Cùng với Bến Tre, Bình Định nổi danh là “xứ dừa” của cả nước với câu ca: “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Dừa giữ đất, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái và là cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng ngàn người dân trong tỉnh. Hiện, Bình Định đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi ích của cây trồng này...
|
Ảnh: T.M
|
* Dừa - cây trồng của cuộc sống
Đó là nhận định của ông Vinay Chand, Tư vấn quốc tế ngành dừa, tại cuộc hội thảo phát triển ngành dừa do Sở NN-PTNT tổ chức tại thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ). Theo nghiên cứu của chuyên gia này, hiện có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã trồng hơn 12 triệu ha dừa, trong đó, trên 80% diện tích dừa thuộc các nước Đông Nam Á và Nam Á. Sở dĩ dừa được trồng nhiều bởi nó là một trong những loại cây trồng hữu dụng nhất thế giới, với 1.001 công dụng. Tất cả các phần của cây dừa, từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, nước... đều phục vụ đời sống con người. Cây dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nhân loại và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt là nông dân nghèo.
Tại Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung, với diện tích khoảng 200 ngàn ha. Nhiều địa phương đã có biện pháp cụ thể, phát huy tiềm năng, lợi ích từ cây trồng này. Năm 2009, tỉnh Bến Tre xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, với kim ngạch đạt trên 100 triệu USD; Trà Vinh xuất khẩu 25 loại sản phẩm từ dừa, kim ngạch đạt hơn 20 triệu USD. Tại tỉnh ta, lợi ích của loại cây trồng này cũng đã và đang được phát huy, có không ít ngành nghề tiểu thủ công nghiệp làm các sản phẩm từ cây dừa, như bánh tráng nước dừa, thảm xơ dừa, chỉ xơ dừa, kẹo dừa và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích.
|
Sản phẩm thảm xơ dừa. Ảnh: Hứa Thiện
|
* Cho dừa thêm xanh
Nhiều năm qua, việc duy trì và phát triển cây dừa ở tỉnh ta gặp một số khó khăn, nhiều năm liền dừa bị bọ cánh cứng gây hại, lại không được chăm sóc chu đáo, nên ngày càng xơ xác. Việc nghiên cứu, lựa chọn các loại giống dừa mới có năng suất cao để thay thế diện tích dừa bị già cỗi chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, diện tích dừa trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp, hiện chỉ còn 10.520 ha, giảm 924 ha so với năm 2005. Diện tích dừa cho thu hoạch còn thấp và sản lượng cũng không cao. Trong số 10.520 ha dừa, có 9.867 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng 97.358 tấn/năm. Lợi ích kinh tế của cây dừa mang lại cũng chưa tương xứng với tiềm năng, khi chỉ có một số cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu làm thủ công. Sản phẩm từ dừa chủ yếu bán thô, thị trường đầu ra không ổn định.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tiềm năng và lợi ích của loại cây trồng này. Trong năm 2010, một hội thảo chuyên ngành dừa có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã được tổ chức. Tiến sĩ Võ Văn Long - Tư vấn quốc gia ngành dừa, thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công Thương) - cho biết: “Hiện có rất nhiều giống dừa cho năng suất và hàm lượng dầu cao, đã và đang được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, như dừa ta (từ 60-80 quả/cây/năm), dừa dâu (từ 80-100 quả/cây/năm), dừa xiêm (từ 100-150 quả/cây/năm), dừa ẻo (từ 280-290 quả/cây/năm)... Bình Định có thể nhập các giống dừa này về để thay thế dần diện tích dừa già cỗi, thoái hóa. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc lựa chọn, đưa các giống dừa nói trên về trồng khảo nghiệm và nhân rộng”.
Ông Vinay Chand cũng cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu thực trạng cây dừa và ngành dừa ở Bình Định, tôi đã xây dựng và đề xuất chiến lược phát triển ngành này với ba phương án. Một là đầu tư dài hạn, trong đó chú trọng đầu tư sản xuất sữa dừa, thảm dừa, than gáo và các sản phẩm có giá trị gia tăng. Tổng vốn thực hiện phương án này là 20 triệu USD. Hai là đầu tư trung hạn bằng công nghiệp chỉ xơ dừa, sản xuất lưới sinh thái, sợi xoắn và sợi lattex (cao su hóa), vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD. Phương án ba là đầu tư ngắn hạn với việc chuẩn bị và xây dựng mô hình hỗ trợ kỹ thuật về se sợi, thảm lót chân; thí điểm chế biến dầu dừa tinh khiết, sản phẩm thực phẩm; hỗ trợ thị trường, công nghệ... Tổng vốn đầu tư cho phương án này khoảng 1 tỉ đồng.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Chúng tôi tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các hộ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu để áp dụng vào thực tế trong thời gian tới”.
|