“Thanh minh trong tiết tháng Ba”
11:24', 21/1/ 2011 (GMT+7)

Thanh minh - từ bao đời nay đã là một phần đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Một thời gian dài, Thanh minh bị lãng quên hoặc chỉ tồn tại ở vài vùng nông thôn; nhưng mấy năm gần đây, phong tục này đang hồi sinh mạnh mẽ, lan tỏa trong đời sống hiện đại với những sắc màu mới.

 

Ngư dân Đề Gi tổ chức Thanh minh tại đình Vạn Đức Phổ.

 

Thanh minh (diễn ra trong tiết Thanh minh – tháng 3 âm lịch) là một phong tục của người Hoa gắn với tục tảo mộ gia tiên và sum họp gia đình. Nhưng nếu Thanh minh của họ là dịp tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, thì Thanh minh của người Việt là dịp tảo mộ cho vong linh cô hồn – những số phận kém may mắn. Đây là hiện tượng tiếp biến văn hóa và với tinh thần nhân văn rộng mở, văn hóa Việt còn chứng tỏ sự bao dung của mình. Trong “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du, đặc trưng Thanh minh của người Việt được lột tả khá rõ nét: “Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh/ Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo/ Của có khi bát cháo nén nhang/ Gọi là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên/ Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu...”. Không gian Thanh minh trước chủ yếu là ở làng quê, nơi có nhiều nấm mồ vô chủ, nơi đậm đặc “văn hóa làng”. Khoảng 10 năm trở lại đây, Thanh minh được người dân đô thị tiếp nhận và cúng Thanh minh trở nên phổ biến.

Dân vùng biển Đề Gi (Phù Cát) vốn xem trọng tín ngưỡng dân gian, tục cúng Thanh minh được người nơi đây đồng lòng tổ chức. Thanh minh năm nào vạn Đức Phổ - Đề Gi cũng rộn ràng, những hình ảnh xưa cũ lại xuất hiện, bậc cao niên nghiêm cẩn tế lễ, khói hương trầm mặc bên đầm Đạm Thủy và đêm xuống cả vùng thủy trấn dậy lên nhịp trống chầu hát bội.

Sau mấy chục năm gián đoạn, người dân khu vực 1, phường Quang Trung mới tổ chức cúng Thanh minh. Lệ cúng Thanh minh ở đây có từ năm 1947, khi đó nơi này là làng Xuân Quơn. Từ năm 1972, ngôi miếu Thanh minh dần hoang phế, lễ Thanh minh cũng bị lãng quên. Năm 2008, trên nền miếu Thanh minh xưa, Nhà sinh hoạt văn hóa khu vực được dựng lên, trong đó dành một phần diện tích xây miếu Thanh minh. Ông Tôn Long Dũng, khu vực trưởng, cho biết: “3 lần tổ chức Thanh minh là 3 lần làng xóm như mở hội, bà con rất phấn khởi...”.

Ở Quy Nhơn, những khu vực thường tổ chức cúng Thanh minh là khu Bãi Xếp, Vũng Dừa (phường Ghềnh Ráng), các phường Trần Phú, Đống Đa, Quang Trung... Tháng năm biến đổi, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, mồ vô chủ không còn nhiều, nên phần tảo mộ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Thanh minh ở phố chủ trương giảm thiểu các nghi thức tế lễ, phẩm vật cúng, phường bát âm..., tổ chức giản dị, nghiêm trang, tiết kiệm.

 

Chính quyền, nhân dân khu vực 1, phường Quang Trung thực hiện nghi thức cúng.

 

Người ta chưa thống kê có bao nhiêu địa phương tổ chức cúng Thanh minh hàng năm, tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng Thanh minh đang trở lại. Làng quê trong mùa Thanh minh, những khu vực vắng vẻ, những bãi tha ma vốn thường quạnh vắng bỗng trở nên nhộn nhịp, ấm áp. Ở phố, Thanh minh là dịp sống lại các giá trị xưa cũ tốt đẹp. Khi cuộc sống vật chất ngày càng được đủ đầy, những giá trị tinh thần càng được con người đề cao. Ai cũng nghĩ, mình được no ấm hôm nay nhưng dưới lòng đất lạnh có những người chết không mồ mả, không cháu con thăm viếng, bao nhiêu người hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt..., chút hương khói vừa mong an ủi, tri ân tiền hiền, người đã khuất, vừa làm ấm lòng những người đang sống.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vị giác của giêng, hai  (21/01/2011)