Bởi là vùng ngoại thành nên kinh tế - xã hội phát triển chậm hơn nội thành cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng vì thế mà những bước chuyển ở nơi đây cũng rõ ràng hơn, sống động hơn. Ấy là vùng ven thành phố Quy Nhơn, những Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Phước Mỹ...
|
|
Chôm chôm trái vụ và xoài cát Hòa Lộc là thế mạnh của những trang trại cây ăn trái ở phường Bùi Thị Xuân. Ảnh: N. Sương | |
1. Phước Mỹ sau 5 năm từ huyện về phố. Những băn khoăn, trăn trở trước khi về “nhà mới” năm xưa - khi mới tách từ Tuy Phước để sáp nhập vào TP Quy Nhơn - rằng: làm sao để theo kịp các “liền anh liền chị” của Quy Nhơn, làm gì để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống... được trả lời bằng chân dung Phước Mỹ hôm nay.
Dù nông - lâm vẫn chiếm 68% trong cơ cấu kinh tế của xã, dù tỉ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn ở mức cao (20% - theo tiêu chí mới), song xã đã có những bước bứt phá ngoạn mục.
Sau 5 năm, thay đổi đầu tiên của Phước Mỹ được Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quốc Thịnh đề cập đến chính là đã cải tiến tác phong, lề lối làm việc của cán bộ xã, để Phước Mỹ hôm nay có thể tự tin hòa mình vào dòng chảy văn hóa, ứng xử của một trung tâm tỉnh lỵ đang phát triển mạnh về kinh tế và xã hội như TP Quy Nhơn; đồng thời thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển.
Sự chuyển biến đáng kể nhất trong những năm qua ở đây là sự phát triển cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Về phố, Phước Mỹ nhận được sự đầu tư mạnh từ thành phố. Bây giờ, 100% đường giao thông trong xã đã được đổ bê tông, trường học, trạm y tế đều được đầu tư thêm, nhà làm việc HĐND và UBND xã cũng như các trụ sở thôn đã được xây mới. Mới nhất là công trình cầu Bến Tỷ vừa hoàn thành đã đáp ứng mong ước bao đời nay của người dân, để không còn bị chia cắt giữa các thôn trong xã mỗi mùa mưa lụt đến.
Sự phát triển của Phước Mỹ còn được chứng minh bằng một con số thuyết phục: nếu như năm 2005, thu nhập bình quân đầu người ở đây là 6,8 triệu đồng/năm thì bây giờ là 15 triệu đồng/năm, và kế hoạch là trên 20 triệu đồng vào năm 2015.
Cũng như cảm nhận của nhiều người, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quốc Thịnh nói rằng, không thể phủ nhận, việc trở thành thị dân đã có tác động đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân và là động lực để họ cố gắng hơn cho cuộc sống ngày mai.
|
Nông dân phường Nhơn Phú thu hoạch rau má.
|
2. Liền kề Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu đang phát triển mạnh công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Cùng với sự ra đời của các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, nhiều thế hệ nông dân ở đây đã bước thẳng từ đồng ruộng vào các nhà máy.
Theo ông Trần Thanh Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy phường Bùi Thị Xuân, bước chuyển quan trọng nhất của phường trong những năm qua là dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển chung của tỉnh, giảm dần tỉ trọng nông - lâm nghiệp và tăng dần tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nếu như phường Trần Quang Diệu, với những lợi thế riêng của một địa bàn án ngữ cửa ngõ thành phố, ngày càng phát triển thương mại, dịch vụ; thì phường Bùi Thị Xuân xác định thế mạnh lâu dài của mình sẽ là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, với những ngành nghề như: chế biến tinh bột mì, sửa chữa ô tô, vận tải hàng hóa... Còn nhớ, chừng 5 năm trước, khi nói về sự phát triển của phường mình, bên cạnh các nhà nghỉ, khách sạn, một cán bộ phường Trần Quang Diệu đã đưa ra hình ảnh những cửa hàng bán điện thoại di động, kinh doanh gas, shop quần áo thời trang... đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn để minh họa. Còn bây giờ, nhìn nhiều ngôi nhà, biệt thự hoành tráng, những quán xá với vốn đầu tư vài tỉ đồng là chuyện thường ở đây. Có lẽ người ta sẽ thấy không có sự khác biệt nhiều lắm giữa vùng ven này với các phường nội thành.
Một dải dài Quốc lộ 1A từ ngã ba Phú Tài đến chân đèo Cù Mông, để sang một bên cái tấp nập, náo nhiệt của vùng cửa ngõ thành phố, còn có những mảng rất xanh, rất bình yên nhưng cũng đầy sức sống. Đó là những trang trại cây ăn trái, cây công nghiệp hay kết hợp chăn nuôi - trồng trọt tươi xanh bốn mùa. Mà nhắc đến trang trại, không thể không nhắc đến phường Bùi Thị Xuân với những trang trại xoài cát Hòa Lộc và chôm chôm trái vụ nức tiếng xa gần. Cho dù chủ trang trại chỉ có 1/3 là người địa phương thì điều đó cũng nói lên rằng: đây là vùng đất lành chim đậu.
|
Những bước chuyển ở vùng ven Quy Nhơn ngày càng rõ ràng và sống động hơn.
- Trong ảnh: Ngã ba Long Vân (phường Trần Quang Diệu).
|
3. Gần nhất với trung tâm thành phố là Nhơn Phú và Nhơn Bình - cũng đang từng ngày, từng giờ “lột xác”. Nếu hỏi người dân nơi đây, đâu là sự thay đổi của địa phương mình, thì câu trả lời của họ chắc chắn sẽ là một cái khoát tay về những công trình xây dựng đã và đang mọc lên ngày càng nhiều ở đây. Nào Trường ĐH Quang Trung, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (cơ sở thứ hai), Bệnh viện Y học dân tộc, Nhà máy dịch truyền BIDIPHAR, Viện nghiên cứu Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Trung tâm dạy nghề - Hội Nông dân tỉnh, Làng SOS Quy Nhơn, Cụm Công nghiệp Nhơn Bình... Tất cả đang làm thay đổi bộ mặt các phường này theo hướng hiện đại hơn và ngày càng tiệm cận với hình ảnh trung tâm thành phố. Theo đó, những công ty, hàng quán buôn bán ăn uống, quần áo, dịch vụ internet, cho thuê nhà trọ... được mở ra đáp ứng nhu cầu người dân sống và làm việc, học tập trên địa bàn. Không nhà nào trên tuyến đường Hùng Vương, Quốc lộ 1D, Đào Tấn... mà không mở hàng quán buôn bán.
Rồi mai này, khi Quy Nhơn được mở rộng và phát triển hơn, có lẽ những Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu... sẽ không còn là vùng ven đô nữa, nhưng những bước chuyển đáng nhớ như thế này hẳn sẽ được ghi lại và trở thành những mốc đánh dấu sự phát triển của TP Quy Nhơn. |
Dĩ nhiên, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao khiến diện tích đất nông nghiệp dần co lại, song nhiều người đã xem đó là cơ hội để thay đổi cuộc sống. Nhiều nông dân, khi đất nông nghiệp bị giải tỏa để làm các công trình, đã chuyển hẳn từ nghề nông sang làm dịch vụ, kinh doanh, công nhân hoặc song song cả hai. Sự ổn định cuộc sống trước những tác động của chuyện đất cát trong đời sống người dân nơi đây, theo Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú Đoàn Quang Khải, có lẽ là do dân Nhơn Phú có nếp lo làm lo ăn từ lâu, cộng với diện tích giải tỏa nằm rải ở nhiều nơi nên không xảy ra tình trạng người ta rủ nhau lấy tiền đền bù đất tiêu xài phung phí. Thoát khỏi nghề nông bấp bênh, vất vả để chuyển sang làm dịch vụ, kinh doanh nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả kinh tế hơn, hẳn người nào cũng mong như thế nên họ tỏ ra thích nghi nhanh với sự thay đổi này.
|