Mùa xuân đến, những hạt giống mới bắt đầu nảy mầm. Trên những cánh đồng, niềm hy vọng về một mùa vụ bội thu đã hiện diện trên khuôn mặt của nông dân...
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đầu tiên bên trái) trao đổi với bà con nông dân xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn) về việc đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất. Ảnh: T.Sỹ
|
* Để có bộ giống tốt
Trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), giống là một trong các yếu tố chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, để có được một loại giống mới đưa vào sản xuất, phải mất hàng chục năm nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rồi sau đó, hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, giống cây, con, vốn vay... được ban hành để khuyến khích nông dân đưa các giống cây con mới vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan đã tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo phương pháp cầm tay chỉ việc; các loại cây trồng và các biện pháp canh tác mới lần lượt đến với nông dân.
Riêng với cây lúa, từ năm 2000, nhiều cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đã được đi học tập về kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai; tiến hành nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số diện tích với các giống: bồi tạp sơn thanh, bắc ưu, nhị ưu, trang nông... năng suất đạt từ 60-65 tạ/ha/vụ, có mô hình đạt 70 tạ/ha/vụ. Đến nay, một số loại giống lúa lai như nhị ưu 838, nhị ưu 69, nghi hương 2308... được bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh và đã được nông dân sử dụng sản xuất đại trà. Các loại giống lúa thuần cũng đã được ngành Nông nghiệp nghiên cứu, sản xuất khảo nghiệm, tuyển chọn. Qua đó, các loại giống lúa: ĐB6, ĐB5, VTNA1... có tiềm năng cho năng suất cao, phù hợp với vùng thâm canh 2 vụ lúa/năm của tỉnh đã được tuyển chọn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Ở những vùng khó khăn về nước tưới, vùng đất chua phèn, nhiễm mặn, qua sản xuất khảo nghiệm, cũng đã tuyển chọn được giống lúa QNT1, SH2, 24SS và kỹ thuật canh tác phù hợp. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được bộ giống lúa chất lượng, đảm bảo yêu cầu của nông dân.
Có được bộ giống lúa phù hợp, tỉnh ta đã tiến hành điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất để các loại giống lúa nói trên phát huy năng suất; đồng thời, hạn chế rủi ro do thiên tai, thời tiết, sâu bệnh gây ra, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố hệ thống dịch vụ giống cây trồng, vật tư, phân bón tại các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân; vận động bà con đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng... Nhờ vậy, nhiều năm qua, SXNN tỉnh ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
|
Nông dân huyện Tuy Phước thu hoạch lúa. Ảnh: T.Sỹ
|
* Cho những “mùa vàng” ấm no
Mục đích cuối của việc đưa các loại giống cây trồng mới đến tay nông dân cũng là giúp bà con giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Không vui sao được khi công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Ông Thiệu Văn Tồn (một lão nông tri điền ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn), cho biết: “Gắn bó với ruộng đồng hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như hôm nay. Cũng từ 2 sào ruộng khoán, nhưng nhờ sử dụng lúa giống mới TBR1, thực hiện quy trình đầu tư, chăm sóc theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, gia đình tôi đã thu gần cả tấn lúa, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Vụ sản xuất Đông Xuân 2010-2011 tôi tiếp tục đưa giống mới vào sản xuất, năng suất hy vọng sẽ cao hơn”.
Không chỉ ở đồng bằng mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh cũng đã xem trọng việc sử dụng các loại giống cây trồng mới trong sản xuất. Ông Đinh Văn Bá (ở thôn 4, xã An Trung, huyện An Lão), chỉ tay về phía bao lúa giống ĐV108 ở góc nhà, phấn khởi nói: “Nhờ nó mà mấy năm nay, bà con trong thôn no cái bụng, có áo đẹp để mặc. Giờ mình ưng cái bụng rồi, nên vừa mới lặn lội đường xa để mua giống về sản xuất”. Ông Đinh Văn Rê (cũng ở thôn 4) khoe với chúng tôi: “Năm rồi, mình sản xuất 8 sào bằng lúa giống cấp 1, năng suất bình quân đạt 3 tạ/sào. Nhờ vậy, gia đình mình không lo cái đói”. Mỗi người có một cách nói khác nhau, nhưng ở họ có chung niềm tin khi sử dụng các loại giống cây trồng mới.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Năm 2010, SXNN tỉnh ta chịu nhiều tác động từ những yếu tố khách quan, nhưng nhờ bà con nông dân thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật vào thực tế, nên năng suất và sản lượng cây trồng đạt khá cao. Riêng cây lúa, năm qua toàn tỉnh đã thực hiện 113.131 ha, giảm 0,7% (do thiếu nước và chuyển đổi mùa vụ) nhưng năng suất bình quân ước đạt 56,1 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, sản lượng đạt 634.317 tấn.
“Đến các vùng quê trong tỉnh thấy bà con nông dân phấn khởi vì được mùa, cán bộ nông nghiệp như chúng tôi cũng vui lây” - ông Phan Trọng Hổ chia sẻ.
|