Những triệu phú “chân đất”
15:35', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ nông dân từ khó khăn đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

* “Vua” phong lan Cao Bá Hạnh

Đó là ông Cao Bá Hạnh (ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Cách đây 20 năm, khi nhu cầu chơi cây kiểng phát triển, ông Hạnh quyết tâm làm giàu bằng nghề trồng hoa phong lan.

 

Cơ sở phong lan của ông Cao Bá Hạnh hiện có gần 200 loài lan khác nhau.

 

Bước chân vào nghề, ông cất công “tầm sư học đạo” ở nhiều nơi và tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng... Ông cất công lặn lội đến các huyện miền núi trong tỉnh, hay lên tận Tây Nguyên, vào Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh... tìm mua và sưu tầm các loài lan quý về chăm sóc và nhân giống. Ông Hạnh tâm sự: “Tôi theo nghề trồng phong lan cách đây đã 20 năm. Lúc đầu, chỉ có 50 chậu. Qua quá trình sưu tầm, chiết tách và phát triển, hiện cơ sở phong lan của tôi đã có diện tích hơn 2.200 m² với gần 200 loài lan khác nhau, từ lan nội cho đến lan ngoại, với trên 25.000 chậu”.

Hiện bình quân mỗi tháng, cơ sở phong lan của ông Hạnh xuất bán ra thị trường 800-1.000 chậu lan các loại, doanh thu 15-30 triệu đồng. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nhiều bạn hàng ở các tỉnh phía Nam cũng đặt hàng mua hoa tại cơ sở phong lan của ông.

Nói về dự định sắp đến, ông Cao Bá Hạnh bộc bạch: “Gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng diện tích vườn trồng phong lan, lộc vừng, sanh... Và trong tương lai, sẽ đầu tư xây dựng cơ sở ươm giống cấy mô, cung cấp lan giống ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.

* “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam

Đó là ông Nguyễn Văn Nam (ở xóm Nam Viên, thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn). Năm 2000, khi chương trình chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi được tỉnh khuyến khích, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia công cho Công ty Chăn nuôi CP.

 

Ông Nguyễn Văn Nam chăm sóc đàn gà. Ảnh: N.H

 

Ông Nam cho biết, từ năm 2000, tôi đã quan tâm đến mô hình chăn nuôi gia công heo, gà công nghiệp do Công ty CP thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Đây là cách làm ăn có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân; người chăn nuôi không phải lo đầu ra mà doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Từ thực tế này, tôi đã xây dựng chuồng trại và ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công heo, gà với Công ty CP. Lúc đầu, do áp dụng kỹ thuật chưa tốt, cộng với kinh nghiệm chưa có, nên hiệu quả không cao. Vừa nuôi, tôi vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục tích lũy vốn để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và dần thành công.

Hiện nay, ông nhận nuôi từ 4.000-4.500 con gà/lứa (thời gian nuôi 45-50 ngày là xuất chuồng), được Công ty CP trả tiền công 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Nam còn nhận nuôi 2 lứa heo/năm, mỗi lứa 700 con, được Công ty CP trả tiền công 140 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân thải của heo, gà, ông đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hơn 70 triệu đồng.

Điều vinh dự đối với ông Nam là mới đây ông được Hội Nông dân Việt Nam trao Giải thưởng Sao Thần nông cho những sáng kiến, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu cho gia đình, đất nước...

* Hồ Sỹ Nam - tay trắng làm nên

Đó là ông Hồ Sỹ Nam (50 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát). Từ một hộ nông dân nghèo, nhờ áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Nam đã vươn lên làm giàu. Ông đã vinh dự được chọn tham dự Đại hội thi đua Nông dân sản xuất giỏi Toàn quốc năm 2010.

 

Ông Hồ Sỹ Nam (thứ 3 từ trái qua) bên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội thi đua Nông dân sản xuất giỏi Toàn quốc năm 2010.

 

Trước đây, gia đình ông Nam thuộc diện hộ nghèo của xã Cát Trinh. Năm 1994, ông được Hội Nông dân xã hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với tiền vay mượn của bạn bè, người thân, ông đã đầu tư phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tiên, ông quyết định cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng cho phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương: sản xuất đậu phụng vụ Đông Xuân -  gieo mè vụ Hè - trồng lúa vụ Mùa. Với mô hình này, trên diện tích hơn 1,5 ha, mỗi năm ông thu nhập trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm gà thả vườn và nuôi heo, mỗi năm cho thu nhập 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích vườn thừa, đất chân cao, ông Nam trồng các loại hoa màu như: dưa hấu, dưa gang, cà, mì... mỗi năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Kể chuyện làm ăn của mình, ông Nam cho biết: “Hàng năm, từ mô hình kinh tế này, tôi đã thu nhập trên 150 triệu đồng; sau khi trừ các khoản chi phí, còn thực lãi trên 80 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi đã có tiền để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và xây dựng ngôi nhà mới khang trang”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Nam còn chia sẻ kinh nghiệm về thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi cho bà con hàng xóm và giúp những hộ nghèo khó ở địa phương bằng cách cho mượn giống không lấy lãi.

  • Nguyễn Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đồng hành với “Nhịp cầu nhân ái”  (22/01/2011)
“Tôi muốn đóng góp cho đất nước”  (22/01/2011)
Về quê làm ăn  (22/01/2011)
Hồi sinh những trái tim...  (22/01/2011)
Bình Định phải xây dựng cho mình một "thương hiệu”  (22/01/2011)
Thủ khoa ngày ấy, bây giờ…  (22/01/2011)
Từ thợ lên... thầy  (22/01/2011)
Gạo Vạn Phước - sản phẩm “made in Bình Định”  (22/01/2011)
Châu Hồng Tâm - “Vua” săn giải thưởng  (22/01/2011)
Rực rỡ lily Bình Định  (22/01/2011)
Sửa soạn Tết  (22/01/2011)
Chuyện một người mê thể thao  (22/01/2011)
Chơi tấn công và thăng hạng  (22/01/2011)
Khoảng ngày chờ tết  (22/01/2011)
Thơ  (22/01/2011)