Những câu chuyện đầy tình người và đậm chất nhân văn về những mảnh đời bất hạnh đã tìm thấy niềm vui và công lý qua sự trợ giúp của các trợ giúp viên (TGV) Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh...
|
TGPL cho đồng bào dân tộc H’re tại An Lão. Ảnh: V.Lực
|
* Chuyện thứ nhất
An Trung là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện An Lão. Thế nhưng, lại có người lợi dụng chức vụ để tìm cách chiếm nương rẫy của đồng bào, gây bất bình cho những người dân vốn chất phác, thật thà.
Chuyện có thể tóm tắt như sau: Năm 1976, các ông bà Đinh Văn Hải, Đinh Văn Đê, Đinh Thị Rái, Đinh Thị Đất, Đinh Thị Nởi và Đinh Thị Trân (cùng trú thôn 1, xã An Trung) bỏ công sức khai hoang một khu đất để trồng mì, trồng dưa. Năm 2002, ông Sinh, khi đó là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cùng một số người khác, đã lợi dụng lòng tin và sự thật thà của 6 hộ nói trên để trồng “keo mô hình” trên phần đất mà họ đã khai phá. Sau một thời gian, ông Sinh chiếm đoạt luôn nương rẫy mà các hộ nói trên phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được.
Trong lần trợ giúp lưu động tại xã An Trung, các TGV của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh biết được nỗi bất công mà 6 hộ dân phải chịu. Đích thân ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm, đã tiếp nhận đơn khởi kiện của 6 hộ dân và viết bài “Lá đơn khởi kiện từ An Trung” đăng trên báo Bình Định ngày 14.5.2009. Sau khi báo đăng, các ngành chức năng vào cuộc điều tra và đến nay, 6 hộ dân đã lấy lại được đất.
* Chuyện thứ hai
Ông Ngô Văn Nề (trú ở thôn Phú Hà, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được biên chế vào lực lượng thanh niên xung phong làm đường sắt. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương, làm thủ tục để được hưởng chế độ người có công. Thế nhưng, cái mà ông nhận được chỉ là những ánh mắt gièm pha của một số người khi cho rằng ông man khai công trạng.
Với suy nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng”, ông tìm đến các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh, kể cả Trung ương để được “minh oan”. Nhưng rồi ông chỉ nhận được lời hứa suông của những người có trách nhiệm. Ông tìm tới Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chỉ với hy vọng mong manh. Thế rồi, niềm hy vọng đó của ông đã được đền đáp khi Trung tâm cử cán bộ trực tiếp tới nhà tìm hiểu và giúp ông hoàn tất các thủ tục để hưởng chế độ trợ cấp một lần. Ông Nề đã khóc khi nhận được quyết định, khóc vì đã được “minh oan”, khóc vì những người tận tâm làm việc để mang lại sự công bằng cho nhân dân.
* Chuyện thứ ba
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (ở TP Quy Nhơn) có hoàn cảnh rất thương tâm (bị mù lòa, lại một mình nuôi 3 con nhỏ). Khi TP Quy Nhơn thực hiện chỉnh trang đô thị, căn nhà ọp ẹp của chị nằm trong diện giải tỏa. Chị được cấp một căn hộ tạm cư, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận bởi khi làm thủ tục khai báo, chị khai tên Nguyễn Thị Tuyết Mai; nhưng đối chiếu lại danh sách, ngôi nhà bị giải tỏa không có ai tên như vậy mà chỉ có tên Nguyễn Thị Kim Lanh. Trong khi đó, chị Mai không hề có một loại giấy tờ tùy thân nào; các con của chị cũng chưa ai có giấy khai sinh (!). Vậy nên, cơ quan chức năng không thể cấp giấy chứng nhận nhà tạm cư cho chị.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh: Sống trong xã hội pháp quyền, nếu không ứng xử đúng pháp luật, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy, các TGV của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục hành trình đem luật đến với người dân, để không ai phải chịu thiệt thòi chỉ vì họ thiếu hiểu biết. |
Quá lo lắng nên hễ ai hướng dẫn cần đến nơi nào chị Mai đều bảo đứa con gái mới 6 tuổi dắt tới để làm giấy tờ. Thế nhưng, nơi nào cũng không biết phải làm sao cho phù hợp. Trong lúc thất vọng nhất, chị Mai được hướng dẫn tới Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh.
Nghe hoàn cảnh đáng thương trên, các TGV của Trung tâm đã “bắt tay” ngay vào “hành trình” tìm lại tên thật cho chị. Để rồi, chưa đầy một tháng sau, cán bộ Trung tâm đã đến tận nhà, trao cho chị giấy chứng nhận khai sinh với tên Nguyễn Thị Tuyết Mai; giấy khai sinh cho các con của chị và sổ hộ khẩu cho cả gia đình. Cầm các loại giấy tờ trên tay, chị Mai ngỡ ngàng và vui mừng khôn tả. Vậy là, chị sẽ được cấp giấy chứng nhận nhà tạm cư; các con chị sẽ được tới trường như bao đứa trẻ khác.
|