Đồng hành với “Nhịp cầu nhân ái”
15:15', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Đã từ lâu, nhiều bạn đọc và các nhà hảo tâm đã đồng hành, chia sẻ với những số phận ở chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” trên báo in Báo Bình Định và mục “Cùng chia sẻ nỗi đau” của Bình Định online. Họ đến với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng cả tấm lòng...

 

Ông Đỗ Nguyên Hùng, Tổng biên tập Báo Bình Định, trao tiền cứu trợ bà con vùng lũ.

 

* Kết nối những tấm lòng

Rất nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm đã âm thầm đến với “Nhịp cầu nhân ái”, hoặc “Cùng chia sẻ nỗi đau” bằng tấm lòng nhân ái thương yêu đồng loại. Tham gia công tác này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nghĩa cử xúc động.

Trên các trang thông tin về bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Báo Bình Định, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã trở thành quen thuộc với tòa soạn và bạn đọc. Chẳng hạn như, chị Châu Ngọc Cẩm (96 Ngô Mây, Quy Nhơn), chị Đỗ Thị Mỹ Hằng (Công ty TNHH Tấn Chúc, 246 Phan Bội Châu, Quy Nhơn), chị Phan Thị Luyến Ái (110 Lê Lợi, Quy Nhơn), anh Nguyễn Văn Chương (Công ty May Chợ khu Sáu, Quy Nhơn), anh Lê Quang Sơn (138 Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn), Công ty TNHH Thương mại Thu Hương (296A Phan Bội Châu, Quy Nhơn), chị Nguyệt Balê (10 Trần Quy Cáp, Quy Nhơn), chị Nguyễn Thị Mỹ Ý (423-425 Nguyễn Huệ, Quy Nhơn)... và hàng trăm nhà hảo tâm khác thường xuyên kết nối với “Nhịp cầu nhân ái” nhưng không muốn cung cấp danh tính trên Báo.

“Nhịp cầu nhân ái” và “Cùng chia sẻ nỗi đau” của Báo Bình Định đã thật sự là địa chỉ tin cậy của những số phận không may mắn; là nơi kết nối những tấm lòng.

Có người mang đến quỹ từ thiện bằng thu nhập từ tiền lương hay làm được trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng cũng có không ít người, khi chỉ là vài chục ngàn đồng trong số tiền vừa kiếm được sau những ngày làm thuê; hoặc của người già nhịn tiêu vặt; rồi tiền nhịn ăn quà, bỏ heo đất của các học sinh... cùng gom góp giúp người nghèo, người có hoàn cảnh bi đát hơn mình mà họ vừa đọc được trên Báo Bình Định.   

Như cụ Huỳnh Thị Mùi (86 tuổi, ở số nhà 33 đường 31.3, Quy Nhơn), cụ Nguyễn Thị Yến (83 tuổi, ở số nhà 298 Phan Bội Châu, Quy Nhơn), dù đã già yếu, nhưng hàng tuần, vẫn nhờ con cháu đọc mục “Nhịp cầu nhân ái”, chọn những hoàn cảnh thương tâm, rồi bảo cháu mang tiền đến Báo nhờ chuyển đến những số phận đáng thương.

Cháu Nguyễn Đăng Phát (học sinh lớp 5, ở số nhà 55 Lạc Long Quân, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn), một lần đọc Báo Bình Định, thấy một bạn cùng tuổi với mình, gia đình khó khăn, lại bị bệnh hiểm nghèo, Phát thấy thương bạn. Theo dõi các tuần khác, trên Báo có đưa 3 bạn khác cùng lứa tuổi với mình đang bị bệnh nan y, phải dừng việc học. Sau vài ngày đắn đo, Phát xin phép ba mẹ cho đập con heo đất để giúp 4 bạn: Lâm Hữu Ý, Đỗ Quốc Việt, Nguyễn Đào Trọng Hưng và Lê Thị Ly. Nhờ chị gái chở đến tòa soạn Báo, Phát cùng đếm tiền với nơi tiếp nhận, được 812 ngàn đồng; trong đó hơn 2/3 là tiền mệnh giá từ 1.000 - 5.000 đồng.

Một tấm gương nhân ái khác là cháu Lê Hoài Kim Ngân (học sinh lớp 6A5, Trường THCS Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), đọc báo thấy em Lê Đại Lợi (phường Trần Phú, Quy Nhơn) bị bỏng nước sôi toàn thân, Ngân không cầm được nước mắt. Đập heo đất ra được gần 100 ngàn đồng, Ngân mang đến tòa soạn nhờ chuyển đến em Lợi.

 

Cháu Nguyễn Đăng Phát đến tòa soạn Báo Bình Định gửi số tiền đập heo đất, giúp các bạn bị bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Ngọc Diên

 

* Như là “mắc nợ” với những số phận bất hạnh

Chị Châu Ngọc Cẩm đã cùng đồng hành với “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định gần 10 năm nay và chưa bao giờ chị bỏ sót trường hợp nào Báo đã nêu mà không giúp đỡ. Là giáo viên THPT, nhưng mấy năm nay, chị bị bệnh về cột sống, phải chạy chữa nhiều nơi, có khi chữa bệnh dài ngày ở TP Hồ Chí Minh. Khi về Bình Định, chị đến ngay tòa soạn để “truy” những tuần qua có trường hợp đặc biệt khó khăn nào mà Báo đã nêu để giúp đỡ. Còn “Bố Chi Chữ thập đỏ” (bác sĩ Trang Xuân Chi), tuy tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những bước chân chưa mỏi vì người nghèo, vì những phận đời bất hạnh. Bố Chi vừa kết hợp công tác nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ, vừa kết nối giữa những số phận bất hạnh với “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định để cứu người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bố Chi cảm thấy như “mắc nợ” nếu một ai đó gặp hoàn cảnh thương tâm mà không được chia sẻ, không được thông tin nhân đạo trên Báo.

Trong đợt bão lũ cuối năm 2009, đồng nghiệp của chúng tôi, Báo Hà Nội Mới đã 2 lần phối hợp với Báo Bình Định ủng hộ xây trường mẫu giáo bị hư hỏng ở xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn); ủng hộ gạo và tiền mặt cho bà con vùng lũ xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) và xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) trị giá hàng trăm triệu đồng. Mới đây, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Báo Bình Định giúp đỡ tiền mặt cho bà con 3 xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận (huyện Tuy Phước) 150 triệu đồng. Công ty TNHH Tư vấn DP (TP Hồ Chí Minh) đã cùng với Báo Bình Định trao 29 triệu đồng hỗ trợ bà con bị thiệt hại do lũ lụt ở xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) và các trường hợp bị nhà sập ở TP Quy Nhơn. Trong mùa mưa bão năm nay, Hà Tĩnh là tỉnh kết nghĩa với Bình Định bị thiệt hại nặng nề; phóng viên Báo Bình Định đã trực tiếp mang số tiền gom góp của bạn đọc, các nhà hảo tâm, phối hợp với Báo Hà Tĩnh trao cho những người gặp nạn.

“Nhịp cầu nhân ái” và “Cùng chia sẻ nỗi đau” của Báo Bình Định đã thật sự là địa chỉ tin cậy của những số phận không may mắn; là nơi kết nối những tấm lòng.

Hàng năm, Báo Bình Định đã tiếp nhận tiền và vật phẩm trị giá bình quân trên 200 triệu đồng từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các Việt kiều…  làm từ thiện để chuyển đến hàng trăm hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn, bệnh nan y và những cảnh đời đáng thương tâm khác. Ngoài ra, thông qua “Nhịp cầu nhân ái”, “Cùng chia sẻ nỗi đau” bạn đọc, các nhà hảo tâm, các cơ sở y tế, các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đã trực tiếp giúp đỡ bằng tiền, hoặc giúp chi phí can thiệp y tế, như phẫu thuật hàng chục trẻ em bị bệnh tim, ghép da các ca bỏng nặng, điều trị bệnh nan y với thời gian dài; hoặc hỗ trợ các hoàn cảnh bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn… giá trị hỗ trợ hàng năm ước tính gần 2 tỉ đồng.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi muốn đóng góp cho đất nước”  (22/01/2011)
Về quê làm ăn  (22/01/2011)
Hồi sinh những trái tim...  (22/01/2011)
Bình Định phải xây dựng cho mình một "thương hiệu”  (22/01/2011)
Thủ khoa ngày ấy, bây giờ…  (22/01/2011)
Từ thợ lên... thầy  (22/01/2011)
Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”  (22/01/2011)
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)
Câu đối  (22/01/2011)