Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”
13:38', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Từ kết quả một dự án được thực hiện vào năm 2007, thương hiệu gạo an toàn chất lượng cao Vạn Phước của Công ty TNHH nông nghiệp Vạn Phước đã “âm thầm” ra đời và từng bước chinh phục thị trường. Không chỉ mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm an toàn, đây còn là minh chứng cho sự thành công của một dự án được xây dựng từ sự liên kết “4 nhà”: doanh nghiệp (DN), nông dân, khoa học và quản lý.

 

“4 nhà” cùng kiểm tra sự phát triển của cây lúa an toàn, chất lượng cao.

 

* Gầy dựng thương hiệu

Tháng 8.2007, Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định đã triển khai dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn chất lượng cao tại Bình Định”, với 4 vùng sản xuất tại các huyện: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, bằng giống lúa HT1, trên diện tích 40 ha. Đây là dự án thuộc Chương trình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án kết thúc, gạo an toàn chất lượng cao với tên gọi Vạn Phước ra đời.

Vạn Phước là tên của một thôn thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, nơi trồng thử nghiệm những ruộng lúa an toàn chất lượng cao đầu tiên. Những người thực hiện dự án đã dùng tên gọi này cho thương hiệu gạo an toàn đầu tiên “made in Bình Định”.

Những ngày đầu, sản phẩm chưa được người tiêu dùng chú ý vì bao bì chưa bắt mắt, hạt gạo không được trắng, đẹp so với các loại gạo của miền Nam. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu, gạo Vạn Phước đã có mặt ở thị trường TP Quy Nhơn, các thị tứ trong tỉnh, cùng các tỉnh lân cận.

Để thực hiện lời cam kết đúng như câu khẩu hiệu “Quản lý chất lượng từ đồng ruộng đến bàn ăn”, mọi công đoạn sản xuất đều được DN thực hiện theo đúng quy trình, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Hạt gạo thành phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn: trắng, bóng, tỉ lệ gãy vỡ thấp, được Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP Hồ Chí Minh phân tích và xác nhận đạt sản phẩm an toàn. 

* Tạo lập niềm tin

TS. Võ Ngọc Anh, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, cho biết: “Thành công của thương hiệu gạo Vạn Phước là sự kết hợp chặt chẽ giữa DN với nông dân, tận dụng được nguồn tri thức của các nhà khoa học và cơ chế hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Thành công của dự án mở ra hướng sản xuất lúa an toàn, xây dựng thành công thương hiệu “Gạo an toàn chất lượng cao” của Bình Định”.

Một trong những thành công của dự án là nông dân được DN hỗ trợ vốn thông qua việc cung ứng một phần phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ. Giá thu mua gạo của DN cũng luôn cao hơn 25% so với thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Nhờ áp dụng đúng quy trình, nông dân có lãi hơn 4,5 triệu đồng/ha so với canh tác lúa thông thường. Đây chính là những yếu tố giúp “tạo dựng niềm tin” giữa nông dân với DN. Nhờ vậy, từ 160 ha ban đầu của dự án, đến nay, diện tích sản xuất lúa an toàn đã lên đến 450 ha, nằm ở khắp các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước...

* Triển vọng một vùng lúa an toàn

Đối với Bình Định, lúa vẫn là cây trồng chính. Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 ngàn ha sản xuất lúa hàng năm, tổng sản lượng hơn 550 ngàn tấn. Ngoài việc tiêu dùng trong tỉnh, hàng năm, tỉnh còn xuất đi các nơi khoảng 200 ngàn tấn lúa. Tuy nhiên, phần lớn lúa này có chất lượng gạo đạt mức trung bình hoặc thấp, một phần dùng để chế biến các sản phẩm như bún, bánh... phần còn lại sử dụng trong chăn nuôi và các mục đích khác.

Việc xây dựng thành công thương hiệu gạo an toàn Vạn Phước sẽ là sự khởi đầu, tạo hiệu ứng dây chuyền, góp phần phát triển vùng lúa an toàn chất lượng cao tại tỉnh ta.

Ông Bùi Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Phước: Hạt gạo của Bình Định có vị “ngọt”, ngon nhưng lại không đẹp, không bắt mắt so với các loại gạo ở các tỉnh phía Nam. Vì lý do trên, mặc dù dư thừa gạo nhưng các siêu thị, cửa hàng, đại lý vẫn phải nhập gạo từ đồng bằng sông Cửu Long về để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Đây là một trong những trăn trở khiến chúng tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo Vạn Phước.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)
Câu đối  (22/01/2011)
Ăn Tết xưa  (22/01/2011)
Với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất là đời  (22/01/2011)
Mai vàng Bình Định trên đất Thăng Long  (22/01/2011)
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc  (22/01/2011)
“Bảo vật” đất tuồng  (22/01/2011)
Xuân này vui hội bài chòi  (22/01/2011)
Võ Tây Sơn sang đất Ý  (22/01/2011)