Phố văn công là khu dân cư nằm cuối đường Nguyễn Thái Học, thuộc KV2, KV3 phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), nơi có trụ sở làm việc của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Đây cũng là chốn đi về ấm cúng của hàng chục gia đình nghệ sĩ, làm nên nét riêng của phố.
|
Rời khu văn công Mai Dịch Hà Nội trở về quê hương phát triển sự nghiệp tuồng, nửa cuộc đời còn lại của NSND Đình Bôi gắn bó với khu văn công.
|
Ký ức về phố
Phố văn công vốn là khu gia binh ngụy, sau giải phóng được quy hoạch thành “làng nghệ sĩ”, là nơi định cư của hàng trăm gia đình nghệ sĩ, cán bộ, giảng viên văn hóa – nghệ thuật của 4 đơn vị: Nhà hát tuồng Nghĩa Bình, Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình, Đoàn Dân ca Kịch Nghĩa Bình, Trường Nghiệp vụ văn hóa thông tin Nghĩa Bình (tiền thân của các đơn vị: Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Dân ca Bài chòi Bình Định, Đoàn ca múa nhạc Chim Yến và Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật).
Theo “phác thảo” của nghệ sĩ Hoàng Việt, ngày mới thành lập, khu văn công có 12 dãy nhà tập thể, mỗi dãy 10 phòng, mỗi phòng rộng 3,4m, dài không tới 10m. Đội quân của tuồng đông đảo nhất, ở 5 dãy, trường nghiệp vụ văn hóa 3 dãy, dân ca 2 dãy, ca múa nhạc 2 dãy. Còn độc thân, giới nào ở cùng giới ấy, mỗi phòng ở 5 - 6 người. Vợ chồng mới cưới chưa con cái được ở nửa phòng, thêm con cái được phân trọn 1 phòng. Ở nửa phòng trước, hưởng mặt tiền, thoáng đãng thì nửa sau được lợi khoản… công trình phụ. “Năm 1976, từ miền Bắc về Nhà hát, tôi ở cùng phòng tập thể với các nhạc công: Trọng Quế, Xuân May và bác Điều – nghệ nhân đàn Hồ. Cả khu phố thời đó chỉ có nhà cố NSND Võ Sĩ Thừa, cố NSƯT Dương Long Căn là có tivi”, nhạc sĩ Gia Thiện kể.
Láng giềng nghệ sĩ
Chiều cuối năm se se lạnh, giữa cái yên ả và sạch sẽ của xóm văn công, lão nghệ sĩ Đình Bôi và người bạn đời - nghệ sĩ Thanh Nồng - thong thả dạo bộ thể dục. Rời khu văn công Mai Dịch Hà Nội về Bình Định cùng nhiều nghệ sĩ tập kết khác, nửa cuộc đời còn lại của NSND Đình Bôi cập bến khu văn công này. Gõ gõ cây gậy xuống nền nhà, ông nói: “Căn nhà với diện tích 40m2 mà gia đình 3 thế hệ tôi đang ở là phòng hành chính của đoàn Chim Yến trước đây. Tôi mừng vì rời khỏi “làng nghệ sĩ” lớn bậc nhất cả nước ở Thủ đô, lại được sống quây quần giữa láng giềng nghệ sĩ nhỏ và ấm cúng ở “xóm râu hia” này. Mỗi ngày mấy bận dạo bộ trong khu văn công, dẫu nay đã khác, nhà cửa san sát, phố xá đông vui, tôi vẫn nhớ như in chỗ nào là bếp ăn tập thể, đâu là giếng nước, đâu là vườn rau…”, lão nghệ sĩ xúc động hồi tưởng.
Quy tụ hàng trăm người làm nghệ thuật cùng sinh sống, phố văn công hình thành một quan hệ cộng đồng đặc biệt: láng giềng nghệ sĩ. Sự thuận tiện về không gian, địa bàn cư trú ấy là điều kiện tuyệt vời để chủ đề “giao ban nghệ thuật” được bàn bạc, trao đổi, mổ xẻ mọi lúc mọi nơi. Công dân của phố này, có tác giả kịch bản, người chuyển thể, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công…, một “khu sản xuất” khép kín từ lúc ý tưởng về kịch bản phôi thai đến khi thành vở diễn trên sân khấu. “Trước khi tiến hành các khâu vỡ hoang lớp lang, chạy đường dây… trong quá trình dàn dựng một vở diễn, ngoài trao đổi chuyên môn ở cơ quan, anh em chúng tôi lại ngồi với nhau bất cứ lúc nào cần. Cốt làm sao để êkip thông tỏ mọi ý đồ nghệ thuật của nhau, hướng đến mục đích giá trị nghệ thuật của từng vở diễn”, đạo diễn – NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết.
Đất thắp lửa
Tháng 6.1976, Bộ Văn hóa cùng Ty Thông tin - Văn hóa Nghĩa Bình bàn giao Đoàn tuồng Liên khu V (ĐTLK V) về đứng chân tại Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt trở về, mang sứ mệnh thừa kế ĐTLK V. Trên quê mẹ, những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, tuồng Bình Định phát triển đỉnh cao khi có sự “hợp long” các dòng tài năng: đoàn chủ lực gồm các nghệ sĩ ĐTLK V hồi hương, đoàn diễn viên trẻ, hạt nhân phong trào tuồng không chuyên trong tỉnh và đoàn các nghệ nhân tuồng nổi tiếng của Bình Định thời bấy giờ. Kể từ dấu mốc ấy, các thế hệ nghệ sĩ tuồng hoạt động nghệ thuật say mê và miệt mài như con tằm nhả tơ lập kén, làm nên những dấu son rạng rỡ: liên tiếp 4 lần Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1985, 1990, 1995, 1999; 4 vở diễn: “Sao Khuê trời Việt”, “Sáng mãi niềm tin”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Trời Nam”, Nhà hát đều đạt HCV. Đoàn Ca kịch Bài chòi năm 2012 này tròn nửa thế kỷ ra đời, vun đắp nghệ thuật (1962-2012) cũng cho thấy sự phát triển vững chãi của một bộ môn nghệ thuật truyền thống với những thế hệ diễn viên tài năng.
Phố văn công - nơi hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ tài hoa. Họ sống, cống hiến cho nghề và truyền tình yêu nghệ thuật cho lớp sau tiếp bước.
***
Phố văn công ngày nay không còn là “lãnh thổ riêng” của nghệ sĩ, con số hàng trăm gia đình giờ chỉ còn vài chục. Nhưng bất cứ ai từng ở nơi này, đều tự hào: “trong đất có lửa”.
|