|
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH |
Cách đây 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên đường đi tìm đường cứu nước. Và rồi, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Ngày 3.6.1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), Pháp. Ngày 5.6.1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Về mục đích ra đi của mình, năm 1923, Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Từ ngày rời bến cảng Nhà Rồng cho đến khi đọc được bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Tất Thành phải mất tới 9 năm đầy cực nhọc, vừa làm thuê kiếm sống, vừa hoạt động, vừa khảo sát tình hình xã hội các nước, vừa tự học, tự nghiên cứu. Đi đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng xót xa khi thấy cảnh khổ cực của nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột dã man.
|
Bến cảng Nhà Rồng.
|
Bước ngoặt lớn nhất đã đến khi Người đọc bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Từ Luận cương này, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Sau này, Người nhắc lại cảm tưởng của mình: Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28.1.1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Ngày 8.2.1941, Nguyễn Ái Quốc ở hang Cốc Bó (thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà), với bí danh Già Thu. Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ ngày 10-19.5.1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở đánh giá tình hình giai cấp và xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới, với quan điểm lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Người, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ghi rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đồng thời, Hồ Chí Minh sáng lập ra Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo... Hội nghị chủ trương thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa làm Quốc kỳ. Để đoàn kết toàn dân một cách rộng rãi, thực hiện chủ trương cứu nước do Hội nghị Trung ương lần thứ VIII nêu ra, trong Chương trình hành động, Việt Minh đã đề ra những chính sách cụ thể nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
|
Tàu Amiral Latouche Tréville.
|
Cùng với “Kính cáo đồng bào” của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) ngày 6.6.1941, những chính sách cụ thể, hợp lòng dân của Việt Minh đã quy tụ toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thắng lợi. Nhưng nhân dân Việt Nam giành được độc lập chưa bao lâu thì thù trong giặc ngoài câu kết với nhau đẩy nước lâm vào cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai. Đường lối kháng chiến đúng đắn của Hồ Chí Minh và của Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hòa bình được lập lại, nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm xác định rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là đế quốc Mỹ và vạch ra đường lối cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ; miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người nói lên niềm tin tất thắng ở sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Với lòng kính yêu và thương tiếc vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện nghiêm chỉnh Di chúc thiêng liêng của Người “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hòa bình, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
(*) Thơ Tố Hữu |