10 năm qua, anh Châu Hồng Tâm (sinh năm 1974) giữ nhiều chức vụ ở phường Ghềnh Ráng: Phó Bí thư Đoàn, Trưởng Đài truyền thanh, Phó chủ tịch Hội khuyến học, Phó chủ tịch Công đoàn và Chủ tịch Hội Nông dân. Anh là tuyên truyền viên, báo cáo viên giỏi, là “kịch tác gia” các hội thi tuyên truyền. Nhiều người gọi anh là “vua” săn giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu từ cấp tỉnh đến toàn quốc.
|
Anh Tâm trong Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
|
* Hễ thi là có giải
Tốt nghiệp thủ khoa ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Quy Nhơn nhưng vì nhiều lý do, Châu Hồng Tâm không thể theo đuổi nghề giáo. Cuối cùng, anh về làm cán bộ văn hóa thông tin của phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Trẻ, lại ham hoạt động xã hội, anh tham gia công tác Đoàn. Nhờ năng nổ, được việc, Tâm được lãnh đạo phường “di chuyển” qua nhiều vị trí công tác... Và ở đâu anh cũng là “vua” săn giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu từ cấp tỉnh đến toàn quốc.
* Chúc mừng anh vừa nhận được giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Tìm hiểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, đây là giải thưởng thứ mấy mà anh đạt được?
- Mỗi năm, tôi tham gia khoảng 3-5 cuộc thi tìm hiểu. Có một chuyện vui là hễ dự thi thì gần như là tôi có giải thưởng. Cuộc thi đầu tiên mà tôi tham gia là Tìm hiểu phòng chống ma túy của Công an tỉnh phát động năm 2001. Từ đó đến nay, tôi đã tham gia trên 100 cuộc thi tìm hiểu của các ngành, đoàn thể trong tỉnh và Trung ương. Có thể kể đến, giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Tìm hiểu luật giao thông thủy nội địa”, giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi “Tìm hiểu luật phòng chống ma túy”... Riêng về vai trò báo cáo viên thì tôi vinh dự trở thành báo cáo viên giỏi của rất nhiều ngành, đoàn thể như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Công đoàn...
|
Anh Tâm nhận giải cuộc thi Tìm hiểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
* Cuộc thi nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
- Đó là Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại hội thi với tư cách là báo cáo viên, tôi đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu về Bác Hồ. Càng tìm hiểu, tôi càng khâm phục và học được rất nhiều ở Bác, và thấy mình cần phải sống tốt hơn. Mỗi lời nói, mỗi việc làm rất đơn giản trong đời thường của Bác cũng đều chứa đựng một tình yêu bao la với đất nước, con người Việt Nam. Mỗi lần kể chuyện về Bác, tôi chọn những bài học nhỏ, với những ví dụ điển hình mà mình sưu tập được và cố gắng truyền đạt với cả tấm lòng để câu chuyện nhẹ nhàng, thấm sâu vào lòng người...
Tôi tham gia các cuộc thi nhưng không hề đặt nặng vấn đề đạt giải. Riêng cuộc thi “Tìm hiểu 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, sau 20 ngày ròng rã tìm hiểu, kiếm tư liệu qua sách, báo tôi thực hiện được 1.687 trang, trong đó có 700 trang in màu. Ban đầu, tôi dự định làm 1.000 trang nhưng sau gần 3 ngày 2 đêm thức trắng để viết, khi hoàn thành thì số trang vượt quá cao. Đã đến hạn nộp bài nên tôi quyết định giữ nguyên số trang này. Tôi đã thành công với giải Nhì, cùng giải thưởng bài dự thi có số trang nhiều nhất.
* Còn hơn cả giải thưởng
Giá trị phần thưởng mà anh Tâm nhận được từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 5 triệu đồng tùy quy mô, thể loại của cuộc thi. Nhưng với anh, phần thưởng chưa phải là điều tuyệt vời nhất mà “gặt hái” nhiều nhất chính là kiến thức tích lũy được.
* Bí quyết nào giúp anh thường xuyên đoạt giải các cuộc thi tìm hiểu?
- Cách đây 5 năm, nếu bạn đến nhà tôi, bạn sẽ choáng ngợp bởi những chồng sách báo được sắp xếp theo từng chủ đề, chủ điểm. Kho tư liệu của tôi trở thành thư viện mini cho đồng nghiệp, bạn bè tham khảo. Biết tôi hay lưu giữ tư liệu, bạn bè mỗi khi đọc thấy nguồn tư liệu nào hay thì cất giữ và gởi cho tôi. Thành công của tôi trong các cuộc thi cũng nhờ vào đó rất nhiều.
Sau này, khi phổ biến mạng internet, tôi dành gần 1 tháng để soạn lại tất cả các tư liệu, những tư liệu nào hay, bổ ích nhất tôi mới lưu giữ lại. Song, có nhiều cuộc thi như “Tìm hiểu 80 năm về Hội Nông dân”, “1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, tư liệu trên mạng internet không nhiều mà chủ yếu dựa vào kho tư liệu cá nhân.
|
Anh Tâm (hàng đầu) trong vai trò tuyên truyền viên.
|
* Mọi người thường bảo, giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu không đủ chi phí làm bài thi...
- Quả thật, có những cuộc thi tìm hiểu, giải thưởng không đủ bù chi phí in ấn, làm trang bìa, in màu chứ chưa nói gì đến công sức, thời gian của người thực hiện. Nhưng, kiến thức mà tôi tích lũy được từ các cuộc thi là điều quan trọng nhất.
* Nghề tay trái
Châu Hồng Tâm khá nổi danh với nghề viết kịch bản các tiểu phẩm tuyên truyền. Hàng năm, anh nhận khá nhiều đơn đặt hàng viết kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền cho các cơ quan, đoàn thể. Các tiểu phẩm của anh có nội dung mới, đậm chất Bình Định... Tiểu phẩm ít chất hài nhưng dễ đi vào lòng người như: “Nỗi lo này không của riêng ai” theo đơn đặt hàng của Hội LHPN tỉnh đạt giải Nhất Liên hoan băng hình về ATGT tỉnh; giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi “Làm giàu trên đất quê mình” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ NN - PTNT tổ chức...
* Cơ duyên nào gắn bó anh với nghề viết kịch bản tiểu phẩm?
- Năm 2001, Dự án nước sạch vệ sinh môi trường do Bộ NN - PTNT phát động cuộc thi sáng tác thơ ca hò vè. Sở NN - PTNT phổ biến cuộc thi ở cấp tỉnh, thành phố. Gần đến hạn nộp bài mà UBND phường Ghềnh Ráng vẫn chưa có ai dự thi. Anh Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng lúc bấy giờ đến nhà nhờ tôi làm giúp. Sau một đêm đọc tuyển tập thơ ca hò vè dân ca bài chòi, tôi cố gắng ngồi viết. Bài tấu ca đầu tiên bất ngờ đoạt giải Nhất giải sáng tác, giải Ba phần biểu diễn.
|
Anh Tâm (hàng đầu, bên phải) nhận giải thưởng báo cáo viên xuất sắc của Hội Nông dân tỉnh.
|
Từ đó, hàng năm, tôi nhận được khoảng hàng chục đơn đặt hàng viết kịch bản tiểu phẩm. Nghề viết kịch bản tiểu phẩm trở thành nghề tay trái và giúp tôi có thêm kinh phí để tham gia các cuộc thi tìm hiểu, trang trải phần nào cuộc sống gia đình.
* Anh tham gia khá nhiều vai trò, công việc chuyên môn có bị ảnh hưởng?
- Với tôi, công việc chuyên môn luôn đặt lên hàng đầu, tranh thủ giờ nghỉ, buổi tối tôi mới thực hiện các công việc ngoài chuyên môn. Tuy nhiên, những công việc như diễn xuất, tham gia cuộc thi tìm hiểu hay viết kịch bản mà tôi tham gia đều gắn với trách nhiệm chuyên môn vì khi ấy tôi giữ vai trò cán bộ văn hóa thông tin phường, Phó Bí thư Đoàn phường rồi Trưởng đài truyền thanh phường...
Trải qua khá nhiều công tác khác nhau nhưng ở vai trò nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 1998, phường Ghềnh Ráng có KV 1 là địa bàn “trắng”, không có đoàn viên nào. Sau 20 ngày ăn, ở cùng bà con, tôi đã vận động và xây dựng chi hội thanh niên đầu tiên. Còn trong vai trò Chủ tịch Hội Nông dân phường chỉ trong vòng 1 năm, tôi đã đưa thành tích Hội từ loại trung bình lên xuất sắc.
* Cảm ơn anh!
|