Vượt khó theo cách của Phù Mỹ
17:28', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Huyện Phù Mỹ đang thu hút khá nhiều nhà đầu tư. Thành công này không phải là chuyện một sớm một chiều mà có. Từ năm, sáu năm trước, tự mình Phù Mỹ đã vạch lối riêng để vượt khó đi lên.

 

VINATEX Đà Nẵng đã quyết định lắp thêm 1 dây chuyền, tăng công suất của Nhà máy May Phù Mỹ lên gấp đôi chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động. Ảnh: V.T

 

* Đánh thức tiềm lực

Ông Trần Thái Nga - nguyên Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (hiện là Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý KKT Nhơn Hội) kể: "Hơn 5 năm trước, lãnh đạo huyện đã tính việc xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho thị trấn. Mấy đơn vị khảo sát đầu tiên cùng kết luận - gần thị trấn không có nguồn nước ngầm. Mãi đến phiên Xí nghiệp Khảo sát xây dựng số 3 (Bộ Xây dựng) nhảy vào thì may mắn hơn. Có nước, nước tốt, đủ trữ lượng để khai thác, lại rất gần, ngay ở Bình Trị. Lập dự án xong là mình đi tìm nguồn kinh phí ngay. Tình cờ trong một phiên họp, tôi nghe tin phong phanh về chương trình cải thiện mức sống gì đó của Vương quốc Bỉ, cảm thấy có mùi nước sạch, tôi lẳng lặng tìm cách tiếp xúc ngay. Vậy mà cũng phải mất tới 5 năm đấy. Tốn thời gian nhưng được cái cùng với dự án cấp nước sinh hoạt, cả dự án sửa chữa hồ Đại Sơn (Mỹ Hiệp), hồ Cây Sung (Mỹ Lộc) với tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 triệu EUR cũng được Chính phủ ta và Chính phủ Vương quốc Bỉ phê duyệt...".

Xác định rằng mạn đông của huyện muốn giàu có phải phát triển nuôi trồng thủy sản, trước tiên là nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm trên cát, lãnh đạo huyện "khoanh vùng" luôn vấn đề then chốt - phải có đủ nước ngọt. Nuôi theo kiểu truyền thống cần 1 thì nuôi trên cát cần nước ngọt nhiều hơn gấp 5-7 lần. Không làm được hồ lớn thì nâng cấp. Chưa làm được ngay thì làm dần. Và từ nhiều năm trước, Phù Mỹ đã lẳng lặng lo liệu để dự án nâng cấp hồ Phú Hà (Mỹ Đức) từ 2,5 triệu m3 lên 5 triệu m3, xây dựng mới hệ thống kênh dẫn để tưới và phục vụ vùng nuôi tôm sớm được triển khai thi công bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Quả thật, những dự án cấp nước kiểu như trên đã nhanh chóng đánh thức cả mạn phía Đông của huyện.

* Vẽ đường cho luồng đầu tư

Không chỉ có nước, hệ thống đường giao thông hiện đang triển khai ở Phù Mỹ cũng lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ phát triển về phía Đông, huyện cũng đã đẩy mạnh việc triển khai các tuyến đường ngược lên phía Tây. Huyện chủ động cho mở tuyến đường nối xã Mỹ Hiệp với xã Mỹ Trinh để dòng nguyên liệu của nhà máy chế biến tinh bột mì xuất khẩu từ vùng nguyên liệu Hoài Ân, An Lão dễ dàng về xuôi. Để tạo điều kiện cho nghề nuôi tôm trên cát phát triển, huyện đã đầu tư để mở tuyến đường Mỹ An - Mỹ Đức. Cùng với đường giao thông, huyện cũng tranh thủ nguồn đầu tư của tỉnh để kéo lưới điện, làm kênh dẫn nước về đến chân công trình.

Ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ:

Cái được của Phù Mỹ trong chuyện thu hút nhà đầu tư, ví dụ là thu hút được VINATEX Đà Nẵng, theo tôi, chưa hẳn đã thuộc về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc dự kiến sẽ đạt khoảng 4 triệu USD, cũng chưa hẳn là 450 lao động có việc làm (năm 2006 sẽ là 1.000 lao động). Mà nó chính là nhận xét của các nhà đầu tư "Phù Mỹ ngó vậy mà chơi được ".

Khi tỉnh mở tuyến đường ven biển DT 639, huyện cũng khẩn trương cho mở tuyến đường từ Đèo Nhong xuống tới Mỹ Thọ, nối vào tuyến DT639 để đón lõng cơ hội phát triển kinh doanh du lịch. Ngoài ra, huyện còn đầu tư mở tuyến mới từ Nhà Đá (Mỹ Hiệp) xuống Mỹ Tài - Mỹ Cát sau đó nối luôn vào tuyến tỉnh lộ ĐT 639 để cân đối vùng phát triển.

Hệ thống đường giao thông phát triển đã tác động tích cực đến các cụm công nghiệp (CCN). Trong khi CCN ở các huyện khác thường gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, điện nước, đường giao thông... thì ở Phù Mỹ những thứ ấy đều sẵn sàng để nhà đầu tư chỉ còn lo việc xây dựng nhà xưởng. Phù Mỹ cũng đã tự đầu tư làm đường để Quốc lộ 1A không chạy xuyên qua huyện lỵ nữa. Bộ mặt thị trấn huyện lỵ cũng bắt đầu thay khác, chiếc áo cũng dễ dàng được nới rộng ra thêm.

* Gương mặt Phù Mỹ mới

Mặt bằng đã được giải phóng sẵn, có đường giao thông, có điện, lãnh đạo huyện lại chân thành mời gọi. Vậy là các CCN ở Phù Mỹ phát triển khá nhanh, đến nay đã thu hút được 13 nhà đầu tư (2 DN 100% vốn nước ngoài). Ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện nào cũng muốn thu hút được vốn, nhà đầu tư. Như nhà có nhiều con vậy, bố mẹ thì phải cho bú công bằng. Mình muốn nhiều hơn thì phải tự thân vận động. Có vậy thì cha mẹ mới biết để giúp thêm. Phù Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ về cơ sở hạ tầng khi gọi đầu tư. Như vậy vẫn chưa đủ, mình còn phải chia sẻ một phần chi phí với cái lo của DN nữa. Ví dụ để thu hút VINATEX Đà Nẵng về xây dựng nhà máy may. Không chỉ lo giải phóng mặt bằng, huyện còn xây luôn cả tường bao, cổng ngõ… DN chỉ cần về xây dựng nhà máy, tuyển công nhân nữa là sản xuất. Họ thấy mình chơi được nên mới làm ăn có 1 năm mà họ đã lắp thêm máy, tăng công suất lên gấp 2 lần hiện tại".

Nhiều nhà đầu tư nhận xét: "Phù Mỹ là đất lành, là đất làm ăn được". Nhận xét này đáng giá đến đâu, giờ chưa thể cân đo hết được nhưng xem ra nó rất được việc bởi ngày càng có thêm nhiều DN đưa Phù Mỹ vào danh sách ưu tiên. Khi nhịp điệu công nghiệp khởi động, từ khu vực phía Nam (xã Mỹ Hiệp) lan ra, khu vực phía Bắc (Diêm Tiêu, Bình Dương) chạy về, hai luồng sinh lực này cung cấp cho thị trấn Phù Mỹ sức sống, hình hài mới.

  • Bá Phùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
50 triệu... 200 triệu và hơn nữa  (18/01/2006)
Làng cá mùa biển đẹp  (18/01/2006)
Đóng tàu, chế biến cá và kinh doanh du lịch  (18/01/2006)
Khởi sắc vùng cao  (18/01/2006)
Săn hàng độc trên net  (18/01/2006)
Món qué um trong đêm giao thừa  (18/01/2006)
Châu Âu du ký  (18/01/2006)
Rất cần những vòng tay hợp tác  (18/01/2006)
Gầy thương hiệu cho chả cá Quy Nhơn  (18/01/2006)
Khi nhà xe đua nhau sắm... "máy bay"  (18/01/2006)
Những người giữ điện thờ Vua  (18/01/2006)
Bánh tráng  (18/01/2006)
Hành trình cổ vật  (18/01/2006)
Từ những làn khói sạch  (18/01/2006)
Bánh đậu xanh Tam Quan  (18/01/2006)