PGS. TS ĐẶNG MẬU CHIẾN:
Bình Định phải xây dựng cho mình một "thương hiệu”
11:2', 23/1/ 2011 (GMT+7)

PGS.TS Đặng Mậu Chiến là một trong những chuyên gia đầu ngành về công nghệ nano - một ngành khoa học còn khá mới của Việt Nam. Ông cũng là thành viên Hội đồng Chính sách khoa học - công nghệ Quốc gia. Tiếp xúc với PGS.TS Đặng Mậu Chiến, tôi ấn tượng ở phong thái, giọng nói đậm chất Bình Định dù ông đã xa quê hương từ rất lâu.

 

PGS. TS Đặng Mậu Chiến trong chuyến tham quan triển lãm về năng lượng tại Pháp, tháng 10.2010.

 

* Công nghệ nano có thể ứng dụng thiết thực cho cuộc sống

PGS. TS Đặng Mậu Chiến sinh ngày 15.2.1959 tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành cơ khí - luyện kim tại Trường Đại học Bách khoa Belarus (Liên Xô cũ), trở thành Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ ngành khoa học - công nghệ vật liệu, Viện Quốc gia Bách khoa Grenoble, Cộng hòa Pháp, được phong học hàm PGS vào năm 2005. PGS.TS Đặng Mậu Chiến còn là tác giả và đồng tác giả của nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghệ nano.

* Ông có thể giới thiệu sơ lược về công việc hiện tại của mình?

- Tôi đang là Giám đốc phòng thí nghiệm công nghệ nano, tên tiếng Anh là “Laboratory for Nanotechnology”, gọi tắt là LNT, trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu và công nghệ micro-nano.

Công việc của tôi gồm 3 mảng chính: quản lý, nghiên cứu và giảng dạy. LNT là đơn vị tự chủ về tài chính, với gần 50 cán bộ, công nhân viên, nên việc bảo đảm nguồn thu để trả lương, vận hành bộ máy, bảo trì thiết bị luôn là gánh nặng đối với công tác quản lý. Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị nên với tư cách là người đứng đầu, tôi cũng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phụ trách trực tiếp một số nhóm nghiên cứu. Dù bận rộn đến đâu tôi vẫn duy trì công tác giảng dạy vì đó là nghiệp mà tôi đã theo đuổi trong gần 30 năm qua...

* Là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano ở Việt Nam, ông có thể cho biết tầm quan trọng và những ứng dụng thiết thực của ngành khoa học này?

- Công nghệ nano là lĩnh vực liên ngành với các ngành cơ sở là vật lý, hóa học, khoa học vật liệu, vi điện tử... Đây là ngành công nghệ cao mới được phát triển mạnh mẽ trong hơn thập niên gần đây và Việt Nam cũng mới bắt đầu hội nhập. Hiệu quả ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, y sinh học, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và phục vụ đời sống là rất to lớn.

LNT có may mắn là được đầu tư thiết bị và cơ sở hạ tầng đồng bộ cho lĩnh vực nghiên cứu công nghệ nano. Sau 4 năm chính thức đi vào hoạt động, LNT đã có trên 15 sản phẩm nghiên cứu có thể ứng dụng vào thực tế sản xuất, phục vụ đời sống. Công nghệ nano là một ngành công nghệ cao; tuy nhiên, những ứng dụng của nó thì lại rất gần gũi với cuộc sống. Một số sản phẩm tiêu biểu của LTN như: Các sản phẩm chiếu sáng sử dụng bóng LED tiết kiệm năng lượng, thẻ nhận dạng sử dụng sóng radio (RFID) dùng cho cổng kiểm soát tự động (thẻ xe buýt, thẻ tàu điện ngầm...), cảm biến nano sinh học dùng chẩn đoán và chữa trị bệnh tiểu đường, pin năng lượng mặt trời, gạch men được phủ lớp màng vật liệu nano tự làm sạch và khử khuẩn...

 

PGS.TS Đặng Mậu Chiến với đoàn khách đến thăm phòng thí nghiệm LTN từ Trường Đại học Minnesota (Hoa Kỳ).

 

* Bình Định phải xây dựng cho mình một “thương hiệu”

Với những thành công và uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ năm 2007 đến nay, PGS.TS Đặng Mậu Chiến là thành viên trong Hội đồng Chính sách khoa học - công nghệ Quốc gia. Đây là tổ chức tập trung rất nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực làm nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ và các địa phương trong nước trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ...

* Ông có thể tư vấn về việc đầu tư cho khoa học - công nghệ ở các tỉnh miền Trung như Bình Định nên thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả?

- Về hoạt động khoa học - công nghệ, tôi đã có dịp đi khảo sát ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt các tỉnh miền Trung. Nhìn chung, các tỉnh đều có những đặc điểm giống nhau như kinh phí nghiên cứu khoa học ít nhưng phải đầu tư dàn trải cho nhiều đề tài, lực lượng nghiên cứu mỏng... Bởi vậy, để hoạt động khoa học - công nghệ tại địa phương đạt hiệu quả tốt, cần định hướng nghiên cứu, mạnh dạn loại bỏ các đề tài nghiên cứu cơ bản hoặc không liên quan đến các ngành kinh tế địa phương. Tập trung nguồn kinh phí nghiên cứu cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, liên quan trực tiếp đến các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tạo thêm việc làm tại chỗ. Về kinh phí nghiên cứu, nên tích cực tận dụng các chương trình của Bộ Khoa học - Công nghệ, như chương trình nông thôn miền núi, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Để có nguồn kinh phí lớn cần xây dựng các đề tài, dự án lớn. Tuy nhiên, khó khăn ở các tỉnh miền Trung như Bình Định là không có các chuyên gia trình độ cao để bảo đảm tính khả thi của dự án, do vậy nhiều trường hợp không được xét duyệt. Vì thế, giải pháp duy nhất là cần chọn dự án khoa học - công nghệ cần thiết với địa phương, sau đó mời các chuyên gia ngoài tỉnh đến tư vấn và thực hiện.

* Với tỉnh Bình Định, theo ông, nên làm thế nào để có những bước phát triển đột phá nhanh hơn trong tương lai?

- Muốn phát triển phải có chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược đó theo từng bước trung và dài hạn với sự kiên trì và quyết tâm cao của mọi người, đặc biệt là các cấp lãnh đạo. Về góc độ quản trị, trước tiên chúng ta cần “có gì đó” khiến khách trong nước và quốc tế phải nghĩ về mình. Nghĩa là phải xây dựng một “thương hiệu” cho địa phương. “Thương hiệu” của một địa phương không nhất thiết và không thể bao gồm tất cả những gì địa phương có, mà chỉ cần một vài sản phẩm hay dịch vụ đặc thù nào đó.

Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người khắp mọi nơi. Khi biết tôi quê ở Bình Định, họ trầm trồ về võ Bình Định, về câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”. Tôi thấy rất tự hào dù bản thân mình không biết nhiều về võ thuật. Theo tôi, đây chính là “đặc sản” độc đáo và hấp dẫn của Bình Định. Tôi cũng được biết tỉnh nhà có những lễ hội văn hóa hướng về lịch sử phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đây cũng là nét đặc thù mà chúng ta có thể đầu tư để trở thành “thương hiệu” riêng của Bình Định.

Nhiệm vụ của thương hiệu là nhắc người ta nhớ đến, kéo mọi người tìm đến thăm địa phương. Khi khách đến thì sẽ tiêu thụ sản phẩm và góp phần phát triển các ngành nghề khác. Để có thể phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương, tỉnh Bình Định nên lập hội đồng tư vấn độc lập, gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, khảo sát kỹ các mảng kinh tế địa phương và vạch ra chiến lược phát triển lâu dài. Dựa trên chiến lược này, tỉnh sẽ chọn những hướng ưu tiên phát triển. Để bảo đảm tính khách quan, những chuyên gia tư vấn nên là những người không có quyền lợi kinh tế - chính trị tại địa phương. Trong trường hợp này, những người Bình Định sống xa quê là phù hợp vì họ rất mong được đóng góp cho quê hương.

* “Tôi đã cố gắng giữ gìn giọng nói quê hương”

* Được biết ông xa quê hương từ khi còn nhỏ?

- Tôi sinh ra ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Tuổi thơ tôi gắn với ruộng lúa, đàn bò và những buổi học ban đêm dưới ánh đèn dầu. Năm 9 tuổi, tôi theo gia đình vào Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để học tiểu học, sau đó học cấp 3 tại TP Nha Trang. Tôi thi đậu Trường Đại học Bách khoa Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) khi miền Nam vừa giải phóng. Đậu đại học, liền sau đó tôi được cử đi học ở Liên Xô nhiều năm. Khi về nước, tôi dạy tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Tuổi trẻ muốn cống hiến nhiều nên tôi luôn bận rộn. Rồi tôi lại đi học Tiến sĩ ở Pháp, xong trở về, lại bận rộn với công việc giảng dạy... nên thật lòng mà nói, từ khi rời xa, tôi chưa có cơ hội về thăm quê hương Bình Định nhiều. Hiện nay, tôi có người chú ruột và nhiều bà con họ hàng đang sống ở Bình Định.

* Vậy ấn tượng của ông về quê hương như thế nào?

- Quê hương là nơi tôi được sinh ra và gắn liền trong những năm tháng ấu thơ. Tôi cảm nhận một nghịch lý là càng xa quê thì càng nhớ và thấy lo lắng cho quê nhà. Hình ảnh quê hương tôi vẫn giữ mãi trong lòng là vùng đất hẹp, trước mặt là biển, sau lưng là núi, đất đai khô cằn, mùa khô nắng hạn, mùa mưa lũ lụt. Chỉ có con người Bình Định là chịu khó, kiên trì vượt qua bao khó khăn... Bởi thế, tôi xem những đức tính này là “thương hiệu địa phương” cần quyết tâm gìn giữ. Tôi cũng cố gắng giữ gìn vẹn nguyên chất giọng quê hương Bình Định dù đã rời xa từ rất lâu!

Thời gian trong cuộc đời bận rộn của tôi trôi thật nhanh khiến nhiều dự định chưa thành! Trong đó, có mong ước được đóng góp gì đó cho quê hương Bình Định. Nhưng tôi sẽ cố gắng thực hiện mong ước này khi có điều kiện...

* Cảm ơn ông. Chúc ông thành công hơn nữa trong công việc!

  • Mai Hồng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thủ khoa ngày ấy, bây giờ…  (22/01/2011)
Từ thợ lên... thầy  (22/01/2011)
Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”  (22/01/2011)
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)
Câu đối  (22/01/2011)
Ăn Tết xưa  (22/01/2011)
Với Xuân Diệu, kỳ diệu nhất là đời  (22/01/2011)
Mai vàng Bình Định trên đất Thăng Long  (22/01/2011)
Hai “bảo vật quốc gia” đặc sắc  (22/01/2011)