Phong trào xây dựng những cánh đồng cho thu nhập với mức từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên đã phát huy hiệu quả khá mạnh ở Bình Định. Từ những kết quả đầu tiên, nông dân ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, luân canh. Và gần đây, nhiều nhóm nông dân, HTXNN đã tính đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho làng rau.
|
Ở làng rau Thuận Nghĩa, nhờ luân canh dưa leo - hành - dưa leo, nông dân đã có thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Tiến Sỹ
|
* Quy hoạch đến từng chân đất
Những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm đã trở nên phổ biến ở Bình Định. Ở làng rau Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, nhờ luân canh dưa leo - hành - dưa leo, nông dân đã có thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình luân canh thuốc lá sợi vàng - dưa hấu - bắp lai trên quy mô 200 ha ở các xã Cát Lâm, Cát Tài (Phù Cát), Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ), Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), Ân Tín, Ân Thạnh (Hoài Ân), An Tân, An Hòa (An Lão) đã cho thu nhập ổn định ở mức 93 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt ở xã Bình Nghi (Tây Sơn), việc luân canh trồng dưa hấu vụ đông xuân, đậu nành vụ xuân hè, dưa hấu vụ hè, bắp lai vụ 3 đã cho mức thu nhập kỷ lục 259 triệu đồng/ha/năm.
Có thể việc ngành nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát và quy hoạch chi tiết đến chân đất của từng làng một, sao cho phù hợp với các điều kiện của địa phương đến mức tối đa đã khiến giá trị sản xuất tăng cao hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Thưởng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: "Trong năm 2006, Trung tâm Khuyến nông sẽ đầu tư hơn 2 tỉ đồng cho công tác khuyến nông, trong đó ưu tiên dành hơn 1 tỉ đồng xây dựng các mô hình luân canh cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm để nhân rộng trong sản xuất".
* Hỗ trợ nông dân tìm đầu ra
Chính từ hiệu quả của chương trình, sản phẩm đã được làm ra với số lượng rất lớn. Nó nằm ngoài tập quán sản xuất - kinh doanh thông thường của nông dân. Thậm chí ngay cả những thương lái địa phương cũng bắt đầu gặp khó khăn khi tìm cách "tiêu hóa" hết lượng sản phẩm này. Để phát huy tối đa hiệu quả của chương trình 50 triệu đồng/ha/năm, bên cạnh việc quy hoạch cụ thể diện tích đất sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chính quyền địa phương đã bắt đầu tính đến việc hỗ trợ giúp nông dân tìm đầu ra tiêu thụ nông sản.
Và chuyển biến lớn nhất theo các chuyên gia nông nghiệp là việc nông dân đã ý thức được - nên liên kết để sản xuất hàng hóa số lượng lớn để vươn đến những thị trường xa, để có điều kiện thâm canh, để tăng giá trị sản xuất và tiến tới ổn định chất lượng nông sản để có thể dán nhãn hiệu lên bao bì sản phẩm.
* Dán nhãn hiệu cho nông sản
Rau Thuận Nghĩa - sản phẩm của chương trình 50 triệu đồng/ha/năm đã có mặt ở An Khê, Pleiku (Gia Lai), Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng. Các loại rau như hành, xà lách, các loại rau thơm của Thuận Nghĩa đã có mặt ở siêu thị Đà Nẵng. Có đầu ra rộng rãi như vậy nhưng người Thuận Nghĩa vẫn chưa thật sự làm chủ được giá cả cho nguồn rau của mình. Một thương lái ở An Khê - khách quen của làng rau Thuận Nghĩa cho biết: "Chúng tôi thu mua rau thô ở Thuận Nghĩa và nhiều nơi khác, sau đó, đem về vựa phân loại, làm sạch, đóng bao bì cẩn thận và bán cho các bạn hàng ở An Khê, Pleiku, Kon Tum, Đà Nẵng. Rau Thuận Nghĩa được ưa chuộng, tuy nhiên cộng vào chất lượng của rau còn là uy tín của chúng tôi nữa".
Không nói ra nhưng ở đây cái giá của uy tín doanh nhân không phải là ít. Vì thế, anh Quách Văn Lưu - ở đội 1, thôn Thuận Nghĩa cho biết thêm: "Nhà tôi có 7 sào đất màu, thu nhập chính của gia đình chúng tôi là từ cây rau, tính toán tất cả các chi phí, mỗi năm tôi lãi khoảng 20 triệu đồng. Hầu hết, bà con ở Thuận Nghĩa này đều sống nhờ vào cây rau, có nhiều hộ đã bỏ trồng lúa, chuyển đất sang trồng rau và có thu nhập ổn định. Nếu nhà nước hỗ trợ, bà con chúng tôi sẵn sàng góp vốn để xây dựng thương hiệu làng rau an toàn. Có nhãn hiệu, giá bán rau sẽ cao hơn nhiều".
Đã có những cánh đồng 50 triệu, thậm chí là 200 triệu, nhưng nếu muốn nhiều hơn, ổn định hơn, bền vững hơn thì phải dán nhãn hiệu cho sản phẩm. Rau Thuận Nghĩa chỉ là một ví dụ. Nông dân đã đặt vấn đề - Nếu Nhà nước hỗ trợ... Hy vọng trong năm tới, nông dân sẽ nhận được câu trả lời phù hợp.
|