|
Đồng chí Lê Hữu Lộc |
Năm 2010 đi qua với bao thách thức từ bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều khó khăn dù đã có bước phục hồi, cùng với hậu quả thiên tai khá nặng nề của năm trước để lại; song với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, nền kinh tế của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá sau hai năm liên tục giảm sút. Trước thềm năm mới, phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc.
* Trước hết xin chúc mừng đồng chí với nhiệm vụ mới: Chủ tịch UBND tỉnh. Với nhiệm vụ này, đồng chí có cảm thấy bị áp lực?
- Tất nhiên làm Chủ tịch UBND tỉnh thì trách nhiệm nặng nề và áp lực nhiều hơn so với khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Tuy nhiên, do có thời gian dài làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực, thường thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc của UBND tỉnh khi Chủ tịch đi vắng và từng được phân công phụ trách các ngành và lĩnh vực kinh tế quan trọng như: công thương, khu kinh tế, cụm công nghiệp, điện lực, giao thông vận tải, xây dựng, các ngành thuộc khối tài chính - ngân hàng... cộng với một ê kíp làm việc tương đối đều tay gồm lãnh đạo và các chuyên viên văn phòng UBND; giám đốc các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố... nên trách nhiệm mới đối với tôi cũng thuận lợi để kế thừa và phát huy.
* Thách thức 2011!
* Trong Báo cáo đánh giá tình hình KT-XH năm 2010 mà đồng chí đã thay mặt UBND tỉnh trình bày tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua có một đúc kết rất quan trọng: Nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá sau 2 năm liên tục giảm sút. Nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh trong tình hình nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng như vậy, đồng chí có thấy đó là một thuận lợi?
- Kết quả mà Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đạt được trong năm qua trên tất cả các lĩnh vực nói chung và phát triển nền kinh tế nói riêng là rất đáng mừng. Kết quả đó sẽ tạo đà để tỉnh ta vươn lên thực hiện tốt hơn nữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể từng dữ liệu trên từng lĩnh vực của nền kinh tế, tỉnh ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, trong đó tập trung phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả bền vững, tạo tiền đề để đến năm 2020, tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.
Năm 2010, GDP của tỉnh tăng 11,03%, vượt kế hoạch trên 1%. Trong đó, những ngành, lĩnh vực cơ bản có sự tăng trưởng đáng chú ý như: nông, lâm, thủy sản tăng 7,4%; công nghiệp, xây dựng tăng 14,56%; dịch vụ tăng 11,92%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 429,9 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.948,5 tỉ đồng, vượt 5,1% dự toán, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Có 13/16 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hầu hết các khu vực kinh tế đều tăng trưởng trên 10%; trong đó, nổi bật là khu vực ngoài nhà nước. Sản xuất công nghiệp bước đầu có dấu hiệu phục hồi, với giá trị sản xuất tăng gần 14% so với năm 2009.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa bền vững; một số ngành công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu; thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp hiệu quả thấp...
* Nói như vậy, thách thức đối với nền kinh tế tỉnh ta chính là vấn đề sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, đồng chí có thể lý giải thêm điều này?
+ Khách quan nhìn nhận thì hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta có quy mô vừa và nhỏ, khả năng quản lý, điều hành hạn chế, chậm đổi mới công nghệ, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Lấy ví dụ, chúng ta từng một thời tự hào Bình Định là “thủ phủ” của ngành chế biến gỗ và bây giờ nền kinh tế của tỉnh cũng còn phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của ngành này; tuy nhiên, thực chất các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định cũng chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, cơ cấu các loại sản phẩm chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường. Các ngành hàng mũi nhọn khác như đá granite, titan cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ...
|
Đồng chí Lê Hữu Lộc (đội mũ trắng) cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thị sát vùng lũ trong đợt lũ năm 2010. Ảnh: Văn Lưu
|
* Quyết liệt hơn với nhiều giải pháp
* Năm 2011, tỉnh ta phấn đấu đạt giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 16,6%. Trong tình hình sản xuất công nghiệp như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đây là một chỉ tiêu khó, theo đồng chí, tỉnh phải làm gì để tạo được sự bứt phá trong sản xuất công nghiệp?
- Đúng là nếu không có sự đột phá trong sản xuất công nghiệp, nền kinh tế Bình Định sẽ khó bứt phá. Những năm qua, tỉnh ta đã chờ đợi nhiều ở sự đột phá từ Khu kinh tế Nhơn Hội, song hiện vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ những năm 2008-2009 khiến các nhà đầu tư giãn tiến độ, thậm chí có dự án không thực hiện được. Các nhà đầu tư cấp 1 lại chỉ chú trọng đến việc khai thác ti tan nên nhiều dự án chậm khởi công hoặc khởi công rồi để đấy.
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 18 khóa X, tôi đã thay mặt UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu HĐND tỉnh: đầu năm 2011, UBND tỉnh sẽ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện việc xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội nhằm đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, tìm ra nguyên nhân và đề ra các biện pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt để tiếp tục xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội, tạo sự bứt phá từ đây. Đồng thời sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề ra các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2015; chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vướng mắc, ách tắc trong công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư để giao đất cho các doanh nghiệp triển khai dự án, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn đã được cấp phép ở các khu, cụm công nghiệp. Rà soát cơ chế, chính sách hiện có; bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
* Riêng đối với Khu kinh tế Nhơn Hội, trước mắt tỉnh cần làm gì, thưa đồng chí?
- Như tôi đã nói, cần sơ kết 5 năm thực hiện việc xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội. Trong đó, trước mắt cần chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ: cấm tận thu titan ở Khu công nghiệp A và Khu công nghiệp B; can thiệp giá trần cho thuê đất gắn với kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế; trồng cây, chống cát bay đẩy mạnh thu hút đầu tư; quy định cụ thể các công việc phải làm và thời gian hoàn thành công việc đó với các nhà đầu tư cấp I.
Một tin vui đối với tỉnh nhà là năm 2011, Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ triển khai 2 dự án rất quan trọng là dự án nhà máy lọc dầu - nhà máy nhiệt điện và dự án phong điện. Trong đó, dự án nhà máy lọc dầu - nhà máy nhiệt điện, do Công ty TNHH STFE và Công ty Lọc hóa dầu Rayong (Thái Lan) làm chủ đầu tư, đang được các bên liên quan khẩn trương tiến hành những thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng. Công suất giai đoạn 1 của nhà máy lọc dầu là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 tăng lên 6 hoặc 8 triệu tấn/năm. Sau khi hoàn thành các thủ tục, chậm nhất là hết quý II năm 2011, trong thời gian 2 năm, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng và đưa dự án vào sản xuất. Dự án nhà máy nhiệt điện bảo đảm thiết bị, công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường, có công suất 700 MW, sau đó sẽ đầu tư nâng công suất lên phù hợp với thực tế. Chúng ta hy vọng đây sẽ là cú đột phá cho công nghiệp Bình Định.
* Những năm qua, do nhiều lý do khách quan, sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta gặp khó khăn, song nhờ sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì ở mức tăng trưởng khá đã bù được vào phần thiếu hụt giúp duy trì mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển trong sản xuất nông - lâm - thủy sản?
- Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta tiếp tục phát triển và duy trì ở mức tăng trưởng khá là nhờ các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện chủ trương chuyển diện tích lúa 3 vụ không ăn chắc sang 2 vụ; tăng cường các loại giống mới; chuyển giao các tiến bộ KHKT cộng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được ban hành kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận rằng, việc quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như mía, mì chưa đạt yêu cầu; chất lượng một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi không ổn định, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Diễn biến dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có lúc khá phức tạp; công tác quản lý tài nguyên đất đai, môi trường còn nhiều bất cập; phát triển nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững...
Năm 2011 này, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện đối với kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững; tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu, 2 màu 1 lúa ở những nơi có điều kiện, nhằm né tránh thiên tai và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Giảm diện tích gieo trồng lúa nhưng tăng năng suất đảm bảo đạt năng suất bình quân 55 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt 670 ngàn tấn trong năm 2011; áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất nông sản an toàn, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gắn với xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác quản lý khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; triển khai có hiệu quả chính sách phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản bền vững...
* Thưa đồng chí, Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết xác định mục tiêu năm 2011 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP) 12%; trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,5%, công nghiệp xây dựng tăng 18%, dịch vụ tăng 12,5%. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức với những yếu tố gây lạm phát cao, giá cả thị trường không ổn định..., liệu chúng ta có lạc quan để tiến tới cái đích ấy?
- Chúng ta bước vào năm 2011 với nhiều khó khăn, thách thức song cũng có thuận lợi về nhiều mặt. Đây là năm khởi đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với khí thế và quyết tâm mới của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh; các hồ chứa thủy lợi đầy nước sẽ là điều kiện tốt cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; sản xuất năm 2010 được mùa sẽ tạo đà để nông dân làm tốt hơn những mùa vụ tới... Mặt khác, tại Hội nghị Tỉnh ủy và kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, lãnh đạo các sở, ngành, các vị đại biểu HĐND tỉnh cũng như cử tri trong tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp nhằm giúp lãnh đạo tỉnh tiếp tục giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế... Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2011 là: tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, góp phần cùng cả nước tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, tôi yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố phải chuyển biến thật sự trong công tác chỉ đạo, điều hành, đề ra các giải pháp cụ thể, tập trung mọi nỗ lực để phấn đấu thực hiện hoàn thành với mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra...
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 12% thực ra không phải là cao lắm, trên nền tảng kinh tế hiện có, cùng với quyết tâm nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu này; đồng thời, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển cao hơn trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là, tăng trưởng bình quân hàng năm của 5 năm từ 13-14%.
Tôi tin tưởng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011!
* Xin cảm ơn đồng chí!
|