Chốt pháo phòng không trên đỉnh núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn), cao hơn 300m so với mực nước biển. Các chiến sĩ thuộc Đại đội Trinh sát (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) làm nhiệm vụ ở đây luôn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm trực sẵn sàng chiến đấu canh giữ bầu trời, vùng biển.
|
Khẩu đội pháo trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
|
Một ngày cuối năm, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường dốc, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng qua đợt mưa vừa qua để đến với chốt phòng không trên núi Bà Hỏa. Đứng trên cao nhìn xuống, cả TP Quy Nhơn thu vào tầm mắt. Kíp trực phòng không hôm ấy chỉ có 3 người. Họ đều khá trẻ.
Do nằm trên núi cao nên điều kiện sinh hoạt của các chiến sĩ trên chốt pháo gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước sinh hoạt là nước mưa, chứa ở hai bể. Mùa nắng, bể cạn nước phải xuống núi cõng nước lên. Không có điện, nên sau giờ trực chiến sĩ chỉ biết giải trí qua chiếc radio cũ kỹ. Chương trình mà các chiến sĩ chờ đón là “Quà tặng âm nhạc dành cho chiến sĩ” do Đài PTTH Bình Định phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện vào chiều thứ Bảy của tuần cuối tháng. Còn báo thì hầu như phải đọc báo cũ, vì 2-3 ngày, các chiến sĩ tranh thủ xuống núi đi chợ, tắm giặt mới về đơn vị lấy báo.
Cũng chính vì nằm trên đỉnh núi cao, chỉ toàn là sỏi đá nên việc trồng rau xanh, cây ăn quả để cải thiện bữa ăn không thể thực hiện. May mắn trước chốt pháo của đơn vị trồng được một cây đu đủ ra trái quanh năm, vài bụi sả và vài cây ớt sống được nhờ tận dụng từng giọt nước sinh hoạt để tưới.
Do yêu cầu của nhiệm vụ, mỗi kíp trực 1 tuần mới xuống núi thay kíp trực khác. Những lúc cao điểm có khi các kíp trực phải cùng nhau trực cả tháng trên chốt.
Thiếu úy Nguyễn Hữu Thiện, 23 tuổi, quê ở xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ), vừa tốt nghiệp Học viện Lục quân 2 vào tháng 8.2010, tháng 9 về nhận nhiệm vụ tại Đại đội Trinh sát. Với trách nhiệm là Trung đội trưởng, kiêm Khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 12ly7, Thiện chững chạc hơn tuổi 23 của mình. Rót ly nước mưa mời khách, Thiện cho biết: Những chiến sĩ thuộc các kíp pháo phòng không của đơn vị đều còn rất trẻ. Ngày còn ở nhà, các chiến sĩ ít phải lao động nặng nhọc, thậm chí còn được bố mẹ cưng chiều. Khi về đơn vị, thao trường và kỷ luật nhà binh đã giúp họ cứng cáp hơn.
|
Nghe đài, đọc sách báo là phương tiện giải trí duy nhất của các chiến sĩ ở chốt pháo. Ảnh: N.P
|
Dù đêm hay ngày, dưới nắng cháy hay sương lạnh buốt giá, những pháo thủ tuổi từ 18 đến 23 luôn sẵn sàng bên khẩu pháo. Pháo thủ Nguyễn Hữu Phúc, 18 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, nhập ngũ tháng 3.2010. Sau 3 tháng huấn luyện ở Trung đoàn bộ binh 739, anh được nhận nhiệm vụ tại Đại đội Trinh sát. Ngày mới về đơn vị, cường độ học tập, rèn luyện của lính pháo phòng không khiến những tân binh như Phúc hơi choáng. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, anh đã thích nghi với môi trường mới.
Chiến sĩ Phúc cho hay, những ngày đầu mới về làm nhiệm vụ trên chốt pháo, không quen leo núi nên thường xuyên trượt chân té ngã. Chiến sĩ cũ thì chỉ mất 30 phút leo lên chốt, còn Phúc phải mất cả giờ mới đến nơi. Giờ thì “ngon” rồi, không những leo núi nhanh mà mùa nắng vừa rồi đơn vị không còn nước uống, Phúc cùng anh em trong đơn vị xuống chân núi, mỗi người vác 20 lít nước lên núi gọn trơn.
Tết đến gần, đây là lần đầu tiên các chiến sĩ trẻ đón Tết xa nhà. Pháo thủ Nguyễn Thanh Thiện, 22 tuổi, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), tâm sự: Đêm giao thừa đứng trên núi chắc sẽ nhìn thấy cả Quy Nhơn đón giao thừa, được xem pháo hoa mình cảm thấy hạnh phúc rất nhiều so với những cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân ở biên giới, hải đảo”.
Để chuẩn bị Tết, các chiến sĩ trên chốt pháo đã đi tìm những cành lan rừng trên núi về treo sẵn và đào một cây thông về trồng trước điểm chốt.
|