GS TRẦN THANH VÂN:
“Tôi muốn đóng góp cho đất nước”
15:25', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Các nhà khoa học quốc tế, trong đó có các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, sẽ đến Quy Nhơn dự hội thảo, giảng bài, giúp các tài năng trẻ Việt Nam nắm bắt tri thức hiện đại. Đó không còn là ý tưởng, mà đang thành hiện thực, với sự hiện diện của Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành, mà người khởi tạo nên chính là GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp).

 

GS Trần Thanh Vân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình (thứ hai và ba từ phải qua) giới thiệu về TP Quy Nhơn và dự án Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành, tại Pháp.

 

* Cơ duyên và lựa chọn

* Thưa GS, tại sao ông lại chọn Quy Nhơn để xây dựng Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành?

- Khi về Việt Nam, tuy có nhiều tỉnh đã đề nghị chúng tôi thành lập Trung tâm tại đó, song chúng tôi chọn Bình Định vì nhiều lý do. Đó là một lựa chọn, cũng là một cơ duyên. Lựa chọn bởi Quy Nhơn vốn có một truyền thống về giáo dục; xưa đã có Trường Quốc học Quy Nhơn, nay có Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trường Đại học Quy Nhơn với hơn 20 ngàn sinh viên có khá nhiều sinh viên ưu tú. Và chúng tôi nghĩ, sự có mặt của Trung tâm ở Quy Nhơn sẽ là một cơ hội để cùng chung sức với các đồng nghiệp bên nhà nâng trình độ của Trường Đại học này. Bởi vậy, khi lập dự án, chúng tôi đã nghĩ đến Bình Định. Rồi khi đến Quy Nhơn, chúng tôi được gặp anh Vũ Hoàng Hà, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy. Chúng tôi thấy sự nhiệt tình và lòng ngưỡng mộ khoa học thật sự, cũng như mong muốn nâng tầm nền khoa học ở Bình Định. Bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Quy Nhơn cũng thuyết phục và kéo chúng tôi về với Quy Nhơn. Vì vậy, chúng tôi đã chọn Quy Nhơn, dù có những thành phố ven biển khác có nhiều ưu điểm hơn Quy Nhơn về du lịch, vận chuyển, trình độ phát triển kinh tế...

Nói thật, chúng tôi là những người làm khoa học, không rành rẽ về các thủ tục, dự án, xây dựng, giấy phép... nên việc xây dựng Trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn thấy mình phải bắt đầu một việc gì đó để đóng góp cho quê hương.

 

GS Trần Thanh Vân (bìa trái) khảo sát đất xây dựng dự án.

 

* “Không chỉ là chuyện học thuật cao siêu...”

Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành xây dựng theo mô hình như ở Pháp và Mỹ, là nơi các nhà khoa học đến gặp gỡ đồng nghiệp, trao đổi, thảo luận những phát kiến mới trong khoa học. Trung tâm, do vậy, sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam gặp gỡ các nhà khoa học quốc tế, tiếp cận với những bước tiến mới trong khoa học; đồng thời, mở dần ra cơ hội hợp tác giữa các trường đại học trong nước với các trường đại học nước ngoài.

* Bên cạnh hoạt động như vậy, Trung tâm sẽ còn có những kế hoạch nào khác, trong tương lai, thưa GS?

GS.TS Trần Thanh Vân sinh năm 1936, tại Đồng Hới, Quảng Bình, bằng TS. danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga (năm 2001). GS Trần Thanh Vân đã tạo ra một hình thức đối thoại mới trong khoa học thông qua những hội thảo quốc tế như Rencontres de Moriond, Rencontres de Blois, Rencontres du Viet Nam. Những năm qua, GS Vân đã giúp đỡ rất nhiều học sinh, sinh viên Bình Định bằng cách vận động hỗ trợ, trao học bổng Odon Vallet hàng năm. Từ năm 2004 đến nay, đã có 120 học sinh, sinh viên Bình Định được nhận học bổng.

- Chẳng hạn, Trung tâm sẽ không chỉ quan tâm đến chuyện học thuật cao siêu, mà dự tính bên cạnh các hoạt động như hội nghị, hội thảo, sẽ tổ chức những thuyết trình để học sinh và những người dân Quy Nhơn có cơ hội biết thêm về các khám phá khoa học. Trong Trung tâm, sẽ xây dựng nhà thiên văn để giúp các em học sinh tiểu học, trung học đến tìm hiểu thêm về thiên văn và vũ trụ... Có một Trung tâm với quang cảnh thiên nhiên hữu tình, các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam có thể ở lại trong một thời gian lâu dài hơn và tham gia giảng dạy ở các trường đại học như Đại học Quy Nhơn chẳng hạn. Và trong tương lai, nếu hoàn cảnh thuận tiện hơn thì mong có thể tiến tới xây dựng một trường kỹ sư khoa học chất lượng cao theo mô hình các trường kỹ sư cao cấp ở Pháp. Khác với các đại học, mỗi trường kỹ sư như vậy chỉ có 300-400 sinh viên, khoảng 50-60 sinh viên/khóa, nên các giáo sư có thể theo dõi kỹ từng sinh viên. Chúng tôi đã thử nghiệm tổ chức những lớp dự bị như vậy ở Huế. Ở đó, sinh viên học 2 năm đầu ở Việt Nam, 3 năm sau học ở Pháp. Nếu những lớp này thành công, chúng tôi mong có thể tiến tới thí điểm lập một trường kỹ sư khoa học chất lượng cao ở Việt Nam với chương trình đào tạo do Việt Nam thiết kế theo mô hình các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Pháp.

 

Phối cảnh dự án Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành.

 

* Và những “nhịp cầu” đã thành

“Kính gửi GS Trần Thanh Vân. Chúng tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với kế hoạch tuyệt vời về việc xây dựng Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành ở Việt Nam. Với những kinh nghiệm mà GS đã tích luỹ được qua 45 năm tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế quan trọng, chúng tôi tin chắc rằng GS sẽ thành công trong công cuộc xây dựng và điều hành Trung tâm mới này ở Việt Nam. Chúng tôi khẳng định với GS rằng Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân muốn trở thành một đối tác của Trung tâm này”- Đó là một đoạn trong bức thư Viện sĩ Alexey Sissakian, Giám đốc Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Liên bang Nga, gửi GS Trần Thanh Vân. Hiện nay, đã có một số nhà khoa học từng đoạt giải Nobel nhận lời hợp tác với Trung tâm, trong đó có những tên tuổi lớn như: Norman F. Ramsey (Đại học Harvard); Jerome I. Friedman (Học viện Công nghệ Massachusetts, MIT), Martin Perl (Đại học Stanford)...

* Như vậy, Trung tâm đã có một mạng lưới cộng tác viên dày dặn? 

- Vâng, hiện có 6-7 GS từng đoạt giải Nobel nhận lời hợp tác với Trung tâm. Tuy nhiên, số đông trong họ đã trên 70 tuổi rồi, nên họ đến Việt Nam để thuyết trình và giúp đỡ về tinh thần; còn tham gia giảng dạy lâu dài sẽ là những GS trẻ tuổi từ 40-50. Chúng tôi có nhiều GS quen thân và họ đã hứa sẽ về giảng dạy, gặp gỡ và trao đổi với các nhà khoa học ở Việt Nam sau khi hoàn thành Trung tâm. Tất nhiên, từ bằng lòng đến thực tế sẽ có một khoảng cách, nhưng chỉ cần một số ít trong các nhà khoa học này đến Quy Nhơn và tham gia giảng dạy là đã quý rồi. Tôi dự kiến, năm 2011, tuy Trung tâm chưa kịp đưa vào hoạt động nhưng sẽ có khoảng 200 nhà khoa học quốc tế về Việt Nam dự hội nghị mà Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Viet Nam) sẽ tổ chức tại Quy Nhơn.

Năm 2009 và 2010, 3 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được Trường Kỹ sư quốc gia Val de Loire nhận vào học và sẽ được đài thọ chi phí ăn ở và học phí trong thời gian 3 năm tại Pháp. Cũng trong hai năm 2009, 2010, GS Vân đã đưa GS Đại học Marseille và Hiệu phó Đại học Paris 7 về làm việc với Đại học Quy Nhơn. Tháng 3.2011, một GS Đại học Marseille sẽ tới Đại học Quy Nhơn giảng dạy với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Hội Gặp gỡ Việt Nam...

* Ngoài xây dựng Trung tâm, GS cũng đã và sẽ có những hoạt động khác hỗ trợ học sinh, sinh viên và Trường Đại học Quy Nhơn?

Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành xây dựng tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn; tổng diện tích 18,4 ha, gồm 1 phòng hội nghị lớn 300-400 chỗ, một số phòng hội nghị nhỏ, phòng học, phòng làm việc; 1 nhà nghỉ với khoảng 60 phòng, quán ăn, bể bơi, nhà mở... Trung tâm dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2012.

- Những hoạt động đó nằm trong mục tiêu “bắc cầu” khoa học mà chúng tôi đã thực hiện từ năm 1993 đến nay. Cũng rất phấn khởi là tại buổi làm việc giữa Đại học Quy Nhơn với Đại học Paris 7, đại diện của Đại học Quy Nhơn bày tỏ mong muốn lập một đại học y ở Quy Nhơn. Và hiện nay, tôi được biết là Đại học Paris 7 đang xem xét, liên lạc để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Ở những hoạt động kiểu này, chúng tôi chỉ là những người “bắc nhịp cầu” chứ không phải là những người thực hiện. Và như bất kỳ một sự tương tác nào, phải có sự nhiệt tâm của cả hai bên. Trong đó, việc thực hiện được bao nhiêu còn là do sự nhiệt thành từ phía Việt Nam.

* Và một câu hỏi cuối, thưa GS, sau một thời gian tiếp xúc để xúc tiến xây dựng Trung tâm, GS nhận xét gì về người Bình Định mà ông có dịp gặp?

-  Như tôi đã nói, Hội Gặp gỡ Việt Nam chọn Quy Nhơn để xây dựng Trung tâm bởi sự nhiệt tình đặc biệt của những người mà tôi gặp. Qua bao lần làm việc với các lãnh đạo tỉnh Bình Định, chúng tôi rất cảm phục sự nhiệt tình của các vị đối với dự án, đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ của anh Hà. Rồi sau đó, càng tiếp xúc, người Quy Nhơn càng để lại những ấn tượng đẹp; từ những lãnh đạo như anh Hà, anh Thiện, anh Lộc, chị Bình, anh Bích và lãnh đạo các sở, ban, ngành... cho đến đồng nghiệp của chúng tôi ở Đại học Quy Nhơn và những người bạn ở Quy Nhơn...

Với mô hình hoạt động của Trung tâm như đã nói ở trên, thành công hay không không chỉ tùy thuộc vào chúng tôi, mà còn là từ các bạn - những người Bình Định - nữa. Tôi mong người Bình Định sẽ ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi, chung tay với chúng tôi, để mai này, khi Trung tâm thành hình, chúng ta có thể tự hào rằng, đây không chỉ là công trình của Việt kiều và các nhà khoa học nước ngoài, mà còn có phần đóng góp rất lớn của người dân Bình Định.

* Xin cảm ơn GS.

  • Nam Sơn (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về quê làm ăn  (22/01/2011)
Hồi sinh những trái tim...  (22/01/2011)
Bình Định phải xây dựng cho mình một "thương hiệu”  (22/01/2011)
Thủ khoa ngày ấy, bây giờ…  (22/01/2011)
Từ thợ lên... thầy  (22/01/2011)
Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”  (22/01/2011)
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)
Câu đối  (22/01/2011)
Ăn Tết xưa  (22/01/2011)