Nơi thành phố mọc lên
19:3', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Xã bán đảo Nhơn Hội chỉ cách nội thành Quy Nhơn một tầm nhìn qua đầm Thị Nại nhưng vì cách trở đò ngang nên phải chấp nhận là vùng sâu, vùng xa; kinh tế - xã hội chậm phát triển. Nhưng không lâu nữa, một thành phố sẽ mọc lên. Đó không phải là một lời hứa, không phải là dự án nằm trên giấy. Thành phố mới đang "nảy mầm" và lớn lên từng ngày...

7 giờ 30 phút sáng, chuyến đò khách Quy Nhơn - Nhơn Hội khởi hành. Trên đò, nhiều hành khách cứ nhìn theo những nhịp cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội đang dần hình thành, xôn xao bàn tán về một sự đổi thay kỳ diệu không còn xa nữa đối với bán đảo này.

 

Đường từ đầu cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội vào trung tâm xã đang được thi công. Ảnh: Văn Lưu

 

* Chuẩn bị cho ngày mai

Sau gần 30 phút vượt sóng, đò cập cầu tàu Nhơn Hội. Đứng trước trụ sở ủy ban xã, chúng tôi hình dung trong đầu nơi sẽ là cụm cảng Nhơn Hội, nơi sẽ là khu phi thuế quan mà tỉnh mới vừa thông qua quy hoạch chi tiết.

Hiện nay, xã Nhơn Hội đã chuẩn bị chu đáo cho công tác di dời số hộ dân đến nơi ở mới là Khu tái định cư Nhơn Phước nằm trên trục tỉnh lộ 639 từ Nhơn Hội đi Cát Tiến (Phù Cát). Theo quy hoạch, khu tái định cư này sẽ có 60 ha, trong năm 2006 sẽ thực hiện trước giai đoạn 1 là 30 ha để đưa dân đến ở; đồng thời các cơ quan hành chính của xã cũng sẽ tập trung về đây và nơi này sẽ hình thành nên một khu đô thị mới.

Để đón đầu, nhiều người trong xã đã đầu tư phát triển các dịch vụ ăn uống, giải khát để phục vụ cho khách du lịch. Các điểm du lịch ở núi Đen, suối Lồ Ô, du lịch sinh thái quanh đầm… cũng đã được xã quan tâm bảo vệ. Ông Dương Thanh Bình, ở thôn Hội Bình là người đầu tiên ở Nhơn Hội bỏ ra cả trăm triệu đồng làm nhà hàng, phía dưới nuôi các đặc sản biển, để phục vụ khách du lịch. Không phải chờ đến khi thông cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội, bây giờ du khách đã qua lại bán đảo này ngày càng nhiều.

Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, cho biết: "Từ khi dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội còn nằm trên giấy là chúng tôi cũng đã bắt đầu chuẩn bị mọi mặt để đón nhận sự đổi thay lớn. Thật lòng nói, chúng tôi rất vui khi đã có một số người đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nhà hàng, cơ sở sản xuất. Nhưng nếu chỉ có vậy thì chắc tỉnh không đầu tư hàng trăm tỉ đồng để làm cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Chúng tôi mong muốn và hy vọng con em mình sẽ làm nên những sự nghiệp lớn lao hơn thế kia. Bởi thế, việc học của con em ở xã bán đảo cũng đã được quan tâm nhiều hơn trước. Cách đây chừng vài năm, nói đến việc học là các gia đình ở đây đều không tha thiết bởi theo họ, học cho cao cũng đi... làm biển. Nhưng từ khi KKT Nhơn Hội khởi động, đã có một luồng gió mới làm thay đổi tất cả".

* Từ xã lên thành phố

Theo chân ông Nguyễn Đình Sô - Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đến ngã ba Hội Sơn, nơi tiếp giáp với đầu cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội để phóng tầm nhìn được bao quát hơn. Đứng bên này, chúng tôi nhìn qua bên kia thành phố Quy Nhơn rồi chợt nghĩ, chỉ một hai năm nữa thôi, nơi này có thể sẽ sầm uất không thua kém gì khu vực nội thành.

Xã Nhơn Hội hiện có 5 thôn: Hội Bình, Hội Lợi, Hội Tân, Hội Giáo và Hội Sơn với 615 hộ dân (3.128 nhân khẩu); diện tích đất tự nhiên 4.028 ha, trong đó diện tích quy hoạch KKT Nhơn Hội 3.728 ha; thu nhập bình quân đầu người trong năm 2005 là 4,5 triệu đồng/người/năm.

Giữa cái ngã ba to lớn và lộng gió này, chúng tôi như hình dung thấy có cả một thành phố Nhơn Hội đang mọc theo nhịp độ thi công cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Một thành phố rất gần trong mắt. Theo quy hoạch KKT Nhơn Hội đến năm 2010, nơi đây có đến 10 vạn dân làm việc và sinh sống, đồng thời các cơ quan hành chính, công ty, xí nghiệp… cũng sẽ ồ ạt mọc lên. Ông Sô nói: "Đến cữ này sang năm thì quang cảnh sẽ thay khác hoàn toàn. Đường sẽ rộng hơn, KCN mọc lên, khu du lịch sẽ xuất hiện... Niềm hy vọng của nhân dân Nhơn Hội đang lớn lên từng ngày đấy. Mọi bản tin thời sự dù là nhỏ nhất đều mang lại niềm vui cho chúng tôi".

Nghe chúng tôi nói, chỉ vài năm nữa thôi, Nhơn Hội từ một xã bán đảo thoắt một cái sẽ trở thành một thành phố, Chủ tịch xã Trần Văn Khiêm cười: "Ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, ngay cả cán bộ xã như chúng tôi cũng không bao giờ hình dung ra rằng cái chỗ mà ngày trước thành phố bố trí để làm khu kinh tế mới, để khai hoang, phục hóa lại có cơ hội trở thành một đô thị hiện đại. Rất nhiều hộ dân chúng tôi sẽ phải di dời chỗ ở nhường mặt bằng cho nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ rời xa chỗ ở cũ nhưng người dân Nhơn Hội sẽ thành những thị dân thật sự. Mấy năm nay, nhà nào cũng háo hức với những cơ hội sẽ có, nhất là đám thanh niên, mấy đứa nhỏ còn đi học. Chưa bao giờ tương lai gần trong tầm tay lũ nó như bây giờ".

Đó là điều đương nhiên. Lúc trở về, tình cờ chúng tôi gặp cụ Nguyễn Hữu Thăng, 80 tuổi ở thôn Hội Tân, nhà nằm gần cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội. Nói chuyện về sự đổi thay của Nhơn Hội, cụ vui lắm. Cụ Thăng tâm sự: "Tui ráng sống thêm vài tuổi để tận mắt chứng kiến cái thành phố Nhơn Hội nó to lớn như thế nào. Có ai ngờ đến cuối đời, tui lại thấy quê mình nó đổi thay kỳ diệu như thế! Giờ đây, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy một trụ cầu hay một nhịp cầu vừa hoàn thành là trong tui như trẻ thêm một tuổi, sướng hung các chú à!".

Vâng, chúng tôi cũng "sướng hung", nhiều người cũng "sướng hung" trước sự lột xác của Nhơn Hội, thưa cụ.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KKT Nhơn Hội: Sôi động trong năm 2006  (18/01/2006)
Bình Định trong mắt các nhà đầu tư  (18/01/2006)
BIDV Bình Định và những dấu ấn tín dụng  (18/01/2006)
Vượt khó theo cách của Phù Mỹ  (18/01/2006)
50 triệu... 200 triệu và hơn nữa  (18/01/2006)
Làng cá mùa biển đẹp  (18/01/2006)
Đóng tàu, chế biến cá và kinh doanh du lịch  (18/01/2006)
Khởi sắc vùng cao  (18/01/2006)
Săn hàng độc trên net  (18/01/2006)
Món qué um trong đêm giao thừa  (18/01/2006)
Châu Âu du ký  (18/01/2006)
Rất cần những vòng tay hợp tác  (18/01/2006)
Gầy thương hiệu cho chả cá Quy Nhơn  (18/01/2006)
Khi nhà xe đua nhau sắm... "máy bay"  (18/01/2006)
Những người giữ điện thờ Vua  (18/01/2006)