Khoảng dăm năm trở lại đây, Bình Định luôn có các thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng hàng năm. Những thủ khoa ngày ấy, bây giờ ra sao ở các giảng đường đại học. Sau đây là tâm sự của họ...
ĐÀO THỊ KIỀU NHI (thủ khoa Trường ĐH Ngân hàng năm 2007): Luôn là người dẫn đầu
Gặp lại Nhi sau 4 năm, hỏi chuyện học hành, cô trả lời khiêm tốn: “Cũng đường được thôi”. Nhưng, khóa Dược D07- Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh có đến 270 sinh viên, Nhi vẫn luôn nhận danh hiệu “Sinh viên xuất sắc nhất toàn khóa”, với điểm trung bình năm khá ấn tượng: năm nhất: 8,0; năm hai: 8,32 và năm ba: 8,30. Nhi 2 lần nhận học bổng của Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting (1 triệu đồng/tháng x 10 tháng)- một học bổng rất khó đạt vì chỉ dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất khóa học.
|
Đào Thị Kiều Nhi.
|
Lịch học của Nhi kín đặc: sáng 7 giờ - 11 giờ: học lý thuyết; chiều 13 giờ - 17 giờ: thực tập; 19 giờ 30 - 21 giờ: học Anh văn; tối: ôn bài hơn nửa đêm mới ngủ. Để chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp năm tới về lĩnh vực bào chế thuốc, Nhi đang nhờ thầy cô hướng dẫn nghiên cứu sâu các tài liệu nước ngoài về lĩnh vực này. Nhi cho biết, sẽ tiếp tục học lên cao học; nếu điều kiện kinh tế gia đình không cho phép thì sẽ vừa học vừa làm.
Dù học nghề theo ý của bà nội, nhưng càng học Nhi lại càng thấy mình bị ngành Dược lôi cuốn, nhất là trong lĩnh vực bào chế thuốc: “Ở Việt Nam không có điều kiện đầu tư để sản xuất ra thuốc mới. Hiện tại, các bác sĩ thích dùng thuốc nhập mặc dù cùng hoạt chất nhưng giá thì cao hơn rất nhiều so với các chế phẩm do các xí nghiệp dược trong nước sản xuất. Em thấy với cùng hoạt chất đó nhưng mình có thể nghiên cứu cách bào chế tốt hơn thì thuốc chắc chắn có hiệu quả không kém gì thuốc nhập khẩu! Đó là lý do tại sao em chọn chuyên ngành này”.
TRẦN THANH BÌNH (thủ khoa Trường ĐH Nông lâm năm 2007): “Thêm một tuổi, già đi một chút...”
Dù là thủ khoa Trường ĐH Nông lâm, nhưng Bình lại theo học chuyên ngành Hàng không thuộc lớp Đào tạo kỹ sư chất lượng cao Pháp-Việt (PFIEV) do Chính phủ Pháp hỗ trợ của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nói về “gánh nặng của vòng nguyệt quế”, Bình tâm sự: “Quan trọng là hiện giờ mình đang ở đâu. Môi trường học tập khá căng thẳng nên phải biết cách không tạo áp lực cho mình. Em cố học hết sức mình, nhưng được đến đâu lại là chuyện khác”. Hiện Bình đang đứng ở vị trí thứ 7 trong lớp. Ngoài giờ học chính khóa, buổi tối Bình còn đi học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh với dự định sau này sẽ tiếp tục học lên cao.
|
Trần Thanh Bình (bên phải) cùng với bạn.
|
Sống xa nhà, trọ học cùng với bạn nên cái gì cũng phải tự làm: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ- những việc mà ngày còn ở nhà (nhà Bình ở hẻm 3 đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn- PV), Bình được mẹ “bao sân”. Cậu sinh viên mà đến nay mẹ vẫn gọi yêu là “tồ”, đã chiêm nghiệm cuộc sống khá sâu sắc: “Em thấy, thế giới vẫn luôn phẳng- như lời Th.Friedman (tác giả cuốn sách Thế giới phẳng- PV) đã nói, chỉ có điều lại có thêm những vật cản vô hình mà mình vẫn chưa thấy được. Trong đó, khó thấy nhất là nội tâm của mọi người và đáng sợ nhất là bản thân mình không tự nhận ra được khuyết điểm của mình...”. Bình tự nhận khuyết điểm của mình là vẫn chưa được mạnh mẽ, còn kém về kiến thức xã hội và đang cố gắng hoàn thiện mình. Bình cũng luôn tâm niệm phải sống tốt với mọi người, không làm gì tổn hại đến ai.
NGUYỄN TÒNG XUÂN (thủ khoa Trường ĐH Quy Nhơn năm 2009): “Đường xa mới biết ngựa hay”
Xuân vẫn vậy, hiền lành, ít nói đến mức “hỏi gì đáp nấy” dù đã là sinh viên năm hai. Từ quê nhà ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn), Xuân xuống Quy Nhơn ở nhờ nhà cậu (số 30 đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn) trọ học cùng với một người em họ. Bởi học ngành sư phạm nên Xuân không phải đóng học phí, nhưng tiền ăn thì mẹ phải lo, mỗi tháng hết 500 ngàn đồng. Mẹ hiện đã lớn tuổi, chỉ làm nông nên Xuân luôn có ý thức tiết kiệm.
|
Nguyễn Tòng Xuân.
|
Ngay trong năm học đầu tiên, Xuân tham gia kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên toàn quốc đã đạt giải Nhì, và hiện vẫn đang trong đội tuyển luyện thi của khoa Toán. Mới đây, Xuân đã nhận học bổng Odon Vallet và Hoa Trạng Nguyên do Trường đề cử. Chàng lớp phó học tập trông có vẻ “tẩm ngẩm tầm ngầm...” tự nhận không giỏi các môn xã hội, môn học đại cương mà chỉ thích học các môn chuyên ngành; thường đạt điểm 9, 10, nhất là bộ môn giải tích. Điểm trung bình học tập của Xuân năm vừa qua là 8,71. Thầy Nguyễn Dư Vi Nhân, giáo viên chủ nhiệm lớp Sư phạm Toán K32, nhận xét: “Xuân có tư duy tự học, có năng lực sáng tạo tốt và biết cách giải quyết vấn đề không theo khuôn mẫu mà có tính sáng tạo riêng...”.
Nói về dự định tương lai, dù khá rụt rè, song Xuân vẫn cho biết sẽ quyết tâm học lên cao học, nghiên cứu về toán học để trở thành một thầy giáo giỏi: “Với người làm công tác nghiên cứu khoa học thì còn quá sớm để khẳng định một điều gì đó, phải chờ thời gian. Đường xa mới biết ngựa hay mà...”
|