Từ thợ lên... thầy
13:44', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Từ bỏ cơ hội học cao đẳng để đi học nghề, rồi làm công nhân; lại trở về trường cao đẳng học, được giữ lại trường làm giáo viên. Đó là con đường từ thợ lên... thầy mà anh Nguyễn Thành Đô (24 tuổi, ở xã Ân Đức, Hoài Ân) giáo viên khoa Cơ khí (Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn) đã trải qua.

 

Giờ thực hành của các học viên nghề Cơ khí. Ảnh: Nguyễn Phúc

 

Năm 2005, tốt nghiệp THPT, anh Đô chọn thi vào Học viện Bưu chính viễn thông nhưng không đỗ và được gọi nhập học hệ cao đẳng. Gia đình chạy vạy mãi vẫn không đủ tiền nộp học phí, chưa kể tiền hàng tháng gửi cho Đô ăn học, vì kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Cố vay mượn để học nhưng ra trường chắc gì đã xin được việc làm; với suy nghĩ đó, Đô quyết định từ bỏ học cao đẳng, chọn cho mình một hướng đi khác, đó là học nghề.

Đô nộp hồ sơ thi tuyển vào hệ công nhân kỹ thuật, nghề cơ khí của Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn. Sau hai năm học, anh làm đề tài tốt nghiệp loại giỏi, được nhiều doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng. Hai năm bôn ba khắp nơi làm công nhân cơ khí cho các công trình thủy điện ở Gia Lai, Phú Yên... Dù công việc đang thuận lợi nhưng Đô vẫn quyết định bỏ làm, quay lại trường học tiếp.

Thầy Đặng Văn Hòa- Phó trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, nhận xét: “Thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Đô có tay nghề giỏi vì được đào tạo từ công nhân lên và có nhiều kinh nghiệm qua thời gian làm thợ. Hiện nay, khoa đã bố trí cho thầy Đô dạy chính thức 2 môđun: tiện cơ bản và phay mặt phẳng. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, chúng tôi tiếp tục giúp đỡ để thầy Đô trở thành một giáo viên dạy nghề giỏi”.

Đầu năm 2009, anh về trường để học liên thông lên cao đẳng khóa đầu tiên. Trong một năm rưỡi học cao đẳng, Đô phải đi làm nhiều việc để có tiền ăn học, như bốc vác, làm cửa sắt, thợ đá granite... Vừa học vừa làm, Đô vẫn tốt nghiệp loại giỏi, được nhiều giáo viên trong trường đánh giá là sinh viên có tay nghề nổi bật nhất so với các sinh viên cùng khóa. Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương đến tuyển dụng Đô với mức lương ban đầu từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, có doanh nghiệp còn hứa, mỗi năm sẽ tăng lương 2 lần, tùy theo năng lực làm việc; nhà trường cũng muốn giữ Đô lại làm giáo viên. Sau một tháng suy nghĩ, anh Đô đã quyết định ở lại trường. Đô cho biết: “Ở lại trường, con đường học tiếp lên đại học, cao học rộng mở và tôi mới có cơ hội thực hiện được ước nguyện của mình”.

Nhờ được tôi luyện qua những tháng ngày làm công nhân nên khi đứng trên bục giảng, Đô luôn cảm thấy tự tin. Các bài giảng của anh luôn được học sinh thích thú vì biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với thực hành.

Nguyễn Thành Đô cho biết: “Làm thầy hay làm thợ đều đáng quý như nhau. Công việc nào cũng cần sự cố gắng và niềm đam mê. Hôm nay tôi đã là thầy nhưng tôi vẫn mãi là một người thợ và tự hào về điều đó. Nếu không có thời gian làm thợ, tôi sẽ bị thiếu hụt kinh nghiệm khi dạy cho học sinh thực hành và một số kỹ năng về nghề cơ khí. Giờ này tôi nhận ra rằng, sự lựa chọn đúng nhất là theo học nghề”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”  (22/01/2011)
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)
Câu đối  (22/01/2011)
Ăn Tết xưa  (22/01/2011)
Với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất là đời  (22/01/2011)
Mai vàng Bình Định trên đất Thăng Long  (22/01/2011)
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc  (22/01/2011)
“Bảo vật” đất tuồng  (22/01/2011)
Xuân này vui hội bài chòi  (22/01/2011)