Vì cái tình với quê hương, thời gian gần đây, nhiều người con Bình Định đã trở về quê làm ăn. Họ mang theo vốn liếng, kỹ năng và trình độ học vấn…về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
|
Một góc phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH AVSS. Ảnh: N.T
|
* Từ nỗi nhớ quê...
Sinh ra và lớn lên ở TP Quy Nhơn, sau ngày đất nước giải phóng, ông Đỗ Thanh Trương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AVSS (Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đã cùng vợ sang định cư tại Úc. Dù sống xa quê, nhưng trong ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê. Cứ mỗi lần về nước, hành trang ông mang trở lại Úc là tính tự tôn dân tộc, bản sắc văn hóa và truyền thống của người Việt. Tại đất khách quê người, ông luôn tâm niệm là phải làm một điều gì đó cho quê hương. Sau một thời gian về nước tìm hiểu, ông nhận thấy có thể mở một nhà máy sản xuất các sản phẩm inox xây dựng, trang trí nội thất - nghề mà ông đã làm ở Úc. Khi đặt vấn đề này với những người bạn ở Việt Nam, họ khuyên ông nên xây dựng nhà xưởng tại TP Hồ Chí Minh để tiện làm ăn, đi lại. Nhưng ông cương quyết, đã về nước làm ăn thì phải làm ăn tại mảnh đất nơi mình sinh ra.
Không chỉ Việt kiều, thời gian gần đây, còn có nhiều người con Bình Định đang làm ăn ổn định ở các thành phố lớn cũng quyết định trở về quê nhà làm ăn, vì trách nhiệm với gia đình, với quê hương. Học hết THPT ở Quy Nhơn, anh Lê Xuân Quang, Giám đốc Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Phát (TP Quy Nhơn) thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Năm 1995, ra trường, anh được một công ty nước ngoài mời về làm việc với mức lương khá cao. 10 năm làm việc tại đây, mỗi năm, anh về quê thăm nhà một lần vào dịp Tết, được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình chỉ vài ngày là phải gấp rút quay vào với công việc. Bởi vậy, tuy đã có công việc ổn định, nhưng anh Quang luôn nuôi ý định trở về quê làm ăn. Anh Quang tâm sự: “Có nhiều lý do thôi thúc tôi về quê làm ăn, nhưng quan trọng nhất là mong muốn được sống gần gia đình”.
Sau bao năm xa quê, anh Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty An Phúc Thịnh (Cụm công nghiệp Tân Đức, huyện An Nhơn) cảm thấy quê hương mình vẫn còn nghèo khó. Bà con và những người thân lâu nay vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả “một nắng hai sương” trên các đồng ruộng. Điều này đã làm anh trăn trở, phải đầu tư phát triển một ngành nghề nào đó để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con ở quê...
|
Gian hàng của Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Phát tại Hội chợ Xuân, tổ chức ở Quy Nhơn.
|
* Đến xây dựng quê hương
Ông Đỗ Thanh Trương tâm sự: “Trước đây, vì hoàn cảnh, tôi đã cùng gia đình đi nước ngoài, nhưng tôi vẫn nhớ và suy nghĩ, mình sẽ về Việt Nam, về lại chính nơi mình sinh ra khi có điều kiện. Và nay, tôi đã thực hiện được ước mơ ấy”. Ngày 22.4.2006, Công ty TNHH AVSS đã chính thức ra đời, với vốn đầu tư gần 1 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm inox xây dựng, trang trí nội thất. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của Công ty đã đạt 500 ngàn sản phẩm inox xây dựng/năm, giải quyết việc làm cho 80 lao động, với thu nhập hơn 2,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện Công ty đang xúc tiến các công việc để mở rộng nhà xưởng, giải quyết thêm việc làm, tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh nhà.
Trong thời gian làm việc ở TP Hồ Chí Minh, anh Lê Xuân Quang đã cất công tìm hiểu các lĩnh vực đầu tư phù hợp với điều kiện ở quê nhà. Qua thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy khu vực miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều thảo dược quý, có thể chế biến thành trà túi lọc, vừa là thức uống giải khát, vừa có lợi cho sức khỏe. Từ đó, anh quyết định đầu tư nghiên cứu về lĩnh vực này và kêu gọi bạn bè, người thân góp vốn lập công ty để sản xuất trà túi lọc từ nguyên liệu thiên nhiên. Đầu năm 2008, Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Phát ra đời. Đây là đơn vị tiên phong của tỉnh và khu vực miền Trung trong lĩnh vực sản xuất trà túi lọc. Từ một doanh nghiệp non trẻ, chỉ sau 3 năm hoạt động, Tiến Phát đã xây dựng được thương hiệu, đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong và ngoài nước, với mức tăng trưởng khá ấn tượng, trên 100%/năm.
Còn với anh Nguyễn Văn Thu, sau nhiều lần suy tính, anh nhận thấy nghề làm bàn ghế nhựa giả song mây đang phát triển tại các tỉnh phía Nam, nhưng ở Bình Định chưa phát triển, lại phù hợp với lao động phổ thông, nên anh quyết định về quê đầu tư phát triển nghề này. Đầu năm 2008, anh bỏ vốn xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Tân Đức. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp của anh đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động ở các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát..., với thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng gì ông Trương, anh Quang, anh Thu, còn nhiều tấm lòng của những người con Bình Định xa xứ khác vẫn luôn hướng về quê nhà. Họ mong một ngày nào đó có điều kiện sẽ về quê lập nghiệp, góp sức xây dựng quê hương.
|