Đồng vọng
Nhớ một thời núi rừng thành trường Đại học *
chiếc ba lô rỗ vết bom thù đỡ bạn đến lớp bình yên
những cặp mắt cánh buồm biển biếc đồng xanh
con thuyền mong manh băng về phía chân trời mơ ước
Vách nhà thơm mùi rạ rơm đất sét
mùi sinh viên mùi nứa bua nồng nàn mái lợp
lớp học lòng đất dạy ta thêm yêu Tổ quốc
củ sắn củ khoai nhắc mình biết sống nghĩa nhân
Rét ngọt rét đài rét lộc rét Nàng Bân
chiếc áo phong phanh giữa ngày giá buốt
gió tri thức thổi bùng ngọn đuốc
ấm tình thầy cô trao pho sách làm người
Gặp biển rồi khát nguồn mạch tao nôi
dào dạt dòng sông ráng chiều mây trắng
suối Đôi trong veo mà mắt ai xa vắng
nghe tiếng cười viên cuội cũng rưng rưng
Nơi rừng cây đồng vọng thời gian
nghe nức nở gió xao đồi sim tím
Tràng Dương ơi người xanh tươi thánh thiện
tình yêu tôi mãi mãi xuân rằm.
Tràng Dương ngày về lại, 9-8-2010
(*) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: trong chiến tranh chống Mỹ, trường sơ tán ở rừng núi Tràng Dương, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Với hội Đống Đa
Trễ hẹn cùng hội Đống Đa
Bến Trường Trầu dỗi tôi qua vội vàng
Dẫu rằng lỡ chuyến đò ngang
Vẫn nghe trống trận rộn ràng giục chân
Ngàn năm sáng chói nghĩa nhân
Thiêng liêng lời hịch trước lần xuất chinh
Đánh cho đất nước thanh bình
Đánh cho dài tóc, cho xinh răng huyền*
Quân đi rầm rập trống chiêng
Tôi quên mình giữa hai miền thời gian
Bụi mù, vó ngựa ầm vang
Cờ đào xuân ấy đỏ sang xuân này
(*) Lời Dụ tướng sĩ của Nguyễn Huệ đọc trước khi tiến đánh quân Thanh: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng,… đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”
Hoa lá bên trời
Đoái nhìn cố quận bên sông
Chiều nhen bếp lửa ấm nồng mù sa
Nón nghiêng thấp thoáng vườn cà
Nụ tầm xuân có vượt qua bão bùng
Người đi còn giọt thủy chung
Để ai điệp khúc bi hùng khôn nguôi
Thuyền xuân buông mái chèo xuôi
Ngàn lau ngơ ngẩn chơi vơi đôi bờ
Nỗi niềm đá tảng dại khờ
Mặc mưa nắng dội vào thơ một đời
Anh về mềm hạt sương rơi
Chợt nghe hoa lá bên trời sang xuân.
Bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn trên đất Thăng Long
Tôi còn có một Tây Sơn
ngà voi móng ngựa rập rờn thảo nguyên
bóng me xà kiếm hổ quyền
guồng xa kéo vải dệt nên cẩm bào
Tôi còn bờ cõi anh hào
tung trời một lá cờ đào dọc ngang
binh thư tách trứng phượng hoàng
thiên triều lụy thế hoang mang quạ già
Tàn cơn rồng lửa Đống Đa
chút hương nghĩa sĩ cuộn hòa Thăng Long
ai kia báng bổ non sông
hồn Quy Nhơn sót lại trong giọng cười.
nghe khúc vu quy ở chân tháp Cánh Tiên *, nhớ Huyền Trân công chúa
Ngang qua tháp cổ
Gặp người vu quy
Xanh xanh cỏ dại
Chị từng qua đây
Bay theo kiệu cưới
Mây trời cố hương
Trai Chiêm gái Việt
Con nhà đế vương
Khúc vu quy ấy
Chị ơi màu gì
Nước non nghìn dặm
Một người ra đi
Hát cho ngăn cách
Tan trong nỗi buồn
Hát cho non nước
Muôn sau nối liền
Người con gái Việt
Mắt hiền như mưa
Ai cầm sen trắng
Trên tường tháp xưa...
* Tháp Cánh Tiên ở Thành Đồ Bàn - nơi Huyền Trân công chúa về làm dâu.
Cuối năm
Cuối năm lại đến cuối năm
Ngày xuân dịp tết về thăm quê nhà
Khói hương tiên tổ ông bà
Nhớ hồi chợ tết tiếng gà cuối thôn.
Nhớ hoàng mai giọt sương tròn
Lung linh ánh mắt chập chờn đong đưa
Tứ thời lớp lớp nắng mưa
Đôi khi giáp tết xuân chưa kịp về.
Nhân sinh xuôi ngược bộn bề
Còn nguyên nỗi nhớ hương quê lặng thầm
Cội nguồn một chút tri ân
Bồi hồi như cũ những lần về quê.
Buổi tối bên bờ sông Châu Đốc
không thể quên cái buổi tối bên bờ sông Châu Đốc buổi tối dịu dàng buổi tối tỏa hương. không biết bởi sương giăng những hàng hoa điên điển bởi cách cảm người làm thơ hay bởi giọt cà phê nóng cứ chậm rãi rơi còn tôi thì miên định.
tôi đã đi thiên lý dọc quê hương một nghìn ba trăm tám mươi cây cầu và chừng ấy dòng sông sâu để được ngồi đây nghe hơi thở cha ông mình từ kinh Vĩnh Tế.
những bàn chân mở đất giấc ngủ ủ mùa trăng nay vẫn sáng muôn trùng xứ sở nghe âm âm vọng thuở ban đầu.
hôi hổi dáng ai bờ sông Châu Đốc mấy trăm năm ngồi đó với tim tôi lăng lắng chậm lục bình xuôi vịnh bể nghèn nghẹn trăng và đầm đẫm sương…
đã nhiều năm xa bờ sông Châu Đốc buổi tối dịu dàng buổi tối tỏa hương dòng sông vọng cuốn cuộc đời tôi.
Lời Mỵ Châu
Gả con cho Trọng Thủy là cha
Hẹn hò với Trọng Thủy cũng từ cha
Vì cha không nói với con người con yêu là giặc
Người yêu nào khi chia xa mà chẳng hẹn ngày gặp mặt
Nên những chiếc lông ngỗng kia mới khắc khoải ở dọc đường.
Con không trách cha trút giận một đường gươm
Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt
Kẻ đáng trách là thần Kim Quy
Đã tặng nỏ thần cho cha, sao không giúp cha cách gìn giữ nỏ
Lại bảo con là giặc ?!
Con hóa ngọc trắng trong mà oan nghiệt
Cha ơi, con không cần người đời khen, chê, xót xa, thương tiếc
Chỉ muốn là Mỵ Châu thuở trước
Mỵ Châu bé bỏng của cha
Mỵ Châu chưa gặp Trọng Thủy bao giờ!
Trong nghĩa trang liệt sĩ ngày mùng 1 Tết
tưởng nhớ anh Hai Hồng
Mỗi năm chỉ được đôi lần
những cây nhang ngùn ngụt cháy
một trăm ba mươi tám nấm đất
đồng loạt sáng lên trong ngày mùng một
những cây nhang chưa bao giờ thành đuốc
tôi lạy bốn nấm đất
một Phạm Văn Hồng
một Nguyễn Văn Sâm
một chưa biết tên
một vô danh như nghìn vô danh dọc bãi bờ đất nước
năm bảy hai anh Hồng mười chín tuổi
năm ấy anh Sâm ít hơn một tuổi
hai anh vô danh còn lại cũng từng ấy tuổi đầu
chưa biết yêu
chưa kịp hôn
chiếc hố bom đã thành chung huyệt mộ
bốn nấm đất giờ đã ra riêng
nhưng xương thịt các anh làm sao riêng được?
các anh tôi đã hóa đất đai Tổ quốc
không thể vô danh trên những liếp cỏ non này!
ngùn ngụt cháy trong ngày đầu năm
tôi thành cây nhang
rưng rức.
Đi tìm mùa xuân
Tôi đi suốt một mùa xuân
Tìm trong ký ức trong ngần tiếng chim
Vườn quê một thuở đôi mình
Đã rêu xanh một dáng hình thời gian
Tôi đi qua cuộc đông tàn
Mầm xuân vừa nhú nụ vàng cánh mai
Đường làng quên dấu chân ai
Lũy tre quên bóng đổ dài chiều xưa
Tôi đi cuối một cơn mưa
Mùa xuân lún phún lưa thưa ướt buồn
Có cơn gió ngược bên đường
Đưa tôi về với cội nguồn... tìm tôi!
|