Những không gian cà phê Quy Nhơn
16:18', 10/1/ 2012 (GMT+7)

Vào Google gõ “cà phê Quy Nhơn” chỉ trong 0,02 giây đã cho ra đến 1.990.000 kết quả. Thói quen uống cà phê ở Quy Nhơn được biết đến như một đặc trưng của phố biển hiền, là một cách sống của người xứ Nẫu. Nhưng với nhiều người, trên cả nhu cầu đến quán để thư giãn, nhâm nhi ly cà phê là niềm vui hội ngộ, được đắm mình trong cảm giác được trở về. Mỗi người như có một không gian riêng…

 

Nhờ vị trí đẹp, có nhiều không gian trong nhà, ngoài sân và cả ở ban công, quán cà phê Khánh Mỹ được nhiều bạn trẻ chọn làm điểm hẹn. Ảnh: VĂN LƯU

 

Cà phê điểm hẹn

Quy Nhơn, những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước có quán cà phê Dung ở ngay ngã tư đường Lê Lợi - Phan Bội Châu.  Quán, mang tên của cô chủ quán, bài trí đơn giản, nhạc mở vừa đủ nghe. Quán cà phê- nơi hội ngộ của người trong giới cầm bút, nhạc sĩ, để gặp gỡ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi ấy đang học tại Quy Nhơn, từng nhận xét: “Quán đó hay lắm”. Nơi ấy, nhiều mối tình nảy nở, đơm hoa kết trái; cả những nỗi mất mát, chia ly. Thời ấy, quán cà phê ít và cũng ít người đi quán cà phê. Song, khách đến quán đều ăn mặc rất trang trọng, nam mang giày, vớ;  nữ mặc áo dài… Đó là một trong những quán cà phê - điểm hẹn đúng nghĩa của Quy Nhơn, nhà thơ Lê Văn Ngăn nhớ lại đầy nuối tiếc. Nhưng chủ quán ngày xưa đã bán nhà chuyển đi nơi khác từ lâu. Quán nay không còn nữa.

…Trong cái lạnh hao gầy xen lẫn những làn mưa rất nhẹ một ngày đầu tháng Chạp, tôi tìm đến quán cà phê - trường chim Hùng Kiệt ở số 198/11 đường Ngô Mây- một trong những nơi thường hay lui tới của những người thích chơi chim cảnh. “Hôm nay trời lạnh nên ít người đến hơn. Ngày nắng ấm, có lúc quán không còn chỗ để ngồi. Tôi mở quán phần vì thu nhập nhưng cũng muốn gom lại những người có thú vui mê chim cảnh như tôi”- anh Kiệt, chủ quán nói.

 

Không gian có chút cổ kính ở Cafe Hương Việt khiến người ta dễ chịu hơn. Quán này nổi tiếng với những cây cảnh bạc tỉ tuyệt đẹp. Mùa hè vừa rồi, cây linh sam nở rộ hoa tím (ảnh bên) thu hút rất nhiều du khách đến chụp ảnh lưu niệm.

 

Trời lạnh nhưng vẫn có khoảng 20 lồng chim được treo cao. Vài chục khách nhâm nhi cà phê, nghe chim hót líu lo. “Chim được đưa đến trường chim hót sẽ “sung” hơn, “đấu” bạo hơn ở nhà vì có nhiều đối thủ để cạnh tranh. Tôi mê chơi chim từ thời bé xíu, nay đã trên 40 vẫn thế… Đến đây có không khí bạn bè, dễ chịu lắm!” - anh Quang, lái xe taxi cho hãng taxi Mai Linh chia sẻ. Người mê chim cảnh ở Quy Nhơn thường lui tới các quán cà phê - trường chim như: Tiếng Chim (đường Trần Hưng Đạo), quán 333 Bạch Đằng, Hội quán (đường Tô Hiến Thành), quán số 09 đường Phùng Khắc Khoan.

Quy Nhơn không chỉ có cà phê - trường chim mà còn có cà phê - cờ tướng, cà phê - xe cổ, cà phê - nhà báo, cà phê - bất động sản, cà phê - học sinh… Vế sau là cách gọi vắn tắt của những người có đam mê hoặc có liên quan, dính líu đến công việc làm ăn, nghề nghiệp. Ở những nơi này, nhu cầu giải khát thành thứ yếu để nhường chỗ cho việc giao lưu, gặp gỡ của người cùng giới hay cùng đam mê, sở thích.

“Uống cà phê là chuyện nhỏ, cái chính là muốn tìm bạn chơi cờ. Có lúc tôi ngồi lỳ từ sáng đến chiều, không thể dứt mình ra khỏi ván cờ. Ngày nào không đi lại thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu thế nào…” - một khách đang chơi cờ tại quán Tượng Kỳ (đường Mai Xuân Thưởng) kể chuyện. Người chơi cờ tướng ở Quy Nhơn thường thích đến uống quán Tượng Kỳ (đường Mai Xuân Thưởng), quán Ngọc Châu (ngã tư đường Mai Xuân Thưởng - Tôn Đức Thắng). Người đam mê xe cổ lại hay hẹn nhau ở quán Nguyễn (đường Phạm Hùng) vào ngày cuối tuần. Riêng cánh phóng viên của các báo sáng sáng vẫn “giao ban” dưới tán cây xanh tại vỉa hè trước Café 80 Phạm Hùng, nghe ngóng đề tài, trao đổi hoặc cung cấp thông tin cho nhau.

 

Không gian thoáng đãng với những bụi tre xanh rì, giàn hoa tím buông mình trong gió ở quán 360 Bạch Đằng làm khách luôn thấy lòng yên bình, lắng đọng khi đến nơi này.

 

Trở về mái nhà xưa

Theo dòng thời gian, con người, sự vật, và dĩ nhiên không gian quán cà phê Quy Nhơn đã nhiều thay đổi. Khách đến quán chủ yếu là để thư giãn, hội ngộ bạn bè, người thân hoặc đơn thuần vì công việc, trao đổi làm ăn buôn bán. Trong muôn vàn quán cà phê hộp- máy lạnh hay cà phê vườn không gian thoáng đãng ấy, vẫn có những quán cà phê - điểm hẹn dành riêng cho một giới nào đó.

“Quán cà phê ở Quy Nhơn thì nhiều nhưng tiếc là ít quán có tuổi thọ bền lâu độ vài chục năm tuổi. Quán mở lên một vài năm thì không kinh doanh nữa, hoặc đổi chủ. Mà đổi chủ nghĩa thường là đổi cả phong cách. Một quán cà phê đúng nghĩa phải tồn tại đủ lâu để cho khách, dẫu đi xa trở về, đến quán cà phê cũ vẫn với tâm trạng như được trở về mái nhà xưa” - một khách sành uống và nghiện uống cà phê nói vậy.

Trở về - trong không gian quán, cảnh vật - con người, để cảm nhận sự đổi thay của chính mình và của xứ sở theo dòng thời gian, qua nhiều năm vật đổi sao dời - đúng là tâm trạng của khách khi trở lại quán xưa cũ một thời mình đã từng lui tới, nhất là khách xa quê lâu ngày. Vui vẻ, phấn chấn biết bao khi chủ quán vẫn nhớ mặt khách cũ, thậm chí cả “gu” uống cà phê của mình. Và hụt hẫng, xa lạ biết bao khi quán cũ nhưng đã là chủ khác, phong cách khác.

“Cũng chính vì lý do muốn cảm giác quen thuộc, gần gũi như ngày nào mà hơn chục năm qua, tôi vẫn giữ nguyên không gian quán, từ cách bố trí bàn ghế đến phong cách phục vụ. Có những cô cậu học trò học xong cấp ba, đại học, đi làm xa mỗi dịp Tết trở về chạy đến quán chào vợ chồng tôi như người thân trong gia đình. Quán này thường là điểm hẹn gặp đầu xuân của nhiều nhóm bạn, các diễn đàn vốn là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Quốc Học Quy Nhơn, ngày xưa thường đến thư viện học tập, nghiên cứu” - anh Hoàng Anh, chủ quán cà phê - kem Góc phố Dịu Dàng nằm phía sau lưng Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh, tự hào.

 

Đến quán uống cà phê là chuyện nhỏ, cái chính là tìm bạn cờ. Ngày nào không đến, lại thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ…

- Trong ảnh: Khách đang chơi cờ tại quán Ngọc Châu.

 

Không gian duy nhất và người duy nhất

Khi viết bài này, quán đầu tiên tôi định tới là quán cà phê nhỏ xíu của nhà thơ - folklore Hà Giao, ở gần ngay ngã tư Tăng Bạt Hổ - Trần Phú. Hơn chục năm nay, đây là nơi gặp gỡ, trao đổi của nhiều văn, nghệ sĩ trong tỉnh. Riêng anh, anh hay ngồi một góc ngắm anh em chơi – Thật sự là ngắm và vui. Quán của anh là một không gian – đáng gọi là không gian cà phê duy nhất của giới văn nghệ sĩ. Nhưng ngày tôi đến lại là lúc “anh Chín” vừa mất.

Nhận hung tin từ tôi, nhà thơ Lê Văn Ngăn bàng hoàng: “Anh ấy mất rồi ư?”. “Từ khi lui tới quán này, tôi không còn muốn đến quán nào khác nữa, nên đành về nhà pha cà phê uống một mình. Mà uống cà phê ở nhà một mình, thiếu người đàm đạo, thiếu không khí quán xá, thật chán. Chủ quán ấy nay đã mất rồi, không biết nay mai chỗ nào sẽ là điểm hẹn của anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh nhỉ?”. Đến mấy hôm sau ông Ngăn vẫn còn ngậm ngùi trong nét lơ ngơ đến tội.

Anh Ngăn nghiện cà phê thành…thần. Có người đã viết “riêng anh đã là một không gian riêng trong quán” – nhận xét này được nhiều người gật gù cho là tinh tế, chính xác. Đến quán, để nhìn cuộc đời cho mới hơn. Ngồi trong không gian của quán, cảm nhận người đến quán, nhìn dòng người lại qua, âu cũng là một cách sống lại lần thứ hai của những gì đang sống và đã sống. Với người tha hương, trở lại quê sau nhiều năm xa cách, ngồi trong quán cũ - người xưa, nhìn từng giọt cà phê tí tách rơi, ngắm dòng người mải miết đi, còn mình như đang lùi về quá khứ, cái cảm giác sống lại ấy còn mãnh liệt hơn nhiều.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm Thìn kể chuyện xương rồng  (10/01/2012)
“30 năm ấy, chân không nghỉ”(*)  (23/01/2011)
Năm mới, thắng lợi mới!  (23/01/2011)
Tạo sự chuyển biến chung trên toàn xã hội  (23/01/2011)
Tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn  (23/01/2011)
Những sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2010  (23/01/2011)
Để xanh lại những vườn dừa  (23/01/2011)
Khởi sắc & kỳ vọng  (23/01/2011)
Mở hướng, vươn tầm  (23/01/2011)
Tết này, điện sáng vùng cao  (23/01/2011)
Giống mới nảy mầm xuân  (23/01/2011)
Chuyển động vùng ven  (22/01/2011)
Mái ấm mùa xuân  (22/01/2011)
Vợ chồng một nông dân xây đền tưởng niệm Bác Hồ  (22/01/2011)
Mang niềm vui đến với người nghèo  (22/01/2011)