bộc bạch: "Tàu quay mũi ra khơi, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc khai thác cho được nhiều cá. Nhiều năm phải đón Tết trên biển, nhưng do đã quá quen nên cũng ít thấy buồn". Có lẽ, vì lý do này mà ngày Tết ở các làng chài Tam Quan Bắc thường yên ắng hơn so với những nơi khác. Chờ đến dịp lễ hội cầu ngư (tháng 3 âm lịch) tất cả các thuyền đều tranh thủ trở về. Trong dịp này, ngư dân thường chơi hết mình như để bù lại những tháng ngày lênh đênh trên biển với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn và nguy hiểm. Bởi vậy, nhiều người gọi lễ hội cầu ngư là Tết của ngư dân.
|