Vị giác của giêng, hai
10:48', 23/1/ 2011 (GMT+7)

Nhớ ngày còn bé, năm nào cũng được ăn quà Tết của bà Ba cho. Bà Ba có họ xa với mẹ, sống trên Gia Lai và vẫn giữ được lệ của quê ngoại tôi là làm kẹo lạc.

 

Nguyên liệu rẻ đã vậy, sản phẩm trông rất thô thiển, nên thứ quà này thường bị bỏ quên. Chỉ đến khi tháng giêng đã đi quá nửa... Tối đến, cả nhà sum họp và ai cũng thấy “nhạt mồm”. Ấy! Là nói theo bà nội. Mẹ mới sai anh tôi mở tủ, lấy cái lọ thủy tinh được đậy nắp rất kỹ đựng đầy những phong kẹo lạc ra. Bà với bố thường nhâm nhi kẹo lạc với những bát chè xanh nghi ngút khói. Tôi và bà chị kề, sau khi ăn bắt chán chê thể nào cũng xin thêm mấy phong nữa, để dành và... chia nhau.

Chia nhín chỉ phải tập trung vào đôi mắt nhưng ăn dè á! Lắm công đoạn lắm cơ! Trước hết là đặt kẹo lên môi và cắn một miếng. Cắn bé bé thôi, nhé! Đã bảo ăn dè mà lại... Tôi vừa cắn vừa ước, giá mà được cắn to một tị, nhỉ? Cho cái ngọt có đủ, để chạm mạnh vào lưỡi và úp chụp, trùm kín lên hết cả vị giác của mình. Ấy là lúc miếng kẹo đã kịp lua nhanh về phía răng hàm và đang được nhai ngấu nghiến. Kẹo được mẹ giữ kỹ nên đâu có bị hở hơi. Vẫn còn giòn tan. Khi ăn nghe cứ côm cốp, côm cốp đã vui tai mà ngon sao mà ngon. Lạc làm thơm và béo ngậy hòa lẫn trong đường sánh keo, khiến cả vòm họng và vùng lưỡi thấm đẫm vị ngọt gay gắt. Chỉ có thứ kẹo lạc quê mới có được cái ngọt thật thà, ngọt đậm đặc đến dường ấy. Và, cái ngọt ấy vẫn đọng đầy nơi vị giác tôi, mỗi khi đến Tết.

Ngược lại với những phong kẹo lạc hết sức quê mùa là, thứ mứt hết sức sang cả mà chúng tôi cũng chỉ được thưởng thức, khi đã sang giêng. Đó là mứt hạt sen của nhà cụ Chi. Cụ Chi là bạn với bà nội tôi, vốn người Hà Nội. Khác với bà tôi nhìn vào là rõ ngay một cụ bà nhà quê, cụ Chi rất ra dáng người Tràng An. Là người hàng phố. Ấy! Cũng nói theo bà nội. Rất nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái áo dài cụ Chi mặc, tấm khăn cụ khoác hờ, vòng chuỗi cụ đeo... Cụ luôn xuất hiện ở ngôi nhà tềnh toàng của chúng tôi khi, đã qua rằm tháng giêng với quà Tết muộn là nửa ký mứt hạt sen.

 

Bao giờ cũng vậy. Đủng đỉnh vào trong nhà và yên vị trên ghế hẳn hoi. Sau khi nhấp hết một tách trà, cụ mới thư thả lấy túi mứt từ trong giỏ xách ra, không quên sai chúng tôi đi lấy một cái đĩa. Tôi có lần lấy một cái đĩa rõ to. Ý chừng đĩa to để cụ đổ mứt cho được nhiều ấy mà, nhưng liền bị cụ khoát tay từ chối. Đã hiểu ý, những lần sau không những lấy đĩa bé, tôi còn lấy cái đĩa kiểu, khiến cụ rất hài lòng. Cũng rất thư thả, cụ bỏ vào đĩa một ít hạt sen. Khiếp! Nhìn cái cách của cụ đã thấy sốt cả ruột. Xong đâu đấy cụ mới mời bà nội, mời bố mẹ tôi và cũng rất may là hãy còn nhớ đến cái con bé này. Những hạt sen có màu trắng ngà tinh khiết với đường bọc lấm tấm bao quanh sao mà khéo đến thế, hấp dẫn đến thế! Không đừng được tôi thò cả bàn tay ra bốc. Cụ vẫn để yên nhưng chờ tôi ăn hết mới thư thả. Lại... cũng thư thả (chán thật!) dạy dỗ. Cụ bảo hạt sen là thứ mứt để  nhón. Và phải ăn nhẹ, nhai khẽ bởi nếu ham hố, sẽ làm hỏng vị giác ngay. Phải nhâm nhi từng hạt, từng hạt một. Mà phải gọi bằng hạt cơ!

Nhà tôi không còn những gói quà Tết, muộn màng và đặc biệt như thế nữa. Biết bà nội thích thứ mứt này nên Tết, mẹ cũng thường mua. Nhưng chẳng một ai muốn... nhón, dẫu để cho hết cả giêng, hai. Vì là mứt chợ nên, hạt sen thì sượng mà đường lại không được sên tới.

Đâu rồi cái hương vị có mà như không. Không mà như có. Loáng thoáng là đấy mà cũng đằm sâu là đấy! Sau này, biết nếm rượu và có thể thẩm định được tí chút, tôi hay liên tưởng đến những thanh kẹo lạc của bà Ba với cái thứ chất cay này. Rồi là những hạt mứt sen của cụ Chi với một chất cay khác. Dẫu, mỗi loại rượu một hương một vị một sắc một màu một tính nết một dung nhan một dễ ưa một khó bảo. Có thứ rượu chỉ một ngụm nhỏ đã nhận biết ngay, cảm giác được ngay. Cái cay sè tuồn chảy rất nhanh và mạnh từ đầu môi xuống họng và đi thẳng vào người: nóng ran. Nhưng có thứ rượu, phải dăm bảy nhấp vẫn cứ là lay bay, lay bay... Chỉ thoảng nhẹ nhưng loanh quanh, lẩn quẩn mãi trên mặt ly và đọng rất lâu nơi vòm cổ. Chẳng dễ gì tan.

Vậy sao, vị giác tôi có thể nhòa quên những thứ quà đã được thưởng thức trong rất nhiều giêng, hai, của những ngày xưa cũ?

  • Nguyễn Mỹ Nữ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>